Triển lãm trực tuyến - tương trợ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19
15:28 31/07/2021
- Danh mục
Để có thể giúp được nhiều người hơn nữa trong tình trạng dịch bệnh ở TP.HCM, họa sĩ Ngô Trần Vũ và nhóm họa sĩ Vietnam Art Space, All About Art And Artists đều mong muốn triển lãm được lan tỏa hơn nữa tới cộng đồng.
"Cây đời mãi xanh" - Biến tranh thành gạo
Bắt đầu từ 9/7/2021, họa sĩ Ngô Trần Vũ cùng các họa sĩ đóng góp tranh để thực hiện triển lãm trực tuyến "Cây đời mãi xanh". Triển lãm đã thu hút sự tham gia của hơn 60 họa sĩ như: Ngụy Đình Hà, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Triều Điển, Bình Nhi, Nguyễn Quốc Thắng, Đinh Ngọc Thắng, Nguyễn Hồng Quân, Trần Cường, Hà Hùng Dũng, Nguyễn Đức Huy, Đặng Thị Thu An... với hơn 100 tác phẩm tranh vẽ trên nhiều chất liệu. Và tượng của nghệ nhân, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát với những tác phẩm tượng trâu sơn mài đặc sắc giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật.
Bức tranh "Cây đời mãi xanh" của họa sĩ Vũ Mười gợi mở nhiều suy tưởng về con người và triết lý sống
Chia sẻ về lý do lựa chọn cái tên "Cây đời mãi xanh", họa sĩ Ngô Trần Vũ cho biết, "Trong dự án lần này, chúng tôi nhận được một bức tranh của họa sĩ Vũ Mười với tựa đề 'Cây đời mãi xanh' và chúng tôi thấy, tên của bức tranh đó với chương trình có một sự tương đồng với ý nghĩa lòng tốt của con người như là cây đời xanh mãi và mang đến bóng mát chở che cho rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, cho nên chúng tôi đã lựa chọn cái tên đó làm tên chính của triển lãm trực tuyến lần này. Bức tranh của họa sĩ Vũ Mười đã được bán cho nhà sưu tập trong những ngày đầu thực hiện chương trình".
Triển lãm sẽ tiếp tục nhận tranh và bán tranh gây quỹ đến 15/8/2021 để quyên góp mua gạo, thực phẩm cho các gia đình nghèo tại TP.HCM.
"Ngày 9/7 là giai đoạn TP.HCM thực hiện chỉ thị 15 và 16. Đây cũng là thời điểm khó khăn đối với những người lao động cũng như các gia đình hộ nghèo để mua thực phẩm, cho nên chúng tôi có ý tưởng thành lập quỹ "gieo gạo" và triển lãm 'Cây đời mãi xanh' là một cách quyên góp thông qua việc bán các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra quỹ gieo gạo cũng quyên góp bằng tiền mặt cũng như các thực phẩm thiết yếu như là gạo và một số lương thực khác từ nhiều nguồn đóng góp. Việc mua và giao dịch các tác phẩm nghệ thuật để đóng góp cho việc mua lương thực cho người nghèo là một hoạt động mà chúng tôi đã công bố rất rõ từ đầu chương trình để mọi người cùng nắm rõ và tham gia một cách rõ ràng" - Họa sĩ Ngô Trần Vũ bày tỏ.
Tuy nhiên, theo họa sĩ Ngô Trần Vũ, việc "biến tranh thành gạo" không hề đơn giản. "Trong thời gian giãn cách này, nhà sưu tập mua tranh rất khó nhận tranh trong lúc này. Thế nhưng, do mục đích của triển lãm là quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ người nghèo vùng dịch nên những người mua tranh rất thông cảm. Mọi người đều thanh toán tiền trước và sẽ nhận tranh sau khi chương trình thực hiện xong.", họa sĩ Ngô Trần Vũ chia sẻ.
Bức tranh "Ban mai" của họa sĩ Ngụy Đình Hà miêu tả vẻ đẹp tinh khiết của hồ nước buổi sáng sớm, được bán với giá 40 triệu đồng
Tính đến ngày 27/7, chương trình đã bán tranh online gây quỹ được hơn 200 triệu đồng, cộng thêm tiền mặt quyên góp từ các nơi được hơn 500 triệu đồng. Để có thể giúp được nhiều người hơn nữa trong tình trạng dịch bệnh, các họa sĩ mong muốn triển lãm được lan tỏa hơn nữa tới cộng đồng.
"Qua chương trình, chúng tôi mong muốn lan tỏa lòng tốt của mọi người, nhất là giới nghệ thuật và giới công chúng yêu nghệ thuật đã quyên góp tranh, bán tranh và tạo ra số tiền mặt khá lớn để có thể mua càng nhiều càng tốt những thực phẩm gạo cho người nghèo tại TP.HCM để vượt qua giai đoạn khó khăn từ giờ cho đến tháng sau. Chúng tôi nghĩ đại dịch sẽ ảnh hưởng không chỉ lúc này mà còn rất lâu dài với những người nghèo và những gia đình khó khăn tại TP.HCM" - Họa sĩ Ngô Trần Vũ nhấn mạnh.
Từ năm 2018, họa sĩ Ngô Trần Vũ người sáng lập quỹ đều đặn tổ chức các chương trình quyên góp, bằng hình thức quyên tiền trực tiếp hoặc đấu giá tranh. Các họa sĩ bán được tranh qua chương trình sẽ quyên góp tối thiểu 50% giá bán tác phẩm cho quỹ.
Trước đó, nam họa sĩ từng tổ chức triển lãm tranh trực tuyến gây quỹ xây nhà tặng người nghèo ở Đại Lộc, Quảng Nam. Triển lãm đa dạng về thể loại từ màu nước, sơn dầu, acrylic với nhiều hình thức trình bày từ hiện thực đến trừu tượng.
Triển lãm trực tuyến - tương trợ những hoàn cảnh khó khăn liên quan đến dịch Covid-19
Vẽ và bán tranh hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 không còn xa lạ hiện nay. Triển lãm "Câu chuyện dòng sông" được công bố hôm 14/7 cũng là một điển hình. Triển lãm được tổ chức nhằm gây quỹ cho các hoạt động của chương trình "River ơi". Và rồi, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM, mục đích gây quỹ của triển lãm được chuyển sang đóng góp cho chiến dịch "Be strong Việt Nam 24/7" với 2 hướng chính: "Tiếp sức tuyến đầu" và "Thực phẩm sẻ chia".
Thế nhưng, thay vì diễn ra trực tiếp tại bảo tàng hoặc phòng tranh, triển lãm "Câu chuyện dòng sông" cũng được tổ chức trực tuyến qua nền tảng phòng tranh 3D, giúp người xem có thể thưởng thức nghệ thuật dễ dàng hơn, an toàn hơn, cũng như mở rộng cho nhiều người.
Một tác phẩm của họa sĩ người Indonesia tham gia triển lãm trực tuyến “Câu chuyện dòng sông”
Hay như triển lãm tranh trực tuyến mang tên "Pandemic Paintings" của họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An, SN 2007) đã được tổ chức từ ngày 16 đến 22/7, với 3 bộ tranh có chủ đề gồm hoa, ruộng bậc thang và biển. Trong 2 ngày 18 và 20/7, Xèo Chu đã bán đấu giá trực tuyến 8 bức tranh trên trang cá nhân. Bức tranh được bán đấu giá cao nhất là 320 triệu đồng. 7 tranh còn lại bán đấu giá được từ 82 triệu đến 230 triệu đồng/bức.
Tổng số tiền bán đấu giá tranh, cộng với những người đấu giá tranh không thành công đóng góp cho Xèo Chu, là 2,9 tỉ đồng được dùng để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 (mua trang thiết bị y tế tặng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM). Ngoài ra, Xèo Chu còn chuyển 388 triệu đồng bán tranh phiên bản giới hạn cho bếp ăn Bệnh viện Tâm Anh để mua thêm rau củ quả, hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch.
Không ngoài cuộc, cuộc triển lãm và đấu giá tranh trực tuyến "Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương" được Vietnam Art Space (VAS) tổ chức từ ngày 17 đến 21/7 vừa qua cũng đã bán được một số tranh nhất định. Tổng số tiền thu được là hơn 415 triệu đồng được dùng để mua những món quà thiết thực tặng người nghèo tại TP.HCM.
Do tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm này, TP.HCM đang đối mặt với "sóng lớn", cho nên những buổi triển lãm online và đấu giá tranh được diễn ra với mục đích chính là tương trợ những hoàn cảnh khó khăn liên quan đến dịch Covid-19, lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Theo vov.vn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cùng Vinamilk check-in metro Bến Thành - Suối Tiên (08:11 10/01/2025)
- Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao trong năm 2024 (09:24 09/01/2025)
- Thành phố Thanh Hóa gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ (08:29 09/01/2025)
- Đổi mới sáng tạo như thế nào để đưa thương hiệu vàng vươn mình? (10:01 08/01/2025)
- PGS, TS Trần Thanh Giang làm Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công (09:43 08/01/2025)