Thượng tôn pháp luật: Không có vùng cấm!
04:15 10/11/2021
- Pháp luật
Theo Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013), ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật và khuyến khích công dân chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Khuyến khích mọi người nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và các quy định của pháp luật.
Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân
Xây dựng pháp luật là yêu cầu tất yếu của Nhà nước, chấp hành pháp luật là ý thức trách nhiệm của công dân. Việc thượng tôn pháp luật có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật làm cho mọi người chấp hành pháp luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm của mọi người dân; tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện thước đo trình độ phản ánh ý thức chính trị của công dân.
Thượng tôn pháp luật là trách nhiệm của mọi người trong xã hội
Theo TS. Nguyễn Văn Quân (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội): Ở nước ta, lâu nay có xu hướng nhấn mạnh tới xây dựng nhà nước pháp quyền mà xa rời vấn đề thượng tôn pháp luật (rule of law). Hậu quả là làm hẹp đi đáng kể nội hàm của pháp quyền, “hạ cấp” mục tiêu lẽ ra cần xây dựng một xã hội pháp quyền xuống còn nhà nước pháp quyền. Chưa kể, việc quá nhấn mạnh tới thành tố “nhà nước” dẫn tới việc chú trọng đổi mới, hoàn thiện tổ chức nhà nước và có phần xem nhẹ yếu tố pháp luật.
Ngoài ra để pháp luật được thượng tôn và trở thành công cụ bảo đảm các quyền, tự do cơ bản của con người thì pháp luật cần đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, như pháp luật phải dễ tiếp cận, phải dễ hiểu và có tính ổn định cao (để mọi người dân có thể nắm vững pháp luật). Tuy nhiên, lâu nay ở nước ta các yếu tố về chất lượng của hệ thống pháp luật dường như chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Trong số các tiêu chí về chất lượng của pháp luật này, có thể thấy rằng, pháp luật của chúng ta thiếu sự ổn định, với sự thay đổi quá nhanh (cứ khoảng 10 năm thay đổi Bộ luật Dân sự, 15 năm lại thay đổi Bộ luật hình sự...) khiến khả năng nắm vững pháp luật của người dân bị cản trở. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân.
Thượng tôn pháp luật để thực hiện công bằng, bình đẳng
Theo TS. Đỗ Minh Tuấn (Khoa Xây dựng Đảng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Tiêu chí của một đất nước văn minh hiện nay là luật pháp phải được thượng tôn bất kể vị thế giữa người vi phạm và bị xâm phạm. Quyền bình đẳng là một loại quyền lợi cơ bản của công dân. Điều 16, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Mọi người không phân biệt dân tộc, nghề nghiệp, xuất thân gia đình, tôn giáo, trình độ giáo dục, tình trạng tài sản…, đều có quyền bình đẳng. Bình đẳng được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, mọi quyền lợi của nhân dân được pháp luật bảo vệ, đối với những hành vi vi phạm phải căn cứ vào pháp luật để truy cứu; không có đặc quyền trước pháp luật; công dân đều có trách nhiệm của mình và có nghĩa vụ chấp hành pháp luật.
Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng
Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được kết luận, xử lý nghiêm minh. Việc Đảng ta chỉ rõ sai phạm của hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược, đã thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và quyết tâm chính trị, trách nhiệm rất lớn của Ðảng, Nhà nước trước nhân dân.
Có công thì thưởng, có tội phải chịu tội. Người có địa vị xã hội, có chức vụ càng cao, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật mà phạm tội càng phải được xử lý nghiêm minh; người thành khẩn, biết ăn năn hối cải, tự nguyện trả lại tiền tham ô sẽ được xem xét, hưởng khoan hồng. Pháp luật là tối thượng, là công bằng với tất cả mọi người. Ðó là niềm tin và mong đợi của nhân dân.
Một quốc gia phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng pháp lý vững chắc, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Tinh thần đó phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, phải trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi người dân.
Phùng Kim Kiên
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)