Trọn đời khắc họa anh bộ đội Cụ Hồ

15:34 07/07/2016 - Chân dung nhà báo
Các thế hệ làm báo Quân khu 4 thường nhắc tới đại tá, nhà báo Thanh Đồng như con dao pha đắc dụng ở nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh hoạt động báo chí trong không gian địa chí từ Tam Điệp tới Bắc Hải Vân.

Đại tá, nhà báo Thanh Đồng (thứ 2 từ trái sang)

Trưởng thành từ mặt trận khói lửa

Nhà báo Thanh Đồng sớm có bài đăng trên báo Cứu Quốc liên khu 4, tạp chí Sáng tạo, Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của Cục Chính trị Liên khu 4 mà các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi như Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Nguyễn Văn Thương, Hải Triều, Lưu Quý Kỳ, Đặng Thai Mai... tham gia biên tập, tổ chức xuất bản từ năm 1949-1952.

Đầu những năm 1960, tên của ông xuất hiện đều đặn dưới các bài viết trên báo Quân đội Nhân dân, Nhân Dân, Thống Nhất, Tiền Phong. Đề tài mà ông quan tâm là xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, nêu gương sản xuất, phục vụ chiến đấu ở Vĩnh Linh, miền Tây Nghệ An. Khi ông về đầu quân cho báo Quân khu 4 cũng là thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc lan rộng, khu 4 trở thành tiền tuyến của hậu phương miền Bắc, trực tiếp đánh giặc, chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào. Ông tình nguyện vào mặt trận Vĩnh Linh - Quảng Trị với tư cách vừa là phóng viên chiến tranh vừa làm công tác tuyên huấn. Ông gần như theo sát khu đội trưởng Hoàng Đưởm, Bí thư Trần Đồng cùng tham gia xây dựng thế trận đánh địch, tổ chức sản xuất dưới tầm bom, đạn và phát hiện điển hình chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi vùng đất thép Vĩnh Linh. Nếu không có những ngày bám trận địa phòng không của dân quân Vĩnh Linh nơi chỉ cách căn cứ Mỹ - Ngụy Cồn Tiên, Dốc Miếu một tầm pháo, làm sao ông viết được thiên phóng sự sống động: “Ghi chép một ngày trên trận địa”, khắc họa chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Khuê, người chỉ huy khẩu đội 12 ly 7 đánh trả máy bay phản lực Mỹ trên 200 trận...

Cũng tại vùng đất mà mọi hoạt động phải chuyển xuống địa đạo, ông tìm gặp những cán bộ, dân quân Vĩnh Chấp, Vĩnh Giang chèo thuyền đưa vũ khí, lương thực vượt vòng vây tàu chiến giặc, chi viện cho bộ đội bảo vệ đảo Cồn Cỏ, rồi luồn lách thủy lôi chuyển thương binh về đất liền. Bài ký sự “Một chuyến ra đảo” của ông được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, được đăng trên báo Quân đội Nhân dân đã gây xúc động không chỉ với quân, dân khu 4 trong những năm đánh Mỹ khốc liệt. Bám sát lực lượng vận tải tuyến lửa, ông có bài phóng sự viết tại trận: “Xe ra tiền tuyến”, “Xuân đất lửa”... Phần lớn các tác phẩm báo chí của ông đều khắc họa hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, cô dân quân tuyến lửa, bà mẹ vùng trọng điểm sông Gianh, Nhật Lệ, Hồ Xá, Vĩnh Mốc, Gio Linh...

Cả đời dốc sức cho nghề báo

Kết thúc chiến tranh, Quân khu 4 bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả tàn phá của bom, đạn, nhà báo Thanh Đồng sớm tạo lập cho mình tâm thế thể hiện đề tài xây dựng, phát triển kinh tế. Ông có phóng sự khiến dư luận quan tâm về lực lượng vũ trang Quân khu 4 khôi phục đường tàu Thống Nhất tuyến Minh Cầm - Tiêu An. Đọc phóng sự “Chiến sĩ với đường tàu”, có cảm nhận ông là một phần của công trường náo nức, hối hả chạy đua với thời gian. Suốt hơn 200 ngày, gần như lúc nào ông cũng có mặt trên công trường mà đoàn Sông Lam B, đoàn Bông Lau B, Đoàn 214...trải dài đội hình khai thác đá, san lấp nền đường, xây dựng 12 khu Ga đón tàu, 320 cầu, cống vừa và nhỏ... để ngày 7/12/1976, đoàn tàu Thống Nhất băng băng trên tuyến đường sắt vừa hồi sinh, tiến về phương Nam.

Thế hệ cầm súng, cầm bút thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, mấy người được học nghề bài bản. Nhà báo Thanh Đồng cũng không là ngoại lệ. Trước khi cầm bút, ông phải cầm súng, chống càn, phá vây từ chiến trường Bình - Trị Thiên khói lửa. Cuộc sống vô cùng gian khổ, trận chiến ác liệt và hình ảnh người lính Cụ Hồ “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” là nguồn sống, vẻ đẹp chân thực mà nhà báo, chiến sĩ Thanh Đồng khát khao thể hiện sinh động trong từng câu chữ.

Là phóng viên, ông tìm mọi cách có mặt ở đầu nguồn sự kiện. Với cương vị là Tổng biên tập, ông chỉn chu, mực thước không chỉ trong tổ chức toà soạn, chỉ đạo thực hiện nội dung xuất bản. Khoảng thời gian ông phụ trách báo Quân khu 4, khó khăn chồng chất, thiếu thốn phương tiện, chưa có nhà in riêng cho báo, ông lặn lội trên chiếc xe đạp, vượt biết bao trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, từ Nghệ An ra Hà Nội xin cấp phương tiện in ấn.

Ra nhà in báo Quân đội Nhân dân, xin được thiết bị, ông lại bươn bả tới đoàn 22A xin cán bộ, chuyên gia kỹ thuật in về làm rường cột, xây dựng xưởng in Quân khu 4 tại nơi sơ tán. Sức chịu đựng của ông đến kinh ngạc. Không dưới 3 lần ông làm việc và ngất trên bàn viết, phải cấp cứu nhưng thoát nạn, ông lại hối hả vào việc. Nhìn ông gầy đét, nhỏ con, chỉ có đôi mắt lúc nào cũng ánh lên niềm đam mê cháy bỏng công việc, nhiều đồng nghiệp băn khoăn không hiểu ông dồn nén, tích cóp nội lực nào mà bền bỉ, dẻo dai đến vậy.

Nghỉ hưu từ năm 1990, ông được Hội Cựu chiến binh Nghệ An mời phụ trách bản tin Cựu chiến binh. Ông cùng nhà báo, đại tá Đậu Kỷ Luật lần lượt, đều kỳ mỗi tháng phát hành 2 vạn bản tin giới thiệu điển hình và bài học xây dựng tổ chức Hội.

Không chỉ làm báo chuyên nghiệp 40 năm, nhà báo, đại tá Thanh Đồng đam mê nghiệp báo cho tới tận ngày ông lâm bệnh nặng, không thể cầm bút. Ông về với thế giới người hiền vào dịp cả nước kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 6/5/2011, để lại sự kính trọng, nuối tiếc về một phẩm chất, nhân cách làm báo chân chính không chỉ với thế hệ làm báo hôm nay.

Nhà báo Thanh Đồng, tên khai sinh là Phan Xuyến, sinh năm 1932, quê Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thời nhỏ, ông theo học trường trung học Pháp - Việt, học giỏi nên ông nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ. Ra trường ông dạy bổ túc cho dân quê nghèo, tham gia Việt Minh, giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Thế rồi mặt trận Huế vỡ, Bình - Trị - Thiên ngút trời khói lửa, chết chóc, bom đạn. Ông tham gia quân đội, làm trợ lý tuyên huấn từ huyện đội Quảng Trạch. Đây là cơ duyên để ông trở thành cây bút chủ lực của Quân khu 4 vào những năm 1952 - 1955.

 Văn Hiền

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top