Thông tin tội phạm trong các bản tin thời sự trên kênh ANTV

17:16 04/10/2016 - Pháp luật
Việc báo chí tập trung khai thác, đưa tin, phân tích thông tin tội phạm là điều dễ hiểu, bởi thông tin tội phạm tự thân đã mang tính hấp dẫn và thu hút công chúng. Tuy nhiên, báo chí đưa tin về tội phạm như thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo luôn là bài toán cần lời giải.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cần tính nhân văn

Sau gần 5 năm chính thức phát sóng, kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đã khẳng định được uy tín, thương hiệu trong việc phản ánh thông tin tội phạm.

Hiện nay, Kênh ANTV duy trì phát sóng 9 bản tin với tổng thời lượng 3 tiếng 5 phút mỗi ngày. Trong 9 bản tin chỉ có 1 bản tin quốc tế duy nhất, ANTV dành toàn bộ thời lượng để phản ánh những vấn đề thời sự quốc tế, các bản tin còn lại liên tục cập nhật các tin tức về chính trị, an ninh trật tự, văn hóa xã hội, kinh tế tài chính... trong đó thông tin tội phạm chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Số lượng tin bài liên quan đến thông tin tội phạm phát sóng trong 6 tháng cuối năm 2015 là hơn 5.300 tin, phóng sự. Qua nghiên cứu, nội dung thông tin tội phạm đề cập phần lớn theo công thức chung đó là: thời gian xảy ra vụ việc; vai trò của cơ quan chức năng trong việc làm rõ hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội; hành vi phạm tội; thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân phạm tội, vai trò của cơ quan chức năng...

Nội dung thông tin tội phạm phản ánh đơn thuần vụ việc (không đủ 5W+1H). Cụ thể chỉ phản ánh thời gian xảy ra vụ việc; nội dung vụ việc, vai trò của cơ quan chức năng trong việc làm rõ vụ việc. Thông tin tội phạm dạng này chủ yếu là các vụ án giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây xôn xao dư luận nên phải đưa tin để định hướng giúp dư luận hiểu rõ về vụ án, hiện trường xảy ra, và nỗ lực của cơ quan công an đang điều tra làm rõ.

Điển hình, tháng 7/2015, một số cơ quan báo chí đưa thông tin liên tục, hỗn loạn về những tình tiết vụ án giết người tại Bình Phước, Nghệ An cướp đi mạng sống của 10 người trong hai gia đình. Nhiều độc giả không đồng tình với việc miêu tả tỉ mỉ về cái chết của các nạn nhân, cũng như phỏng đoán thủ phạm, miêu tả cách thức giết người hoặc khai thác quá sâu về cuộc sống, đời tư của gia đình các nghi can.

Đối với kênh ANTV, số lượng tin bài trong hai vụ án này rất chừng mực. Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bình Phước, ANTV đã đưa 15 tin, bài trong các bản tin thời sự. Vụ án xảy ra tại nghệ An, ANTV đã đưa 8 tin, bài. Việc phát sóng hai vụ án nội dung thông tin được kiểm chứng, tin cậy, nỗ lực điều tra phá án của lực lượng công an, thông tin được cập nhật liên tục, tuyệt nhiên trong hai vụ án này không đưa những hình ảnh phản cảm.

Ngoài việc đưa những thông tin về diễn biến vụ án, quá trình điều tra, làm rõ thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, thông tin tội phạm còn đề cập những bản án nghiêm khắc của luật pháp dành cho các đối tượng phạm tội. Việc đưa thông tin về phiên tòa xét xử tội phạm và bản án dành cho kẻ phạm tội không chỉ giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật mà còn là bài học để mỗi người dân tránh mắc phải những hành vi vi phạm pháp luật một cách vô tình hoặc cố ý.

Thực trạng thông tin về tội phạm của ANTV

Thứ nhất, truyền thông, quảng bá rộng rãi về lực lượng Công an nhân dân, giúp người xem truyền hình hiểu hơn về người chiến sỹ Công an nhân dân;

Thứ hai, giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình tội phạm và việc phòng chống tội phạm, răn đe, ngăn ngừa tội phạm, tuyên truyền pháp luật, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của người dân;

Thứ ba, ngoài sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Công an cấp hằng năm, doanh thu từ quảng cáo cũng như kết hợp xã hội hóa trong sản xuất chương trình cũng góp phần để kênh ANTV hoạt động ổn định.

Ảnh minh họa

Kết quả thống kê chỉ số khán giả theo dõi Kênh ANTV các tháng đầu năm 2016 cho thấy, kênh ANTV giữ vị trí thứ 4 tại khu vực Hà Nội và thứ 11 tại khu vực TP. Hồ Chí Minh. ANTV được Nhà nước xác định là một trong 7 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và được các cấp lãnh đạo cùng đông đảo cán bộ chiến sĩ, nhân dân quan tâm theo dõi và khen ngợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định.

Nhiều phóng sự đề cập thông tin tội phạm sơ sài, chưa đi sâu vào công tác phòng ngừa hoặc phân tích nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người phạm tội. Chính vì vậy, thông tin tội phạm mới dừng lại ở góc độ phản ánh, chưa có nhiều phân tích, đánh giá chuyên sâu về nguyên nhân cũng như định hướng cho khán giả.

Nội dung thông tin tội phạm chưa thực sự đa dạng vì bản chất là kênh truyền hình chuyên biệt và chuyên sâu về một lĩnh vực nên đòi hỏi đội ngũ PV, BTV chuyên biệt phải có quá trình đào sâu, tìm tòi và sáng tạo mới có thể tạo ra sự đa dạng trong một lĩnh vực. Có một thực tế đội ngũ PV, BTV của kênh ANTV hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, nghiệp vụ công an còn hạn chế do phần lớn được tuyển dụng từ ngành ngoài vào.

Thông tin tội phạm liên quan đến công tác bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh với các đối tượng phản động và các thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình, chống phá, lật đổ chế độ còn ít. Điều này thể hiện một hạn chế rất lớn của những người làm thời sự của kênh ANTV.

Một hạn chế nữa là hình ảnh của không ít thông tin tội phạm còn nghèo nàn. Ví dụ với nhiều vụ án hình ảnh có một mô típ quen thuộc đó là: Hình hiện trường, nạn nhân, dẫn giải đối tượng, xét hỏi đối tượng cá biệt có không ít tin bài về tội phạm hình ảnh chỉ là cảnh xét hỏi đối tượng. Không ít tin bài lời bình và hình ảnh không ăn nhập, hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho lời bình, hoặc người ta còn gọi là phát thanh trám hình.

Việc sử dụng hình ảnh nghi can, hình ảnh và thông tin người thân của họ trong một số tin bài cũng thiếu cân nhắc. Một trong những lỗi điển hình của báo chí trong đó có kênh ANTV đó là việc sử dụng hình ảnh của chị Nguyễn Thị Hán trong vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng ở Yên Bái. Chị Hán không phải là đồng phạm trong vụ án này nhưng trong bản tin 113 Online, TSAN, 120s ngày 14/8/2015 liên tục đưa thông tin truy tìm đối tượng gây án bỏ trốn trong đó có đầy đủ thông tin và hình ảnh của chị. Và sau đó vụ án được khám phá thì hình ảnh của chị cũng xuất hiện liên tục với tư thế rất phản cảm.

Mặc dù tiêu chí của thông tin tội phạm cũng đồng nhất với tiêu chí của kênh là “Nhân văn, tin cậy, kịp thời, hấp dẫn” nhưng một số ít tin bài vẫn sử dụng từ ngữ chưa chuẩn xác, không theo nguyên tắc suy đoán vô tội “một người chỉ có tội khi tòa án tuyên và bản án có hiệu lực pháp luật”, vẫn có hình ảnh, lời bình miêu tả tội ác, phản cảm, vẫn sử dụng những từ mang tính miệt thị như y, thị, hắn, tên, kẻ, hung thủ, thủ phạm...

Đi tìm giải pháp

Việc phản ánh thông tin tội phạm trong các bản tin thời sự tiếp tục bám sát tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị, đối tượng phục vụ, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần và thị hiếu tầm thường của một số ít công chúng; Thông tin tội phạm phải đặt sự khách quan, hấp dẫn lên hàng đầu, cân nhắc về mức độ, liều lượng khi thông tin về vụ án, tránh thông tin phi nhân tính, phản cảm, trái luân thường đạo lý...

Tăng cường tin bài đấu tranh chống diễn biến hòa bình trong các bản tin thời sự. Có thể khẳng định, thông tin về các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động cũng là thông tin tội phạm. Đây là loại thông tin tội phạm dạng đặc biệt vì nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự tồn vong của chế độ chính vì vậy, tăng cường thông tin vạch rõ âm mưu, thủ đoạn, ý đồ, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch là việc làm thường xuyên liên tục trong các bản tin thời sự của truyền hình ANTV.

Thông tin tội phạm phải bảo đảm tính nhân văn thể hiện ở cách thức người đưa tin lựa chọn những chi tiết thông tin về sự kiện và vấn đề trong tác phẩm, không nên tập trung lựa chọn chi tiết để khoét sâu thêm nỗi bất hạnh của nhân vật và không nên tra tấn công chúng bằng những chi tiết giật gân câu khách.

Thông tin tội phạm tự thân nó đã hấp dẫn vì thông tin về mặt trái của xã hội, tự nó tạo ra hiệu ứng tâm lý của con người, có nhóm khán giả mục tiêu ở biên độ rộng, đủ lứa tuổi và nó có tính đại chúng cao. Đồng thời thông tin tội phạm trên báo chí CAND có định hướng thông tin cao vì báo chí CAND là báo chí của cơ quan thi hành pháp luật và vì vậy mục đích là kêu gọi mọi người tuân thủ pháp luật. Để làm được như vậy, báo chí nói chung, báo chí CAND nói riêng phản ánh thông tin tội phạm không chỉ là thông tin khách quan, nhân văn mà còn đáp ứng được yêu cầu định hướng hành động, định hướng cả tư tưởng cho công chúng. Kênh ANTV nói chung và các bản tin thời sự trên kênh đang nỗ lực cải tiến, làm mới mình nhằm đáp ứng yêu cầu của đông đảo khán giả trong và ngoài nước trong giai đoạn hiện nay./.

ThS. Nguyễn Đăng Khang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top