“Điện Biên Phủ” ở... châu Âu
20:57 19/07/2016
- Góc nhìn

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện chiến lược quân sự và tài cầm quân kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thậm chí, nó đã góp phần bổ sung và phát triển “lý thuyết chiến lược” của nhà lý luận quân sự người Phổ Carl Von Clausewitz (1780 - 1831).
Chuyên gia Alfred Gerstl, cho rằng: “Chiến dịch Điện Biên Phủ là một phần của câu chuyện lịch sử. Nó nhấn mạnh sự trường kỳ của cuộc kháng chiến. Nó là tác nhân mạnh mẽ và quan trọng trong việc giành độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Nhà nghiên cứu Michael Platz, nhận xét: “Điện Biên Phủ là một sự kiện thành công vang dội của Quân đội và nhân dân Việt Nam, mà đứng đầu là vị Tướng chỉ huy tài tình Võ Nguyên Giáp. Đây là trận đánh quyết định trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ mang lại độc lập, hòa bình cho nhân dân Việt Nam hay Đông Dương mà còn cho những người yêu chuộng hòa bình ở châu Âu”.
Theo ông Platz, các phương tiện truyền thông quốc tế đã tham gia ngay từ đầu cuộc chiến. Đặc biệt là giới truyền thông Pháp (các tờ Nhật báo, Tuần báo và Đài phát thanh). Tạp chí Paris Match, báo Spiegel (Đức) đã đăng tải nhiều bài viết về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch này cũng đã được hãng Pierre Schoendoerffer dựng thành phim “Điện Biên Phủ” (1992)... Tuy không phải lúc nào, tờ báo nào cũng đưa tin ủng hộ Việt Nam, nhưng: “Báo chí đã cung cấp nhiều thông tin thực tế về những gì đang diễn ra trong cuộc chiến ở Việt Nam khiến không ít người trong giới trí thức Pháp, Áo hay châu Âu, họ đều đủ tỉnh táo để quyết định, ủng hộ nhân dân Việt Nam”, ông Platz khẳng định.
Từ “đỉnh cao” Điện Biên tới thời bình
Theo quan điểm của một số chuyên gia quốc tế, khi Việt Nam đã có những mối quan hệ song phương, đa phương với các nước trên thế giới, thì “Chiến dịch Điện Biên Phủ là một dấu ấn hào hùng - một “điểm cộng” lớn cho Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Nhà báo trẻ Josef Ladenhauf đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt, không chỉ để tìm hiểu về lịch sử hay chiến dịch Điện Biên Phủ oai hùng, mà còn để tìm hiểu và giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam hiện tại, đến đông đảo công chúng Áo, EU.
Ông Michael Platz cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi trải nghiệm tại Việt Nam, tìm hiểu về dấu tích lịch sử để bổ sung cho các nghiên cứu lý thuyết của ông. Từ năm 2010 đến nay, ông cũng đã tích cực tham gia hỗ trợ, kết nối các hoạt động, các dự án đào tạo, hội thảo, báo chí, truyền thông giữa Việt Nam và Áo.
Khi được hỏi, trong tương lai “các ông có sẵn sàng làm cầu nối giữa Việt Nam và châu Âu trong lĩnh vực của mình không?”.
Ông Alfred Gerstl, trả lời: “Có, tôi sẽ làm. Mặc dù, EU cũng như Áo đã có quan hệ chặt chẽ và toàn diện với Việt Nam nhưng họ luôn luôn muốn cải thiện. Đặc biệt, các sự kiện ở Biển Đông gần đây có thể liên quan đến người Áo nhưng họ còn thiếu thông tin về vấn đề này. Ngoài công việc nghiên cứu về Đông Á, tôi cũng là thành viên của Hội hữu nghị Áo - Việt. Chúng tôi quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi luôn chia sẻ các thông tin đó với thành viên trong Hội và với đông đảo công chúng (Áo)”.
Nhà báo Josef Ladenhauf cho biết: “Tôi sẽ cố gắng làm điều đó, trong khả năng của mình. Sau chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam vào năm ngoái, tôi đã có ba bài viết: một cuộc phỏng vấn, một phóng sự du lịch về hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội, và một phóng sự về ẩm thực chay của Việt Nam”.
Theo ông Michael Platz, vấn đề quan trọng là chúng ta sẽ phải xây dựng nhiều “cây cầu” giữa Áo, EU và Việt Nam hơn nữa.
Kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển đất nước
Chuyên gia Alfred Gerstl, Michael Platz, nhà báo Josef Ladenhauf và một số nhà nghiên cứu lịch sử chính trị, kinh tế đều cho rằng: Việt Nam có thể tham khảo chiến lược đánh trận quý báu, như chiến thắng Điện Biên Phủ trong việc xây dựng và phát triển đất nước ở thời bình.
Theo chuyên gia Alfred Gerstl: “Đối với nhiều quốc gia, các cuộc chiến tranh và những trận đánh đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng quốc gia đó. Việt Nam không là một ngoại lệ”.
Quan điểm của ông Michael Platz: “Hôm nay tình hình đã rất khác. Sau năm 1975, Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và bắt đầu đổi mới mở cửa vào năm 1986, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh chóng cho đến năm 2010. Nhưng sau đó những vấn đề như tham nhũng, lạm phát và dân số tăng nhanh... đã làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là một ví dụ tốt cho một số “trận chiến” khác ngay trong thời bình của Việt Nam”./.
Chúng ta phải công bằng, khi nhìn lại chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng này không chỉ là công sức của quân đội và nhân dân Việt Nam mà còn có sự đóng góp của giới báo chí, truyền thông và bạn bè quốc tế. Họ là lực lượng đồng hành tích cực trong suốt cuộc chiến để đi đến thắng lợi với nhân dân Việt Nam. |
Nguyễn Thị Bích Yến
(Tác nghiệp từ thủ đô Vienne, Áo)
© Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo (10:29 12/01/2023)
- Tình đồng nghiệp không biên giới (06:10 12/01/2023)
- Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay (09:08 12/12/2022)
- Ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội (05:16 25/10/2022)
- Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời điện tử hóa! (08:13 28/09/2022)