Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Viết điều tra chống tiêu cực cần động lực mới

22:50 21/07/2016 - Pháp luật
Có lẽ bây giờ những người đồng nghiệp đã từng sống ở thời điểm năm 1987 - 1990 đều không quên một giai đoạn lịch sử được nói lên sự thật chứng kiến của mình bằng những hiện tượng tiêu cực của xã hội.

Một phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: TL

Sức lan tỏa các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Bản thân đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Khóa VI) (ký tên N.V.L) đã viết tới 27 bài đăng trên Báo Nhân Dân với tiêu đề “những việc cần làm ngay”.

Chính sự khởi xướng của đồng chí nguyễn Văn Linh đã có hiệu ứng tích cực trong xã hội. Đặc biệt trong giới báo chí lại càng thêm nghị lực và niềm tin ở cây bút, khi sự thật của những “tảng băng chìm” về các vụ việc như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hành nhiễu ức hiếp dân, làm thất thoát tiền của nhà nước được đưa ra ánh sáng. Mục đích của đồng chí Nguyễn Văn Linh là làm sao “rửa sạch” những “vết nhọ trên gương” để bước tiếp cuộc hành trình “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thời điểm này, tại các tờ báo viết ở Trung ương và địa phương như: báo Lao Động, báo Tiền phong, báo Tuổi Trẻ... đã có hàng loạt bài điều tra chống tiêu cực khá sắc bén. Sự thật khi bài báo đó bằng sự tâm huyết nghề nghiệp và đạo đức trong sáng của nhà báo đã tạo thành một vũ khí đấu tranh sắc bén, được Đảng tin và nhân dân ủng hộ. Báo chí địa phương vào cuộc. Để hưởng ứng “những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Đinh Nho Liêm - Tổng Biên tập báo Nghệ Tĩnh đã bàn bạc với Ban biên tập xuất bản tờ báo Nghệ Tĩnh chủ nhật. Đây là một bước đột phá của báo Nghệ Tĩnh. Nhưng việc xuất bản một tờ báo mới với hơi thở mới để tạo nên sự đồng thuận của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh không phải là chuyện dễ.

Lúc đó tòa soạn Báo Nghệ Tĩnh phân công đồng chí Duy Thảo, Trưởng phòng Thư ký Báo Nghệ Tĩnh chủ nhật, đồng chí Minh Thông họa sĩ trình bày tờ báo. Hai phóng viên từ phòng Kinh tế và Văn xã là đồng chí Lê Quý Kỳ và đồng chí Phan Thế Cải được điều động sang làm phóng viên Báo Nghệ Tĩnh Chủ Nhật.

Tuy nhiên gánh nặng đặt trên vai phóng viên và biên tập viên lúc này, viết bài chống tiêu cực phải có đầy đủ, chứng cứ, phải tìm được những vụ án mang tính điển hình nhưng từ lâu chưa bị phanh phui. Điều kiêng kỵ nhất của phóng viên hay biên tập viên là không được để những phần tử xấu lợi dụng lấy tờ báo làm diễn đàn “chuyện bé xé thành chuyện lớn”. Dù hoạt động của báo chí trong thời gian này được nói công khai, thẳng thắn, không có “vùng cấm” đối với những vụ việc tiêu cực mà dân chúng đang bức xúc, nhưng để đấu tranh thắng lợi với các vụ việc tiêu cực thật không dễ chút nào. Bất cứ ở môi trường nào, người khi bị “chỉ trích”, “phê bình” trước một tập thể nhỏ, không ít kẻ đã phản ứng gay gắt, huống hồ đưa lên công luận cho hàng ngàn độc giả đọc.

Sứ mệnh của phóng viên làm báo Nghệ Tĩnh lúc này là phải biết dấn thân trong một hoàn cảnh đời sống rất khó khăn. Thời kỳ ấy phóng viên đi điều tra vụ việc đều sử dụng bằng phương tiện xe đạp. Tòa soạn báo Nghệ Tĩnh lúc đó nghèo nên phương tiện ghi âm và máy ảnh, anh em đi công tác đều phải tự lo lấy. Trong “cái khó ló cái khôn” nhất là đi điều tra viết các vụ việc tiêu cực, những phóng viên báo Nghệ Tĩnh đều kết thân và xâu chuỗi được với đồng nghiệp như phóng viên Kim Quang (Đài PT-TH Nghệ Tĩnh), Lê Văn Thơn, Lan Xuân phóng viên TTXVN (Bộ phận thường trú tại Nghệ Tĩnh) cùng tham gia. Nhờ đó có thêm phương tiện tác nghiệp như máy ảnh, máy ghi âm khi cần thiết.

Nhiều vụ việc tiêu cực sau khi nhận được đơn thư tố cáo của bạn đọc, phóng viên phải bí mật về cơ sở hàng tuần, có vụ phải hàng tháng trời. Qua quá trình điều tra phóng viên báo cáo lại toàn bộ tình hình trong từng chuyến đi cho Tổng Biên tập nghe và đề xuất ý kiến mình viết bài điều tra mấy kỳ. Sau khi viết sẽ đăng ý kiến phản hồi như thế nào. những vụ việc nào qua quá trình điều tra thấy còn có những “lỗ hổng” thì chưa vội viết, phóng viên phải tiếp tục điều tra lại.

Thuận lợi của công việc viết điều tra trong chống tiêu cực ở Nghệ Tĩnh thời bấy giờ là chúng tôi được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của bạn đọc. Không có thư nặc danh mà toàn những đơn thư tố cáo có địa chỉ. Qua tìm hiểu mới vỡ nhẽ những vụ việc tiêu cực, người tố cáo đã nhiều lần dũng cảm đấu tranh trước nội bộ và gửi đơn lên các cơ quan chức năng, nhưng vẫn rơi vào tình trạng “im lặng đáng sợ”. Khi các vụ việc còn nằm yên thì những người tố cáo bị “tập thể nhỏ” đó cô lập, bị thủ trưởng trù úm. Không ít những vụ việc khi cung cấp cho báo chí họ là những nạn nhân bị “thủ trưởng trù úm” lại làm việc tại các phòng kế toán, kế hoạch, tổ chức có trình độ tay nghề cao và đạo đức liêm khiết. Chính đây là hậu thuẫn cho phóng viên khi điều tra có đủ tư liệu chính xác, khách quan khi viết bài, đủ sức thuyết phục.

Báo Nghệ Tĩnh chủ nhật chỉ sau hai tháng phát hành đã gây được tiếng vang lớn đối với 27 huyện, thành hồi ấy. Báo Nghệ Tĩnh Chủ nhật không chỉ được bạn đọc chú ý bằng những bài điều tra công phu các vụ án kinh tế mà còn đi sâu vào điều tra các đề tài tiêu cực khác trong xã hội như giết người, mại dâm, cờ bạc hay tệ nạn quan liêu, hách dịch, hành vi ứng xử thiếu văn hóa với người lao động.

Nhiều bài báo “Nghệ Tĩnh chủ nhật” xuất bản hàng tuần lúc bấy giờ đã được đọc giả chuyền tay nhau đọc như bài báo “Vụ án Trương Xuân Điều”, “Liên minh Mai Phương” của nhà báo Lê Quý Kỳ, bài báo “Thấy gì qua vụ đào trộm tượng đồng đen ở chùa Yên Lạc”, “Sợi dây thừng oan nghiệt” của Phan Thế Cải. Sự thật những bài viết này đáp ứng rất kịp thời dư luận mà nhân dân bức xúc lên án. Tất cả các bài báo điều tra này, ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đứng đầu là đồng chí bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Bá đã kịp thời chỉ đạo những thông tin mà báo chí nêu.

Điều hạnh phúc nhất của những người phóng viên được tham gia làm công tác viết điều tra chống tiêu cực hưởng ứng “những việc cần làm ngay” của N.V.L lúc ấy. Mặc dù đối mặt với nhiều gian khổ và nguy hiểm, các bài viết điều tra đều không có tiền nhuận bút, tòa soạn cũng không bồi dưỡng gì thêm ngoài tiền lương và tiền thanh toán “giấy đi đường” theo chế độ hiện hành của nhà nước, nhưng nhờ “tâm sáng, lòng trong” nên không bị những phần tử tiêu cực mua chuộc. các bài báo khi đưa ra công luận được các cơ quan chức năng, đặc biệt là thanh tra, công an, viện kiểm sát cùng đồng hành cùng vào cuộc. Tất cả các bài báo dù thời gian nhanh hay chậm, đều được lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh giải quyết dứt điểm kịp thời. Trong đó có vụ án bị đưa ra truy tố trước pháp luật.

Mặc dù đã gần ba thập kỷ trôi qua, nhưng cho tới nay những đồng nghiệp trẻ ở hai tòa soạn báo Nghệ An và báo Hà Tĩnh vẫn hăng hái tham gia tích cực trong viết bài đấu tranh chống tiêu cực. Bài học “những việc cần làm ngay” của N.V.L trong thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị và đòi hỏi những nhà báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” lại tiếp tục dấn thân trên mặt trận mới./.

Quỳnh Hậu
Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top