Nơi ươm mầm nguồn nhân lực cho nền báo chí nước nhà

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều biến động của thời cuộc, Khoa Phát thanh - Truyền hình vững vàng có nhiều đóng góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và đối với sự nghiệp giáo dục đại học và đào tạo báo chí của nước nhà nói riêng. Để thực hiện được sứ mệnh quan trọng đó, Khoa Phát thanh và Truyền hình đã, đang và tiếp tục không ngừng tìm tòi, đổi mới về phương thức lãnh đạo, cách thức dạy và học, không ngừng đặt mình trong bối cảnh môi trường 4.0 phát triển mạnh mẽ, xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Khoa Phát thanh và Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Chặng đường xây dựng và phát triển

Năm 1979, Khoa Phát thanh - Truyền hình thuộc trường Tuyên huấn Trung ương (Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay) chính thức thành lập với 6 giảng viên. Vượt qua những khó khăn nhiều mặt, nhất là về cơ sở vật chất và điều kiện thực hành, bắt đầu từ đây, Khoa đã khởi đầu việc đào tạo các nhà báo chuyên ngành Phát thanh và Truyền hình, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền báo chí cách mạng. Năm 1983, Khoa sáp nhập vào Khoa Báo chí.

Đến năm 2003, do những nhu cầu mới của thực tiễn, Khoa Phát thanh - Truyền hình được tái thành lập và phát triển đến hôm nay. Mặc dù, có những giai đoạn nhập, tách, nhưng hơn 40 năm qua, Khoa đã luôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo các chuyên ngành báo chí. Và hiện nay, khoa trở thành một đơn vị đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam với các chuyên ngành: Phát thanh, Truyền hình, Báo mạng điện tử và Quay phim Truyền hình.

Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, qua nhiều biến động của thời cuộc, Khoa Phát thanh - Truyền hình vững vàng phát triển, có những đóng góp to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung; đối với sự nghiệp giáo dục đại học và đào tạo báo chí của nước nhà nói riêng. Từ lúc ban đầu đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa chỉ có 6 người, đến nay (2022), khoa có 22 cán bộ, giảng viên, trong đó có 3 PGS, TS; 8 TS; 4 NCS và 7 thạc sỹ. Các thế hệ Thầy, Cô dù ở thời kỳ nào cũng đã luôn đoàn kết, kề vai sát cánh, cùng chèo lái thành công bao chuyến đò chở các thế hệ học trò qua sông.

Kể từ khóa đào tạo đầu tiên đến nay, Khoa Phát thanh - Truyền hình đã đào tạo được khoảng hơn 15.000 cử nhân hệ chính quy, cử nhân hệ tại chức, cử nhân văn bằng hai, thạc sĩ, tiến sĩ; trong đó, hiện nay Khoa tham gia đào tạo trung bình 1.100 - 1.200 sinh viên, học viên các hệ/năm. Sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Khoa Phát thanh - Truyền hình có năng lực làm việc ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau như: trong cơ quan Đảng, chính quyền các cấp; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy báo chí - truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu; phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim truyền hình, người dẫn chương trình... trong các cơ quan báo chí; chuyên viên trong các cơ quan quản lý, ban, ngành, đoàn thể; các bộ phận thông tin, truyền thông của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế, ngoại giao...

Nhiều cựu sinh viên Khoa Phát thanh - Truyền hình đã trở thành những nhà lãnh đạo uy tín trong các cơ quan báo chí - truyền thông từ trung ương đến địa phương; hoặc trở thành những giảng viên ưu tú, nhà nghiên cứu báo chí; những nhà báo có tâm, có tầm... với những giải thưởng báo chí danh giá trong và ngoài nước. Để phát triển mạnh mẽ, bền vững, khẳng định vị thế của Khoa, góp phần đóng góp tích cực trong sự nghiệp đào tạo báo chí nước nhà, mỗi cán bộ, giảng viên luôn xác định rõ nhiệm vụ cốt lõi là đào tạo, bồi dưỡng nên những nhà báo giỏi nghề, có tâm, đức với nghề, biết chia sẻ thương yêu, tôn trọng tập thể, đoàn kết cộng đồng, chủ động làm chủ vận mệnh của mình và quan tâm đến phát triển bền vững của xã hội.

Đổi mới phương pháp đào tạo trong giai đoạn mới

Một là, cán bộ, giảng viên luôn xác định đào tạo cần đặt trong quy hoạch tổng thể về báo chí. Tính đến 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo... Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể mình. Chất lượng một số sản phẩm báo chí chưa như mong đợi.

Để phát huy ưu điểm, thành tích mà báo chí Việt Nam đã đạt được, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, phát triển nền báo chí Việt Nam ngày càng vững mạnh, năm 2019, “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” đã ra đời và được đưa vào thực hiện. Mục tiêu của Quy hoạch này là sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền.

Để đáp ứng mục tiêu của Quy hoạch, việc kết hợp giữa nhà đào tạo và nơi sử dụng nguồn lực báo chí cần được dựa trên quy hoạch này, có như vậy mới đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo và sử dụng không bị lãng phí. Và để góp phần cụ thể hóa được điều này, Khoa luôn xác định cần liên tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí sắc sảo, tinh thông... để khi ra trường có thể bắt nhịp ngay được môi trường báo chí chuyên nghiệp, hiện đại nhưng cũng rất nhỏ gọn, đang cạnh tranh gay gắt với các loại hình truyền thông mới.

Hai là, cán bộ, giảng viên của khoa luôn xác định phải nắm chắc xu hướng báo chí truyền thông mới, đầu tư đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy. Sự chuyển mình của các phương tiện truyền thông truyền thống dưới sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã tạo ra những phương tiện và xu hướng báo chí, truyền thông mới. Đây là thử thách nhưng cũng là yêu cầu đối với đối với các cơ sở đào tạo báo chí, các giảng viên. Trên cơ sở nắm chắc thực tiễn, hiểu những xu hướng mới, mỗi cá nhân, tập thể của Khoa cũng đã chủ động có những bước cải thiện hợp lý để đảm bảo việc đào tạo phù hợp hiện đại. Dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí truyền thông ngày càng đa dạng. Những người làm công tác giảng dạy báo chí luôn mong muốn người học khi ra trường sẽ có đủ khả năng để thích ứng được với thực tiễn sôi động và phức tạp của ngành nghề này. Chương trình đào tạo hệ chuẩn có tích hợp, bổ sung những môn học, cùng những kiến thức cập nhật.

Ba là, đổi mới phương pháp dạy - học như: Truyền cảm hứng và lấy người học làm trung tâm. Để có được những nhà báo tương lai vững vàng về kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ, giảng viên báo chí Khoa Phát thanh và Truyền hình không ngừng học hỏi, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo về phương pháp giảng dạy. Mỗi thầy cô luôn thấm nhuần rằng, nhiệm vụ của người giảng viên không chỉ là chuyển tải kiến thức mà quan trọng hơn là biết cách truyền cho người học tình yêu, niềm tin và sự say mê, khát khao cháy bỏng với nghề, sẵn sàng vào cuộc và làm hết mình với công việc - hay nói cách khác, giảng viên cần truyền cảm hứng nghề nghiệp sau này cho các em. Để truyền được cảm hứng, mỗi giảng viên đã luôn xác định phải là người đam mê, hiểu sâu, kỹ về nghề nghiệp; luôn quan tâm đến người học; luôn là người nhiệt tình, tràn đầy năng lượng trong giao tiếp, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về nghề nghiệp...

Lấy người học làm trung tâm là quan điểm không phải hạ thấp vai trò của người thầy, đưa người thầy xuống trở thành người “quan sát”, “chứng kiến” hoạt động của người học (học sinh, sinh viên, học viên). Mô hình “Lớp học đảo ngược” được nghiên cứu ứng dụng trong những môn học phù hợp, đặc biệt là những môn chuyên ngành của Khoa. Các giảng viên của Khoa luôn xác định, với mô hình nào đi chăng nữa, và nhất là mô hình “Lớp học đảo ngược”, người thầy phải là người có khả năng tổ chức, điều khiển mọi hoạt động của người học, giúp người học học tập tốt nhất. Ở bất cứ thời kỳ nào vai trò của người thầy cũng luôn được đề cao, vì thế người ta mới tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Lối học này hình thành ở người học sự mạnh dạn, có tính cách, tự tin, biết cách học, biết cách làm, biết cách giao tiếp xã hội, biết cách khẳng định chân lí, tạo nên con người rất thực tế, thích hoạt động, dẫn đến sự năng động và sáng tạo trong tư duy, trong hoạt động cuộc sống. Và điều này cực kỳ cần thiết đối với nhà báo trong tương lai.

Gắn lý thuyết với thực hành, đặc biệt gia tăng thực hành: Báo chí là một ngành đặc biệt với những đặc thù trong sản phẩm đầu ra. Nghĩa là, có thể nắm được nguyên tắc trong tác nghiệp, với đầy đủ những kiến thức về thể loại, loại hình nhưng lại thiếu sự trải nghiệm, rèn luyện, trau dồi những kiến thức đó thì sản phẩm đầu ra cũng chỉ là những nhà báo “chất chứa” về lý luận - một nhà nghiên cứu về báo chí. Các giảng viên của khoa Phát thanh và Truyền hình xác định giúp sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên cần phải được cân đối hợp lý giữa lý thuyết và thực hành.

Để có được nguồn nhân lực đầu ra chất lượng, ngay trong nhà trường phải xây dựng thành những tòa soạn, những đài phát thanh, truyền hình thu nhỏ và sinh viên là những “nhà báo” trong các tòa soạn hay cơ quan báo chí đó. Hình thức này có thể dưới dạng các câu lạc bộ báo chí. Đối với sinh viên ngày nay, giảng đường không phải là không gian học tập duy nhất, giáo trình, tài liệu, sách vở cũng không phải là nguồn kiến thức duy nhất. Qua đó, khả năng tư duy, phát hiện vấn đề, xử lý tình huống và kỹ năng nghề của sinh viên từng bước được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, kết quả của những chuyến đi thực tế đó trở thành những tư liệu quý giá trong hành trang tri thức khoa học của các em sau này.

Nhìn lại thành tựu, hướng tới tương lai

Hiện nay, Khoa Phát thanh và Truyền hình có 4 câu lạc bộ nghiệp vụ, mỗi câu lạc bộ chuyên sâu một mảng nghiệp vụ: Câu lạc bộ truyền hình gọi tắt là STV (dành cho những sinh viên yêu thích làm những sản phẩm truyền hình), câu lạc bộ Sóng trẻ Phát thanh (dành cho sinh viên yêu thích phát thanh), Câu lạc bộ Sóng trẻ News viết tắt là Songtrenews (dành cho sinh viên yêu thích sáng tạo những tác phẩm dành cho báo mạng điện tử, những sản phẩm đa phương tiện), Câu lạc bộ Quay phim (dành cho các sinh viên yêu thích quay phim, làm những sản phẩm truyền hình, làm phim...). Các câu lạc bộ ngoài sản xuất những tác phẩm đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Fanpage... nhiều sản phẩm của các câu lạc bộ còn được đăng tải trên những trang tin điện tử, những kênh báo chí chính thống.

Để sinh viên, học viên có thể tham gia một cách hào hứng, hiệu quả, bên cạnh tạo không gian để các em chủ động tham gia các tòa soạn đó, Khoa đã xây dựng những quy định cụ thể “buộc” sinh viên, học viên phải tham gia vào việc viết tin bài gửi các câu lạc bộ, các “tòa soạn”... của đơn vị đào tạo. Điều này đã giúp cho các sinh viên tránh khỏi được tình trạng học chay với một vài bài tập nhỏ lẻ trên lớp mà sinh viên sẽ có được thực tiễn và không bị bỡ ngỡ khi ra trường.

Một là, vấn đề khai thác công nghệ vào giảng dạy, đào tạo. Ngày nay, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu. Giáo dục đào tạo công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong những năm gần đây và các trường đã đưa tin học vào giảng dạy, học tập, đây được xem như là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho đổi mới phương pháp dạy học ở các môn học. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho các sinh viên - các nhà báo tương lai rất nhiều trong học tập, nâng cao hứng thú và động lực học tập, tạo cơ hội tốt hơn để sinh viên tham gia và hợp tác cùng nhau, phát triển kỹ năng xã hội và con người; có thể giúp sinh viên không phải mất quá nhiều thời gian chép bài nhờ chức năng lưu và in ra tất cả những gì đã hiển thị trước đó; sinh viên cũng có thể xử lý và nắm bắt được nhiều thông tin thông qua bài giảng rõ ràng, hiệu quả và linh hoạt; giúp sinh viên, học viên trở nên sáng tạo và tự tin hơn khi thuyết trình trước lớp. Một số biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được giảng viên của khoa sử dụng đó là: Giảng dạy bằng bài giảng điện tử (giáo án điện tử e-Learning); Thiết bị điện tử là công cụ hỗ trợ đắc lực của giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học. Thông qua các thiết bị nghe, nhìn, việc dạy và học trở nên đơn giản và thú vị hơn rất nhiều.

Hai là, phối hợp chặt chẽ với cơ sở tuyển dụng để đào tạo phù hợp chuẩn tuyển dụng. Thực tế cho thấy, nhà tuyển dụng và nhà đào tạo luôn cần tới nhau, bởi đào tạo là để sử dụng và ngược lại muốn sử dụng được phải đào tạo. Điều này chẳng có gì mới, luôn luôn đúng trong mọi thời điểm, với mọi ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện nay với lĩnh vực báo chí, không ít trường hợp vẫn còn trong tình trạng mạnh ai người nấy làm. Nghĩa là người đào tạo cứ đào tạo, nhà tuyển dụng cứ tuyển dụng, sự dung hòa, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau chưa thật bài bản và chuyên nghiệp. Xác định thực tế này, Khoa Phát thanh và Truyền hình đã có nhiều cách chủ động trong đánh giá, rút kinh nghiệm về phương thức đào tạo của mình. Để đánh giá chính xác, khách quan, Khoa cũng đã tìm những kênh riêng, như gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo, phóng viên cơ quan tuyển dụng - nơi sử dụng nhà báo do Khoa đào tạo ra. Cùng với đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp, đội ngũ giảng viên mời là các nhà báo có kinh nghiệm cũng được Khoa Phát thanh và Truyền hình quan tâm mời vào giảng dạy, chia sẻ thực tiễn cho giảng viên và sinh viên.

Ba là, công tác nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên của Khoa. Ngoài những đổi mới nêu trên, cán bộ, giảng viên của Khoa Phát thanh và Truyền hình được tạo điều kiện để nghiên cứu khoa học (viết sách, viết bài báo khoa học, tham luận cấp quốc gia, quốc tế...). Hằng năm, chỉ tiêu nghiên cứu khoa học được đặt ra nghiêm ngặt với mỗi giảng viên, và coi đây là một thước đo quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Khoa Phát thanh và Truyền hình cũng tạo điều kiện về thời gian để giảng viên có thời gian tiếp thu tri thức, kinh nghiệm đào tạo, kinh nghiệm làm báo của nền báo chí hiện đại trên thế giới. Nhiều lượt giảng viên được học tập kinh nghiệm thông qua việc tham gia những khóa học nghiệp vụ ngắn hạn trong và ngoài nước để tiếp cận với những nhà báo, nhà giáo có kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí và đào tạo báo chí. Khoa đã có một số giảng viên được đi học tập tại các nước châu Âu, châu Úc...; được tham gia trực tiếp hay gián tiếp các hội thảo khoa học về giảng dạy, đào tạo báo chí thông qua hình thức online với các nhà báo của Mỹ, Singapore, Cộng hòa Áo...

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Phát thanh - Truyền hình và 60 năm thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền đầy tự hào, với sự dẫn dắt và định hướng của các thế hệ thầy, cô đi trước, cùng với sự tâm huyết và trí tuệ của các giảng viên, sinh viên của Khoa Phát thanh - Truyền hình hôm nay, Khoa tiếp tục quyết tâm xây dựng một Khoa Phát thanh - Truyền hình vững mạnh và đổi mới, luôn đồng hành và là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo báo chí, góp phần đào tạo những nhà báo cách mạng có tâm, có tầm, phục vụ sự nghiệp báo chí, sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước Việt Nam.

PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng - TS Đinh Thị Xuân Hòa

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top