Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới

Sách, báo đã được Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng làm công cụ tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng cách mạng để đấu tranh với kẻ thù. Công tác xuất bản luôn nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.

Đứng trước những đổi thay của hoàn cảnh đất nước và thế giới, Đảng ta tiếp tục đưa ra định hướng để hoạt động xuất bản có những bước đi phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với xuất bản sách dịch, mọi định hướng đều được lồng ghép trong sự nghiệp chung của ngành xuất bản với những nội dung thể hiện rõ quan điểm chính trị đối với hoạt động này. Sách dịch hiện nay đang là mảng sách thu hút được sự chú ý của độc giả, tỉ trọng trong cơ cấu xuất bản sách cao, số lượng bản sách tăng đều đặn hàng năm. Do đặc trưng tự thân của sách dịch nên trong bản thảo dịch tồn tại nhiều yếu tố văn hóa, chính trị ngoại lai, do vậy phải hết sức tỉnh táo để tránh việc tuyên truyền, quảng bá các quan điểm chính trị, lối sống văn hóa dị biệt quá lớn với bạn đọc trong nước. Chính vì vậy, cần chú trọng công tác này như một mặt trận để bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa của Đảng.

1. Các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với xuất bản và xuất bản sách dịch

Chỉ thị số 63-CT/TW ngày 25/7/1990 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và được coi là văn kiện quan trọng đầu tiên nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí, xuất bản.

Chỉ thị 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản.

Chỉ thị 22 CT/TW ngày 17/10/1997 của Bộ Chính trị khóa VIII Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản, xác định các quan điểm và định hướng lớn tăng cường thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Các chỉ thị đều gộp cả hai lĩnh vực báo chí và xuất bản, nội dung vẫn dành cho báo chí phần nhiều, vì vậy chưa thật sự làm rõ những đặc điểm riêng và sát với thực tiễn của ngành xuất bản nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng. Trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển, Đảng, Nhà nước đã đưa ra những định hướng lớn đối với công tác xuất bản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng đã khẳng định rõ vai trò của báo chí, xuất bản trong tình hình mới: “Hướng báo chí, xuất bản làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; nâng cao tính chân thực, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin, khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Ngày 25/8/2004, Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã được ban hành. Đây là chỉ thị đầu tiên của Ban Bí thư Trung ương ban hành chỉ đạo một cách toàn diện, sâu sắc về công tác xuất bản, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của hoạt động xuất bản trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, định hướng cho hoạt động xuất bản, in, phát hành XBP phát triển. Chỉ thị nêu rõ: Hoạt động xuất bản có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập.

Hoạt động xuất bản phải chăm lo bảo vệ, khẳng định và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, lạc hậu. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và giao thoa văn hóa, Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, nhằm phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tăng cường hội nhập và giao lưu văn hóa để nền văn hóa dân tộc nói chung và bản sắc dân tộc nói riêng trở thành một “màng lọc giá trị”, chiết suất những phần tinh túy nhất của văn hóa nhân loại, làm giàu thêm cho chính bản sắc văn hóa dân tộc.

Xuất bản Việt Nam nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng có nhiệm vụ giao lưu, quảng bá văn hoá, đặc biệt trước những thay đổi trong hoàn cảnh hiện nay. Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc song hành với quảng bá văn hóa đất nước. Như vậy, các văn bản chỉ đạo của Đảng đã trở thành kim chỉ nam định hướng chiến lược cho hoạt động xuất bản. Lĩnh vực xuất bản luôn được khẳng định là lĩnh vực thuộc hoạt động văn hóa, tư tưởng, là một ngành kinh tế đặc thù. Xuất bản dù là cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hay các tổ chức xã hội đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động theo pháp luật.

2. Xuất bản sách dịch Việt Nam phát huy vai trò của hoạt động văn hóa – tư tưởng trước tình hình mới

 Ngày nay, hiện trạng các nước ngày càng gia tăng trao đổi văn hóa quốc tế đã giúp con người giữa các nền văn hoá, văn minh khác nhau xích lại gần nhau hơn. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương, các dân tộc thì ngày nay trong xu thế phát triển chung toàn cầu đã xuất hiện những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các vùng, địa phương và các dân tộc. Các xu hướng và tác động của toàn cầu hoá văn hoá được nhận thấy trên mọi lĩnh vực của đời sống con người và xã hội, đặc biệt là vấn đề giao lưu và hội nhập văn hoá đang là đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho các dân tộc, quốc gia, các vùng, miền tham gia, phát huy và hoàn thiện bản sắc văn hoá của mình vào kho tàng văn hoá thế giới. Vì vậy, đứng dưới góc độ văn hoá, toàn cầu hoá là sự giao lưu văn hoá - tư tưởng giữa các dân tộc nhờ thông tin hiện đại với các hãng truyền thông, phim ảnh, văn hoá số… lan truyền rất nhanh, tốt cũng như xấu. Điều này tác động mạnh mẽ tới sự phát triển sách dịch, bởi xuất bản sách dịch là Việt Nam đưa văn hoá của mình ra thế giới và ngược lại, mang văn hoá của thế giới tới với người dân trong nước.

 Các hoạt động văn hoá nói chung cũng như hoạt động xuất bản Việt Nam nói riêng, đặc biệt là xuất bản sách dịch không thể tránh khỏi những tác động mạnh mẽ của toàn cầu hoá. Trước bối cảnh đó, xuất bản Việt Nam, một hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá - tư tưởng đã và đang có những bước chuyển cũng như đặt ra cho mình nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành để đạt mục tiêu hoạt động văn hoá hiệu quả. Cùng với những mặt tích cực do xu thế toàn cầu hoá mang lại, toàn thế giới lại đang phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hoá.

 Việc mở cửa để hội nhập với khu vực và các nước trên thế giới, tiếp thu các thành tựu văn hoá, văn minh của nhân loại đòi hỏi chúng ta phải có một trình độ văn hoá tương ứng để tiếp biến các thành tựu đó. Ở nước ta, xu thế toàn cầu hoá đang tiếp tục ảnh hưởng nhiều chiều tới đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó nhiệm vụ giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc đang gặp nhiều thách thức lớn, bởi vì văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội mà hiện nay trong nước và bối cảnh quốc tế, cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra hết sức phức tạp. Trọng tâm then chốt vẫn của các thế lực thù địch là phá hoại về tư tưởng văn hoá, bởi vì chúng xác định rằng tước bỏ vũ khí tư tưởng của nhân dân là khâu đột phá quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

 Ở nước ta hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng. Trong quá trình giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, hoạt động xuất bản luôn thể hiện vai trò là vũ khí sắc bén, tuyên truyền, giáo dục, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước bối cảnh có nhiều thay đổi, xuất bản sách dịch Việt Nam cũng phải tự đổi mới để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Trong xu thế thích ứng với cơ chế thị trường chúng ta đã thực hiện xã hội hóa hoạt động xuất bản bằng cách khuyến khích các thành phần ngoài quốc doanh tham gia vào lĩnh vực này theo định hướng của Nhà nước và đã tạo được những bước khởi sắc, vừa phục vụ công cuộc đổi mới đất nước vừa tự đổi mới, nhằm thích nghi với cơ chế mới, đồng thời mở rộng giao lưu quốc tế.

Phải khẳng định xuất bản là một hoạt động văn hóa, xuất bản sách dịch là hoạt động truyền bá văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Sách dịch cũng như xuất bản xuất phát từ nhu cầu của con người và trở thành hoạt động văn hóa thiết yếu. Sách dịch giúp con người tích lũy thành quả văn hóa của dân tộc, nhân loại, là công cụ giáo dục, nâng cao trình độ tri thức cho bạn đọc, vừa là công cụ bảo tồn văn hóa dân tộc vừa là công cụ truyền bá, phân phối các giá trị văn hóa ra bên ngoài có hiệu quả cao. Xuất bản là đội quân chủ lực trong việc truyền bá các sản phẩm văn hóa. Nó có thể đưa đến đông đảo quần chúng những tác phẩm có dung lượng tri thức lớn, những thông tin tri thức phức tạp, sâu sắc, có tác dụng tích lũy tri thức lâu dài, có hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, sách dịch ngược lại là những xuất bản phẩm lưu trữ tinh hoa văn hóa đất nước. Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc là điều kiện quan trọng để xây dựng văn hóa tiên tiến, phù hợp với thời đại mới. Mỗi dân tộc có tâm thức, có tiếng nói, có truyền thống đạo đức, có các sáng tạo nghệ thuật khác nhau. Xuất bản sách dịch là đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học được sáng tạo bằng ngôn ngữ dân tộc, bằng các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của Việt Nam đến với thế giới và ngược lại, đưa các giá trị tri thức, văn hóa nhân loại về với người dân trong nước. Hội nhập văn hóa quốc tế không phải là làm mất đi bản sắc độc đáo của văn hóa mỗi dân tộc.

So với các phương tiện truyền thông khác, sách có đặc điểm là ổn định và có tính hệ thống hơn, vì vậy nó là một phương tiện quan trọng trong giao lưu văn hóa từ trước đến nay. Bất kỳ một nền văn hóa nào cũng đều phải lấy văn hóa dân tộc mình làm chủ thể, nhưng tất nhiên cũng phải chịu ảnh hưởng của văn hóa dân tộc khác. Thông qua việc phổ biến, lưu truyền rộng rãi xuất bản phẩm, văn hóa của các dân tộc khác nhau, khu vực khác nhau, quốc gia khác nhau sẽ được giao lưu với nhau, bổ sung cho nhau và xây dựng được mối quan hệ hỗ trợ bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Nhờ có sự phát triển kinh tế và khoa học - kỹ thuật - công nghệ, đời sống của người dân được nâng lên. Song hành với nó là nhu cầu về đời sống tinh thần cũng trở nên tăng theo và đòi hỏi trở lại ngành xuất bản nói chung và xuất bản sách dịch nói riêng phải đáp ứng được các nhu cầu đó. Người dân đòi hỏi các xuất bản phẩm sách dịch giúp họ tăng thêm hiểu biết, mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan, đồng thời sách cũng phải đáp ứng nhu cầu giải trí, có hình thức đẹp, chất lượng in ấn tốt và giá thành hợp lý. Đây là động lực khiến các đơn vị xuất bản phải nỗ lực để đưa ra thị trường những xuất bản phẩm thỏa mãn được các nhu cầu mà người đọc đòi hỏi.

Giá trị sử dụng của sách dịch khi được sử dụng còn tạo ra những hiệu ứng xã hội, tức là tạo ra các giá trị văn hóa xã hội. Một cuốn sách dịch có nội dung lành mạnh, có tính tư tưởng và nghệ thuật cao sẽ có tác dụng tích cực đến người tiêu dùng và xã hội. Nó làm con người sống nhân văn hơn, thương yêu nhau hơn. Ngược lại nó cũng có thể tạo ra tác dụng tiêu cực chúng được mang về những quan điểm sai lầm, những thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, thấp kém. Đặc biệt đối với dòng sách này khiến người làm xuất bản không thể bất chấp mọi giá, vì lợi nhuận mà đưa những cuốn sách như vậy ra thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, có những cuốn sách dịch có thể chứa đựng những tư tưởng độc hại, những âm mưu của các thế lực thù địch. Hoặc, có những cuốn sách dịch không vấn đề gì khi xuất bản ở nước mình, nhưng lại không hề phù hợp với sự tiếp nhận của độc giả Việt Nam

Đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, sẵn sàng là bạn của tất cả các nước để phát triển văn hóa, kinh tế, giáo dục. Vì thế, xuất bản sách dịch phải được tăng cường về lượng và nhất là về chất để góp phần tích cực của mình cho sự nghiệp lớn lao đó của toàn đảng, toàn dân. Hiện nay trên thế giới đang nổi lên vấn đề xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực, chiến tranh cục bộ màu sắc tôn giáo. Để tăng cường hợp tác và phát triển, khắc phục tư tưởng ngăn cách giữa các dân tộc, sắc tộc và tôn giáo, thì việc giao lưu văn hóa, trong đó có hoạt động dịch sách càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Phải có thái độ như thế nào đối với cơ may và thách thức lịch sử lớn lao ấy, đó là nhiệm vụ cấp bách đang được đặt ra trước mắt tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để hội nhập và phát triển trong xu thế chung đó, hoạt động xuất bản sách dịch cần phải có nhiều cố gắng để phát huy những thành tựu đã đạt được, hạn chế, khắc phục những tồn tại, giữ vững ổn định chính trị, góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

                                                                                                                             Vũ Thị Ngọc Thùy

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top