Hà Nội một mảnh hồn xưa
15:20 20/02/2017
- Văn hóa xã hội
Hà Nội ngày nay đẹp, hoành tráng nhìn từ mọi góc độ dù khó tránh những chuyện chưa hài lòng và Hà Nội đang cố tiến gần hơn nữa hiện đại, văn minh.
Ở đời có những sự việc trùng khớp hoàn toàn ngẫu nhiên mà sau ngẫm ngợi, ta lại thấy như thể có sự an bài nào đó. Tôi đi dự lễ trao Giải thưởng cuộc thi ảnh báo chí các nước ASEAN do ta đăng cai tổ chức tại Hà Nội trở về, tay cầm tập sách mỏng in làm Kỷ yếu cuộc thi, thấy trên bàn làm việc có tập ảnh khổ lớn do nhà sử học Dương Trung Quốc vừa gửi tặng: “Hà Nội một thời”, tuyển tập ảnh của nhà ngoại giao Anh John Ramsden.
Tập kỷ yếu hầu hết là ảnh màu, in vội khổ nhỏ, một số hình loè loẹt chất lượng kém hẳn các bản gốc bày ở hội trường cho Hội đồng chung khảo cuộc thi bình chọn và khách mời xem, chủ đề toàn chuyện hôm nay. Tập sau dày đến 165 trang khổ lớn, toàn ảnh đen trắng chọn từ 1.700 bức của tác giả John Ramsden, nguyên phó đại sứ Anh tại Hà Nội chụp những năm 1980-1982, do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Sách Nhã Nam phối hợp ấn hành.
Tôi lật sách nhìn qua trong lúc vội và đang mệt sau buổi họp kéo dài mà vẫn cảm thấy bị cuốn hút bởi những hình ảnh chân thực được ghi lại trong nhiều khoảnh khắc khác nhau, vào một thời cách đây mới mấy chục năm mà dường như xa xôi lắm, hồi đất nước ta lâm vào suy thoái kinh tế sau chiến tranh, lại phải dốc sức cho hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc.
Sáng hôm sau, thức dậy sớm do thói quen người cao tuổi, trong yên bình thành phố trước lúc rạng đông, tôi mở tập ảnh xem đi nhìn lại, thẫn thờ xúc động như gặp lại nhiều người bạn thân yêu một thời nào đó - không, nói mình gặp mình mới thật đúng hơn.
Sách có “Lời tựa” và các chú giải ảnh công phu của nhà sử học Dương Trung Quốc người sinh ra tại Hà Nội, “Lời giới thiệu” của tác giả, một thiên hồi ức có giá trị văn học, “Lời bạt” của nhà khoa học Andrew Hardy, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam, cùng hai hoài niệm của hai tác giả Việt Nam: “Ký ức tuổi thơ tôi” của Vũ Thị Minh Hương, và “Hà Nội - một thập niên dứt tiếng bom” của Phạm Tường Vân.
Vẫn theo thói quen, sau mỗi lần xem được cuốn sách thú vị, tôi hạ bút mấy dòng “đọc sách”, không quan tâm bài viết của mình rồi sẽ gửi đăng báo, in sách hay đơn giản hơn, xếp vào mớ tư liệu "hầm bà làng" trong góc tủ, dù biết trước mình không có gì nhiều để nói thêm ngoài những lời, những ảnh đã có trong sách.
Đây là những tấm ảnh của một nhà nhiếp ảnh không chuyên chụp ảnh cho đỡ buồn, chụp vì lòng yêu thích một đất nước xa lạ đang bươn chải thoát nghèo, chụp để tự giải tỏa, bởi đến cả cuộc sống của các nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thời ấy cũng có phần gò bó cả về tinh thần lẫn vật chất, muốn mua một ít hàng tiêu dùng phù hợp thị hiếu những người giàu đến từ các nước phương tây, phải đều đều đáp máy bay sang Bangkok mua hàng tiếp tế.
Ngoài những tấm ảnh chụp cuộc sống Hà Nội ở phố phường và ven đô là chính, còn có phần ít hơn, được bấm máy vào nhiều thời điểm khác tại làng quê Bắc bộ, đô thành Nam bộ và vùng rừng núi. Sau nhiệm kỳ công tác hai năm rưỡi tại Việt Nam, John Ramsden rời Hà Nội về London rồi đi làm việc tại nhiều nước khác với tư cách một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng như lời ông viết: “Tôi nhớ Việt Nam: nó đã ăn vào máu thịt tôi”. Thì ra đất nước Việt Nam mình là vậy: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn. (Chế Lan Viên). Đâu chỉ có nhà thơ người Việt cảm nhận và nói thay mọi người Việt Nam, không ít người nước ngoài có điều kiện sống một thời gian tại nước ta có cùng chung ấn tượng.
Rời Hà Nội trở về London, rồi do yêu cầu nghề nghiệp, ông chu du “khắp bốn phương trời” trong suốt 30 năm, mãi tới tuổi nghỉ hưu mới có dịp quay lại Việt Nam. May sao 30 năm trước, giã từ Hà Nội về London, ông có mang theo hơn 1.700 tấm phim, và về nước có in ra một số cho bạn bè xem.
Hành trình của những tấm ảnh vừa ra mắt bạn đọc tại tập sách “Hà Nội một thời”, ngủ yên ở đáy ngăn kéo tủ gia đình người chụp ảnh, sau ba thập niên nhờ có với sự tiếp sức của kiều bào ta tại Anh, một số tấm chọn lọc trong số gần hai ngàn bức ảnh ấy được mang ra trưng bày tại London rồi hai lần sau đó tại Hà Nội, và bây giờ in thành tập sách chất lượng cao, tuyệt đối không màu mè mà tràn trề cảm hứng, hành trình ấy đã được dẫn giải rõ ràng tại “Lời tựa” và “Lời giới thiệu”. Tôi chỉ còn có mỗi một việc: chăm chú nhìn, lắng nghe và ghi lại tâm sự các tấm ảnh thốt lên với mình.
Ảnh trong sách của John Ramsden
Muốn nói về Hà Nội mấy mươi năm trước bằng ngôn ngữ ảnh, thì như một sự đương nhiên, không thể thiếu cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn với các cô gái mặc áo trắng, đầu đội nón cổ truyền, mớ tóc kẹp buông lửng sau lưng; phố Hàng Ngang chật cứng người đi bộ; bà già mặc áo nâu đội nón rách, lưng hơi khòm dưới cái đòn gánh nặng hai đầu là hai cái thúng sâu chất đầy khoai lang củ đi ngang qua trước một ngôi nhà cổ phố đặc trưng kiến trúc Hà Nội một thời.
Phố Tô Tịch với mấy bác thợ tiện lụi cụi cưa khúc gỗ ngay trên lòng đường phố phía sát vỉa hè; những công nhân vẻ mặt mệt nhọc kẻ đứng người ngồi cạnh những bịch thóc to đùng trước xưởng xay gạo phố Đào Duy Từ, mà bức tường ngoài đã long hết vôi vữa, phô những viên gạch xương xẩu bên trong; cảnh hai bà già ngồi sau mấy cái thúng đựng đầy những tệp lá trầu không và buồng cau trĩu quả ven cổng chợ Đồng Xuân; mấy cô bán nón đội chiếc nón trắng trên đầu, trước mặt là những chồng nón mới tinh kiên nhẫn đợi chờ khách mua ngày càng thưa thớt; và cô gái bán cá tươi, cá vừa được vớt lên từ cái thùng tôn đựng nước bên cạnh, phô những bộ vảy trắng hếu đầy vun hai cái mẹt; những người lao động xì xụp húp các bát bún riêu nóng; bà cụ già đeo đôi kính lão chăm chú kéo sợi chỉ thô khâu “tái chế” các bao tải cũ, chiếc kéo sắt đen xì thản nhiên nằm chờ đợi trên chồng bao trước mặt bà...
“Cuộc sống bươn chải” (tiêu đề một phần trong tập ảnh) của người dân nghèo Hà Nội thời bao cấp, với những toa tàu điện và những chiếc xe khách xập xệ chật cứng người chen lấn, bấu víu từ bên trong đến các bậc cấp lên xuống ở cửa xe, những chiếc xe đạp dựng bên chân cột điện...
Ngay tại con phố sang trọng nhất Hà Nội là Tràng Tiền, trên cái nền xa xa đằng sau hiện lên bóng dáng trang nghiêm Nhà hát lớn thành phố, vẫn nghênh ngang chiếc xe chở đầy tre nứa, xe vốn làm cho trâu bò kéo nhưng chắc tại cái bảng cấm súc vật vào phố, chiếc xe nặng và kềnh càng được hai bà phụ nữ đứng tuổi chân đi đất, đầu vấn khăn, áo nâu quần xẫm, các ống quần xắn cao gần đến bẹn khòm lưng kéo, trong khi hai bên xe là hai người đàn ông cũng chân đất, đầu đội mũ nhà binh, mình mặc áo bộ đội cũ nghiêng mình cố sức phụ đẩy...
Lẽ dĩ nhiên còn có những mặt khác vui hơn của cuộc sống Hà Nội hồi bấy giờ: Tưng bừng phố đào, quất Hàng Lược dịp Tết cổ truyền; bà đồng đặt khung ảnh thờ Cụ Hồ lên nơi cao nhất trên bàn thờ tổ; đền Quán Thánh nườm nượp khách du; cảnh ba em bé học sinh khôi ngô, hai tay đút túi quần, tươi cười ngó thẳng vào ống kính ông Tây đang “chụp ảnh chúng mình”.
Cạnh ảnh một em bé khác gầy còm mình trần quần cộc đứng bên bờ ao hớn hở dơ cao khoe với bác phó nhòm người ngoại quốc con chạch khá to chú vừa câu được - chú bé này 30 năm sau, khi tuổi ngoại bốn mươi đã đến xem cuộc triển lãm của John Ramsden bày tại thủ đô Hà Nội, và bạn bè anh nhận ngay ra chú bé còi trong ảnh đích thị thằng này hồi ấy.
Rồi những ngôi đền Voi Phục, đền Bạch Mã bề ngoài có phần tàn tạ do Nhà nước và người dân không có tiền tu bổ, vẫn cổ kính mang căn cốt hồn Việt; cảnh sương mù bàng bạc Hội chùa Hương Tích Hà Đông, mờ ảo núi rừng Tây Bắc dưới làn mây sớm và tưng bừng Hội pháo làng làng Đồng Kỵ Bắc Ninh vào dịp đầu xuân; cảnh người đàn ông kéo vó bên bờ ao và người đàn bà lội giữa đầm nước sâu ngập gần đến nửa người, cần mẫn đẩy chiếc thuyền nan nhỏ chở cá tôm vùng Phát Diệm Ninh Bình; những chiếc thuyền cắm sào yên tĩnh nghỉ trên Sông Đà Tây Bắc; tốp trẻ em học sinh vùng cao tỉnh Hòa Bình cổ mang khăn quàng đỏ trên đường đến trường học; và cửa hàng uốn tóc trước chợ Bến Thành; và mấy nhà sư khất thực trân trọng ôm cái ang đồng sát ngực chen lách qua cái hẽm chật chội trong một khu phố nghèo nào đó của Sài Gòn - Gia Định…
Những gì không thể thâu tóm qua khoảnh khắc bấm máy, nhà nhiếp ảnh John Ramsden kể lại với gia đình qua những bức thư gửi về nhà, mà một số đoạn tác giả chia sẻ với bạn đọc hôm nay cho thấy ông quả sớm cảm nhận dáng dấp hồn Việt. Ông hứng khởi ngày giáp Tết âm lịch cổ truyền, khi nhiều phố cổ Hà Nội biến thành chợ bán đào, quất, đồ chơi và hoa giấy, người mua kẻ bán mang theo những cánh đào nhìn tựa rừng hoa di động.
Thị trường thực phẩm tấp nập so với ngày thường. Có thể nghe tiếng lợn bị chọc tiết đâu đó. Đến giờ Giao thừa, hàng ngàn quả pháo được châm ngòi quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau đó người Hà Nội bắt đầu cầu an, cúng gia tiên và đi thăm họ hàng…
Ông lại tới một ngôi đền nhỏ của một bà đồng ông từng chụp ảnh. Bà cùng các con gái đứng trên bục trong khi một người đàn ông cao tuổi ngồi bên cạnh chơi một thứ nhạc cụ giống như ghi ta. Bà đồng mặc áo choàng lụa, trên còn phủ thêm một loạt các áo dài lụa khác màu nữa...
Bà nhảy múa và hú hét có vẻ như đang xuất thần, trong lúc những người khác đánh chiêng, đốt pháo. Bà đồng dâng tất cả lễ vật lên bàn thờ - tiền, hoa quả, rượu - rồi chia lộc cho mọi người đến dự. “Tôi được bà ban hẳn cho ba đồng!” - nhà ngoại giao châu Âu thích thú.
Ô hay! Tôi vừa kể lể như phải chăng muốn làm mục lục cuốn sách ảnh giúp nhà xuất bản? Không, tôi đã ngập chìm vào bên trong những tấm ảnh làm nên những lát cắt chân thực của thời gian. Tôi đã gặp lại tuổi trung niên của mình, sống lại một thời bao cấp thật lắm nhiêu khê, mà lớp trẻ ngày nay nghe kể lại nếu không phá ra cười thì cũng trố mắt: sao kỳ cục vậy? Tuy nhiên, đằng sau lắm thứ nhiêu khê ấy hiển hiện cái đẹp của tình người.
Sáng sớm tinh mơ, chị công nhân xách cái làn rách chạy ra cửa hàng mậu dịch bán thịt, đặt xuống xí chỗ, lật đật chạy về đánh thức đứa con nhỏ dậy, ép con ăn sáng để nó kịp tự đi đến trường, rồi chạy trở lại hàng thịt lúc này đông khách vào cầm cái làn rách của mình lên đưa mẩu tem phiếu mua lạng thịt lợn bầy nhầy mỡ nhiều nạc ít, trước khi ngồi lên chiếc xe cọc cạch ráng đạp thật nhanh để vào nhà máy kịp trước giờ anh bảo vệ đóng chịt cổng ra vào.
Những người khách mua thịt sáng nay đến chậm chân hơn sẽ bình thản xếp hàng trật tự sau những cái làn rách, đôi dép cũ và hòn gạch bẩn kia, bởi ai cũng thầm hiểu những đồ vật vô hồn ấy mỗi cái đại diện cho một con người, một đồng nghiệp, một hàng xóm thậm chí ai đó ta không quen nhưng tất cả đều là người, là bạn bè hàng phố, là bà con, đồng bào ta cả.
Ngày nay, chúng ta nhìn chung giàu có hơn nhiều, chẳng thiếu nhà cao cửa rộng, dù chưa bằng ai ít nhất cũng hơn hẳn những năm tháng ấy, nhưng tấm lòng người quý trọng người “thời bao cấp” nay còn lại được bao nhiêu? Tôi cảm nhận mình giống hệt người đàn bà Hà Nội đến xem ảnh tại phòng trưng bày ảnh, mà tác giả John Ramsden kể tại “Lời giới thiệu”: “Vào buổi chiều cuối cùng, có một phụ nữ lớn tuổi tới xem triển lãm. Bà mặc áo trắng quần đen truyền thống và áo trắng.
Ở bà toát ra một vẻ vừa buồn bã vừa mạnh mẽ. Bà chậm rãi xem từ bức ảnh này tới bức ảnh khác, nhìn thật kỹ rồi lại nhìn ra xa, như thể chìm vào ký ức của chính mình. Tôi quan sát bà nhìn xuống và trân trân nhìn một lúc lâu vào tường. Khi triển lãm chính thức đóng cửa, bà mới rời đi” – ông viết.
Nhà Việt Nam học người nước ngoài rất am hiểu Việt Nam là Andrew Hardy kín đáo: “Còn có một lý do nữa làm cho những ai chưa từng trải qua thời đó ngạc nhiên hơn là hoài niệm. Sự hoài niệm để tiếc nuối một thành phố mang dáng dấp thôn quê. Hà Nội một thời của cánh cò bay, của tiếng ve râm ran và của tôm cá trong hồ. Hoài niệm để phản ứng lại những cái giá của công cuộc phát triển và toàn cầu hóa: giao thông đông đúc, không khí ô nhiễm, các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt sự hoài niệm này chính là sự lưu luyến khi người ta nhận ra xã hội của những năm 1980 mang trong mình nó một tâm hồn riêng. Không phải vì ai cũng tốt. Mà trái lại, vì không ai quá đề cao tham vọng của bản thân”.
Tác giả John Ramsden
Biết làm sao bây giờ! Cuộc sống phải đi lên! - tôi tự an ủi. Một thực tế hiển nhiên là nước Việt Nam ta ngày nay phát triển hơn nhiều, tăng trưởng vượt bậc so với 40 năm về trước. Hà Nội ngày nay là một thành phố đẹp, hoành tráng nhìn từ mọi góc độ dù khó tránh những chuyện chưa hài lòng, và Hà Nội đang cố tiến gần hơn nữa hiện đại, văn minh. Ngẫm đến cùng, trên đời, có cái được nào không phải trả giá bằng những cái phải mất đi để có cái được. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta chớ có tự mình làm cho cái giá mình phải trả cao quá, cao một cách bất thường so với giá trị tự thân của nó.
Trở lại với ý của tác giả, nhà ngoại giao chuyên nghiệp và nghệ sĩ nhiếp ảnh không chuyên John Ramsden: “Tôi hoàn toàn không muốn tô hồng một thời gian khó. Cuộc sống ngày nay tốt đẹp hơn nhiều. Không ai muốn quay ngược kim đồng hồ. Nhưng ngoài những gian khổ và khó khăn, vẫn tồn tại ở đó một sự giản dị, một nét nên thơ phảng phất bâng khuâng một “hồn cốt” khó quên.
Tôi rời Việt Nam với rất nhiều kính trọng dành cho những người mà cuộc sống của họ được ghi lại trong những tấm ảnh này: Thế hệ đã chiến đấu qua chiến tranh, chịu đựng gian khó của thời kỳ sau đó, và đặt nền móng cho sự hiện đại mà con cháu họ đang tận hưởng hiện giờ”.
Tạm gấp tập sách ảnh lại - mà tôi tin chắc bẫm năm mươi năm sau, một trăm năm sau, những tấm ảnh này sẽ trở thành báu vật trong kho tàng di sản văn hóa nước ta - tôi trở lại bâng khuâng mình lại hỏi mình: Dường như không ít người nước ngoài sinh trưởng trong những nền văn minh khác, quan điểm chính trị - xã hội của họ khác hẳn ta, vậy mà họ nhìn nước Việt Nam sáng tỏ hơn, đúng thực chất hơn không ít người Việt Nam ta hôm nay./.
Phan Quang/VOV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Herbalife Việt Nam đồng hành cùng VTV3 khép lại mùa thứ hai “Sinh viên thế hệ mới” thành công (03:16 21/11/2024)
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)