Trần Mai Ninh - Người làm báo cống hiến trọn đời cho đời cho lí tưởng cách mạng
04:22 10/07/2017
- Chân dung nhà báo
Gần 70 năm qua đi, người ta không chỉ nhớ đến Trần Mai Ninh là một chiến sĩ cộng sản kiên trung và quả cảm mà thế hệ sau còn nhau còn nhớ đến ông với vai trò một người làm báo tâm huyết, cống hiến trọn đời cho lí tưởng độc lập, tự do của dân tộc.
Người chiến sĩ quả cảm của dân tộc
Trần Mai Ninh tên thật là Nguyễn Thường Khanh, sinh ngày 28 tháng 7 năm 1917, quê gốc ở làng Động Giã, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Thành phố Hà Nội) nhưng lại lớn lên và trú quán tại Thành phố Thanh Hóa. Cha ông là cụ Nguyễn Xuân Tuyển - một viên chức nhỏ và mẹ là Công Tôn Nữ Thuyền Duyệt. Ông có một người chị là bà Nguyễn Thị Khiêm Tôn (tức sư bà Viên Minh) và các em Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thọ Hạc, Nguyễn Thị Thanh - nguyên là bác sĩ công tác ở Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung ương và là vợ của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân - nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Do xuất thân trong một gia đình quyền quý, lại chịu sự ảnh hưởng từ hai nền văn hóa lớn là Nho học và văn hóa Pháp nên Trần Mai Ninh đã sớm được tiếp với những luồng tư tưởng tiến bộ. Lúc thiếu thời, ông theo học tại trường College de Thanh Hóa – Ngôi trường THPT có bề dày lịch sử nhất của Thanh Hóa do người Pháp xây dựng từ những năm 30 của thế kỉ trước. Sau khi hoàn thành xong chương trình học của bậc Thành Chung, ông tiếp tục được gia đình cho đi học tú tài tại Hà Nội.
Chân dung liệt sĩ, nhà báo Trần Mai Ninh
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Mai Ninh đã chứng tỏ bản lĩnh của một thanh niên yêu nước khi đã cùng bạn bè thành lập ra tờ Con sáo – Một tờ báo của những người có tư tưởng tiến bộ nhằm kịch liệt lên án những ý đồ thâm độc về giáo dục của thực dân Pháp khi chúng đã thực hiện chính sách giáo dục khai hóa để vừa tạo ra đội ngũ tay sai, vừa duy trì nền giáo dục phong kiến nhằm củng cố trật tự xã hội và ràng buộc tầng lớp nho sĩ vào bộ máy chuyên quyền thực dân nửa phong kiến.
Cũng trong thời gian này, Trần Mai Ninh đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh đòi độc lập, tự do cho dân tộc trong Mặt trận dân chủ (1936-1939) do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Có thể nói, chính ánh sáng của Đảng đã hun đúc nên bản lĩnh của người chiến sĩ gan dạ và kiên trung Trần Mai Ninh để ông có được những cống hiến quan trọng cho cách mạng Việt Nam trong những giai đoạn mới của cách mạng.
Với nhiệt huyết của sức trẻ và lòng yêu nước nồng nàn, ông được cử làm phóng viên, biên tập viên cho nhiều tờ báo của Đảng như: Bạn dân, Thời thế (1937), Tin tức, Thế giới, Người mới (1938), Bạn đường (1939) ...với các bút danh:Trần Mai Ninh, N.T.K, Tố Chi, Mạc Đỗ, Hồng Diện, Thảo Hoa, … Không những là cây bút sắc sảo và nhiệt huyết, một người vẽ tranh minh họa và trình bày có tài mà Trần Mai Ninh còn là một nhà thơ với tâm hồn rộng mở, khao khát được sống và cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà nổi tiếng nhất là hai bài: Nhớ máu và Tình sông núi.
Năm 1939, sau một thời gian bị mật thám tại Hà Nội theo dõi ráo riết, Trần Mai Ninh phải lui về hoạt động cách mạng ở thị xã Thanh Hóa. Ông viết bài cho báo Bạn đường, và làm biên tập chủ chốt của báo Tự do, cơ quan tuyên truyền và đấu tranh bí mật của Mặt trận phản đế cứu quốc Thanh Hóa. Đây là thời gian ông có nhiều cống hiến cho cách mạng trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng khi dùng thơ ca để tuyên ngôn cách mạng, ca ngợi tình yêu thương và tự do.
Tháng 9-1941, Trần Mai Ninh gia nhập Chiến khu Ngọc Trạo, làm đội trưởng Đội xung kích. Trong khoảng thời gian chiến đấu ấy, ông vẫn miệt mài với công việc cổ vũ tinh thần đồng bào, đồng chí thêm tin yêu vào lí tưởng của Đảng bằng nhiều áng thơ và cuốn tự truyện Một quãng đời say. Chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, Trần Mai Ninh bị giặc bắt và bị giam cầm trong nhà lao Thanh Hóa. Đầu năm 1944, thực dân Pháp đày ông đi Buôn Ma Thuột. Lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, ông đã vượt ngục, về hoạt động ở Khu V, rồi tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 5 năm 1946 ông tham gia quân đội và là Trưởng ban tuyên truyền Đại đoàn 27 (sau đổi là Quân khu 6). Cuối năm 1947, theo yêu cầu của công tác vùng sau lưng địch, ông được cử vào cực Nam Trung Bộ hoạt động. Trong thời gian này, Trần Mai Ninh tiếp tục làm báo ở tờ Tiến hóa - cơ quan Văn nghệ cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi.
Đang ở thời kì chín nhất của sự nghiệp cầm bút với lòng yêu nước và gan dạ quật khởi, sáng trong, Trần Mai Ninh bị sa vào tay giặc trong một chuyến công tác bằng ghe mành trên sông. Chúng đưa ông về giam ở nhà tù Nha Trang rồi giết ông một cách đê hèn. Hy sinh ở tuổi 30, Trần Mai Ninh cùng với sự nghiệp cầm bút “làm đòn xoay chế độ” đã thực sự là một tượng đài lớn về tấm gương kiêu hùng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập tự do cho dân tộc.
Sống đã rồi hãy viết
Sinh thời, Trần Mai Ninh là một người có nhiều tài năng nghệ thuật và ở bất cứ lĩnh vực nào, ông cũng đều thể hiện được niềm say mê lao động và chiến đấu, tấm lòng cao cả nguyện cống hiến hết mình cho gấm vóc, giang sơn, Tổ quốc.
Đánh giá vềTrần Mai Ninh, nhà báo, nhà phê bình văn học Như Phong, bạn cùng thời với Trần Mai Ninh đã viết: “Nguyễn Thường Khanh đã là một nhà báo, trong đội ngũ những nhà báo mới do Đảng đào tạo, mà lập trường đường lối của Đảng và phương pháp nhận thức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã tạo cho một chỗ đứng và một cách nhìn vững chắc để xem xét và giải quyết mọi vấn đề một cách vừa khoa học, vừa cách mạng”.
Trong suốt quá trình cầm bút và chiến đấu, Trần Mai Ninh luôn nhất quán một quan điểm sáng tác. Dù là viết báo hay làm thơ, sáng tác truyện, ông đều tâm niệm: “Ta hãy khoan nói đến viết lách. Tôi hỏi anh đã có lần nhìn kỹ một vật nào, một người nào, một cảnh nào chưa? Anh trả lời đi đã rồi ta hãy sẽ luận bàn văn chương”. Với ông, để có được những tác phẩm hay, người cầm bút phải thực sự “sống” một cuộc sống đúng nghĩa. Chỉ có nhựa sống từ thực tế đang bày ra trước mắt mới có thể sản sinh nên những tác phẩm có giá trị nhân văn và chiến đấu cao cả.
Giải Báo chí Trần Mai Ninh - Giải thưởng danh giá nhất tôn vinh những người làm báo xuất sắc của tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Nguyễn Thuấn)
Bởi vậy, dù hoàn cảnh chiến đấu khó khăn và hết sức thiếu thốn, Trần Mai Ninh vẫn bền bỉ với công cuộc “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”của mình. Ông làm báo, sáng tác thơ, viết truyện và trong thời gian chiến đấu ở Nam Trung Bộ, ông đã dịch, giới thiệu văn học Xô-viết trên báo Tiến hóa; viết về nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua trên Tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Đồng thời, ông cũng bắt đầu dịch thơ V. Mai-a-cốp-xki... Ở bất kì một địa hạt nghệ thuật nào Trần Mai Ninh góp mặt đều cho thấy được tình yêu với quê hương, đất nước và nhựa sống dồi dào, mãnh liệt của một chiến sĩ cộng sản khát khao được cống hiến và chiến đấu trọn đời dưới lá cờ của Đảng.
Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, người “văn nghệ binh đầu tiên ngã xuống trên chiến trường” vì độc lập tự do đã để lại cho đời những tác phẩm đặc sắc, những cống hiến to lớn trên mặt trận văn hóa, tư tưởng cho cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc. Đọc Trần Mai Ninh hôm nay, người ta càng thêm tự hào và yêu quý tấm gương người anh hùng cách mạng đã sống, viết và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì lí tưởng cách mạng chân chính.
Để ghi nhận những giá trị lớn lao mà Trần Mai Ninh đã đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, năm 2007, Nhà nước ta đã quyết định truy tặng Trần Mai Ninh Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Nhằm tưởng nhớ những đóng góp lớn lao của ông, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, từ năm 1996, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa đã lấy tên Trần Mai Ninh đặt tên cho giải thưởng cao quý nhất của hội và Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 hằng năm chính là dịp để tôn vinh, khen thưởng những tác giả, tác phẩm xuất sắc của người những làm báo Thanh Hóa.
Đây không chỉ là sự trân trọng, tấm lòng biết ơn những đóng góp, hy sinh của ông mà còn là sự đề cao nhân cách, bản lĩnh, tài năng của người chiến sĩ cộng sản trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã chiến đấu trọn đời cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc.
Ngọc Huyền
Bình luận: 0