Nó "gờ lên" nó "lấp lánh"
00:24 24/02/2017
- Đời & Nghề
Trong quá trình tác nghiệp, khả năng phát hiện cái mới, cái hay có khi là độc đáo, điển hình nảy sinh trong mọi sự bình thường là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện năng lực của một nhà báo. Điều đó không dễ. Nói như nhà bác học lừng danh Pascal: “Chỉ có những bộ óc được chuẩn bị đầy đủ mới làm ra được những phát minh tình cờ”.
Ảnh minh họa
Khả năng phát hiện của nhà báo
Cuối năm 1978, Thiếu tá, Phó Trưởng phòng Biên tập Hồng Phương được Thiếu tướng, Tổng Biên tập Nguyễn Đình Ước giao nhiệm vụ tuyển chọn, đề nghị Tổng Cục Chính trị đưa một số cán bộ về bổ sung lực lượng cho Báo Quân đội nhân dân. Trong số người Hồng Phương đi lấy về có thượng úy Phạm Đình Trọng, trung úy Nguyễn Hồng Hà, thiếu úy Phạm Quang Đẩu và binh nhất Lê Phúc Nguyên… Tất cả họ đều đã thành danh. Riêng Phúc Nguyên lên đến Trung tướng, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân.
Lấy người về, Hồng Phương còn phải trực tiếp dẫn các phóng viên mới đi khai thác tài liệu để viết bài ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trên cơ sở những cái “nó gờ lên, nó lấp lánh”, Phúc Nguyên đã viết một phóng sự dài kỳ, có sức lan tỏa mãnh mẽ. Phạm Đình Trọng vốn là một nhà Nho chân truyền, tốt nghiệp khoa Ngữ văn khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm Vinh. Có cả Nho học và Tây học, lại đã từng viết báo ở cơ sở nên thuận tay, viết được ký sự “Đất và Người trên tuyến đầu Đông Bắc”, đăng 9 kỳ, được Ban Biên tập và đồng nghiệp đánh giá cao.
Thời cùng công tác ở cơ quan đại diện của báo tại Thành phố Hồ Chính Minh, tôi bất phục Hồng Phương, cho rằng lối viết của anh khô khan, thiếu biến hóa. Tôi yêu văn phong của Hà Đình Cẩn hơn, tưởng chừng có vẻ tự nhiên, dễ dãi nhưng thật ra rất chỉn chu, phóng khoáng. Vận dụng bút pháp văn học trong ký sự báo chí, Cẩn là số một của báo Quân đội nhân dân thời ấy.
Hướng dẫn phóng viên và cả trên giảng đường đại học, Hồng Phương thường ca bài “phải phát hiện, nhận rõ cái gì nó gờ lên, nó lấp lánh”. Tôi từng đùa: “Cái gì nắng chiếu mà chả lấp lánh. Còn gờ lên ư? Tôi chỉ thích những chỗ gờ lên của con gái”.
Đầu năm 1986, được Tòa soạn điều ra Hà Nội công tác tại Phòng Biên tập Kinh tế, có điều kiện đọc báo cũ, tôi mới biết Hồng Phương sở trường viết bình luận chính trị, quân sự và bài điều tra. Nhiều bài viết của anh đã gây xôn xao dư luận, được ghi nhận như những luồng gió mới trên báo chí nước ta thời ấy.
Anh còn bén duyên với nhiếp ảnh Thời sự - Nghệ thuật. Bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ truy điệu Bác Hồ là một trong những bức ảnh đẹp nhất về Bác Văn với chú thích đầy trí tuệ: “Nỗi đau và trách nhiệm”. Trong cái vẻ đạo mạo, khô khan của chàng nhà báo Hồng Phương, có một trái tim nghệ sĩ đầy nhiệt huyết, hay “gờ” lên, luôn “lấp lánh”.
Một chút kinh nghiệm bản thân
Thế hệ chúng tôi, hầu như không ai có thể quên được cái thời thiếu đói, phải ăn nhờ bột mì Liên Xô và các nước XHCN Đông - Trung Ấn. Chưa kể, hằng ngày máu xương rơi vãi ở Campuchia, biên cương phía Bắc luôn bị đe dọa. Cuối năm 1983, tôi đi thực tế Đồng Tháp Mười cùng Bí Thư Tỉnh ủy Long An Chín Cần. Ông hào sảng: “Tao không thích bột mì. Sẽ có ngày không xa, Long An xuất khẩu gạo đi khắp thế giới”. Mọi người nghĩ ông giỡn chơi hoặc lạc quan tếu. Tôi hiểu con người này, thời kháng chiến, đã cùng với ông Tư Thân chỉ huy một tiểu đoàn bộ đội địa phương cùng du kích, quần thảo với mấy sư đoàn chính quy của giặc Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhận thấy, như Hồng Phương nói, có một cái gì đó “lấp lánh” phía chân trời xa, tôi cật lực lấy tài liệu viết bài “Đồng Tháp Mười Thức dậy một tiềm năng”. Thiếu tá Phạm Huy Khảo, Phó phòng Biên tập kinh tế thấy bài có cái mới nên gửi dự thi, được trao giải báo chí “Bông Lúa Vàng” (thể phản ánh) do Hội Nhà Báo Việt Nam và Bộ Nông nghiệp phối hợp tổ chức, đợt 1984-1985.
Cuối năm 1985, tôi được cử đi dự đại hội mừng công của Sư đoàn 5, Sở chỉ huy đóng ở Chúp, tỉnh Xiêm Riệp-ốt-đô-miên-chây, cùng phóng viên của mấy chục cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phương tiện đi về là máy bay AN26 và xe hơi máy lạnh. Ngồi lai rai với thiếu tướng En-văn-sa-rát, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân đội nhân dân Cách mạng Campuchia, tôi giật mình trước những thông tin về tuyến phòng thủ biên giới với Thái Lan, một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Quân Đội Campuchia, hiện chưa có một chữ nào trên báo chí nước ta.
Không kịp báo cáo cơ quan, không về theo đoàn, tôi lên tiền phương Sư đoàn 5, xin một khẩu tiểu liên AK47 báng gấp, mấy quả lựu đạn, một mình băng qua hơn 20km đường rừng, lội bộ dọc biên giới Campuchia - Thái Lan gần một tháng. Để sát thực tế, tôi trực tiếp tham gia một số trận đánh phục kích trên các hành lang thâm nhập vào nội địa của quân Pôn Pốt, Xon Xan và Xi-ha- núc.
May mắn, được Quan Âm Bồ Tát hộ mạng, tôi chỉ bị thương tí chút do mìn KP2. Nhà thơ chiến sĩ Văn Lê bảo tôi, “Những kẻ chết hụt nhiều lần như cậu, sẽ sống dai như đỉa”. Tôi bảo: “Chết đâu có gì đáng sợ. Vấn đề là sống đứng lạnh tanh, vô cảm phải rực cháy như tim Đan-cô của M.Go-rơ-ky”.
Về đến Sài Gòn, Đại tá, Trưởng cơ quan đại diện Vũ Linh dằn mặt tôi: “Cậu vẫn cái tật phóng túng, vô kỷ luật, lẽ ra tôi phải kỷ luật. Nhưng vì cậu xông lên tuyến trước, tôi tha”.
Tôi cười: “Thì thủ trưởng cứ kỷ luật, có sao đâu”. Miệt mài suốt một ngày đêm, tôi viết ký sự “Tây Bắc Campuchia vững vàng thế trận”. Trước đó, Thiếu tướng Tổng Biên tập Trần Công Mân đã chỉ đạo, ký sự không nên dài kỳ quá nữa, chỉ từ ba đến bốn kỳ là cùng.
Tôi báo cáo Tổng Biên tập, ông bảo TTXVN là người nhà, cứ thật tình trao đổi. Bản tin đối ngoại TTXVN thường trích dịch bài của tôi, in trên bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp. Các anh lãnh đạo ban còn đề nghị tôi cộng tác nhưng không biết rằng, tôi đã sắp hêt thời, mọi thứ đang lùi vào dĩ vãng .
Giữa năm 1990, tôi viết phóng sự cuối cùng với tư cách là phóng viên Báo QĐND: “Niềm tự hào và nỗi xót đau âm thầm” (đăng 4 kỳ báo).
Mọi người đều bất ngờ bởi những thông tin mang tính phát hiện. Ban Bí thư Trung ương Đảng phải họp bàn. Ông Phan Văn Khải thốt lên “Tôi là dân Củ Chi, không ngờ có những chuyện như thế”.
Ban Bí Thư cử Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào Củ Chi kiểm tra. Ông kêu tôi đi tháp tùng. Mọi chi tiết đều chân thực. Sau đó, tất cả các số phận tôi nêu tên trong phóng sự đều được xây “Nhà tình nghĩa” và thoát khỏi đói nghèo, khóc tràn ra máu mắt mà vẫn kiên gan, tuyệt đối trung thành với Đảng.
Thật tình, tới tận bây giờ, tôi vẫn không mấy yêu Hồng Phương, bởi đồng tâm nhưng khác nết. Đàm đạo với nhau về nghề nghiệp thì được, chứ hàn huyền bên ly rượu tâm giao thì xin kiếu. Sợi dây tình ái, “cái nó gờ lên, nó lấp lánh” đã trở thành phát hiện của riêng tôi.
Trần Hoàng
Bình luận: 0