Nhớ Bác Hồ với Báo Nhân Dân
16:22 25/07/2016
- Dọn vườn
Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), những người làm Báo Nhân Dân, những người đọc báo, và có lẽ tất cả những ai có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí Việt Nam đều nhớ đến Bác Hồ, người thầy của nền báo chí cách mạng nước ta, với nhiều điều Người để lại cho Báo Nhân Dân, cho độc giả của Báo Nhân Dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
1. Kể từ ngày báo Nhân Dân ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm trí, thời gian viết bài cho báo. Từ bài Phong trào mua công trái đăng trên số báo Nhân Dân đầu tiên ra ngày 11/3/1951, với bút danh C.B và hơn 30 bút danh khác, tiêu biểu như: V.K, A.G, T.L, L.T, K.C, Thu Giang, Ph.k.A, K.U, C.K, Trần Lực, Tuyết Lan, Trần Lam, Luật sư Th.Lam, Lê Thanh Long, CH…KCPP, Chiến sĩ, Thanh Lan, Nguyễn Kim, Lê Nông, La Lập, Nói thật, Chiến đấu, Việt Hồng... (trong đó bút danh C.B được dùng nhiều nhất), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 1.000 bài viết trên Báo Nhân Dân trong số khoảng 2.000 bài báo cho đến nay sưu tầm được trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người.
Trong cuốn “Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội 2005, Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 1.205 bài trên báo Nhân dân, trong đó có 706 bài ký bút danh CB. Những con số này hiện đã thay đổi.
Chủ đề các bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân rất rộng và phong phú. Qua các bài viết của Bác, người đọc có thể nắm bắt những vấn đề lớn như: đường lối cách mạng Việt Nam, xây dựng Đảng, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tình hình trong nước và quốc tế, những thành tựu của “phe” xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc... cho tới những điều cụ thể, chi tiết trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như: giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống lụt bão, tết trồng cây, những gương người tốt, việc tốt, những cách làm tốt, những việc đáng khen và cả những việc đáng chê trong thực hiện nếp sống mới, trong thực hành cần kiệm…
Theo chiều ngược lại, Bác Hồ sử dụng Báo Nhân Dân như một kênh quan trọng để nắm bắt và phản hồi với các thông tin đến từ thực tiễn. Với bút danh Chiến sĩ, trong mục Đáng khen và Đáng chê, Người thường đưa ra nhận xét rút ra từ những sự việc được đăng ở các báo địa phương. Với những gương người tốt, việc tốt được nêu trên báo, Bác Hồ ghi nhớ lại để thưởng huy hiệu. Người sử dụng bài đã đăng trên báo để cổ động cho những người tốt, việc tốt.
2. Về vai trò của Báo Nhân Dân và ý nghĩa của việc đọc Báo Nhân Dân, Bác Hồ có một bài viết riêng: Cần phải xem báo Đảng (ngày 24/6/1954). Người nhấn mạnh: “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần thiết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày, nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”. Người phê bình một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được một việc bình thường, có thể dàng làm hàng ngày nhưng quan trọng là phải đọc báo Đảng. Người chỉ rõ những cán bộ đó “hoặc vì văn hóa thấp, ngại đọc, lấy nê là công việc quá bận mà lơ là, sẵn có báo cũng chỉ đọc qua loa, không có thì thôi không tìm đọc”. Người còn viết: “Tuy bận nhiều việc, nhưng hằng ngày, Bác và các đồng chí ở Trung ương vẫn dành thì giờ đọc sách, báo”.
Hằng ngày, Báo Nhân Dân được đưa tới Bác Hồ sớm nhất. Người đọc ngay sau khi bắt đầu làm việc buổi sáng - xem trước trang 1 và trang 4, sau đó xem trang 2 và trang 3. Người có thói quen dùng bút chì màu đánh dấu vào những bài, những đoạn đáng chú ý, cần đọc lại. Người cũng thường có những nhận xét, góp ý về tranh, ảnh, bài viết đăng trên Báo Nhân Dân. Những từ ngữ chưa chuẩn xác được Bác đánh dấu để góp ý sửa chữa: Báo Nhân Dân số ra ngày 14/6/1961 đăng tin: Hội đồng Chính phủ quyết định điều chỉnh giá bán lẻ một số hàng công nghiệp. Bác gạch chữ “điều chỉnh” và thay bằng chữ “giảm”. Trong mục Trên đất nước anh em, Báo Nhân Dân số ra ngày 18/3/1963 có bài Triều Tiên được mùa lớn trong tình hình lụt nặng, Bác gạch dưới ba chữ “trong tình hình” và sửa thành hai chữ “mặc dù” v.v.. Đọc lại những bài nói, bài viết của Bác Hồ đăng Báo Nhân Dân, chúng ta cảm nhận được sự chân thực, trong sáng, giản dị nhưng rất độc đáo trong cách trình bày để nội dung dù khó đến mấy cũng trở nên dễ hiểu với người đọc - không cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, hóm hỉnh, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đó chính là văn phong đặc sắc của nhà báo lớn Hồ Chí Minh.
Bài báo cuối cùng của Bác Hồ viết cho Báo Nhân Dân, cũng là bài báo cuối cùng trong sự nghiệp viết báo của Người, là bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên và nhi đồng (đăng Báo Nhân Dân số 5526, ngày 1/6/1969). Đây là một ngẫu nhiên lịch sử mang đậm ý nghĩa. Trước khi đi xa, Bác để lại vô vàn tình thương yêu cho các cháu và xác định trách nhiệm cho mọi người, mọi ngành chăm sóc, giáo dục thế hệ cách mạng cho đời sau. Báo Nhân Dân được vinh dự đăng tải bài báo cuối cùng chứa đựng tâm nguyện đó của Người./.
Trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951 – 11/3/2016), Trung tâm Thông tin Báo Nhân Dân đã sưu tầm, biên soạn và phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản bộ sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân gồm 3 tập. Tập 1 (1951 - 1954) đã ra mắt trong nửa cuối tháng 3/2016 với 360 bài báo của Bác Hồ, trong đó có tới 130 bài mới sưu tập được và công bố lần đầu tiên. Hai tập còn lại sẽ tiếp tục ra mắt độc giả trong thời gian sắp tới. Đây là một bộ sưu tập tư liệu quý, không chỉ với những người nghiên cứu Hồ Chí Minh, những người làm báo, cán bộ đảng viên mà còn với đông đảo bạn đọc nói chung./. |
Ngô Vương Anh
©Tạp chí Người Làm Báo số 388 - Tháng 6/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Tin giả và sức “đề kháng” của người làm báo trong đại dịch Covid -19 (10:52 11/10/2021)
- Lạm dụng từ lóng, lợi bất cập hại (10:15 25/03/2019)
- Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác (10:05 25/05/2017)
- Xe mô hình, cống xả thải và hiện tượng “tin dỏm” (11:29 21/03/2017)
- Truyền thông và giới showbiz (11:05 21/03/2017)