Văn hóa đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ hiện nay
16:31 06/07/2022
- Văn hóa xã hội
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ và
nhanh chóng của khoa học và công nghệ đã đưa loài người sang kỷ nguyên của xã hội
công nghiệp thông tin. Việc học tập và làm việc trên máy tính là sự lựa chọn hàng đầu
của giới trẻ. Văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng phát triển ngày càng thu hút giới trẻ và
có xu hướng lấn át văn hóa đọc.
Để đọc hiểu, thích thú sách lý luận, chính trị, pháp luật cần có nền tảng kiến thức tương đối sâu rộng về lịch sử, chính trị, kinh tế, triết học, pháp luật
Một số vấn đề về lý luận
Sách lý luận, chính trị, pháp luật là loại sách có nội dung trực tiếp góp phần bảo vệ, truyền bá, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu kiến thức, kinh nghiệm hoạt động chính trị của các nước, các đảng chính trị; giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp chính trị của các lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là một loại sách chuyên ngành có nội dung là hệ thống và phân tích các bộ luật, đạo luật, các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong các lĩnh vực nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự, hôn nhân - gia đình, tài chính, kinh tế, lao động...
Qua đó góp phần xây dựng, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng; giáo dục, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng con người mới, nếp sống mới; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Văn hoá là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước” .
Thuật ngữ văn hóa đọc đến thời điểm hiện tại chưa có trong mục từ điển, chưa được coi là một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất. Có rất nhiều quan niệm về văn hoá đọc, sau khi nghiên cứu, chúng tôi có thể khái quát về văn hoá đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ như sau: văn hóa đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc sách chính trị, lý luận, pháp luật của các nhà quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc sách chính trị, lý luận, pháp luật của cộng đồng xã hội và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc sách chính trị, lý luận, pháp luật của giới trẻ trong xã hội nhằm hình thành ở giới trẻ thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật.
Văn hóa đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ hiện nay
Khảo sát từ thực tế
Năng lực sản xuất ngành xuất bản nước ta trung bình là 400-430 triệu bản/năm, tương đương 4,1-4,3 bản/người/ năm, thuộc mức cao trong khu vực, so với Indonesia: 290 triệu bản (gồm cả sách giáo khoa), Malaysia: 120 triệu bản (chưa bao gồm sách giáo khoa); Trung Quốc là 10,1 tỷ bản/năm, tương đương 7,2 bản/người/năm .
Tuy nhiên, theo số liệu năm 2019, tổng số sách phát hành là 440 triệu bản, trong đó có khoảng 300 triệu bản là sách giáo khoa, giáo trình, các loại sách còn lại chỉ là 140 triệu bản. Nếu chia cho 97 triệu dân Việt Nam biết đọc, tỉ lệ sách/ người của năm 2019 cũng chỉ đạt 1,4 bản/người/ năm. Con số này là quá thấp và thực sự đáng lo ngại cho văn hóa đọc nước nhà.
Bên cạnh đó, cơ cấu sách lý luận, chính trị, pháp luật chưa hợp lý. Sách lý luận, chính trị, pháp luật tuy có tăng về số đầu sách nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số đầu sách xuất bản. Đặc biệt, số lượng bản in ở mảng sách này là rất thấp. Có một điểm sáng là: năm 2021, mảng sách này đã tăng trong tổng số sách của ngành, nhất là về số bản sách tỷ lệ tăng rất cao.
Nguồn: Số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành
Cụ thể nếu so sánh với năm 2020, số đầu sách lý luận, chính trị, pháp luật năm 2021 tăng 6%, đặc biệt về số bản sách đã tăng được 34%. Tuy nhiên, nếu so sánh số bản in của mảng sách này tại thời điểm năm 2021 có số bản gần 6 triệu với số lượng hơn 5 triệu đảng viên và hơn 22,6 triệu thanh niên Việt Nam hiện nay, số đầu sách phục vụ độc giả sẽ là: 1,2 bản/ đảng viên/năm và 0,26 bản/thanh niên/năm. Con số này quả thực là đáng báo động.
Loại sách và hình thức sách lý luận, chính trị, pháp luật hiện nay chưa phong phú, chưa đa dạng, tính hấp dẫn còn nhiều hạn chế và chưa phù hợp với giới trẻ. Hình thức sách lý luận, chính trị, pháp luật thường theo đặc tính là phải trang trọng, chuẩn mực, kinh điển, nên khó bắt mắt được giới trẻ, chưa cuốn hút được thẩm mỹ của giới trẻ. Kỹ thuật in của nhiều nhà xuất bản còn thấp, sách in xấu, xộc xệch, nhanh cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng. Sách lý luận, chính trị, pháp luật thường dày, giá sách vẫn cao so với điều kiện kinh tế nhiều bạn đọc trẻ, nhất là các bạn trẻ vùng sâu, xa, do đó chưa khuyến khích được nhu cầu mua sách lý luận, chính trị, pháp luật của giới trẻ.
Sách lý luận, chính trị, pháp luật tuy có tăng về số đầu sách nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số đầu sách xuất bản
Nguyên nhân do đâu?
Sách lý luận, chính trị, pháp luật thường không được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hoặc sách điện tử. Đây chính là những kênh thông tin mà giới trẻ tìm đến để kiếm tìm thông tin nhiều nhất. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới phẳng, tri thức của nhân loại dường như không còn có biên giới. Sự kiện, thông tin lý luận, chính trị rất nhanh chóng đến được với giới trẻ, nhưng đó chưa phải là tri thức.
Hơn nữa, những thông tin, sự kiện đó đôi khi được định hướng bởi một chính thể, quốc gia nào đó khiến thông tin bị méo mó, lệch lạc, khiến cho giới trẻ cũng mất phương hướng nếu như không có sách lý luận, chính trị chính thống được số hoá. Mặt khác, việc khai thác thế mạnh của hạ tầng kỹ thuật số trong việc xây dựng thư viện số, hỗ trợ giới trẻ đọc trên máy tính bảng, máy tính, điện thoại cũng chưa nhiều, cũng khiến giới trẻ ít có cơ hội tiếp cận sách lý luận, chính trị, pháp luật.
Sách lý luận, chính trị, pháp luật thường có nội dung khô khan, khó đọc, ít hấp dẫn với giới trẻ. Để đọc hiểu, thích thú sách lý luận, chính trị, pháp luật cần có nền tảng kiến thức tương đối sâu rộng về lịch sử, chính trị, kinh tế, triết học, pháp luật…, nhưng đây lại là những môn học trong nhà trường đang thực sự kém hấp dẫn người học. Tất nhiên, sự kém hấp dẫn này có nhiều nguyên nhân. Nội dung những loại sách này còn nhiều lý luận kiểu hàn lâm, bác học, dài, diễn đạt khó hiểu, khô khan, không theo kịp sự kiện thời sự…
Về hình thức, sách lý luận, chính trị, pháp luật có độ dày và nhiều chữ, thiết kế trình bày đơn điệu khiến cuốn sách vốn đã nặng về kiến thức lại không tạo điều kiện cho giới trẻ dễ tiếp thu. Giá thành cao cũng là một rào cản để sách lý luận, chính trị, pháp luật tiếp cận với giới trẻ. Còn thiếu các đề tài hay, có giá trị vì chưa có sự đầu tư về thời gian, nhân lực, tài chính, cơ chế nhuận bút, cơ chế phát hành... nên chưa thu hút được các tác giả, chưa có đề tài hay để thu hút sự quan tâm của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ.
Sách lý luận, chính trị, pháp luật vốn dĩ là sách khó đọc, đòi hỏi người đọc có một trình độ học vấn nhất định mới có thể đọc và hiểu. Để giới trẻ yêu thích và trở thành tập quán, lối sống đọc loại sách này quả là một công việc đầy thách thức. Điều này có nguyên nhân, và việc xác định đúng nguyên nhân mới có thể có được giải pháp hiệu quả. Các nguyên nhân trên chính là rào cản lớn khiến cho việc hình thành văn hoá đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật.
Giới trẻ cần có thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật
Một số giải pháp bước đầu
Thứ nhất, cần thúc đẩy nhu cầu đọc của giới trẻ. Các nhà xuất bản cần có chiến dịch truyền thông để giới trẻ nhận diện rõ ràng “lỗ hổng kiến thức” về lý luận, chính trị, pháp luật của mình và sự thiếu hụt đó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ.
Bên cạnh đó cần có chiến lược dài hạn về đề tài mang tính hệ thống giải quyết 3 loại nhu cầu về sách lý luận, chính trị, pháp luật: Sách chuyên khảo phục vụ nghiên cứu chuyên sâu; Sách phổ biến kiến thức; sách giải trí. BTV của nhà xuất bản cần có nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực chính trị, pháp luật để lập kế hoạch đề tài, đặt tác giả biên soạn theo kế hoạch ngắn, trung, dài hạn theo ba nhóm nhu cầu.
Thứ hai, tăng tính hấp dẫn cả về hình thức và nội dung. Các nhà xuất bản cần có chiến lược thay đổi thiết kế, minh họa sách đáp ứng từng loại nhu cầu đọc. Loại sách phổ biến kiến thức cần có thiết kế khác với loại sách chuyên khảo; sách giải trí khác với sách phổ biến kiến thức. Tiêu chí là: Đơn giản hoá (dưới dạng comics, sơ đồ, khái lược, giản dị, theo các tiêu chí thuần – chính – giản – khiết…); Cụ thể hoá (đưa các vấn đề lý luận, chính trị, kinh tế, pháp luật… cao siêu, trừu tượng thành các vấn đề gần gũi, cụ thể với cuộc sống của người đọc, nhất là với giới trẻ: giáo dục, việc làm, quyền và nghĩa vụ…).
Để thu hút được giới trẻ có hứng thú đọc sách lý luận, chính trị, pháp luật, cần phải hiểu giới trẻ muốn đọc gì, đọc khi nào, đọc ở đâu và đọc như thế nào. Những câu hỏi này không dễ trả lời và hay bị bỏ qua một cách dễ dàng khi duyệt kế hoạch đề tài. Nhưng trên thực tế, khi duyệt kế hoạch đề tài, 5 câu trả lời càng chi tiết, cụ thể, có chứng lý rõ ràng thì khâu phát hành càng thuận lợi.
Chẳng hạn, trả lời cho câu hỏi: Đọc như thế nào, BTV sẽ phải tìm tác giả (viết, biên soạn), tìm tác phẩm (dịch từ tiếng nước ngoài) có lối viết phù hợp với 3 loại nhu cầu trên, phù hợp với khuynh hướng đọc của giới trẻ. Ngoài kiến thức chuyên môn, tác giả cũng cần có lối viết phù hợp với giới trẻ, chẳng hạn câu văn ngắn, ý tứ đơn giản, mạch lạc, lập luận rõ ràng…
Thứ ba, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phát hành xuất bản phẩm phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Đồng thời, chú trọng xây dựng các trung tâm, trọng điểm về xuất bản, in, phát hành sách lý luận, chính trị, pháp luật làm hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Thứ tư, phát triển số hóa, xuất bản sách điện tử trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ là một xu thế tất yếu khách quan của ngành xuất bản. Xuất bản sách điện tử về lý luận, chính trị, pháp luật không nằm ngoài xu thế đó. Để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đồng bộ, hiệu quả, các đơn vị xuất bản, phát hành cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường xử lý hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường số; quảng bá, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức số tới bạn đọc trẻ…
Thứ năm, xây dựng môi trường học thuật. Môi trường học thuật lý luận, chính trị, pháp luật cởi mở là một trong những điều kiện, giải pháp để thu hút giới trẻ hứng thú đọc sách lý luận, chính trị; tổ chức các hội thảo, giới thiệu sách mới nhắm đến các đối tượng là giới trẻ. Tìm các cộng tác viên trẻ có hiểu biết từng lĩnh vực tham luận, phân tích, phê bình, giới thiệu. Các buổi hội thảo có thể diễn ra trực tiếp tại hội trường hoặc trực tuyến trên một số ứng dụng Zoom, Microsoft Teams, Facebook… hoặc kết hợp cả hai.
Ngoài ra, có thể xây dựng cộng đồng trực tuyến yêu thích đọc sách lý luận, chính trị, định hướng thảo luận, chia sẻ ý tưởng, giới thiệu sách. Tạo diễn đàn để giới trẻ có thể tham gia phát biểu ý kiến của mình đối với các vấn đề lý luận, chính trị… Cộng đồng có thể đến từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng, nghiên cứu viên, giảng viên…
Thứ sáu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình xuất bản - phát hành sách. Xét về quy trình và thành phần, hoạt động xuất bản thường được hiểu theo nghĩa rộng có ba khâu, gồm tổng hợp các hoạt động gia công biên tập ở nhà xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm đến tay người đọc. Ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động xuất bản số là xu thế chung của ngành xuất bản thế giới. Cần đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ trong ba khâu của hoạt động xuất bản, đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ trong công tác quản lý, kiểm soát, vận hành hoạt động của nhà xuất bản.
Việc nâng cao văn hoá đọc sách chính trị, lý luận, pháp luật cho giới trẻ cần phải thực hiện từng bước, đồng bộ các giải pháp, phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể trong giai đoạn hiện nay và thực lực hiện có của từng nhà xuất bản. Công việc cần phải được tiến hành thận trọng, có sự quản lý chặt chẽ của các cấp quản lý của toàn ngành./.
TS PHẠM QUỲNH (Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
MAI THU HIỀN (Biên tập viên chính, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)
- Hoa tình yêu (11:20 21/10/2024)