Chắt lọc tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống
16:24 17/05/2022
- Góc nhìn

Phóng viên tác nghiệp tại Hội Báo toàn quốc 2022_Ảnh: Sơn Hải
“Xe chở gió”
Một lần tôi có chuyến công tác lên Hà Giang. Xuất phát từ Hà Nội vào đúng ngày thứ bảy, lúc đầu chiếc xe ca 24 chỗ ngồi nhưng chưa đến hai chục hành khách lên xe. Nhưng khi xe qua địa phận Vĩnh Phúc, Phú Thọ, xe đón thêm hơn chục hành khách nữa. Chiếc xe lúc đầu khá thoáng, nhưng người đông, hành lý nhiều nên trong xe trở nên chật chội. Nhiều hành khách tỏ ra khó chịu, nhưng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không muốn lỡ sang chuyến khác. Ngày giữa tuần, tôi từ thành phố Hà Giang xuôi về Hà Nội. Khác hẳn với hôm đi, ngày về, chiếc xe 24 chỗ chỉ có lác đác dăm bảy hành khách đi trên quãng đường 300 km. Anh tài xế than thở: “Xe hôm nay là “xe chở gió”, tiền thu của mấy vị khách chắc không đủ để mua xăng xe”. Tôi hỏi vui: “Xe chở gió” nghĩa là gì anh tài ơi?”. Anh tài xế than vãn: “Thì anh thấy đấy, hành khách ít, ghế thừa nhiều, trong xe trống trải thế kia thì mỗi lần mở cửa ra gió ùa vào thông thống, nên xe chúng tôi chả toàn “chở gió” là gì”!
Hỏi thêm mới biết, cánh lái xe khách đường dài sợ nhất là “xe chở gió”, tức là rất ít hành khách đi xe. Những chuyến “xe chở gió” như thế, cánh nhà xe thua lỗ là cái chắc!
“Ngày thừa, khách thiếu”, “Dư giả thời giờ, bơ phờ thu nhập”
Cách đây ít năm, tôi đến một số địa phương viết bài phóng sự về cảnh đìu hiu, vắng khách của bảo tàng ở các tỉnh. Đến thành phố N.Đ, tôi hỏi một người dân nói giúp địa chỉ của bảo tàng tỉnh, ông buông một câu: “Anh muốn đến thăm bảo tàng “ngày thừa, khách thiếu” ấy à, chả có hiện vật gì ấn tượng lắm đâu”.
Hỏi ra thì chính những người làm bảo tàng ở tỉnh này bộc bạch rằng, cụm từ “ngày thừa, khách thiếu” được hiểu là ngày mở cửa bảo tàng thì nhiều, mà khách đến tham quan bảo tàng lại ít, thậm chí có ngày vắng tanh vắng ngắt. Một nhân viên bảo tàng trăn trở: Bảo tàng luôn mở cửa, mở rộng vòng tay để được đón tiếp, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại đây; nhưng một phần vì hiện vật nghèo nàn, cách thức trưng bày đơn giản, lại thiếu các hoạt động dịch vụ, vui chơi, trải nghiệm nên bảo tàng thiếu sinh khí, không hấp dẫn du khách. “Ngày thừa” thì cứ dài ra, “khách thiếu” lại... thiếu thêm, thế nên chúng tôi có lúc rơi vào cảnh “Dư giả thời giờ, bơ phờ thu nhập”.
Cụm từ “Dư giả thời giờ, bơ phờ thu nhập” được hiểu là, thời giờ làm việc hành chính của nhân viên bảo tàng do không được tận dụng, phát huy hết, đâm ra lãng phí, trong khi đó thu nhập của họ thì hạn hẹp, ít ỏi khiến vẻ mặt, tâm trạng con người có lúc như thiếu sinh khí, thiếu sức sống đến mức…bơ phờ, rệu rã!
“Đầy lời, vơi túi”
Bên lề một hội thảo chuyên ngành về ngôn ngữ học, trong lúc giải lao uống nước, tôi trò chuyện với một tiến sĩ ngôn ngữ học. Quen biết từ trước, nên khi ngồi với ông, tôi không quên mào đầu bằng vài ba câu hỏi mang tính xã giao như cuộc sống, công việc, gia đình hiện tại của ông ra sao. Giọng ông xưng hô thân mật: “Cuộc sống, công việc của tớ à, bao năm rồi thì vẫn “đầy lời, vơi túi” thôi, có gì mới mẻ, đột biến đâu”. Tôi thắc mắc: “Đầy lời, vơi túi” nghĩa là sao hả bác?”.
Lúc này, ông mới cười tủm tỉm, giải thích: Nghề của tớ là nghiên cứu ngôn ngữ, quanh năm suốt tháng gắn bó với hàng chồng sách báo, tài liệu dày cộp, hầu như ngày nào cũng đọc, đọc và đọc… Đọc để tra cứu, tìm hiểu, đối chiếu, so sánh, để tìm ra quy luật tồn tại, phát triển, biến đổi của ngôn từ, chữ nghĩa tiếng Việt. Thời bao cấp trước đây, theo lối nói dân gian thì những người theo nghề nhà giáo, nhà văn, nhà ngôn ngữ học có đến cả “bồ chữ nghĩa” mà vẫn nghèo. Còn thời nay, chúng tớ tự nhận mình là những người “đầy lời, vơi túi”. Nghĩa là bản thân thì nghiên cứu, xuất bản hàng chục đầu sách, trong đầu sở hữu khối lượng từ điển, từ vựng tràn trề (gọi là “đầy lời”), nhưng thu nhập thực tế thì có hạn, vì chả biết làm thêm công việc gì ngoài nghiên cứu chữ nghĩa, thế nên tiền bạc luôn ở mức eo hẹp (gọi là “vơi túi”).
Ngẫm ngợi chốc lát, nhà ngôn ngữ học bộc bạch nỗi niềm: Đối với những trí thức chân chính, hầu như ai cũng chỉ dồn tâm huyết, đam mê với công việc, nhiệm vụ chuyên môn của mình. Nếu không sớm có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương xứng với trí tuệ, công sức của họ đã cống hiến, thì khó có thể có những công trình đỉnh cao, sản phẩm khoa học xuất sắc mà chúng ta hằng mong đợi. Nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, nếu để nhiều trí thức chưa ra khỏi tình trạng “đầy lời, vơi túi” thì khó có thể tạo nên động lực bứt phá cho sự phát triển của đất nước.
***
Khách quan nhận định, nhiều tiếng nói, câu từ, chữ nghĩa của người dân không phải bao giờ, ở đâu cũng nuột nà, trau chuốt, chuẩn mực. Nhưng cũng không ít từ ngữ của người dân cũng lấp lánh như “vàng ròng” giàu giá trị, ý nghĩa. Vì thế, chịu khó quan sát, chịu khó lắng nghe, chịu khó chắt lọc những từ ngữ hay, cụm từ đắt, câu chữ mới lạ, độc đáo giúp người viết báo sẽ có thêm thông tin, chi tiết sinh động để làm cho nội dung bài viết của mình vừa phản ánh sát thực tế, nêu đúng bản chất vấn đề, vừa góp phần làm cho tác phẩm thêm gần gũi, dễ đọc, dễ đi vào lòng người. Thực tế cho thấy, khi nhà báo biết vận dụng, chắt lọc những câu từ, chữ nghĩa hay của người dân đưa vào tác phẩm báo chí không chỉ góp phần làm phong phú tiếng Việt, mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa báo chí và công chúng
Thiện Văn
©Tạp chí Người Làm Báo số 459 - Tháng 05/2022
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Ngày Xuân, suy ngẫm về những lời Bác dạy nhà báo (10:29 12/01/2023)
- Tình đồng nghiệp không biên giới (06:10 12/01/2023)
- Chuyển đổi nội dung số trong hệ thống cơ quan báo chí Trung ương Đoàn hiện nay (09:08 12/12/2022)
- Ứng xử văn hóa của nhà báo trong bối cảnh thông tin mạng xã hội (05:16 25/10/2022)
- Dễ và khó trong tác nghiệp báo chí thời điện tử hóa! (08:13 28/09/2022)