Tô Hoài làm báo ở chiến khu Việt Bắc

17:06 01/09/2017 - Chân dung nhà báo
Thời 9 năm kháng chiến trường kỳ (1946 - 1954) của thế kỷ trước, tại chiến khu Việt Bắc, các cơ quan thông tấn, báo chí... đã vượt lên trên khó khăn, gian khổ để phục vụ, đồng hành có hiệu quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung. (Ảnh: Trần Văn Lưu).

Trong số này phải kể đến Báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tô Hoài là cây bút chủ lực của Báo Cứu Quốc thời đó.

Nhà báo giàu vốn sống

Nhà báo, nhà văn Tô Hoài rất giản dị và chân tình. Lúc sinh thời ở Hà Nội, Tô Hoài thường tá túc hai nơi, quê ngoại ở Nghĩa Đô và phòng văn trên gác xép ở phố nhỏ Đoàn Như Hài trong nội đô gần hồ Thiền Quang. Nhiều lần, tôi muốn lên Nghĩa Đô thăm, nhưng ông không muốn tôi đi xa, bảo về phố gặp.

Về chuyện “Một chốn đôi quê”, Tô Hoài cho hay, bố ông người làng Cát Động, Thanh Oai, Hà Đông. Mẹ ở làng Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ngày trước, làng Nghĩa Đô thuộc phủ Hoài Đức, Hà Đông có sông Tô Lịch chảy qua. Sông Tô ghép với phủ Hoài nên thành hai chữ Tô Hoài. Ông sinh ra ở đó và lớn lên cũng ở đó với cái tên cúng cơm Nguyễn Sen.

Tô Hoài là người được giác ngộ sớm từ thời Mặt trận Bình dân, như ông nói. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đó là đêm 19/12/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một bản tráng ca bất hủ không thể nào quên.

Sự trải nghiệm phong phú của Tô Hoài là một kho báu trong nghiệp viết. Ảnh: TL

Ngày đó, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, lớp lớp thanh niên Hà Nội, trong đó có Tô Hoài tự nguyện, hồ hởi rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc tham gia cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Tô Hoài nói, duyên phận thế nào không biết nữa, nhưng sung sướng vô cùng trong lần đầu lên Chiến khu, bỡ ngỡ, gian khổ.

Tô Hoài làm báo thời 9 năm “nếm mật nằm gai” vô cùng thiếu thốn, gian khổ. Hãy khoan nói tới đời sống vật chất, nó tựa như một thứ đồ “xa xỉ” thời trận mạc giữa chốn rừng sâu đại ngàn, chỉ nói nguồn thông tin tư liệu để có “bột gột nên hồ” là thứ nguyên liệu thuộc hàng “cao cấp” của nghề báo.

Thứ nguyên liệu không tự mình làm ra, mà là nguyên liệu được sản sinh từ quần chúng nhân dân cách mạng, từ người chiến sĩ ngoài mặt trận, từ đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước... người làm báo tiếp nhận bởi sự sáng tạo, sự nhạy cảm của mình với trách nhiệm chính trị cao, thành thạo nghề nghiệp để có tin, bài đăng tải trên mặt báo gửi ra chiến trường và đưa về hậu phương rộng lớn. Sản phẩm báo chí làm ra thời đó mang thương hiệu Cứu Quốc là niềm tự hào của lớp trí thức mới.

Bốn nhà văn, nhà báo: Tô Hoài, Xuân Thủy, Nam Cao - Báo "Cứu quốc" (thứ nhất, thứ hai và thứ tư từ trái qua) và Nguyễn Huy Tưởng - Báo "Văn nghệ" . (Ảnh: Trần Văn Lưu).

Những bài học làm báo

Nhân chuyện, Tô Hoài nhắc lại chỉ dẫn của Bác Hồ với nhà báo Quang Đạm khi mới về tác nghiệp ở Báo Sự Thật trên núi ngàn Việt Bắc (nay là Báo Nhân Dân). Bác hỏi: “Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?”. Quang Đạm trả lời: “Thưa Bác, cháu chưa viết báo. Trước cháu làm hướng đạo thời kỳ ở Cục Thông tin thuộc Bộ Tổng Tham mưu, cháu chuyên làm mật mã”. Bác nói, “Trước chú làm mật mã là chú viết cái gì mà ai không nắm luật thì không hiểu được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”.

Tô Hoài tiếp câu chuyện nghề: “Một buổi tối quanh bếp lửa hồng trên đỉnh núi Cốc Phường có cuộc họp quan trọng của cơ quan. Anh Xuân Thủy (sau này là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam) báo tin, Báo Cứu Quốc phải chuyển về chiến khu 2 ở Bắc Giang. Trên quyết định lập Báo Cứu Quốc Việt Bắc, phát hành rộng rãi ở mấy tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... và cử tôi chịu trách nhiệm chung, anh Nguyễn Bá Lợi quản lý báo, anh Nam Cao phụ trách tòa soạn. Tại đây, có anh Xuân Thủy, anh Văn Tân và tôi cùng dự lễ kết nạp Nam Cao vào Đảng”.

Với nghề báo, Tô Hoài quan niệm, làm báo, viết văn có nhiều thú vị nhờ gắn với cuộc sống đời thường. Điều quan trọng là cái tâm phải sáng, gần dân, thương dân, trọng dân.

Với ông, việc ghi chép là rất ít, hầu như chỉ gạch đầu dòng sự việc chính thống, còn lại nạp một cách có ý thức vào “bộ nhớ” của mình, khi cần đến điểm gì thì lại “moi” ra. Then chốt của việc này là “luyện” bộ nhớ kịp thời, có chắt lọc. Nếu để quên mấy ngày là y như hỏng việc.

Chỉ điều đó thôi đã minh chứng trước khi đi xa vào tháng 7/2014, nhà báo, nhà văn Tô Hoài có trên 180 đầu sách và hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại khác nhau. Việc đặt tên cho bài báo hay sách là không hẳn do ngẫu hứng mà có. Rõ ràng, sự trải nghiệm phong phú của Tô Hoài là một kho báu trong nghiệp viết.

“Ôn cố tri tân” về những năm tháng làm báo ở Chiến khu cũng là cách để hôm nay và cả ngày mai “Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”./.

Nguyễn Xuân Lương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top