Động lực khuyến khích sự sáng tạo
05:10 03/01/2022
- Hoạt động công tác Hội
Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao triển khai trong nhiều năm qua,
đã trở thành động lực khuyến khích sự lao động sáng tạo của đội ngũ người làm báo.
Vấn đề quan tâm hiện nay là nên có một quy trình chuẩn trong cách làm để nâng cao
hơn nữa hiệu quả hoạt động có ý nghĩa này
CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ TÁC PHẨM BÁO CHÍ CHẤT LƯỢNG CAO:
Lớp tập huấn nghiệp vụ của Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang_Ảnh: Báo Kiên Giang
Hiệu quả từ Chương trình
Từ năm 2006 đến nay, cứ 05 năm một lần, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Chương trình (trước đây gọi là Đề án) hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (BCCLC). Hiểu nôm na là, hàng năm Chính phủ đầu tư kinh phí thông qua tổ chức Hội Nhà báo đặt hàng các nhà báo-hội viên sáng tạo tác phẩm BCCLC với những đề tài do Chính phủ quy định. Kết quả, giai đoạn 2006-2010 có hơn 10.000 tác phẩm được hỗ trợ, giai đoạn 2011-2015 hơn 15.000 tác phẩm được hỗ trợ và giai đoạn 2016-2020 hơn 14.000 tác phẩm được hỗ trợ. Ngày 08/4/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg, tiếp tục phê duyệt Chương trình hỗ trợ tác phẩm BCCLC giai đoạn 2021-2025.
Có thể thấy, hiệu quả từ Chương trình đem lại là khá rõ. Tác phẩm BCCLC đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương. Nhiều lĩnh vực khó, đề tài khó được đầu tư khai thác, phản ánh khá toàn diện và sâu sắc.
Trong từng thời điểm báo chí địa phương đã huy động được nhiều tác phẩm có chất lượng cùng tham gia tuyên truyền tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đột xuất. Không ít tác phẩm mang tính phản biện, có góc nhìn đa chiều, đi thẳng vào những vấn đề gai góc, phân tích lý giải khách quan, thấu đáo, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình, đề tài phản ánh của báo chí thêm đa dạng, khắc phục được tình trạng “đậm” lĩnh vực này “nhạt” lĩnh vực kia, hoặc thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”. Báo chí địa phương có thêm được nguồn lực để khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của đội ngũ người làm báo.
Đối với các Hội Nhà báo địa phương, thông qua Chương trình đã tập hợp, đoàn kết hội viên, làm cho mối quan hệ giữa tổ chức hội với hội viên ngày thêm gắn kết. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ, hàng năm nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các nhà báo, hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại.
Chương trình cũng tạo ra nguồn cung ứng dồi dào cho các cuộc thi báo chí, giải báo chí ở địa phương và Trung ương. Phần lớn các tác phẩm đạt giải cao Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí Búa Liềm Vàng, Giải Báo chí Đại đoàn kết dân tộc… đều có “thai nghén” từ Chương trình hỗ trợ tác phẩm BCCLC.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả Chương trình, hàng năm Hội Nhà báo Việt Nam luôn có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách chu đáo. Gắn hoạt động hỗ trợ tác phẩm BCCLC với công tác thi đua khen thưởng, cương quyết hạ bậc hoặc cắt danh hiệu thi đua nếu không bảo đảm các tiêu chí đề ra. Việc phân bổ kinh phí, nghiệm thu, thanh quyết toán được tiến hành công khai, minh bạch, với sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ của Hội đồng nghiệm thu cấp địa phương và Trung ương.
Tuy nhiên, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình là có những loại hình như phát thanh, ảnh báo chí còn ít tác phẩm được hỗ trợ, nhất là ảnh báo chí. Mức kinh phí hỗ trợ còn khá chênh lệch, có nơi hỗ trợ 4-5 triệu đồng/tác phẩm, có nơi chỉ dưới 1 triệu đồng/tác phẩm. Tình trạng bình quân, dàn đều trong hỗ trợ còn xảy ra, dẫn đến việc nghiệm thu thừa tác phẩm so với chỉ tiêu (Năm 2016 cả nước hỗ trợ thừa 93 tác phẩm, năm 2017 thừa 106 tác phẩm). Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định dành tối thiểu 60% kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, tác phẩm.
Trao giải báo chí cho các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi
Nên có một quy trình chuẩn
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, Trung ương Hội nên nghiên cứu, ban hành một quy trình chuẩn, chặt chẽ, áp dụng thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Quy trình hỗ trợ tác phẩm BCCLC cần theo hướng công khai, dân chủ, quy định rõ nội dung công việc, trình tự các bước tiến hành, từ lúc mở đầu đến khi kết thúc hoạt động hỗ trợ.
Trong thực tế, đã có một số Hội địa phương chủ động thiết kế quy trình cho riêng mình. Nghiên cứu một số quy trình khung đã áp dụng hiệu quả ở địa phương cho thấy, cách thức tiến hành hoạt động hỗ trợ tác phẩm BCCLC, gồm 10 bước:
1) Lập kế hoạch, xác định rõ chỉ tiêu hỗ trợ, các hoạt động hỗ trợ (tùy vào số lượng kinh phí được Trung ương phân bổ hàng năm để xác định hoạt động hỗ trợ, bao gồm: hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, thâm nhập thực tế sáng tác, tập huấn, hội thảo, thẩm định nghiệm thu, công bố tác phẩm;
2) Kiện toàn Hội đồng xét duyệt, thẩm định, nghiệm thu tác phẩm; bổ sung “Quy chế chi tiêu nội bộ” (nếu thấy cần thiết);
3) Phổ biến văn bản để các cơ quan báo chí, chi hội cơ sở và hội viên nắm được chủ trương hỗ trợ; hướng dẫn việc đăng ký đề tài, lựa chọn và chốt danh sách người thực hiện đề tài;
4) Xét duyệt đề tài/Ký hợp đồng với tác giả;
5) Thu nhận tác phẩm;
6) Nghiệm thu tác phẩm;
7) Thanh lý hợp đồng.
8) Giải ngân và thanh toán;
9) Trao kinh phí hỗ trợ;
10) Báo cáo kết quả và hồ sơ hỗ trợ về Trung ương Hội.
Thực tiễn cho thấy, kinh phí hỗ trợ tác phẩm BCCLC ở các Hội Nhà báo địa phương hàng năm không nhiều, chỉ trên dưới 100 triệu đồng/địa phương. Tuy nhiên, dù kinh phí nhiều hay ít vẫn phải được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế phát sinh tiêu cực.
Hơn nữa, Chương trình hỗ trợ tác phẩm BCCLC không phải là giải báo chí nhưng có những khâu công việc vận hành giống như giải báo chí, đó là nghiệm thu tác phẩm. Tuy vẫn thẩm định, phân loại tác phẩm theo A,B,C nhưng phân loại của Chương trình là để định mức chi kinh phí hỗ trợ, khác với việc chấm điểm các tác phẩm tham gia giải báo chí.
Mặt khác, định mức chi kinh phí hỗ trợ, nhiều nơi có tính đến yếu tố đặc thù của loại hình. Chẳng hạn, tác phẩm loại A truyền hình có mức kinh phí hỗ trợ cao hơn tác phẩm loại A báo in, báo điện tử, phát thanh… Xét đến yếu tố loại hình để định mức chi kinh phí hỗ trợ hoàn toàn khác với việc trao giải đồng hạng của các giải thưởng báo chí. Những sự khác biệt này cũng cần thiết phải có một quy trình để áp dụng thống nhất giữa các Hội Nhà báo địa phương./.
HÀ MINH ĐÍCH
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)