Vấn đề quản lý báo chí trong xu hướng toàn cầu hóa
16:59 21/04/2017
- Pháp luật
Báo chí hiện đại phát triển trong tình hình cuộc đấu tranh chính trị, tư tưởng
trên thế giới ngày càng tinh vi, phức tạp.
Quản lý báo chí trong xu hướng toàn cầu hóa cần sự chủ động
Cần sự chủ động
Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc định hướng chính trị và thông qua nhà nước, thông qua công tác tổ chức - cán bộ, thông qua giám sát, kiểm tra hoạt động thường xuyên trong thực tiễn. Quản lý nhà nước về báo chí còn bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quản lý báo chí truyền thông cần chủ động, không nên quá tập trung vào xử lý tình huống. Nếu nhìn lại toàn bộ hoạt động báo chí - truyền thông trong những năm gần đây, có thể thấy rằng, các sai sót chính trị nghiêm trọng, tức là công khai đối lập, đi ngược lại với lợi ích toàn cục, lợi ích chung, hầu như không có.
Các sai sót, khuyết điểm phần nhiều là do cách nhìn thiên lệch, không toàn diện. Có khuyết điểm ở dạng “đúng - sai”, nhưng nhiều hơn là dạng khuyết điểm nhìn theo khía cạnh “nên - không nên”. Nguyên nhân sâu xa của các khiếm khuyết loại này trong hoạt động báo chí - truyền thông nằm trong sự thiếu hụt khả năng nhìn nhận và phản ánh đúng đắn, hài hòa các nhóm lợi ích trong xã hội, nghiêng về nhóm lợi ích này mà không thấy các lợi ích khác, nhất là không thấy những lợi ích còn lớn hơn đối với toàn xã hội. Một số khuyết điểm có nguyên nhân do bị nhóm lợi ích tiêu cực mua chuộc. Các khuyết điểm này không nhiều, nhưng khó phát hiện, khó chứng minh và điều đáng nói nhất là khuyết điểm loại này có thể gia tăng khi xung đột lợi ích ngày càng nhiều trong xã hội.
Trong bối cảnh các nhóm lợi ích phát triển nhanh chóng, đan xen phức tạp, hoạt động báo chí - truyền thông bị sức ép rất lớn, dễ bị sai sót. Và điểm yếu nhất của quản lý báo chí thời gian qua (bên cạnh các ưu điểm lớn) là: Chạy sau tình huống, sa vào xử lý tình huống, thường xuyên phải xử lý khắc phục các tình huống không tốt đã xảy ra trong thông tin. Tất nhiên, không bao giờ có thể lường hết được các tình huống, vì vậy việc chỉ đạo để xử lý các tình huống luôn là công việc cần thiết và là phần công việc hàng ngày của công tác lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông. Tuy nhiên, nếu việc xử lý tình huống lấn át công việc khác trong chỉ đạo, quản lý, thì rõ ràng còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ.
Do đó, cần nâng cao tính chủ động không chỉ trong chỉ đạo nội dung thông tin, mà cả trong quản lý nhà nước đối với báo chí - truyền thông.
Tăng cường “pháp trị”
Các công cụ pháp lý không thể thay thế chỉ đạo chính trị, nhưng là công cụ chủ yếu, cơ bản của lãnh đạo chính trị đối với báo chí - truyền thông trong bối cảnh mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực ngôn luận. Tăng cường công cụ này cũng là tăng cường sự lãnh đạo chính trị đối với hoạt động truyền thông.
Các quy định pháp lý đối với hoạt động báo chí - truyền thông càng đầy đủ, chi tiết, thì càng có tác dụng khuyến khích hoạt động hữu ích, đồng thời ngăn ngừa các sai phạm của hoạt động báo chí - truyền thông. Khi cần chấn chỉnh sai sót thì cũng thuận tiện và hiệu quả hơn vì đã có các quy định pháp lý cụ thể, chi tiết để vận dụng.
Hoàn chỉnh các quy định luật pháp không những mang lại thuận lợi cho người quản lý, mà còn thuận lợi cho bản thân hoạt động bị quản lý, bởi có sự minh bạch trong xử lý các vấn đề của hoạt động đó. Khi đó sự chỉ đạo báo chí sẽ chủ động hơn, chủ yếu là định hướng, cung cấp thông tin, phát huy năng lực sáng tạo của báo chí. Ví dụ: nếu danh mục các bí mật nhà nước được cụ thể hóa từ sớm và sát với thực tế, đồng thời các quy định pháp luật về quyền được thông tin, được khai thác thông tin, được nhận thông tin của báo chí thật rõ ràng... sẽ tránh được nhiều trường hợp phải xử lý các tình huống báo chí thông tin không có lợi.
Cần nâng cao thực lực của nền báo chí truyền thông nước nhà
Nâng cao thực lực của nền báo chí - truyền thông
Có những quy luật rất khách quan, trong thông tin không thể có khoảng chân không, mà vận hành nguyên tắc bình thông nhau. Nếu công chúng không thỏa mãn những thông tin mà hệ thống báo chí - truyền thông hiện có cung cấp, người ta sẽ có xu hướng tìm thêm thông tin ở hệ thống truyền thông khác. Vì thế, nếu nhìn nhận toàn cục thì giải pháp tốt nhất là xây dựng cho được một hệ thống báo chí - truyền thông nhà nước thật mạnh. Khi đó sẽ không còn cơ sở, hoặc ít ra là giảm thiểu lý do đòi hỏi có thêm các đơn vị báo chí truyền thông ngoài khu vực nhà nước và đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp.
Có thể thấy, dù có các tiến bộ lớn, báo chí - truyền thông nước ta thời gian qua vẫn còn gặp phải những thách thức chưa từng có. nhiều cơ quan báo chí thiếu đội ngũ nhà báo giỏi và có bản lĩnh, cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ còn yếu kém. Cơ chế tài chính của các cơ quan báo chí hiện không đồng nhất, nhiều điểm bất hợp lý.
Chúng ta có một số cơ quan báo chí - truyền thông tầm quốc gia có vị thế chủ chốt. Nhưng vị thế mới chỉ là một yếu tố thuận lợi, thực lực mới là quyết định. Cần xây dựng các cơ quan này thực sự mạnh về thực lực. Trong toàn bộ hệ thống báo chí - truyền thông, các đơn vị giữ vị thế đầu tàu, có vai trò là người chi phối dư luận xã hội, giữ nhịp cho cả hệ thống. Cần phải nhìn nhận thực tế hiện nay chưa đạt được yêu cầu đó.
Tránh hoặc giảm thiểu nhu cầu có hệ thống báo chí “khác”. Hiện nay xuất hiện nhiều lo ngại về việc nếu các cơ quan báo chí lớn chuyển sang cơ chế vận hành như tập đoàn, có nguy cơ bị sa vào mục đích lợi nhuận, sao nhãng nội dung.
Nguy cơ này có thật, nhưng nếu có đội ngũ cán bộ lãnh đạo vững và cơ chế quản lý chặt chẽ thì hoàn toàn có thể xử lý được mối quan hệ giữa kinh tế báo chí và tôn chỉ của cơ quan báo chí. Nếu các cơ quan hàng đầu này không mạnh về tài chính, nhân lực, kỹ thuật, tất yếu sẽ dẫn đến sa sút về thực lực, không theo kịp với nhu cầu xã hội. Khi đó có nguy cơ bị mất bạn đọc, mất khán giả, mất công chúng. nguy cơ này lớn hơn nhiều so với nguy cơ lệch hướng vì quá coi trọng lợi ích kinh tế.
Các yếu tố chủ quan và khách quan sẽ tác động mạnh đến tình hình báo chí - truyền thông (và công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này) trong thời gian tới. nếu để các yếu tố này diễn ra một cách tự nhiên, sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn trong quản lý báo chí - truyền thông. nhưng nếu chủ động, sẽ khai thác được nhiều thuận lợi, biến thách thức thành động lực từ các yếu tố khách quan đó./.
ThS. Lê Trần Nguyên Huy
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)