Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Nghề báo phải học tập, rèn luyện suốt đời

22:42 19/07/2016 - Góc nhìn
Quan điểm của Bác Hồ “Báo chí là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ” không bao giờ cũ và luôn nóng hổi... Vì thế, một nhà báo giỏi phải là một nhà báo vừa có đức vừa có tài, đức là gốc nhưng tài có ý nghĩa quyết định. Có tài không có đức thì dễ dẫn tới sai lầm nguy hại. Có đức không có tài thì không thể có được những bài báo hay. Đức và tài không tự nhiên mà có, không phải do bẩm sinh mà là kết quả của sự trau dồi, rèn luyện, kết hợp trong quá trình đào tạo (ở các trường, lớp) và tự đào tạo mà tự đào tạo, tự rèn luyện là cơ bản nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh: TL

Người làm báo ngừng học coi như đứng lại

Cách đây đã hơn 30 năm, chúng tôi vẫn mãi không quên câu chuyện của nhà báo Quang Đạm kể: “Đối với chúng tôi ở Báo Nhân dân cũng như anh em các báo, tạp chí khác, được Bác nhắc nhở rất nhiều. Có lần Bác gọi chúng tôi tới, giao một loạt bài báo, ký tên dưới bài là Tuyết Lan. Nhân tiện Bác hỏi: Tình hình các cô, các chú thế nào? Bác hỏi rất tỉ mỉ về sức khỏe và đời sống của người làm báo, cuối cùng bác hỏi lương như thế nào? Người có lương trung bình, người có lương ít nhất, nhiều nhất bao nhiêu? Chúng tôi báo cáo thành thật với Bác. Bác bảo: “Lương như thế là được rồi đấy, gần bằng lương Bác rồi, không chênh lệch lắm đâu. Bây giờ Bác lo cho các cô, các chú là cái học”.

Lần nào đến thăm Báo Nhân dân, Bác cũng nói đến việc làm và việc học tập. Bác bảo: “Người làm báo mà ngừng học lúc nào là coi như đứng lại. Tất cả cán bộ các cấp, các ngành đều phải học nhưng cán bộ làm báo càng phải học nhiều hơn, học bền và chăm hơn”. Bác kể chuyện về việc học như thế nào của Bác từ ngày Bác rời đất nước ra đi. Đặc biệt là việc Bác học tập và rèn luyện để viết báo bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Thái Lan... Bác nói sự nghiệp trồng người trong vườn cây báo chí của chúng ta thật quan trọng vô cùng. Người làm báo có tốt, có thực sự là người có tri thức, là người chiến sĩ tiên phong thì tờ báo mới thành ngọn cờ của cách mạng, mới góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc được (1)

Bài học về thực tế cuộc sống

Làm việc ở Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nên chúng tôi có điều kiện được gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên với cố nhà báo Hữu Thọ, từ khi ông còn là phóng viên, biên tập viên Ban Nông nghiệp Báo Nhân dân rồi làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho tới khi về hưu. Chúng tôi vẫn mời ông tham gia chấm Giải Báo chí Quốc gia, Hội thảo về nghiệp vụ báo chí... Hồi tôi mới ở Thông tấn xã Việt Nam chuyển sang làm Tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam, trong một buổi nói chuyện vui, ông bảo: “Các cậu sung sướng hơn chúng tớ rất nhiều. Các cậu vào làm báo, được học nghề nghiệp đàng hoàng ở Trường Tuyên huấn Trung ương, chứ như chúng tớ có được học hành gì đâu, phải tự học rất quyết liệt. Anh Hà Đăng, anh Phan Quang và nhiều nhà báo khác cùng trang lứa cũng vậy, đều theo lớp học ban đêm. Ngày phải đi làm kiếm ăn, đêm mới được đi học. Tài liệu báo chí cũng không có gì mấy. Nhưng chúng tớ vẫn quyết tâm học tập, học hỏi. Học cấp trên, học đồng nghiệp, học trong sách báo, trong thực tế cuộc sống để bồi bổ tri thức cho mình”.

Nói rồi ông kể câu chuyện vui: Có lần được cùng ngồi xe tháp tùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về kiểm tra nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Trên xe, Đại tướng hỏi ông: “Chiều qua cậu xem bóng đá giữa hai đội Thể Công và Than Quảng Ninh cậu thấy thế nào?” Không cần suy nghĩ nhiều, ông thật thà thưa: “Em thấy tuy đội Quảng Ninh thua nhưng họ đá quá đẹp, lối chơi lại tài hoa nữa, chạy dắt bóng cứ như lướt trên sân cỏ...”. Nghe vậy, Đại tướng liền bảo: “Cậu dốt lắm, bóng đá ăn nhau là ở hiệu suất bàn thắng bàn thua chứ có phải văn công đâu mà đá đẹp với chả đá hay”. Nghe Đại tướng chê vậy, tôi ớ người ra, hơi hổ thẹn, nhưng được một bài học nhớ đời để mãi sau này biết thêm về “lý luận” bóng đá. Lại một lần khác, cũng ngồi trên xe cùng Đại tướng đi thị sát tình hình nông nghiệp ở Phú Thọ. Đại tướng nói về ẩm thực, trong đó có nói đến món chè đậu xanh nấu với thịt lợn ở Huế, ngon hết ý. Nghe đến đây, tôi buột miệng, tỏ ra hiểu biết: “Làm sao một thứ thanh tao như đậu xanh, đường, lại có thể nấu với thịt lợn, nhục dục như thế được”. Đại tướng lại chê: “Cậu vẫn dốt lắm. Vấn đề là ở chỗ cách người ta nấu mà ngon được mới hay chứ. Không tin, có dịp cậu cứ đi ăn mà xem, mới thấy được cái thực tế thông minh và tài hoa của dân mình”. Nghe nói vậy, tôi vẫn ấm ức, nhớ ghi và chờ để được ăn món đó xem sao, hay là họ bịa? Vì thế, ngày giải phóng, tôi vào bằng được thành phố Huế, đến thẳng chợ Đông Ba, lùng món chè thịt ăn thử, quả ngon thiệt. Vừa ăn vừa nhớ thương người Đại tướng tài ba đã mãi mãi ra đi, không được thấy niềm vui ngày giải phóng đất nước hôm nay. Nhưng Đại tướng đã cho tôi bài học về thực tế cuộc sống. Có cái mình chưa biết thì đừng vội phủ nhận...”

Rèn luyện và rèn luyện nhiều hơn nữa

Cũng như cố nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Hà Đăng là một cây viết tài hoa, đức độ. Ông nhiều lần đoạt giải thưởng báo chí toàn quốc, trong đó có hai lần đoạt giải nhất Giải báo chí viết về “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh và công tác xây dựng Đảng”. Ông có nhiều bài viết nổi tiếng về lý luận, về Nghị quyết của Đảng, về đổi mới đất nước như: “Đổi mới bắt đầu từ đâu?”, “Nền tảng tư tưởng của Đảng”... được bạn đọc mến mộ. Trả lời câu hỏi: “Ông đánh giá thế nào về lớp nhà báo trẻ hiện nay và có lời khuyên gì với họ?”, ông nói: “Khuyên thì không dám, nhưng tôi mong các bạn trẻ đừng có tự ti. Cũng đừng có được vài bài báo hay đã cho rằng cái gì mình cũng hiểu, coi thường thiên hạ và đồng nghiệp. Đừng mắc bệnh “ngôi sao”. Hãy rèn luyện và rèn luyện nhiều nữa đi”(2)

Tấm gương tự học tập và rèn luyện của Bác Hồ và của một số nhà báo đi trước, cho chúng ta nhiều suy nghĩ về việc tự học tập, rèn luyện của người làm báo. Đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Người làm báo mà ngừng học lúc nào là coi như đứng lại. Tất cả cán bộ các cấp các ngành đều phải học, nhưng người làm báo càng phải học nhiều hơn, bền hơn, chăm hơn... Có như vậy thì tờ báo mới thành ngọn cờ cách mạng”, mới góp phần đắc lực vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Tài Nguyên
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

---

(1) Bác Hồ phê bình báo dịp tết, Tạp chí Lý luận Chính trị & Truyền thông.
(2) Hà Đăng, Ngày xuân nghĩ về nghề báo, Tạp chí Người Làm Báo số tháng 1- 2/2016.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top