Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Phác thảo bộ quy tắc thông tin về tội phạm trên báo chí

Từ nhiều năm nay, thông tin tội phạm trên báo chí luôn chiếm tỷ lệ rất lớn và xuất hiện ở hầu khắp các ấn phẩm, các loại hình báo chí. Tuy nhiên, nhiều thông tin tội phạm đăng tải trên báo chí chưa được kiểm chứng, vi phạm quyền con người, quyền công dân…khiến dư luận bức xúc. Những tồn tại, hạn chế này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của đông đảo công chúng và đặc biệt là niềm tin của công chúng đối với báo chí

Đưa ra một bộ quy tắc khi thông tin tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật là điều cần thiết

Sự cần thiết xây dựng bộ quy tắc khi thông tin tội phạm

Thời gian qua, xuất hiện không ít trường hợp báo chí đưa thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, trích dẫn rầm rộ tạo thành “làn sóng” dư luận ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bị hại, song thông tin đính chính, thông tin xử lý sai phạm hay giải pháp bảo vệ, khôi phục quyền lợi của người bị hại lại bị xem nhẹ, không có cơ hội tạo thành “làn sóng” như thông tin sai sự thật ban đầu.

Một ví dụ điển hình liên quan đến vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Yên Bái vào tháng 8/2015, trong vụ án này, đối tượng Đặng Văn Hùng đã sát hại 4 người trong 1 gia đình tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Chị Nguyễn Thị Hán không phải là đồng phạm của Hùng, chị bị đối tượng Đặng Văn Hùng dùng súng khống chế, ép buộc phải cùng bỏ trốn vào rừng. T

rước khi được cơ quan công an cung cấp thông tin chính thống, nhiều tờ báo, kênh truyền hình dựa vào những thông tin bên lề thu thập được tại hiện trường đã liên tục đưa tin truy tìm nghi phạm gây án bỏ trốn trong đó có đầy đủ thông tin và hình ảnh của chị.

Khi đối tượng Hùng bị bắt giữ, hình ảnh của chị Hán cũng xuất hiện liên tục trên truyền hình, báo in, báo điện tử với tư thế rất phản cảm. Ngày 16/8/2015, chị Nguyễn Thị Hán được trả tự do vì không liên quan tới vụ án, báo chí cũng chỉ đưa tin đơn thuần không đính chính, xin lỗi vì đã sử dụng, đăng tải hình ảnh của chị như một nghi phạm gây án.

Thực tế hiện nay, nhiều thông tin tội phạm phản cảm, thiếu nhân văn, sa đà vào việc mô tả tỉ mỉ, vô cảm hành vi phạm tội, chạy theo lợi ích của một số cơ quan báo chí không vì mục tiêu phòng, chống tội phạm khiến không ít công chúng có những nhận thức tiêu cực, sai lệch về thực tế đời sống xã hội. Chính vì vậy, đưa ra một bộ quy tắc khi thông tin tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật là điều cần thiết. Trên cơ sở bộ quy tắc này, những người làm báo lấy đó làm căn cứ khi phản ánh thông tin tội phạm nhằm nâng cao sự ảnh hưởng của thông tin tội phạm trên báo chí đối với công chúng... Nhà báo Mã Diệu Cương, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho rằng: “Lâu nay chúng ta chỉ đưa ra quy ước mang tính tự phát kiểu như: nạn nhân trẻ em phải che mặt, người phạm tội phải che mặt… Có đài truyền hình bắt buộc phải che, có đài thì tùy phóng viên… Việc xây dựng một bộ quy tắc khi thông tin tội phạm trên báo chí là cần thiết để các cơ quan báo chí tham khảo”.

Nhà báo Nguyễn Đình Hải, Trung tâm Nội dung số, Đài THVN cho rằng: “Trước đây theo chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm, khi tòa chưa tuyên án, họ chưa có tội nên những trường hợp đấy phải che mặt. Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra một luồng dư luận: rõ ràng cơ quan điều tra đã chứng minh được tội phạm, bắt quả tang, tại sao lại phải che mặt, trong khi những cán bộ điều tra lại để lộ mặt. Chính vì vậy, cần có bộ quy tắc cụ thể để anh em biết và thực hiện. Ngoài ra, bộ quy tắc cũng giúp bộ phận giám sát hình ảnh, bộ phận thư kí biết và thực hiện”.

Qua nghiên cứu một số bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới, chúng tôi nhận thấy trong nhiều bản quy tắc, có những nguyên tắc, tiêu chuẩn chung có thể áp dụng hiệu quả khi thông tin tội phạm trên báo chí Việt Nam hiện nay. Đó là các nguyên tắc, tiêu chuẩn: tôn trọng sự thật, bảo đảm tính chính xác, trung thực; trách nhiệm xã hội của nhà báo trong việc truyền tải những vấn đề ảnh hưởng tích cực đến công chúng và môi trường xung quanh họ; bảo vệ quyền của trẻ em/vị thành niên và những người bị tổn thương; tôn trọng sự riêng tư và phẩm giá con người.

Đáng chú ý có đến 49 bản quy tắc quy định đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về vụ án, tội phạm… với những nội dung như: Khi tường thuật, thông tin về tội phạm trong các vụ án hình sự, nhà báo phải thận trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương, phụ nữ, trẻ em, nhân chứng hoặc nạn nhân của tội ác; Nhà báo không được đưa ra ý kiến, quan điểm hoặc buộc tội người khác nếu sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra hoặc tòa chưa đưa ra phán xét; Các tin tức phải phân biệt rõ ràng giữa nghi ngờ và bằng chứng xác thực; Nhà báo phải tôn trọng và duy trì nguyên tắc giả định vô tội, không dự đoán các phán quyết của tòa án cho đến khi có bằng chứng và phán quyết rõ ràng…

Tại Việt Nam, khi thông tin tội phạm, người làm báo phải chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Báo chí và nhiều quy định pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, về mặt nghề nghiệp các nhà báo, phóng viên phải chấp hành “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Quy định này có 10 điều chung nhất, các nhà báo có thể áp dụng trong nhiều môi trường, hoàn cảnh, sự việc… Điều 4 quy định: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”, quy định này có thể áp dụng khi người làm báo phản ánh thông tin tội phạm.

Liên quan đến thông tin tội phạm, trong “Quy tắc tác nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam” được ban hành từ năm 2012 có nội dung tác nghiệp khi thông tin về vụ án, tội phạm. Đó là: Chúng ta không sử dụng những từ mang tính chất kết tội nghi phạm như “hung thủ”, “tên tội phạm”, “kẻ thủ ác”... trước khi tòa án xét xử và đưa ra phán quyết chính thức và có hiệu lực. Không đưa ra phỏng đoán chủ quan về vụ án và hung thủ nếu không có những căn cứ thực sự chính xác, tránh làm nhiễu thông tin điều tra của cơ quan công an; Không đưa hình ảnh và nêu danh tính của gia đình, người thân người phạm tội trên truyền hình nếu chưa được sự đồng ý của họ; Không mô tả quá chi tiết về hiện trường vụ án, các kỹ năng gây án, tránh ảnh hưởng xấu tới người xem - nếu không có lý do chính đáng. Không quay cận cảnh nạn nhân, tránh những cảnh quá chi tiết tại hiện trường như vết máu, hung khí, xác chết tại hiện trường vụ án, trừ khi có lý do hợp lý”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực báo chí nói chung, truyền hình nói riêng có một số quy định, hướng dẫn cụ thể khi tác nghiệp, phản ánh về thông tin tội phạm. Ngay cả đối với kênh truyền hình chuyên biệt về an ninh trật tự là ANTV đến nay cũng chưa có những quy định, quy tắc, hướng dẫn cụ thể khi thông tin tội phạm. Đây là một khoảng trống cần thiết để các cơ quan báo chí nói chung, cơ quan báo chí thuộc khối hành pháp, tư pháp nghiên cứu thực tiễn để xây dựng những quy định, quy tắc khi thông tin tội phạm.

Phác thảo bộ quy tắc thông tin về tội phạm trên báo chí

Phác thảo Bộ quy tắc khi báo chí thông tin tội phạm

Từ thực tiễn báo chí Việt Nam hiện nay, qua nghiên cứu một số bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới, tham khảo ý kiến chuyên gia, một số lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo có uy tín, chúng tôi đề xuất đưa ra bộ quy tắc khi báo chí thông tin tội phạm. Bộ quy tắc này có giá trị đối với các cơ quan báo chí, người làm báo tham khảo, đối chiếu nhằm mang lại những ảnh hưởng tích cực của thông tin tội phạm đến đông đảo công chúng, cụ thể như sau:

Nhà báo, phóng viên (gọi chung là nhà báo) khi phản ánh thông tin tội phạm trên báo chí phải chấp hành quy định của pháp luật; đảm bảo quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự được quy định trong Hiến pháp; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác và phải tuân thủ các quy tắc và nội dung sau:

1. Khách quan, trung thực, không định kiến

Nhà báo phải đưa tin khách quan, trung thực; ưu tiên sử dụng hình ảnh, âm thanh chân thực tại hiện trường, nhằm bảo đảm độ chính xác của thông tin; không có thái độ căm ghét, thành kiến và phân biệt đối xử cũng như truyền bá sự phỉ báng, kích động, xúi giục hận thù, bất bình đẳng hoặc cố ý hủy hoại danh tiếng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nhà báo chỉ được phép gọi người khác là thủ phạm nếu người đó bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi phạm tội; khi bản thân người đó thú nhận và có những chứng cứ quan trọng xác định hành vi phạm tội của họ hoặc đại diện cơ quan điều tra, viện kiểm sát cung cấp thông tin về vụ việc cũng như hành vi phạm tội của người đó.

2. Nguyên tắc suy đoán vô tội

Nhà báo không được coi bất kỳ người nào là có tội cho đến khi hành vi phạm tội đó được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Nhà báo không đưa ra ý kiến, quan điểm về một trường hợp nào đó vẫn đang trong quá trình điều tra hoặc tòa án chưa đưa ra phán xét; không được dự đoán kết quả hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả của vụ án đó.

3. Tôn trọng tính nhân văn

Không đưa những thông tin mang tính tàn ác hoặc bạo lực về thể xác và tình dục; Cân nhắc cẩn thận quyền được biết thông tin của công chúng với quyền của nạn nhân và những người có liên quan.

Cân nhắc khi phỏng vấn những người đã gây ra tội ác, bạo lực trừ khi điều đó là cần thiết để công chúng nhìn nhận vấn đề đúng đắn và khách quan. Khi thông tin những hành vi phạm tội tránh mô tả chi tiết về hiện trường vụ án, cách thức thực hiện có thể khiến người khác bắt chước.

Khi đưa tin các tội ác (đặc biệt là các tội ác mang tính bạo lực hay xâm hại tình dục) liên quan đến sự mất mát, đau thương hoặc gây nên những chấn động về tâm lý thì phải chú ý đến nỗi đau của nạn nhân và cảm xúc người thân của họ.

4. Đưa tin về nghi phạm

Nhà báo không tiết lộ thông tin những người bị tình nghi khi họ chưa bị kết tội hay bị bắt. Không sử dụng những từ mang tính chất kết tội nghi phạm như “hung thủ”,“tên tội phạm”, “kẻ thủ ác”... trước khi tòa án xét xử và đưa ra phán quyết chính thức và có hiệu lực. Không đưa ra phỏng đoán chủ quan về vụ án và nghi phạm nếu không có những căn cứ thực sự chính xác, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an.

Không đăng tải trực diện hình ảnh nghi phạm và đưa tên tuổi, địa chỉ của họ trong quá trình vụ án đang được điều tra. Không đề cập tiền án, tiền sự của những người bị tình nghi, người bị bắt, bị can, bị cáo hoặc những người bị kết án nếu những thông tin đó không liên quan đến tội mà người đó bị tình nghi, buộc tội hoặc kết án.

5. Đưa tin về quá trình điều tra

Nhà báo có quyền thông tin cho công chúng về việc cơ quan công an bắt giữ các nghi phạm. Tuy nhiên, báo chí không nên công bố danh tính nghi phạm cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố hoặc chính thức cung cấp thông tin về hành vi phạm tội của nghi phạm hoặc chỉ làm việc này nếu vì lợi ích của công chúng.

Có ý thức giữ bí mật hình ảnh của các điều tra viên, tránh làm lộ danh tính và hình ảnh của họ.

6. Đưa tin về phiên tòa

Nhà báo được phép thông tin cho công chúng về việc xét xử những người bị cáo buộc phạm tội. Quá trình đưa tin, nhà báo cần trình bày quan điểm của hai bên, quan điểm của luật sư đối với bên nguyên và bên bị trong các vụ án hình sự một cách công bằng. Nhà báo phải tôn trọng và duy trì nguyên tắc giả định vô tội, không dự đoán các phán quyết của tòa án cho đến khi có bằng chứng và phán quyết rõ ràng.

7. Nạn nhân của tội phạm

Nhà báo phải thận trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến nhân chứng hoặc nạn nhân của tội phạm. Dù trực tiếp hoặc gián tiếp, không được tiết lộ danh tính của nạn nhân trong các vụ án cũng như công bố các tư liệu có thể xác định danh tính của họ, đặc biệt nếu nạn nhân là trẻ em/vị thành niên, phụ nữ hoặc nạn nhân trong các vụ án tình dục (trừ khi nạn nhân đồng ý hoặc pháp luật cho phép làm điều đó).

Trong trường hợp thu thập tin tức có liên quan đến nỗi đau buồn hoặc sự tổn thương nạn nhân, các câu hỏi và phương pháp tiếp cận phải được thực hiện với sự cảm thông, thận trọng, việc công bố cần được xử lý một cách tinh tế.

Báo chí không nên đăng tải hồi ức của người phạm tội vì có thể làm nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng và việc miêu tả chi tiết lại tội ác có thể làm công chúng bị kích động.

Nhà báo không được coi bất kỳ người nào là có tội cho đến khi hành vi phạm tội đó được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật

8. Thân nhân của người phạm tội

Nhà báo không được nêu tên người thân và bạn bè của người bị tình nghi, người bị bắt, bị can, bị cáo hoặc những người bị kết án nếu không có sự đồng ý của họ, trừ khi họ liên quan đến vụ án hoặc đây là những dữ liệu cần thiết để thông tin được toàn diện và công bằng.

9. Đưa tin về trẻ em

Khi đưa tin liên quan đến trẻ em, nhà báo phải cẩn thận và có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền của trẻ em/vị thành niên bao gồm việc tránh tiết lộ và công bố danh tính, hình ảnh của trẻ em (cho dù là nạn nhân, nhân chứng hay bị can, bị cáo) có liên quan đến các hành vi phạm tội. Cân nhắc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để xóa mờ hình ảnh trẻ em trong các sản phẩm báo chí khi đăng tải, phát sóng.

10. Tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc

Nếu báo chí đã đưa tin về một vụ phạm tội nào đó, nên tiếp tục theo dõi để đưa tin về các diễn biến của vụ việc ở các giai đoạn tiếp theo và công bố phán quyết cuối cùng của toà án về vụ việc.

Trong xã hội, nghề báo mang tính đặc thù, mỗi thông tin trên báo chí đều có ảnh hưởng nhất định tới dư luận xã hội. Nếu thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến một nhóm cộng đồng hoặc cá nhân.

Để hướng tới mục đích chung là phục vụ công chúng mang lại cho công chúng những tin tức trung thực nhất, các tổ chức, quốc gia, vùng lãnh thổ, cơ quan báo chí… đã xây dựng những quy định, quy tắc tác nghiệp, đạo đức nghề báo... Những quy định, quy tắc này không phải áp dụng trong mọi tình huống mà nó có ý nghĩa như sự hướng dẫn hoặc khuyến khích nhà báo tìm tòi để có hành động đúng đắn, công bằng, trung thực và nhân đạo, ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Song song với những quy định, quy tắc khi thông tin báo chí nói chung, mỗi cơ quan báo chí nên có những quy định, quy tắc nội bộ khi thông tin tội phạm nhằm định hướng cho người dân có hiểu biết đúng hơn, cặn kẽ hơn về phòng chống tội phạm, đồng thời giúp họ trong việc điều chỉnh hành vi, tuân thủ pháp luật./.

NCS. Nguyễn Đăng Khang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.