Đừng “dùng vải thưa che mắt thánh”
17:33 29/11/2016
- Lý luận thực tiễn
Do áp lực đưa tin, tường thuật, do phóng viên không tiếp
cận được hiện trường, một số báo đã dùng lại những bức
ảnh cũ để “minh họa” cho các thông tin lũ lụt. Nhờ công
chúng truyền thông, những bức ảnh đã sử dụng đó không
“che được mắt thánh”
Liệu vải thưa có thể che được mắt thánh công chúng truyền thông?
Những bức minh họa... phản chủ
Giữa tháng 10 vừa qua, mưa lũ đỉnh điểm đã khiến nhiều tỉnh miền Trung ngập sâu trên diện rộng, hàng trăm nghìn ngôi nhà của dân cũng như một số cơ quan, công sở, trường học bị tốc mái, sập và chìm trong biển nước; nhiều tuyến giao thông bị hư hại, sạt lở; nhiều tàu hàng và tàu cá bị chìm; thiệt hại về người và của khó thể thống kê đầy đủ...
Trong những ngày bão lũ diễn ra, các cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin nhiều mặt liên quan đang chật vật chống chọi với thiên tai của bà con vùng lũ. Tuy nhiên, có một số nhà báo đã vô tình hay cố ý lấy lại những bức ảnh đã rất cũ để minh họa cho bài viết. Thực tế ấy, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cách làm báo tắc trách của một bộ phận không nhỏ người cầm bút.
Bức ảnh một người phụ nữ ngồi trên nóc mái nhà tranh với ánh mắt thẫn thờ đã được một tờ báo lớn dùng minh họa cho bài viết “Những hình ảnh nhói lòng trong lũ dữ miền Trung” đã bị cộng đồng mạng nhanh chóng phát hiện là ảnh cũ, cách nay 3 năm. Có một bạn bình luận châm biếm: “Ba năm trước chị cũng leo nóc nhà, ba năm sau vẫn tư thế ấy”. Một ý kiến khác nhại lại tít bài báo để phê bình: “Ngồi thế này hẳn 3 năm thì nhói lòng là phải rồi”.
Thậm chí, có bạn còn làm thơ vui:
"Chị ngồi trên nóc 4 năm rồi
Lạnh không, đói không vậy chị ơi?
Mỗi lần lũ lụt em lên mạng
Chị lại leo lên nóc nhà ngồi”.
Một bức ảnh khác chụp cảnh người dân khiêng quan tài trong lũ dưới cơn mưa lớn. Nước lũ ngập gần nửa quan tài trông rất đau lòng. Bức ảnh này cũng được một tờ báo khai thác lại và sau đó cộng đồng mạng chia sẻ nhanh đến chóng mặt với hàng trăm ngàn lượt, kèm theo những lời bình luận chua xót và ác ý. Thực tế, đây là bức ảnh được cắt ra từ một cảnh trong một phóng sự về lũ lụt của VTV tại Quảng Bình năm 2013.
Nhờ công chúng truyền thông phát hiện kịp thời, những bức ảnh đó đã được gỡ ra khỏi các trang báo trực tuyến. Nhưng dù có thể gỡ ra khỏi các trang báo mạng, những bức ảnh thật mà giả ấy cũng lan truyền trên môi trường truyền thông xã hội, thậm chí được một số website nước ngoài khai thác lại và đến nay, khó có thể đo lường được hết tác hại của các truyền thông thiếu trách nhiệm như thế.
Không thể tự tiện dùng ảnh một cách tắc trách
Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay, các công cụ xử lý ảnh, tìm hiểu thông tin về bức ảnh có rất nhiều, tại sao các cơ quan báo chí không khai thác để phải dùng những bức ảnh “fake” như vậy?
Nhiều biên tập viên hiện nay đều dùng phần mềm hoặc các công cụ online để phát hiện các thông tin về ảnh, trong đó, có thông tin chỉnh sửa cắt ghép. Các công cụ online sẽ phát hiện cực nhanh và đó là bằng chứng khá chắc chắn.
Photoshop cũng giúp chúng ta đọc các thông số bức ảnh: chụp khi nào, chụp bằng máy gì, hệ màu ra sao, thậm chí tọa độ vệ tinh nơi bức ảnh được chụp. Photoshop cũng giúp chúng ta đọc các pixel theo bộ lọc RGB (đỏ, xanh lá, xanh dương). Mỗi pixel dữ liệu thô sẽ có một trong ba màu này. Dữ liệu thiếu bị lấp đầy bằng vi xử lý hoặc phần mềm dịch dữ liệu thô từ máy ảnh ra, để làm điều này, cứ lấy các giá trị của pixel gần nhất. Như vậy, một bức ảnh nếu không có dấu hiệu “tự động lấp đầy” thì rõ ràng bức ảnh đó đã được can thiệp bằng cách khác “phi tự nhiên”.
Có nhiều phần mềm hoặc trang web phân tích ảnh miễn phí như vậy. Ví dụ JPEGsnoop. Các phần mềm này đều có khả năng “đọc” bức ảnh trong tích tắc và cho ra “bằng chứng” nhưng để hiểu các thông số các bạn cần tra cứu thêm trên mạng. JPEGsnoop là một ứng dụng miễn phí có thể giúp bạn phân tích chi tiết và phát hiện xem hình ảnh đã được chỉnh sửa hay là bản gốc. Ngoài ra, JPEGsnoop có thể giúp bạn phát hiện các cài đặt khác nhau đã được sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số khi chụp ảnh (siêu dữ liệu, EXIF, IPTC).
Còn một công cụ khác, rất phổ biến và rất dễ là sử dụng Google (chế độ hình ảnh). Tại ô tìm kiếm, có biểu tượng cái máy ảnh, bạn bấm vào đó và tải bức ảnh mình nghi ngờ lên, chỉ trong vài giây, Google sẽ tìm được ảnh tương tự. Có khi trong đó có ảnh gốc của bức ảnh đã bị photoshop
Có những sản phẩm công nghệ quá nổi tiếng và tiện dụng đến nỗi tên riêng của nó trở thành một động từ. Google và Photoshop là những trường hợp tiêu biểu. Ngày nay, trên thế giới, khi dùng động từ “photoshop”, ai cũng biết đó là chuyện chỉnh sửa, xử lý ảnh. Một bức ảnh đã bị/được chỉnh sửa, làm thế nào có thể phát hiện? Nhu cầu phát hiện ảnh đã bị xử lý hiện đang đặt ra khi thực trạng giả mạo thông tin qua ảnh ngày càng nhiều. Bức ảnh làm giả là bức ảnh bị can thiệp làm sai sự thật như thay đổi chủ thể, phông nền và các thông tin khác so với ảnh gốc. |
Phú Trang
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)