Đùa và thật

09:16 17/08/2023 - Diễn đàn
Cuối năm 2022, Câu lạc bộ Nhà báo Thành Nam tại Hà Nội và Câu lạc bộ Nhà báo Thành Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh “sáp nhập” cùng về thăm quê nhà Nam Định. Trong chương trình hoạt động, đoàn dành nhiều thời gian tham quan và tìm hiểu tại Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy.

Bảo tàng Đồng quê do cựu giáo chức Ngô Thị Khiếu sáng lập và làm Giám đốc. Cộng sự đắc lực, “trợ lý” giám đốc chính là phu quân của Giám đốc – Thiếu tướng Hoàng Kiền, anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới, Bộ Quốc phòng. Những hiện vật trưng bày ở đây thật phong phú, sinh động, từng gắn bó, thân quen với người dân thôn quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Dường như các nhà báo dù còn công tác hay đã nghỉ hưu cũng đều như gặp lại tuổi thơ của mình ở bảo tàng độc đáo này.

Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định_Ảnh: TL

Trong bảo tàng, Giám đốc Ngô Thị Khiếu có “ưu tiên” cho phu quân – Thiếu tướng Hoàng Kiền một không gian trưng bày những hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời quân ngũ của ông. Không gian này tựa như một bảo tàng quân sự thu nhỏ. Quả thực, khi thăm gian trưng bày này, mà được trực tiếp nghe Thiếu tướng Hoàng Kiền giới thiệu về các hiện vật thì ai cũng thấy thú vị lắm! Nhưng cũng có cả những “thắc mắc” – rằng, sao Bảo tàng Đồng quê lại có cả mảng miếng tiền tuyến? Với tôi thì không hề bất ngờ, thắc mắc về nội dung trưng bày này, nó như là sự đương nhiên, mặc định, làm giàu, làm sinh động mối quan hệ tiền tuyến – hậu phương thời trận mạc. Từ các miền thôn quê của đồng bằng Bắc bộ bao chàng trai, cô gái đã lên đường, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ lũy tre làng quê biển, tháng 8/1970 thầy giáo trẻ Hoàng Kiền rời bục giảng lên đường nhập ngũ và gắn bó với Tây Trường Sơn, với nước bạn Lào suốt 6 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước hòa bình, thống nhất, sĩ quan công binh tạm biệt Trường Sơn huyền thoại ra với Trường Sa thiêng liêng. Nhiều năm trên các cương vị lãnh đạo, chỉ huy của Lữ đoàn công binh 83 Hải quân, cán bộ Hoàng Kiền đã cùng đơn vị, các cộng sự và những người thợ lành nghề, dạn sóng gió của quê hương Giao Thủy hợp sức, đồng lòng “kê cao”, “kê vững” Tổ quốc ở một vùng biển đảo xa xôi và khắc nghiệt. Chất công binh Trường Sơn, chất công binh Trường Sa đã kết tụ, tích hợp trong ông, nên năm 1997 được trên điều về làm cán bộ Bộ tư lệnh Công binh, ông đã góp phần không nhỏ vào phát huy, làm giàu truyền thống của binh chủng “Mở đường thắng lợi”; xây dựng lực lượng công binh toàn quân – lực lượng chiến đấu thời bình có bước phát triển mới, đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và là lực lượng chủ chốt, tinh nhuệ trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.

Năm 2007, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Thiếu tướng Hoàng Kiền được trên tin tưởng điều sang làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới. 7 năm trên cương vị này, Thiếu tướng Hoàng Kiền tiếp tục góp phần không nhỏ hình thành nên con đường mang dáng hình đất nước, khắc ghi thêm cương vực Tổ quốc thân yêu.

Hơn 44 năm phục vụ trong quân ngũ, từ quê biển đến với Trường Sơn, nước bạn Lào, rồi ra với Trường Sa, lại dọc dài đất nước theo các cung đường tuần tra biên giới, thì hẳn Thiếu tướng, Anh hùng Hoàng Kiền đã đi, đã tới, đã ở biết bao vùng đất, trận mạc, đã góp nhiều trí tuệ, công sức cho những công trình quốc phòng và kinh tế. Vậy nên, cuộc đời quân ngũ của ông thật đồ sộ, phong phú về thực tế, trải nghiệm và về tư liệu, hình ảnh, hiện vật, mà có lẽ những gì hiện hữu ở Bảo tàng Đồng quê chỉ là số rất nhỏ. Và có lẽ, những cựu chiến binh từ làng quê lên đường ra trận nay đến thăm Bảo tàng Đồng quê cũng gặp lại cả tuổi thơ và thời quân ngũ, trận mạc của mình!

Nghe Tướng quân trực tiếp thuyết minh, kể chuyện, những hiện vật càng trở nên sống động – vì đó là lời tự sự của “hiện vật sống”. Từ trước mới được biết qua phim ảnh, sách báo, nay được cận cảnh “cây nhiệt đới”, lại nghe “hiện vật sống” giới thiệu về cấu tạo, cơ chế hoạt động, tác hại của nó với bộ đội ta, các thành viên trẻ của hai câu lạc bộ báo chí thích thú lắm. Thật ngẫu nhiên, có nhiều câu hỏi – “phỏng vấn” vui vui của các nhà báo trẻ với Thiếu tướng Hoàng Kiền: “Cây nhiệt đới có quả không ?” ; “Quả cây nhiệt đới có ăn được không? Có ngon không?”

Biết các nhà báo trẻ hỏi vui và người Anh hùng cũng trả lời rất thông minh và thật vui: “Cây nhiệt đới cũng ra hoa kết trái ở rừng Trường Sơn. Nhưng sẽ là trái đắng, trái độc với bộ đội ta, nếu như không biết cách phát hiện, phòng tránh và vô hiệu hóa nó”. Ai cũng thích câu trả lời “phỏng vấn” của Tướng quân, cũng muốn chụp ảnh bên “cây nhiệt đới”, để họ biến thành “cây nhiệt đới hữu cơ”.

Với tôi, những câu hỏi vui vui của các nhà báo trẻ, sự trả lời thông minh, dí dỏm của Thiếu tướng Hoàng Kiền thì không chỉ có vui, mà còn gợi lại “chuyện chiến trường xưa bố kể”. Thật ngẫu nhiên và thú vị, bởi những câu hỏi vui về “cây nhiệt đới” của các nhà báo trẻ hôm đó lại chính là câu hỏi thật và hồn nhiên cách đó đã hơn 53 năm của chính người viết bài này.

Vào tháng 9/1969, khi đó tôi 7 tuổi, đang học lớp 2 thì bố tôi từ chiến trường Quảng Trị về Phủ Lý lấy quân, có tranh thủ qua nhà được 4 ngày (sau ngày Bác Hồ mất độ 2 tuần). Mấy ngày đó nhà tôi lúc nào cũng đông người đến chơi, thăm hỏi người từ chiến trường ra. Sau này tôi mới biết, có người thăm là vì tò mò xem có thật là bố tôi về không? Có còn lành lặn không?

Cả 3 tối sân nhà tôi luôn kín người ngồi nghe bố tôi kể chuyện chiến trường. Tôi thì hôm nào cũng chọn chỗ ngồi gần bố nhất để nghe cho rõ. Hôm bố tôi kể về “cây nhiệt đới” thì mọi người càng háo hức. Vì không có “cây nhiệt đới” thật như ở Bào tàng Đồng quê, nên bố tôi phải lấy cây thủy trúc làm “mô hình học cụ”. Nghe chuyện này, ông Tô Văn Thê tấm tắc khen: “Sao quân Mỹ nó giỏi, nó tài thế nhỉ?”. Ông Trần Văn Năm (người ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, là cán bộ tập kết, lúc đó lấy vợ và định cư ở làng tôi) nghe ông Thê khen Mỹ mà tức tai, liền “phản pháo”: “Giỏi cũng không bằng quân ta, nó thua mình nhiều hơn…”

Tôi thì “tuổi gì” mà tham gia vào chuyện chiến trường, chuyện người lớn, chỉ thèm ăn mà hồn nhiên hỏi bố: “Bố ơi cây nhiệt đới có quả không? Có ăn được không?”

Bố trả lời tôi không hay bằng Thiếu tướng Hoàng Kiền. Ông chỉ nói gọn lỏn: “Không con ạ, nó là sắt, là điện, là đài”.

Chuyện vui ở Bảo tàng Đồng quê, gợi chuyện thật thời trận mạc, khiến lòng cứ rưng rưng dĩ vãng….

Tô Thành Tuyên

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top