Đặc sắc Lễ hội văn hoá truyền thống mảnh đất sử thi

21:05 03/02/2023 - Danh mục
Tỉnh Hòa Bình, các lễ hội truyền thống đều mang tín ngưỡng dân gian rất sâu sắc. Lễ hội của cộng đồng dân tộc là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử truyền thống của ông cha với nhiều tục lệ phong phú và đa dạng. Đặc biệt, trong cộng đồng bảy dân tộc gồm Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Kinh và Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, thì người Mường chiếm tới trên 63,3% và được gắn liền với những địa danh nổi tiếng là Bi, Vang, Thàng, Động, cùng áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước của người Mường”.

Dấu ấn Hòa Bình, mảnh đất sử thi truyền thống

Hòa Bình là vùng đất nổi tiếng với nhiều lễ hội dân gian mang bản sắc dân tộc. Người Mường có các lễ hội nông nghiệp như: hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội đi săn, hội đánh cá, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới, lễ nạ mạ, lễ cầu mát, lễ nhóm lửa và nhiều lễ hội khác… lễ hội dân tộc Mường ở các huyện, xã thôn bản trên địa phận tỉnh Hoà Bình chủ yếu hướng vào lễ nghi.

Hoà Bình là quê hương của những làn điệu dân ca "ngọt như mật ong, trong như dòng suối". Hòa Bình đã để tạo nhiều ấn tượng trong lòng du khách cả nước và quốc tế nhờ bản sắc của mùa lễ hội văn hoá truyền thống. Ở đó, bản sắc của các dân tộc Mường được thể hiện rõ nét. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, người Mường tỉnh Hòa Bình có những đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán... tạo nên vẻ đẹp phong phú và đặc sắc trong bức tranh văn hóa truyền thống của tỉnh.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mường tỉnh Hòa Bình đã và đang được lưu giữ và phát huy, trong đó, lễ hội được đánh giá là một nét văn hóa đặc trưng nhất trong đời sống sinh hoạt có từ xưa của người dân tộc Mường, bao gồm các mặt như tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật truyền thống...

Người Mường, cũng có những lễ hội riêng mang đậm nét văn hóa, những lễ hội của họ như lễ khuống mùa (xuống đồng), sắc bùa, chá chiêng, đu tre, cầu cho mùa màng bội thu…không kém phần đặc sắc và bao hàm nhiều ý nghĩa nhân văn. Lễ hội của các dân tộc ở Hòa Bình gắn liền với những đặc điểm cụ thể về địa lý, tự nhiên và đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư tồn tại ở đây từ lâu đời trên mảnh đất sử thi này.

Những cộng đồng người Mường có những mối quan hệ hết sức gần gũi với thiên nhiên và đã từng có một nền văn hóa khá phong phú, mà nhiều sắc thái còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Nền văn hóa đó đã góp phần lớn vào nền văn hóa cư dân tỉnh Hoà Bình nói riêng và đã trở thành một hiện tượng văn hóa được thế giới công nhận.

Lễ hội rước kiệu truyền thống Quèn Thị có nhiều nét đặc sắc phong phú_Ảnh: PV

Có thể thấy lễ hội tiêu biểu ở Hòa Bình như: Lễ hội xuống đồng của người Mường là một lễ hội rất phổ biến của người Mường xưa, mục đích của lễ hội là để cầu cho mùa màng của một năm mới thịnh vượng, may mắn, đồng thời, việc thực hành những nghi lễ cầu mùa cũng là dịp để người Mường nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tươi đẹp và yên bình. Lễ hội này thường diễn ra vào dịp đầu xuân mới, như vùng Mường Bi, Tân Lạc, Mường Chiềng, Mường Tôm, Tân Lập, Lạc Sơn, đặc biệt có lễ hội truyền thống Quèn Thị, Cao Dương, Lương Sơn.

Người dân và du khách thập phương đến dâng hương tại Đình và Chùa Quèn Thị_Ảnh: PV

Nét đẹp văn hoá truyền thống Quèn Thị 

Hiện nay, ở Hoà Bình có nhiều di tích và lễ hội thu hút rất đông khách thập phương từ dưới xuôi lên, lễ hội trở thành lễ hội văn hoá, kéo dài suốt cả tháng Giêng, đến đây du khách vừa có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng, vừa là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh hấp dẫn du khách thập phương. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội như: lễ hội cầu mưa của người Mường, Lễ hội rửa lá lúa của người Mường, và nhiều lễ hội khác….có sức hút tâm linh sâu sắc. Đặc biệt một địa phương giáp với địa phận Hà Nội, nhưng lại có lễ hội văn hoá truyền thống rất đặc sắc, đó là lễ hội Quèn Thị.

Xã Cao Dương là xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, đây là một trong những xã nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách và người dân tại tỉnh Hoà Bình, nơi có ngôi làng tên Quèn Thị. Xã có nhiều tiềm năng và lợi thế, với tổng diện tích của toàn xã khoảng trăm km², tổng số dân trên 15.000 người và mật độ dân số khoảng trên 300 người/km². Đặc biệt xã Cao Dương giáp với huyện Chương Mỹ và gần với khu du lịch nổi tiếng hồ Quan Sơn và chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội. Quèn Thị có nghề thuốc nam nổi tiếng từ lâu đời, không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này, thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh núi thẳm.

Cổng làng Quèn Thị, Cao Dương, Lương Sơn, Hoà Bình trang nghiêm trong ngày Tết Nguyên đán_Ảnh: PV.

Từ nhiều thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ như vậy, nghề thuốc nam ở Quèn Thị được duy trì đến bây giờ. Ở Quèn Thị, hầu như nhà nào cũng biết làm thuốc và bốc thuốc nam. Hàng trăm năm nay, người dân Quèn Thị, xã Cao Dương đã nghiên cứu và sử dụng nhiều bài thuốc quý để chữa bệnh cho mình và cứu người. Cuộc sống đổi thay, từng ngày, việc sản xuất thuốc nam của người dân Quèn thị cũng đổi thay, nhằm góp phần bảo tồn, phát triển nghề gia truyền của làng. Có thể nói, truyền thống đó cũng hun đúc cho tinh thần đoàn kết dân tộc của đồng bào dân tộc Mường ở nơi đây giúp nhau phát triển. Từ nghề truyền thống được lưu truyền như vây, người dân làng nơi đây cũng đã có nhiều lễ hội văn hoà truyền thống để thờ Thành Hoàng làng, thờ cũng tổ tiên, người đã mở mang vùng đất linh thiêng và giàu tài nguyên.

Đầu Xuân năm mới là dịp để người thân đến nhà họ hàng anh em và bạn bè chúc Tết_Ảnh:PV

Ông Hà Văn Quân người dân Quèn Thị, Cao Dương, Lương Sơn chia sẻ: “Làng Quèn Thị đã có từ rất lâu đời, tôi cũng đã được ông nội kể lại về văn hoá truyền thống mảnh đất bán sơn địa này. Theo các cụ cao tuổi trong làng nói, hội làng có khoảng trên 300 năm. Đặc biệt người dân ai cũng biết nghề làm thuốc nam, trong nhà nào cũng có trông cây thuốc để chữa bệnh. Ở làng quê này, có hội Quèn Thị nổi tiếng từ trước đến nay, tổ chức rất quy mô và lớn. Lễ hội tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng. Ngày hội, thôn có 5 nhóm gồm các gia đình họp lại nhau sính lễ thờ cúng thành Hoàng Làng đã cai quản bảo vệ dân làng. Mỗi nhóm thực hiện tổ chức tiết mục ca múa nhạc mừng Đảng mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Ngày xưa, đình làng rất to, có chín gian, nằm giữa cánh đồng, làng chỉ có vài hộ gia đình làm nghề nông và hái lượm, làm thuốc, đến nay dân cư đã đông đúc, hội làng tổ chức năm nay lên đến hàng nghìn người tham dự. Năm nay đại đám, sau dịch Covid-19, nên người dân nơi đây khao khát có lễ hội lớn cho dân làng phấn khởi. Năm nay được sự quan tâm của chính quyền địa phương, dự án xây dựng hồ nước tưới tiêu để bà con thuận tiện canh tác và lễ hội đua thuyền đã được tổ chức trên dòng suối thơ mộng này để cầu cho mưa thuận gió hoà.”

Theo lịch sử, làng Quèn Thị thuộc xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được khai sinh vài trăm năm về trước. Vào khoảng năm 1700 nhân dân làng Quèn Thị, Hoà Bình đã xây dựng đình làng để thờ các vị thần Tản Viên Sơn, Trưởng Thung, Thành Hoàng làng. Cách đây khoảng hơn 300 năm, nhân dân làng Quèn Thị đã xây dựng đình làng để thờ phụng các vị thần Tản Viên Sơn, Cun Trưởng Thung, Thành Hoàng làng. Đầu tiên làng chỉ có 7 hộ từ nơi khác về đây an cư lập nghiệp. Sau đó, phát triển thành làng có tên gọi là làng Trại Mít, nay là làng Quèn Thị. Đến nay, đình làng Quèn Thị đã được nhà nước và nhân dân xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân địa phương. Đình làng cũng là nơi nhân dân họp bàn các việc làng, việc xã. Tại lễ đình làng Quèn Thị, nhân dân trong làng đã ôn lại truyền thống lịch sử và tưởng nhớ đến người con của làng đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đến tham  quan lễ hội Quèn Thị_Ảnh: PV

Vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, thôn Quèn Thị, xã Cao Dương Lương Sơn lại tổ chức Lễ hội đình làng Quèn Thị với quy mô là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hoà Bình. Lễ hội đình làng Quèn Thị gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, cán bộ, người dân trong làng cùng du khách thập phương làm lễ dâng hương cầu cho một năm mới với nhiều thắng lợi mới. Phần hội diễn ra nhiều chương trình văn nghệ và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đua thuyền, đánh cờ, đánh bóng… Nhân dịp này, làng Quèn Thị đã tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, lao động sản xuất, trao giải thi đấu bóng đã, bóng chuyền và đua thuyền…

Các hoạt động thể thao bóng chuyền và đua thuyền do người đân tổ chức_Ảnh: PV

Bà Bùi Thị Miên, thôn Quèn Thị chia sẻ: “Ngày 12 tháng giêng là chính Hội, dân làng rước Thánh Tản Viên về đình và tổ chức nhiều lễ hội văn hoá truyền thống. Xã Cao Dưong có 5 thôn, nhưng thôn Quèn Thị là một trong những làng có dân đông đúc và quần cư, đặc biệt có truyền thống văn hoá đặc sắc. Như lễ cầu mong cho mùa màng bội thu, cầu bình an cho dân làng không dịch bệnh, cảm ơn thần thành hoàng làng cai quản mảnh đất này.”

Hội đua thuyền - nét đẹp truyền thống của dân tộc Mường Quèn Thị, Cao Dương_Ảnh:PV

Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, đình làng cũng là nơi hội họp, bàn việc làng của người dân. Đình được xây dựng giữa cánh đồng, hướng nhìn về phía nam. Phía đông, tây, bắc có dãy núi đá bao bọc khuôn viên làng. Đình làng Quèn Thị được mở rộng gồm 7 gian, có hậu cung và xây dựng bằng gỗ quý. Năm 1951, thực dân Pháp nhảy dù càn quét, cướp, giết dân làng và đốt đình, làm hư hỏng, mất đi toàn bộ di vật và sắc phong của đình. Đến năm 1996, chính quyền và nhân dân làng Quèn Thị đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng lại đình tại chỗ cũ để thờ phụng các vị thần, Tản Viên Sơn và Thành Hoàng làng.

Người đân và du khách thập phương đến tham dự hội diễn văn nghệ_Ảnh: PV

Chị Bùi Thị Thiểm - thôn Song Hình, xã Thanh Cao đến tham dự lễ hội chia sẻ: “Lễ hội có ý nghĩa to lớn với người dân thôn Quèn Thị. Dân tộc tại đây chủ yếu là dân tộc Mường, nhiều năm vẫn giữ gìn văn hoá đặc sắc của dân tộc. Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống của dân tộc mình.”

Ông Bùi Đình Thị, thôn Quèn Thị, Xã Cao Dương, Huyện Lương Sơn cho biết: “Nhiều người biết đến làng Quèn Thị, không chỉ bởi truyền thống của một làng cổ, mà là những nét văn hoá đặc trưng trong lễ hội của làng ở vùng bán sơn địa này. Trong năm, đình làng Quèn Thị tổ chức 5 ngày lễ chính, trong đó lễ đầu xuân vào ngày 12 tháng giêng hàng năm được tổ chức trang trọng nhất, gồm phần lễ tổ chức kiệu rước bát hương của Đức Mẫu về đình Cả. Sau khi dã hội về ngự giá tại chỗ cũ. Phần hội tổ chức đông vui với các trò chơi dân gian, hát đối, các hoạt động văn nghệ, thể thao. Những hoạt động đó đều thu hút người dân cả làng tham gia và du khách thập phương đến thăm quan.

Các tiết mục biểu diễn văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân _Ảnh: PV

Ông Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, Hòa Bình cho biết: “Như thường lệ, cứ dịp Tết đến Xuân về, vào ngày đầu Xuân năm mới, toàn thể nhân dân xã Cao Dương nói chung và dân thôn Quèn Thị nói riêng lại hân hoan chào đón lễ hội truyền thống, hội làng ghi dấu bao niềm vui, cảm xúc và sự gắn bó về tinh thần, tình đoàn kết của đồng bào dân tộc nơi đây. Đây thực sự là nét đẹp văn hoá tốt đẹp đang được lưu truyền bảo tồn và phát triển. Mong sao đồng bào dân tộc tại đây phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.

Nét đẹp các bà và các cô gái Mường trong ngày hội đón năm mới_Ảnh: PV

Vào ngày 4/4 âm lịch, đình làng tổ chức lễ cầu nước mạ, có ông Từ cúng khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngày 12/6 âm lịch là lễ xuống đồng, ông Từ cúng khấn thần linh, trời đất xin phép được xuống đồng. Lễ xong dân làng mới được xuống cấy. Ngày 18/8 âm lịch là lễ rửa lá lúa. Lúc này lúa đang thời kỳ đứng cái, hay bị sâu bệnh phá hoại. Dân làng làm lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, không có sâu bệnh phá hoại mùa màng. Ngày 12/10 âm lịch làm lễ cơm mới. Vào thời điểm này, lúa bắt đầu gặt về nhà. Đây là lễ để cảm ơn đất trời, thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu, dân làng làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe.

Chính quyền địa phương, người dân và du khách thập phương đến dự Hội làng Quèn Thị_Ảnh:PV.

Lễ hội được tổ chức hàng năm là dịp để người dân nơi đây tưởng nhớ Thành Hoàng làng, nhưng thực chất là tưởng nhớ tổ tiên, qua đó giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước cho cộng đồng, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội của làng được diễn ra trong không gian linh thiêng như đưa chúng ta trở về với quá khứ, gửi gắm ước vọng của mọi người cầu cho dân an khang, thịnh vượng. Lễ hội văn hoá tín ngưỡng của dân tộc, với vai trò cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, từ bao đời nay đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số Hoà Bình nói riêng. Tuy nhiên, cần được gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống đó làm sợi dây gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hoàng Anh Tuấn - Hà Trần Minh Phương

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top