Chuyển đổi số báo chí: Thành tựu đến từ hành động

23:52 24/06/2023 - Diễn đàn
Xây dựng nền tảng, tìm cách tiếp cận khán giả, sẵn sàng tham gia vào sản xuất và phân phối nội dung trên hạ tầng số là những quyết định quan trọng đối với mỗi cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quyết định này không phải điều đơn giản.

Thay đổi tư duy

Chuyển đổi số chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh “người người, nhà nhà chuyển đổi số”. Đó là con đường báo chí cần phải đi, thậm chí đi nhanh và quyết liệt nếu không muốn bị tụt hậu.

Chuyển đổi số báo chí đã làm thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận khán giả. Chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về tư duy.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Để một cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, đầu tiên cơ quan báo chí phải có nguồn nhân lực hiểu biết về công nghệ và làm chủ các cách làm báo mới, hiện đại. Bên cạnh đó phải có nguồn lực về tài chính và trang thiết bị công nghệ mới cũng như sự quan tâm của cơ quan chủ quản và người lãnh đạo cơ quan báo chí. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi về tư duy. Phải có tư duy làm báo mới, hiện đại. Sau đó chúng ta mới có thể làm các bước tiếp theo, tất nhiên cần có sự quyết tâm của cả hệ thống từ cơ quan chủ quan cho đến lãnh đạo các cơ quan báo chí và cả từng phóng viên, nhà báo”.

Dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có của mỗi tòa soạn, Ban Biên tập có vai trò quan trọng trong việc xác định đâu là hướng đi phù hợp, điều gì là ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số của mỗi tòa soạn. Bằng việc sẵn sàng đi đầu trong quá trình chuyển đổi, người lãnh đạo sẽ nhìn thấy cơ hội từ việc ứng dụng chuyển đổi số ở mọi nơi, trong mọi quy trình hoạt động của cơ quan báo chí, suy nghĩ triệt để về nó và ứng dụng vào đúng thời điểm.

Chuyển đổi số - yếu tố sống còn của các đơn vị báo chí trong thời đại 4.0

Tư duy chuyển đổi số của mỗi cá nhân không hẳn là việc luôn thấy tò mò về công nghệ, luôn cập nhật công nghệ không ngừng mà đó là tư duy sẵn sàng đón nhận thách thức mà công nghệ mang lại. Đó là một tập hợp suy nghĩ – tri thức – thói quen – kinh nghiệm để hướng tới chuyển đổi số. Điều này được hình thành ở mỗi cá nhân khi sống trong xã hội ngày càng được "số hóa”. Học các kỹ năng công nghệ mới là điều cần thiết cho quá trình chuyển đổi số báo chí. Người làm báo buộc phải được thúc đẩy sử dụng các kỹ năng để tạo ra sản phẩm báo chí có giá trị với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt khán giả trên môi trường số.

Có thể nói, chuyển đổi về mặt tư duy điều tất yếu trong quá trình chuyển đổi số báo chí.

Chấp nhận rủi ro

Trong bối cảnh trên, các cơ quan báo chí buộc phải tự xác định phương thức vận hành của mình trong quá trình chuyển đổi số. Từ thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí dám chấp nhận rủi ro, dám đi đầu, dám thử nghiệm và dám chấp nhận sai lầm sẽ có khả năng đi nhanh và nắm bắt cơ hội nhiều hơn.

Chu trình chuyển đổi số không chỉ thực hiện một lần. Đó là sự tiếp nối từ chu trình này đến chu trình khác. Đó là một sự rủi ro khi không ai chắc chắn được quy trình mới, phương thức mới thích nghi và phù hợp với mọi bộ phận cấu thành của cơ quan báo chí đó. Mỗi đơn vị báo chí buộc phải thử nghiệm, chấp nhận hành động thành công.

Rủi ro đầu tiên có thể đến từ sự phát triển không ngừng của công nghệ. Hiện nay, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông đã đẩy hoạt động chuyển đổi số báo chí sang một giai đoạn mới. Có thể nói, công nghệ hiện đại đang là “phép thử” lớn đói với đội ngũ những người làm báo và các nhà quản lý báo chí. Báo chí sắp chứng kiến cuộc đua của các thuật toán, các công cụ AI có khả năng sáng tạo nội dung. AI mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho các nhà báo và đơn vị truyền thông. Trí tuệ nhân tạo có tốc độ xử lý nhanh chóng, tạo ra sản phẩm báo chí trong chớp mắt. Dù không thể thay thế con người nhưng đây là công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ công việc và làm cho hoạt động báo chí hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của AI với các ứng dụng như chatbot, nhân bản hình ảnh, giọng nói… làm gia tăng lo ngại về việc phát tán tin giả. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tăng cường sự giám sát, kiểm tra, đối chiếu thông tin để đảm bảo mang đến thông tin đáng tin cậy, chính xác.

Người làm báo nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung cần sẵn sàng biện pháp để ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể kèm theo khi tận dụng sức mạnh của công nghệ.

Rủi ro tiếp theo mà các đơn vị báo chí truyền thông phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số đó là văn hóa. Thành công của chuyển đổi số báo chí không thể đạt được nếu chỉ chăm chăm vào việc ứng dụng công nghệ mà quên đi yếu tố văn hóa. Văn hóa số dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của mỗi đơn vị báo chí. Sự chuyển đổi hoàn toàn không phải chỉ đến từ tổ chức mà còn của mỗi cá nhân tham gia vào quá trình đó. Không ít đơn vị đã thất bại trong chuyển đổi số không phải vì năng lực của công nghệ thông tin mà vì tính thích ứng và sẵn sàng của tất cả các thành viên trong cơ quan báo chí.

Những khó khăn trong việc sử dụng công nghệ mới, sự rối rắm trong khâu tổng hợp dữ liệu, tâm lý ngại thay đổi… luôn là những “ngòi nổ” đẩy lùi quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi cá nhân trong cơ quan báo chí đều mang nét đặc thù không giống nhau. Điều này dẫn tới “đứt gãy” trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Lúc này, văn hóa sẽ góp phần củng cố niềm tin, thái độ của mỗi cá nhân đối vối tổ chức.

Trong một khảo sát với 1.700 các lãnh đạo cao cấp, nhà quản lý và nhân viên tại hơn 340 doanh nghiệp tại 8 quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất năm 2017, có tới 62% những người được khảo sát nhận định văn hóa là rào cản số một trong chuyển đổi số.

Vì vậy, không quá khi nói xây dựng văn hóa số chính là kim chỉ nam, yếu tố quyết định để quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, truyền thông được diễn ra thành công.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của các ứng dụng, nền tảng trực tuyến, mạng xã hội,… các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi. Không chỉ thay đổi trong phương thức sản xuất, cung cấp thông tin trên đa nền tảng, đa thiết bị mà điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, sàng lọc, vận dụng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ xen lẫn yếu tố con người để làm chủ nền tảng, làm chủ “cuộc chơi số”./.

Trịnh Mỹ Linh 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top