Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh trà
11:29 20/05/2025
- Văn hóa

Sự kiện quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo, nghệ nhân và cộng đồng cùng thảo luận các giải pháp bảo tồn di sản, nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên, và phát triển du lịch văn hóa trà.
Diễn đàn “Thái Nguyên - Trăm năm đệ nhất danh Trà” nằm trong khuôn khổ Hành trình “Trà Việt - Văn hóa và di sản” thuộc dự án tôi yêu văn hóa du lịch Việt Nam, nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Trà thế giới (21/5/2020 - 21/5/2025) nhằm tôn vinh di sản chè Thái Nguyên, thúc đẩy du lịch văn hóa và định hướng phát triển bền vững cho ngành chè Việt Nam.
Chè Thái Nguyên, với danh hiệu “đệ nhất danh trà”, không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng văn hóa, kinh tế và tinh thần của vùng đất Thái Nguyên. Từ thời nhà Nguyễn, sách "Đại Nam nhất thống chí" (1848-1883) đã ghi nhận chè Nam ở huyện Phú Lương có “vị ngon hơn chè các nơi khác”. Đến đầu thế kỷ 20, chè Tân Cương được người Pháp đưa vào trồng quy mô lớn, tiêu chuẩn hóa và xuất khẩu, khẳng định vị thế với hương thơm cốm, vị chát dịu và hậu ngọt sâu lắng.
Trình diễn nghi thức pha và mời trà.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TSĐỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội khẳng định: “Diễn đàn kỷ niệm 100 năm hành trình tự hào, từ những đồi chè xanh mướt đến thương hiệu chè Thái Nguyên vang danh quốc tế, là dịp để nhìn lại giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng tương lai”.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân và cộng đồng yêu trà đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và trải nghiệm về văn hóa trà trong đời sống người Việt; đưa ra định hướng phát triển du lịch và định vị thương hiệu chè; giải pháp bảo tồn di sản chè, xây dựng thương hiệu và phát triển ngành chè bền vững…
Diễn đàn là bước khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm nâng tầm chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế với những cam kết mà Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Hội Chè tỉnh Thái Nguyên và đại diện chính quyền tỉnh Thái Nguyên đưa ra gồm: Hỗ trợ bảo vệ giống chè bản địa, gìn giữ nghệ thuật chế biến truyền thống và bảo vệ môi trường canh tác; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè sạch, khuyến khích hợp tác xã và doanh nghiệp đổi mới sản phẩm như trà xanh, trà ô long; xây dựng các tour trải nghiệm vùng chè Tân Cương, kết hợp với di sản văn hóa Thái Nguyên để thu hút du khách; phối hợp với các cơ quan truyền thông và đối tác quốc tế để đưa thương hiệu chè Thái Nguyên đến với thị trường lớn như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Diễn đàn là cơ hội quảng bá hình ảnh Thái Nguyên như trung tâm văn hóa trà của Việt Nam.
Là người dành rất nhiều tâm huyết cho trà Việt, bà Trần Thị Thùy Dương, Phó trưởng phòng Quản lý Văn hóa của Viện Nghiên cứu các vấn đề xã hội, tác giả hành trình "Trà Việt - Văn hóa và di sản" chia sẻ thêm, diễn đàn được thiết kế với chuỗi hoạt động phong phú, kết hợp giữa thảo luận chuyên sâu, trải nghiệm văn hóa và giao lưu cộng đồng không chỉ là cầu nối giữa nghiên cứu học thuật và thực tiễn mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh Thái Nguyên như trung tâm văn hóa trà của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu của dự án "Tôi yêu Văn hóa Du lịch Việt Nam" trong việc lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch bền vững.
PV
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Hoàn thiện để quản lý tốt báo chí trong thời đại chuyển đổi số (03:53 16/05/2025)
- Lan tỏa thông điệp về giá trị văn hóa và sức sáng tạo của con người vùng đất cao nguyên (03:50 06/05/2025)
- Tuệ giác phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững (10:19 06/05/2025)
- “Tự hào một dải non sông”Triển lãm ảnh lan tỏa lòng yêu nước đối với thế hệ trẻ (02:57 28/04/2025)
- Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025: Sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế thiêng liêng, đặc biệt (04:22 22/04/2025)