Thông tin về sức khỏe trong đại dịch Covid-19 trên Truyền hình Thanh Hóa
16:04 13/10/2021
- Lý luận thực tiễn
Báo chí phản ánh hiện thực cuộc sống, thông qua hoạt động phản ánh thông tin,
các thông tin về sức khỏe trong đại dịch Covid -19 được chuyển tải đến công chúng
một cách nhanh chóng, kịp thời, từ đó tác động đến nhận thức và hành vi của công
chúng, tạo nên những thói quen tốt, loại bỏ thói quen gây hại đến sức khỏe. Đặc
biệt, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ
chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng điều trị...được báo chí Thanh Hóa
cung cấp một cách nhanh chóng, kịp thời đến người dân, góp phần nâng cao hiểu
biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thanh Hóa từng bước khôi phục du lịch sau đại dịch | PTTH Thanh Hóa
Tổ chức sản xuất các chương trình về sức khỏe
Thứ nhất, về quy trình sản xuất. Các chủ thể quản lý có sự định hướng toàn bộ quy trình thông tin về y tế, chi tiết đến từng bộ phận sản xuất, từng nội dung chương trình phải được thực hiện hàng ngày liên tục và không cho phép bỏ sót khâu nào trong quy trình này. Tùy theo đề tài mà phóng viên có làm kịch bản, điều động lực lượng và thiết bị. Sau khi tin bài được duyệt (bản text) hình ảnh được chép vào một đầu vào (capture) trong hệ thống dựng hậu kỳ khép kín. Lãnh đạo phòng nội dung ký duyệt yêu cầu bộ phận kỹ thuật dựng (kết hợp PV, BTV) dựng bài để phát sóng đối với phóng sự.
Còn thể loại tin sẽ được bộ phận kỹ thuật dựng riêng khi có văn bản tin đã duyệt của lãnh đạo phòng. Trước giờ phát sóng, người được phân công nhiệm vụ phụ trách chương trình cùng với BTV (người đọc bản tin sắp phát sóng) cùng khớp tin và kiểm tra thời lượng, hình ảnh trước giờ phát sóng trực tiếp đối với chương trình thời sự. Đối với các phóng sự được thực hiện trước sẽ chuyển sản phẩm đến phòng biên tập có trách nhiệm kiểm tra trước khi phát sóng.
Các phóng viên ở Đài PT-TH Thanh Hóa sáng tạo các tác phẩm báo chí: từ thu thập tài liệu, phỏng vấn, ghi hình, viết tin, bài, dựng chương trình, đọc lời bình... như thế nào cho phù hợp, dễ hiểu, thuyết phục và hấp dẫn nhất đối với công chúng. Sau khi tác phẩm báo chí truyền thông về y tế hoàn chỉnh, phóng viên sẽ chuyển lên mạng LAN của Đài chờ duyệt. Bên cạnh đó, những vấn đề y tế nhạy cảm, phức tạp, phóng viên trực tiếp chuyển cho Trưởng ban/Phó ban biên tập trực xuất bản hoặc Tổng biên tập xử lý xuất bản. Đối với tin, bài, hình ảnh... chưa đạt yêu cầu, cần kiểm tra, bổ sung thông tin, hình ảnh, hay không dùng được sẽ thực hiện quy trình ngược lại: Trưởng, Phó ban trả lại về trực tiếp cho phóng viên.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại nhà
Chuyên mục “Y tế - dân số và sức khỏe” do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa phối hợp với Đài PT-TH sản xuất các chương trình có nội dung chuyên biệt về y tế. Mỗi tuần phát sóng 1 chuyên mục với thời lượng 10 phút. Hầu hết nội dung tuyên truyền của Chuyên mục đều căn cứ vào tình hình cụ thể của ngành; hoặc các sự kiện diễn ra trong tháng; hoặc do phóng viên nắm bắt thông tin; các chương trình có sự phối hợp giữa đơn vị và các cơ sở y tế... Phóng viên của Chuyên mục sau khi thực hiện xong phần nội dung và thông qua các bước duyệt lời từ lãnh đạo phụ trách chuyên môn, sau đó bài viết sẽ được gửi cho Trưởng phòng Biên tập chương trình của Đài duyệt lần cuối.
Thứ hai, quản lý các nội dung thông tin về dịch bệnh. Xác định rõ việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phương tiện thông tin đại chúng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đài PT-TH Thanh Hóa, đặc biệt trong những thời điểm “nóng” của dịch bệnh. Đài đã nhanh chóng mở chuyên mục “phòng chống dịch Covid-19” trong Bản tin thời sự tối; bên cạnh đó các phòng Chuyên đề/chuyên mục; Phòng phát thanh; các chuyên mục phối hợp với các Sở, ban, ngành cũng được ưu tiên dành phần lớn thời lượng phát sóng để đưa thông tin liên quan về tình hình dịch bệnh.
Bảng Tỷ lệ nội dung các chủ đề về dịch Covid-19 xuất hiện trên 2 chương trình.
Khảo sát từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021, các nội dung tuyên truyền về dịch bệnh được cập nhật thường xuyên đến công chúng. Trong Bản tin thời sự 30 phút hàng ngày, trong tổng số 5.400 tin, bài phóng sự được đăng tải, số lượng tin, bài có nội dụng về y tế chiếm 3.420 tin, bài phóng sự, trong đó liên quan đến dịch bệnh Covid-19 chiếm 1.845 tin, bài phóng sự. Tương tự trên Chuyên mục “Y tế - dân số và sức khỏe” trong tổng số 108 tin, bài phóng sự có đến 43 tác phẩm có nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Có thể thấy, những thông tin về tình hình dịch bệnh luôn là chủ đề nóng được phản ánh nhiều nhất trong năm 2020.
Cả hai chương trình đều bám sát những thông tin mang tính thời sự, những vấn đề trọng điểm trong tháng để có những tin, bài phản ánh đầy đủ thông tin nhằm cung cấp cho công chúng xem hiểu và có thêm những kiến thức nhất định. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi chương trình nên các nội dung được đề cập có cách thể hiện khác nhau và cách tiếp cận thông tin cũng khác nhau nhưng đều đáp ứng được nhiệm vụ đề ra.
Về hình thức thể hiện trên 2 chương trình khảo sát cho thấy, đối với Bản tin thời sự, chủ yếu lựa chọn hình thức thể hiện bằng các tin tức, sự kiện xảy ra. Vì thời lượng phát sóng trong khung thời sự nên thường bị khống chế về thời gian nên các thông tin thường ngắn gọn, kịp thời, chính xác. Đối với chuyên mục “y tế - dân số và sức khỏe”, hình thức thể hiện các nội dung phong phú hơn, trong đó 2 hình thức được thể hiện nhiều nhất đó là Phóng sự và phổ biến kiến thức, bởi đây là chuyên mục của ngành y tế nên các nội dung về chuyên môn thường được chuyển tải nhiều nhất. Đặc biệt các Phổ biến kiến thức do Bác sỹ hướng dẫn về cách phòng bệnh Covid-19, các bài thuốc, cách điều trị bệnh hiệu quả, lời khuyên của bác sỹ trong việc sử dụng thuốc... được người dân đặc biệt quan tâm.
Nơi tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của UBMTTQVN tỉnh Thanh Hóa
Vấn đề đặt ra
Báo chí, truyền thông đã trở thành cầu nối giữa ngành y với người dân khi đã kịp thời đưa thông tin tới cộng đồng, góp phần giúp người dân nâng cao kiến thức về sức khỏe và định hướng được dư luận khi có những sự cố hoặc các dịch bệnh xảy ra. Những thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 liên tục được cập nhật và phát sóng trong chuyên mục “Y tế - dân số và sức khỏe”; Bản tin thời sự lúc 19h45 phút hàng ngày trên Đài PT-TH Thanh Hóa.
Đặc biệt để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dịch Covid -19, truyền tải thông tin kịp thời nhanh và chính xác nhất đến cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã thành lập Fanpage để cập nhật liên tục hằng giờ những thông tin quan trọng của tỉnh về phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tăng cường sản xuất các thông điệp tài liệu truyền thông liên quan đến dịch Covid-19, các bài phát thanh phát ở các xã/phường thị trấn trong tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh.
Khai trương Cổng thông tin phòng chống Covid-19 tỉnh Thanh Hóa
Tuy nhiên, qua các đợt dịch, cũng rút ta một số kinh nghiệm về công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 như sau:
Một là, hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên môn về y tế phải coi công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng đi trước; kịp thời dự báo được tình hình để có những định hướng, chỉ đạo tuyên truyền hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh; không để bị động, bất ngờ. Công tác tuyên truyền luôn bám sát, nắm chắc sự chỉ đạo của cấp ủy và ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thường xuyên cập nhật diễn biến mới nhất, đầy đủ nhất về tình hình dịch bệnh để tham mưu, chỉ đạo, định hướng các hoạt động tuyên truyền đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Không đi sau, đi chậm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Hai là, công tác tuyên truyền cần kiên trì, rộng khắp và đa dạng về hình thức, ngắn gọn về nội dung, khách quan trên tinh thần xây dựng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan báo chí của tỉnh kịp thời xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng, dung lượng, kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh; nhất là phải nắm chắc tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế; tích cực, chủ động phát hiện, khai thác, lan tỏa các tấm gương nơi tuyến đầu chống dịch (công an, quân đội, đội ngũ y bác sỹ...), những nghĩa cử cao đẹp, những hành động từ thiện nhân đạo...
Ba là, công tác tuyên truyền được chỉ đạo, triển khai vừa phải bài bản nhưng vẫn phải mang tính đa dạng, linh hoạt; đảm bảo phù hợp với từng vùng, khu vực và từng giai đoạn của công tác phòng chống dịch bệnh. Mỗi địa phương, đơn vị khác nhau, nội dung và hình thức tuyên truyền phải khác nhau để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị đó.
Trên thực tế cho thấy, hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng mà đặc biệt là trên sóng Đài PT-TH đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta. Thực tế chứng minh đối với vấn đề sức khỏe là con người ngày càng có nhu cầu muốn hiểu biết nhiều hơn về sức khỏe của mình, đồng thời con người cùng muốn trao đổi nhiều hơn về sức khỏe đối với những người thân và cộng đồng... Muốn có điều này phải thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, để từ đó nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi đối với sức khỏe của mỗi người trong cộng đồng./.
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)