Vui sao câu chuyệt bút danh - Kỳ 2

09:44 30/11/2022 - Chân dung nhà báo

Về Hà Nội tôi được " sắp xếp" cho làm một chân phóng viên chuyên viết về nông nghiệp. Việc cần kíp trước mắt của tòa soạn lúc này là phải có sẵn một loạt bút ký, phóng sự viết về các vùng nông thôn mới giải phóng. Vậy là chỉ sau vài tuần nhận nhiệm vụ mới, nhà báo trẻ được phép lên đường luôn. Vẫn chiếc xe đạp cà tàng dùng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, cũng chẳng buồn lắp hai cái chắn bùn mới như dự định ban đầu, bởi mình đằng nào rồi chẳng phải đạp xe về các vùng quê lầy lội.

Chuyến đi đầu tiên về châu thổ sông Hồng ấy, suốt đời tôi không quên. Tới bến xe khách, tôi nâng con ngựa sắt cùng anh phụ xe xếp lên nóc chiếc “xe khách”, tiếng quê tôi gọi xe đò, nhưng khách ít hàng nhiều về thành phố Nam Định. Vừa tới bến xe ở cạnh Chợ Rồng, nhà báo một mình một ngựa sắt ung dung đi dần về các chốn. Đấy là lần đầu tôi được tận mắt nhìn cảnh quan châu thổ sông Hồng.

Lần đầu được trò chuyện với các anh, chị du kích mấy tháng trước đây còn ngày dắt trâu ra ruộng, đêm vác súng đi công đồn. Tôi nán lại thành phố Nam Định, hỏi thăm đường đến phố Hàng Nâu ngắm căn nhà của nhà thơ trào phúng Tú Xương, giữa thành phố có con sông nhánh của sông Hồng. Sông xưa rày đã nên đồng/ Chỗ thành dâu bãi chỗ trồng ngô khoai....

Từ Nam Định băng qua sông Hồng tại bến phà Tân Đệ, tận hưởng gió nước cả tiếng đồng hồ trên chiếc phà di chuyển chậm hơn rùa mới cập được bờ bên kia, thuộc địa phận tỉnh Thái Bình. Tôi tự hỏi: Cậu học trò trong truyện ngắn in tại tập “Gió đầu mùa” ngày trước trọ tại nơi nao bên con sông này, mà nhà văn Thạch Lam tả hay đến thế! Từ bến phà Tân Đệ tôi đi tiếp, ngang qua địa phận tỉnh Thái Bình dọc theo tỉnh lộ 10, gặp tối thì tiện đâu nghỉ đấy qua đêm.

Qua bên kia sông Luộc thuộc địa phận địa phận tỉnh Hải Dương, tôi dừng chân tại huyện Ninh Giang ngó nghiêng, tìm hiểu nhân vật người đàn bà trong tiểu thuyết “Đoạn tuyệt” của nhà văn Khái Hưng từng sống ở nơi đâu tại thị trấn này? Rồi lại phóng ngựa sắt đi tiếp lên hướng bắc, qua các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc đến thành phố Hải Dương (hồi ấy còn là một thị xã). Từ đây tôi chưa thể xuôi Quốc lộ 5 về để đất cảng để được cùng bác Nguyên Hồng sống “Những ngày thơ ấu”, do thành phố cảng của ta còn bị quân đội Pháp kiểm soát thêm 300 ngày, tính từ thời điểm Hiệp định Genève năm 1954 có hiệu lực.

Xong xuôi mọi việc như đã dự tính trước khi lên đường, tôi rời Hải Dương về Hà Nôi không đi bằng xe khách hay tàu hỏa, phương tiện nào cũng sẵn, mà vẫn cố tình cưỡi ngựa sắt để được thoải mái ngắm nhìn làng mạc ven Quốc lộ 5 vốn nức tiếng về những nữ du kích giỏi đánh Tây. Đến huyện Cẩm Giàng, tôi tìm thăm nơi nhà báo - nhà văn tác giả cuốn tạp bút “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” sống tuổi ấu thơ. Tới ngã ba Bần Yên Nhân, ghé quán nước ngồi nghỉ một lát lấy hơi, ngẫm ngợi về ngôi làng của chú bé trong truyện “Cậu bé nhà quê” của nhà giáo Từ Ngọc Nguyễn Lân nếu tồn tại thực thì nằm ở chốn nào? Oái oăm sao, hồi lứa chúng tôi học cấp tiểu học, thầy giáo bắt học trò phải đọc cho hết cuốn tiểu thuyết của nhà văn Từ Ngọc qua bản dịch tiếng Pháp, đơn giản chỉ vì người chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Pháp chính là ngài Thanh tra Học chính toàn cõi Đông Dương!

Về tới Gia Lâm, đã nhìn thấy Hà Nội thấp thoáng nhà cao phố rộng bên kia sông, vậy là phải cúi rạp người guồng con ngựa sắt hình như đã khô hẳn dầu nhờn ở các trục xe, tôi mới bò qua khỏi đoạn dốc dẫn tới đầu cầu Long Biên. Đến đây, tôi mệt đến gần như kiệt sức mà lòng vẫn cứ như ngây ngất: Ôi, quả là châu thổ sông Hồng để lại trong lòng người dân cả nước này biết bao dấu tích văn chương! Dù mải mê với các nhân vật hư cấu, anh chàng phóng viên trẻ này vẫn không quên “thi hành nghiêm túc nhiệm vụ được giao”. Suốt cuộc hành trình, tôi thường xuyên chú ý quan sát, chuyện trò, sưu tầm, ghi chép. Vừa về tới cơ quan là ngồi luôn vào bàn cặm cụi viết thiên phóng sự dài, đăng mấy kỳ liền trên báo Nhân Dân dưới dạng feuilleton.

Xong xuôi, khi định mang bài lên nộp sếp Hoàng Tùng mới sực nhớ ra: ta ký tên gì đây ở cuối bài? Cái bút danh Hoàng Tùng hay đến thế nay đã bị sếp khai tử mất rồi. Đang lúc vội, chẳng có nhiều thời gian và sau sáu, bảy năm làm nghề báo tôi cũng chẳng buồn nghĩ suy cầu kỳ chuyện bút hiệu, bút danh như hồi mới lớn. Tên khai sinh của mình là Phan Quang Diêu, thôi ta dùng hai từ đầu làm bút danh cho gọn, mà xem ra cũng mang ít nhiều dáng dấp văn chương đấy chứ! Mấy hôm sau, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tới cơ quan báo Nhân Dân ở phố Hàng Trống có việc gì đó.

Gặp nhà báo Thép Mới giữa sân, ông hỏi: “Cậu Phan Quang nào vừa viết loạt bài về Tả ngạn sông Hồng, vùng rất quen thuộc với mình, đọc được lắm”. Thép Mới vẫy tôi lại, giới thiệu: “Phan Quang đây!”. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngạc nhiên: “Ủa, ông Hoàng Tùng Khu 4 sao nay bỗng dưng hóa thành ông Phan Quang?” Tôi cười: “Tại báo Nhân Dân đã có ông sếp mang tên Hoàng Tùng rồi, thưa anh. Hơn nữa, tôi được bố mẹ đặt tên cho là Phan Quang Diêu. Ở miền Trung quê tôi, “diêu” là bay lượn thênh thang như diều được gió, “diêu” là phiêu diêu chốn Bồng Lai tiên cảnh, nghe lãng mạn lắm, gợi cảm lắm, thiêng liêng lắm. Vậy mà ra Bắc, mỗi lần tôi cùng mấy cậu bạn la cà vào chợ Đồng Xuân, nhỡ có cậu nào đó buột miệng gọi đến tên tôi là y như các bà hàng quán niềm nở mời chào: “Các anh dùng riêu cua hay là ,riêu ốc?” Cho nên tôi đành tạm gác các món riêu!”.

Tôi không nhớ câu chuyện sẽ kể tiếp sau đây là vào dịp cuối năm 1954 hay là nhân kỷ niệm một năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Hôm ấy tôi có việc lên gác hai, lúc sắp xuống gặp Tổng Biên tập Hoàng Tùng ở đầu cầu thang, một tay cầm bức thư viết trên trang giấy khổ nhỏ, tay kia là chiếc phong bì cũng nhỏ xíu. Ông đang lúc vội, thấy tôi sắp xuống tầng trệt, ông nhờ: “Anh bỏ thư vào phong bì, tìm đâu tí hồ dán lại giúp tôi, rồi gọi giao thông bảo mang lên Văn phòng Chủ tịch nước, nội trong sáng nay”. Tôi tò mò đọc bức thư. Một mảnh giấy in báo, rộng chỉ bằng một phần ba khổ giấy A4, ông Hoàng Tùng viết lời cảm ơn Bác Hồ vừa ký quyết định trao cho ông Huân chương Độc lập, và xin hứa với Bác sẽ cố gắng làm tròn các nhiệm vụ Bác giao.

Nét bút ông sếp của chúng tôi ngày thường, bất kỳ là tự viết bài hay sửa bản thảo của anh em, lúc nào cũng loằng ngoằng rậm rịt, chữ nghĩa cứ như ríu lại với nhau, đã thế còn móc lên ngoặc xuống khi cần sửa sang lần cuối, cả Phòng đánh máy cơ quan bạn nào nhận được bản thảo của sếp cũng ngao ngán lắc đầu, vậy mà lần này ông viết nắn nót, ngay hàng thẳng lối như học trò viết chính tả. Ông cũng cố tình tìm đúng loại giấy không sang trọng và cái phong bì thư nho nhỏ, cho phù hợp phong cách cần kiệm của Bác Hồ.

Báo Nhân Dân số ra ngày hôm sau, ở cuối chân của trang cuối tờ báo có dòng tin xăng tít (sans titre, không đầu đề) khiêm tốn, mà cố tình dùng cỡ chữ nhỏ li ti, theo đúng lời sếp dặn: “Đồng chí Hoàng Tùng được tặng Huân chương Độc lập hạng ba”. Mẩu tin ngắn gọn đến thế, không có đầu đề, mà làm xôn xao nhiều người trong Liên khu 4 từng quen biết “nhà báo Hoàng Tùng”. Một vài cán bộ cách mạng lão thành thắc mắc: “Quái, cậu này mới ra thủ đô có mấy tháng, đã làm những gì mà được tặng huân chương cao quý thế?”. Chừng một tuần sau, cô văn thư của cơ quan mang đến đưa tôi một phong thư, bì thư có in tiêu đề Sở Tư pháp Liên khu 4, Kính gửi Ông Hoàng Tùng, tòa soạn Báo Nhân Dân. Phía góc trái phong bì có mấy chữ loằng ngoằng quen thuộc của sếp Hoàng Tùng vừa mới ghi khi nhận được thư: “Chuyển anh Phan Quang”.

Trời! Một công văn bán chính thức hẳn hoi, bởi có đóng dấu son ở đầu trang phía trái, và bên dưới có ký: Luật sư Trần Kiêm Lý. Ông Trần Kiêm Lý hồi ấy làm Giám đốc Sở Tư pháp Liên khu, ông từng cấp phép cho hai phóng viên báo Cứu quốc là Hoàng Tùng và Chế Lan Viên vào các trại giam gặp mấy bị can chủ chốt trong một vụ án lớn để khai thác tư liệu viết bài. Ông luật sư “trân trọng chúc mừng anh Hoàng Tùng được Nhà nước trao tặng Huân chương cao quý”1. Tôi đọc mà ngượng chín mặt, hai tai cứ nóng rần như những lần trời rét ngồi sưởi cạnh bếp lửa quá lâu.

Vẫn chưa xong câu chuyện về huân chương. Mấy hôm sau, có hai cô gái vừa từ Vinh ra thăm Hà Nội, rủ nhau đến phố Hàng Trống tìm gặp nhà báo Hoàng Tùng. Anh bảo vệ trực tại cơ quan hôm ấy tên là Viên. Anh Viên là thương binh người Quảng Ngãi tập kết ra bắc. Anh từng chiến đấu dũng cảm, bị Pháp bắn què chân, hỏng một mắt. Anh là người tốt bụng, phải tội hay cáu gắt những khi trái gió trở trời, bị thương tật hành hạ. “Hai chị gặp ông Hoàng Tùng có việc chi?” - “Dạ, chúng em xin đến thăm và chúc mừng anh Hoàng Tùng vừa được Cụ Hồ ban tặng Huân chương Độc lập”. Anh thương binh giương một con mắt còn lại chằm chằm nhìn hai cô gái, bụng có chút băn khoăn, nhưng lý do người ta xin gặp thủ trưởng chính đáng đến thế, lẽ nào ta ngăn cản? Anh đưa tay trỏ ngôi biệt thự ở cuối sân, phía gần bờ hồ Hoàn Kiếm, nói như ra lệnh: “Đến kia, lên cầu thang. Phòng ông Hoàng Tùng ở đầu cầu thang, về phía trái. Nhớ gõ cửa trước khi bước vô phòng!”.

Hai cô gái tuân lệnh bác bảo vệ, rụt rè lên gác rồi gõ cánh cửa khép hờ. Chờ mãi không thấy ai ra, lại gõ, lại chờ. Thông thường khi cửa phòng ông Hoàng Tùng khép hờ, anh em trong tòa soạn có việc cần gặp sếp, cứ gõ nhẹ một tiếng báo hiệu rồi tự nhiên vào, ra làm công việc của mình. Ông Hoàng Tùng hình như cũng thoáng chút ngạc nhiên khi nghe tiếng gõ cửa mấy lần mà không thấy ai vào, liền thân hành ra cửa đón vị khách chắc là vừa từ nơi khác đến. Hai cô gái trẻ lúng túng trước ông cán bộ đứng tuổi: “Dạ, dạ, chúng cháu xin được gặp anh Hoàng Tùng nhà báo ạ!”.

Sếp hiểu ra ngay, tủm tỉm cười: “Các chị đi theo tôi”. Ông dẫn hai cô gái xuống cầu thang, đến gần cái bàn tôi đang ngồi làm việc ở tầng trệt, cạnh cả chục cái bàn của các phóng viên, biên tập khác trong căn phòng chung rộng mênh mông vốn là nơi ăn tiệc và nhảy đầm của các quan Tây thời trước: Đây, anh Hoàng Tùng của các chị đây!


Phan Quang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top