Nữ phóng viên của những phóng sự “nổi sóng”
16:36 02/03/2017
- Báo chí & Công chúng

Phóng viên Nguyễn Ngân phỏng vấn trên nhà giàn DK1. Nguồn: vtv.vn
Nhiệm vụ khó khả thi tại Malaysia
Và chương trình “MH 370 - Hành trình chưa kết thúc” thực hiện trong chuyến công tác sang Malaysia là một “nhiệm vụ khó khả thi”. Sau khi lên sóng VTV đặc biệt vào tháng 3/2016, bộ phim đã chạm đến trái tim hàng triệu khán giả, được bình chọn là một trong những chương trình tin tức xuất sắc nhất Giải thưởng Phát thanh Truyền hình Châu Á - 2016. Đây là thành quả và niềm vinh dự dành cho Ngân cùng đoàn làm phim trong cuộc đời làm nghề.
Ngân chia sẻ, đó là một chuyến đi khiến cô lo lắng. Hai tháng trước ngày lên đường, Ngân hầu như chẳng có chút thông tin nào. Dù trước đó, Ngân nỗ lực kết nối với các phóng viên Việt Nam đang thường trú tại Trung Quốc, Singapore, Australia - những quốc gia có công dân đi chuyến bay MH 370, nhưng rất khó thuyết phục các gia đình nhận lời phỏng vấn. Họ không cộng tác và không ai muốn gợi lại nỗi đau trong suốt một năm qua. Trong khi nội dung phim cần nhiều câu chuyện về ký ức và đời sống hiện tại từ các nhân vật.
Đêm ngày tìm kiếm thông tin trên Facebook, trước giờ lên đường cô chỉ có duy nhất một đầu mối thông tin từ một gia đình người Trung Quốc. Vậy nhưng cả nhóm vẫn quyết tâm xách ba lô lên và bay sang nước bạn. Nhờ đồng nghiệp Đài Truyền hình Malaysia hỗ trợ, Ngân và đoàn làm phim đã may mắn được tác nghiệp ngay trong lễ tưởng niệm 1 năm ngày chiếc máy bay gặp nạn. Từ đây, Ngân gặp nhiều gia đình khác nữa.
Rất nhiều ký ức sống lại trong nước mắt: những tấm ảnh, email trò chuyện, tin nhắn điện thoại, dòng chia sẻ hẹn gặp trên Internet của người thân các nạn nhân. “Trong đó có tin của con gái gửi cha mẹ, vợ nhắn nhủ chồng, hay lời yêu thương ngọt ngào từ một vị hôn phu đang trên đường về nhà chuẩn bị cho đám cưới... Hành trình tìm kiếm MH 370 vẫn tiếp diễn và đối với gia đình các nạn nhân, dường như người thân của họ vẫn đang trong một chuyến đi xa chưa trở về” - Nguyễn Ngân xúc động nói.
Sau chuyến đi, Ngân cảm nhận sâu sắc hơn về nghề báo: khi phóng viên tiếp xúc với nhân vật bằng sự sẻ chia, hòa cảm mà không đơn thuần chỉ là thu thập thông tin thì ai cũng sẽ chào đón ủng hộ. Ngân về nước vào ngày 28 Tết âm lịch. Chương trình lên sóng đúng dự kiến, điều mà cả Phòng Chào buổi sáng đều không nghĩ có thể thực hiện được.
Tôi cảm nhận tình người trong bão lũ...
Đó là khi xâm nhập vào bãi khai thác vàng trái phép ở Lào Cai, dù năm ấy kinh nghiệm tác chiến của cô chưa dày dặn như bây giờ, bù lại tinh thần thì hăm hở lắm. Đi vào nơi nguy hiểm mà “đùng đùng đoàng đoàng, em vẫn đi...”- giống như Kim Đồng trong kháng chiến chống Pháp. Cho đến bây giờ, hiếm khi Ngân nhắc tới và cũng không dám xem lại phóng sự này. “Không hiểu vì sao lúc ấy tôi và êkip quay phim lại liều thế, vào tận sâu thực địa, để rồi đã may mắn trở ra an toàn” - Nguyễn Ngân nhớ lại.
Kể về những lần lên vùng cao làm chương trình Tết, Ngân yêu thích cái cách bà con các dân tộc ở Hà Giang đón năm mới đầy màu sắc. Đó là tục “ăn trộm” của dân tộc Lô Lô, tục “đón giọng gà” của người Pu Péo, tục vỗ Mông của người Mông... Đặc biệt là Tết của người Mông có nhiều điểm khác biệt, bà con đón Tết vào ngày 30/11 âm lịch (trước Tết cổ truyền của người Kinh một tháng). Họ sửa sang thay mới bàn thờ và làm bánh giầy thay vì bánh chưng. Vào dịp này, thời tiết ở đây thường rất lạnh.
Ngân nhớ chuyến công tác lên cao nguyên đá Đồng Văn ghi lại không khí đón Tết vùng cao. Đường đồi núi vất vả cộng với thời tiết khắc nghiệt xuống 1 - 2 độ, đã có lúc xe ôtô của đoàn không thể khởi động tưởng phải quay về. “Dù mặc đủ áo rét chúng tôi vẫn bị lạnh thấu xương nhưng bù lại tối đến được quây quần bên lễ hội “nhảy lửa”, được múa hát, uống rượu cần vui xuân cùng với người dân. Chúng tôi ai nấy đều phấn chấn như được tiếp thêm năng lượng để sớm ngày mai tiếp tục lên đường đến với những thôn bản khác xa xôi hơn và có thể còn vất vả, rét lạnh hơn nữa.
Con đường độc đạo dẫn vào 2 xã Phương Điền và Phương Mỹ - những xã nghèo thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, chìm sâu dưới nước lũ. Ngân mất hơn nửa ngày ngồi thuyền cùng lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường. Ban ngày, cô liên tục di chuyển theo sát bà con chạy lũ phỏng vấn ghi hình, sau đó lại nhờ thuyền cứu hộ đưa sang một xã khác có điện và Internet làm tin kịp truyền về Đài trong ngày. Tối muộn, cô ngồi ăn mì tôm, bánh mì và uống nước đóng chai cùng các chiến sĩ công an, bộ đội cứu hộ.
Chuyến công tác đem lại cho Ngân nhiều cảm xúc. Tại đây, cô gặp lại nhiều nhân vật trong các phóng sự của mình trước đó. Họ là đoàn bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, đoàn doanh nhân Sài Gòn hay các nhóm sinh viên tình nguyện..., tất cả đều góp công, góp của chung tay cứu trợ bà con vùng lũ. Chứng kiến các chiến sĩ công an, bộ đội ngày đêm vật lộn dầm mưa di dời cứu hộ tài sản của bà con, Ngân cảm nhận được sâu sắc nghĩa tình quân dân gắn bó. Trên đường trở ra Hà Nội, Ngân bắt gặp nhiều đoàn xe cứu trợ nối đuôi chạy dài từ Nghệ An vào Hà Tĩnh mang theo băng rôn, biểu ngữ sẻ chia với miền Trung thân yêu. Ngân xúc động: “Tình người trong bão lũ sao mà đẹp và thân thương thế”./.
Đỗ Hương
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Tạp chí Người Hà Nội: 40 năm khẳng định vị thế diễn đàn văn học nghệ thuật uy tín của thủ đô (10:12 08/05/2025)
- Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của các gương mặt trẻ tại giải thưởng “Bền đam mê” (09:43 02/04/2025)
- Hoa hậu môi trường thế giới Nguyễn Thanh Hà: Lan tỏa thông điệp xanh tại sự kiện “Triệu cây xanh vì môi trường quốc gia” (07:55 23/03/2025)
- Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc (05:54 06/12/2024)
- Tình trạng "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã giảm đáng kể (04:45 29/11/2024)