Vì sao số vụ nhà báo bị hành hung không giảm
15:35 17/10/2016
- Pháp luật
Kỳ I: Nỗi lo người cầm bút
Khi công luận lên tiếng:
Mỗi nhà báo bị đánh ẩn chứa động cơ bưng bít thông tin, quyền lực thật sự của nhân dân bị cản trở. Ảnh minh họa
Vụ việc nhà báo Quang Thế (Báo Tuổi trẻ) và hàng chục nhà báo khác bị hành hung khi tác nghiệp diễn ra trong vòng chưa đầy 1 năm trở lại đây đã dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận về môi trường tác nghiệp thiếu an toàn của báo chí. Phải chăng đây chính là một trong những “kẽ hở” để những kẻ hành hung nhà báo tiếp tục lộng hành, bất chấp các quy định pháp luật?
TRONG VÒNG CHƯA ĐẦY 1 NĂM TRỞ LẠI ĐÂY, LIÊN TIẾP XẢY RA SỰ VIỆC PHÓNG VIÊN, NHÀ BÁO BỊ HÀNH HUNG, CẢN TRỞ TRONG QUÁ TRÌNH TÁC NGHIỆP: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung trên đường đi tác nghiệp Phóng viên VTV bị chém khi nhập vai Nhóm phóng viên bị hành hung, cản trở khi tác nghiệp tại Phú Thọ Phóng viên Báo Tuổi trẻ bị hành hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân |
Những con số biết nói
Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong khoảng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, có khoảng 4 vụ hành hung, đe dọa, lăng mạ phóng viên được các cơ quan báo chí đưa tin. Đáng ngại hơn, các vụ cản trở, hành hung vẫn xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp.
Các vụ việc trên cho thấy, tình trạng cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên tác nghiệp hiện nay diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt tình trạng này thường xuất hiện khi nhà báo tác nghiệp chống tiêu cực. Những kẻ liên quan sẵn sàng bất chấp kể cả tính mạng của nhà báo cho tới pháp luật để thực hiện bằng được hành vi che đậy, bưng bít các hoạt động tiêu cực của mình. Điều đáng nói, các vụ tấn công vẫn không ngừng gia tăng ngay cả khi Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin (2016) đã được Quốc hội thông qua.
Đáng chú ý hơn, Luật pháp Việt Nam không thiếu những quy định để bảo vệ các nhà báo, nhưng không hiểu vì nguyên cớ nào mà các quy định xử phạt vi phạm rất ít được áp dụng trên thực tế. Vì sao lại có sự coi thường dư luận và pháp luật như vậy? Câu trả lời rằng, một phần xuất phát từ sự thờ ơ, vào cuộc một cách đối phó của một số cơ quan chức năng khi giải quyết sự việc.
Có thể thấy, nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng chưa được làm sáng tỏ khiến “chìm xuồng”, rơi dần vào quên lãng. Trên thực tế, nhiều vụ hành hung người làm báo bị xử lý rất ít và thường nghiêng về các biện pháp hành chính khiến dư luận không đồng tình. Ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, qua công tác kiểm tra của Hội nhận thấy, thời gian gần đây, các cơ quan ở địa phương đã quan tâm xử lý việc các nhà báo bị tấn công, nhưng mức xử lý đưa ra còn quá nhẹ, hoặc giải quyết không thỏa đáng, không đủ sức răn đe. Một số địa phương thậm chí còn thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm hoặc làm cho qua chuyện. Có những vụ việc, cho đến nay, Hội vẫn chưa nhận được hồi âm dù đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc yêu cầu điều tra vụ việc.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số phóng viên, nhà báo, không nắm hết các quy định pháp luật để áp dụng khi cần thiết, có những sai sót nghiệp vụ, mắc lỗi khi tác nghiệp. Đơn cử như việc xuất trình thẻ nhà báo trước khi tác nghiệp là một quy định cơ bản và bắt buộc theo Luật Báo chí (trừ những đề tài liên quan đến thể loại điều tra), nhưng không phải nhà báo nào cũng tuân thủ điều này khi tác nghiệp. Có một thực tế là không ít nhà báo, phóng viên trẻ mới vào nghề còn thiếu những kỹ năng, kiến thức căn bản để tác nghiệp an toàn, thậm chí có “động cơ không trong sáng” cũng góp phần tạo nên phản ứng kích động từ phía cá nhân, tổ chức được nêu trong bài báo.
Ai sẽ bảo vệ nhà báo?
Vai trò của báo chí là rất lớn, phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vì sự bình yên của xã hội. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài và đầy khó khăn, thử thách. Để cuộc đấu tranh này đem lại kết quả cao hơn, nhà báo cần phải được khuyến khích, động viên, và cũng rất cần được bảo vệ. Hành vi hành hung nhà báo không chỉ làm tổn thương sức khỏe, tinh thần, danh dự và nhân phẩm của cá nhân người bị hại mà mỗi nhà báo bị đánh ẩn chứa động cơ bưng bít thông tin, quyền lực thật sự của nhân dân bị cản trở.
Nếu không sớm có một cơ chế “bảo hộ” thỏa đáng sẽ làm giảm nhiệt huyết phòng chống, phát hiện tham nhũng, tiêu cực của báo chí, làm giảm sự chân thực, khách quan trong ngòi bút khi những “thương tật” dai dẳng không được bảo vệ vẫn ám ảnh mỗi nhà báo.
Từ những vụ phóng viên, nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây, thiết nghĩ, ngoài việc tuyên truyền giáo dục cho các nhà báo cũng như người dân hiểu luật, cần kiện toàn luật pháp, nâng cao vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Một số nhà báo có kinh nghiệm cho rằng, cần xây dựng một chế tài xử lý riêng đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành động cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp.
Ngoài ra, khi gặp cản trở, bị đe dọa trong hoạt động tác nghiệp, hội viên, nhà báo và cơ quan báo chí phải lên tiếng ngay. Nên phản ánh thông tin nhanh và chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau vụ việc để tạo thành áp lực dư luận. Thực tế thời gian qua, hoạt động truyền thông của báo chí về vấn đề này chưa đến nơi đến chốn, chưa chỉ ra rõ hậu quả của việc nhà báo bị hành hung, do đó, người dân không hiểu rằng nhà báo bị cản trở đồng nghĩa với việc thông tin không được công khai, nhiều góc tối, nhiều tiêu cực đã bị che lấp.
Do đó, cần sự phản ứng kịp thời, đủ độ của các cơ quan báo chí, các tổ chức Hội Nhà báo để các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan công quyền nghiêm túc vào cuộc xử lý. Làm sao để cho toàn xã hội cùng đồng tình, lên án hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Khi đó, cả cộng đồng sẽ cùng vào cuộc. Đây là phương thức bảo vệ tốt nhất cho nhà báo hành nghề.
Thêm nữa, có một số trường hợp nhà báo bị hành hung khi tác nghiệp có động cơ, mục đích không trong sáng. Do đó, điều cần thiết là báo chí phải công khai minh bạch về những vụ việc này, để công chúng hiểu về nghề báo và những người làm báo. Ngoài ra, Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên, nhà báo về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sao cho đúng mực, khéo léo và kỹ năng tự bảo vệ ở những hoàn cảnh nguy hiểm. Nhà báo dám dấn thân, nhưng phương pháp tác nghiệp cần chuẩn mực, thái độ cần khiêm tốn, tác phong chững chạc. Muốn tự bảo vệ, trước hết nhà báo cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, hướng tới lợi ích của đất nước, của nhân dân, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi... Đây có lẽ là biện pháp hết sức cần thiết và là cách tự bảo vệ hữu hiệu nhất cho mỗi nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng đối với những người làm báo để có thể tự bảo vệ mình, đó là bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật; có kiến thức văn hóa và lối ứng xử văn hóa.
Hơn khi nào hết, mỗi phóng viên, nhà báo luôn cần một điểm tựa niềm tin để yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến. Đừng để trong tay nhà báo chỉ có cây bút, cuốn sổ, máy ảnh và bầu nhiệt huyết!
Đón đọc Kỳ II: Đi tìm sự công bằng trong công luận
Sau khi nắm bắt về thông tin vụ việc PV Nguyễn Quang Thế bị hành hung, ngày 24/9, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Công an TP. Hà Nội, nhanh chóng xác minh, làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi cản trở tác nghiệp, hành hung nhà báo và trả lời bằng văn bản gửi về Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết kết quả bước đầu về vụ việc “xô xát” giữa PV Quang Thế của Báo Tuổi trẻ và chiến sĩ công an thuộc đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh trên cầu Nhật Tân hôm 23/9 vừa qua chỉ là “bị gạt tay vào má”, đề nghị tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ Ngô Quang Hưng; kiểm điểm rút kinh nghiệm ông Nguyễn Văn Thuyên. Đồng thời Công an quận Tây Hồ đã gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 lỗi đối với PV Quang Thế với tổng mức tiền phạt là 14.405.000 đồng. Ngày 30/9, Phó Tổng Biên tập Xuân Trung cho biết, Báo Tuổi trẻ sẽ đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem xét tính khách quan của kết luận vụ xô xát giữa cảnh sát và phóng viên Quang Thế. Ngày 3/10, Báo Tuổi trẻ gửi công văn đến Thượng tướng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị chỉ đạo Công an TP. Hà Nội và Công an quận Tây Hồ xem xét lại quyết định xử phạt hành chính PV Quang Thế. |
Huy Long - Ngọc Thành - Thùy Dung
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)