Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Xứng đáng là “cầu nối” của hội viên cả nước

Nhân dịp năm mới Xuân Nhâm Dần - 2022, phóng viên Tạp chí Người Làm Báo có cuộc phỏng vấn nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về những hướng đi mới trong hoạt động của Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2022.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: TTXVN

PV: Xin chúc mừng nhà báo Nguyễn Đức Lợi đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025. Ông đánh giá như thế nào về thành công Đại hội lần này?

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi: Với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020–2025 diễn ra từ ngày 29 – 31/12/2021 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp. Tôi đánh giá Đại hội XI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước thách thức của quá trình chuyển đổi số, tiếp cận phương thức truyền thông hiện đại để sáng tạo những sản phẩm báo chí chất lượng trong hệ sinh thái truyền thông mới, cùng với đó các cấp Hội Nhà báo đang nỗ lực thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43–CT/ TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Đại hội góp phần định hướng cho 27.448 hội viên đang sinh hoạt trong 288 đơn vị cấp Hội, 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 205 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Bên cạnh việc xác định phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho nhiệm kỳ 2020–2025, Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 52 nhà báo tâm huyết với nghề báo, không những giỏi kiến thức nghiệp vụ báo chí mà còn am hiểu về hoạt động Hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, việc lựa chọn đúng các thành viên Ban Chấp hành là điều kiện quan trọng trong quyết định, triển khai mọi hoạt động của Hội trong thời gian tới.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu tại Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Sơn Hải

PV: Đại hội lần thứ XI được tổ chức thành công có phần góp sức không nhỏ của các ban, đơn vị trực thuộc Cơ quan Trung ương Hội. Trong xu hướng chuyển đổi số, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Trung ương Hội?

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi: Cơ quan Trung ương Hội với chức năng tham mưu, tổng hợp và giúp việc cho Đảng đoàn, Thường vụ và Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả về công tác xây dựng Hội, công tác nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, hoạt động báo chí, bảo tàng, văn hóa – thể thao... đã phát huy vai trò gắn kết với các cấp Hội, các cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương.

Để chuẩn bị Đại hội XI, các ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Hội đã chuẩn bị chu đáo, góp phần tổ chức thành công Đại hội. Tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, hội viên trong Cơ quan Trung ương Hội. Thời gian qua, các ban, đơn vị luôn đổi mới, sáng tạo, hoạt động hiệu quả; phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công các Hội Báo toàn quốc, Liên hoan toàn quốc Tiếng hát Người làm báo Việt Nam, Giải Bóng bàn cúp Hội Nhà báo Việt Nam; duy trì chất lượng hoạt động. Các cơ quan báo chí truyền thông của Hội đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tạp chí Người Làm Báo – Cơ quan lý luận và nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền, trở thành diễn đàn lý luận nghiệp vụ thiết thực, cẩm nang, tài liệu của các tập thể và hội viên nhà báo; Nội dung và hình thức luôn được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng kết hợp giữa lý luận nghiệp vụ và thực tiễn đời sống báo chí. Tạp chí điện tử chạy trên hai tên miền nguoilambao.vn; lambao.com.vn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc và các đồng nghiệp; Tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, sự kiện báo chí, các cuộc thi và giải báo chí khu vực (tổ chức thành công 5 lần Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long)…

Hội Nhà báo Việt Nam - "Cầu nối” của hội viên cả nước. Ảnh: TL

Chỉ thị 43–CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới là chỉ thị hết sức quan trọng đảm bảo Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chính trị–xã hội–nghề nghiệp của giới báo chí cả nước, khẳng định Hội Nhà báo Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Trên tinh thần đó, mỗi cấp Hội, mỗi nhà báo, hội viên đều là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng; người làm báo cả nước bên cạnh việc nâng cao nghiệp vụ cần thực hiện nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo,... Chỉ thị 43–CT/ TW của Ban Bí thư chính là “kim chỉ nam” giúp mọi hoạt động Hội cũng như hoạt động của Cơ quan Trung ương Hội có sự bứt phá trong thời gian tới. Có thể thấy, trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XI nhấn mạnh là: “Tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Cơ quan Trung ương Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp đủ năng lực tham mưu, giúp việc có hiệu quả cho Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội”, đây là nhiệm vụ được lãnh đạo Hội Nhà báo rất quan tâm, Hội sẽ tập trung kiện toàn Cơ quan Trung ương Hội bằng việc lựa chọn những cán bộ chuyên trách có năng lực tại các ban chuyên môn, từ đó hoàn thành tốt công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Hội; trong đó, nêu cao tinh thần đoàn kết trong mọi hoạt động, phong trào thi đua do cơ quan tổ chức. Tạo mọi điều kiện để các ban chuyên môn đổi mới tổ chức thành công Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí khu vực (Giải báo chí Đồng bằng sông Cửu Long do Tạp chí Người Làm Báo tổ chức,…) trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, lãnh đạo Hội sẽ quan tâm các cơ quan báo chí truyền thông của Hội, hỗ trợ Báo Nhà báo và Công luận và Tạp chí Người Làm Báo để chủ động bắt nhịp, xây dựng các đề án phát triển theo kịp xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày triển lãm báo Xuân tỉnh Nam Định. Ảnh: Báo Nam Định

PV: Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần – 2022, Phó Chủ tịch có đôi điều tâm sự gửi tới hội viên, nhà báo cả nước và Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam?

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi: Truyền thông số đang đưa báo chí vào cuộc cách mạng toàn diện, trong bất kỳ khó khăn, thử thách nào, báo chí vẫn là tiếng nói mạnh mẽ trong định hướng dư luận. Hội Nhà báo Việt Nam - “ngôi nhà chung” của hơn 27 nghìn hội viên, chúng ta sẽ tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, nâng cao vai trò; xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; có như vậy, vai trò, vị trí và uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội. Cơ quan Trung ương Hội cần tiếp tục đổi mới hoạt động, hoàn thành tốt công tác tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Hội, xứng đáng là “cầu nối” giữa hội viên cả nước với Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tôi xin chúc toàn thể hội viên – nhà báo cả nước Thành công – An Khang – Thịnh Vượng. Chúc Tạp chí Người Làm Báo ngày càng phát triển, xứng đáng là Cơ quan lý luận nghiệp vụ của giới báo chí Việt Nam!

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch !

NAM DƯƠNG (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.