Tết là để vui
20:07 12/01/2017
- Văn hóa xã hội
Nhiều người háo hức chờ đón mùa xuân, nhưng cũng không ít những người canh cánh nỗi lo “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”.
(Hình ảnh minh họa)
Tiền lương, tiền công thì có hạn, may hơn có thêm tháng lương thứ 13, nhưng các khoản chi phát sinh vô kể trong lúc giá cả lại tăng. Vì thế không ít người phải than ngắn thở dài thật đáng thương: “Mong Tết làm gì, mệt người!”, “Tết đến nơi rồi mà tiền chưa có, xoay xở thế nào đây?”... Quan niệm “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” thật sự thiết nghĩ nay đã không còn phù hợp nữa.
Hãy thay đổi cách ứng xử với Tết, chủ động đón Tết vui vẻ, nhẹ nhàng bỏ bớt những thủ tục không cần thiết! Tết là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, cân bằng lại tinh thần sau một năm lo toan vất vả làm ăn, đừng nặng nề suy nghĩ rồi biết Tết thành một nỗi cực.
Cuối năm, người người lại rục rịch đi sắm áo mới diện Tết, sắm lúc nào chẳng được, cứ gì phải đợi đến Tết? Manh áo mới đón Tết chỉ nên duy trì với trẻ con. Chuyện “làm đẹp” của chị em cũng nên tiến hành sớm, đợi gì đến 27, 28 Tết mới đi làm tóc, làm móng để chờ đợi mất thời gian?
Việc mua sắm Tết, xin đừng chạy đua theo người, đừng vì đặt nặng trong lòng việc “Tết nhà bác năm nay làm có to không?” mà bày vẽ ra, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Làm lụng một năm, dồn sắm sửa hết cho một cái Tết, dư giả thì chẳng phải nỗi niềm lớn chứ với người lao động nghèo như thế có hợp lý không?
Kể cả khá giả cũng không nên mua sắm thừa thãi, lãng phí để rồi sau đó ăn không hết dùng không được, mùng 6, mùng 7 Tết hoa cảnh, hộp kẹo lại đầy tràn các thùng rác.
(Hình ảnh minh họa)
Ăn uống ngày Tết thời nay đâu còn là chuyện đói no, vậy cầu kỳ làm gì, miễn là có “mùi vị Tết” có được thời gian bỏ công gói bánh chưng, muối dưa hành được thì tốt vì đó là nét đẹp cổ truyền.
Chuyện tiếp khách việc gì phải ăn uống thịnh soạn, "chén chú, chén anh" đến say khướt mới thể hiện được sự hiếu khách?
Tôi cũng thương các mẹ và các nàng dâu, ngày Tết quần quật nấu nướng đãi khách ăn nhậu liên miên, có khi chỉ cả ngày ở trong bếp, mâm không được ngồi, Tết chẳng được chơi.
Điệp khúc “nấu, dọn, rửa” làm nhiều mẹ, chị em vất vả, là “nỗi niềm biết ngỏ cùng ai".
Những ngày cuối Chạp, công việc cơ quan, ruộng đồng mới được tạm hoãn lại để lo Tết, chỉ còn có dăm bảy ngày, làm sao đủ để giải quyết xong xuôi mọi việc. Đơn cử, nhà cửa sơn quét, trang trí khi nào chẳng được, cớ gì phải xong trước Tết? Thay vì làm việc điều độ để giữ gìn sức khỏe vui Tết đón xuân, nhiều người lại cứ ôm đồm để những ngày cuối năm phải ốm, mệt mỏi.
Tết là dịp để thắt chặt mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và cộng đồng trong niềm vui sum họp, kết nối mọi người, kết nối quá khứ với hiện tại - ông bà tổ tiên và con cháu bây giờ.
Đừng cố theo đuổi những thứ bên lề, bên ngoài Tết để đến mức không ít người phải “sợ” Tết. Hãy giãn mình ra mà tận hưởng linh khí giao hòa của đất trời mùa xuân.
Cả năm đã lo toan, vất vả cật lực, còn Tết- hãy để mình vui.
Đoàn Mai Hồng
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)
- Hoa tình yêu (11:20 21/10/2024)