Tôi tự hào có một ngôi sao trên mũ

04:29 30/12/2022 - Đời & Nghề
Dịp lễ 22/12 năm nay là gần 15 năm tôi nhập ngũ, quãng thời gian ấy chưa dài nhưng chắc không quá ngắn để từ cậu sinh viên báo chí đã, đang và tiếp tục nỗ lực trở thành người lính cầm bút thực sự. Hành trình khoác lên mình bộ quân phục màu xanh đầy tự hào đã cho tôi biết bao trải nghiệm, chứng kiến, cảm nhận về cái “nghề” vô cùng thiêng liêng và vinh quang “Nghề bảo vệ Tổ quốc”.

Một ngã rẽ bất ngờ

Trở lại thời điểm giữa năm 2007, tôi đang thử việc ở tờ báo đảng của Thủ đô, khởi đầu với nhiệm vụ học làm phóng viên theo dõi mảng thông tin y tế. Khi ấy Trung ương chủ trương sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, đồng nghĩa với việc các quan cơ nhà nước cũng nhập lại.

Một ngày đầu thu đẹp trời, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạ Việt Anh gọi tôi lên phòng, ông rót nước mời tôi rồi nói: “Giang à, bác rất quý cháu, cháu có khả năng làm báo đấy nhưng tình hình hiện nay cháu biết rồi... Nếu có chỗ nào tốt, cháu cứ chủ động nhé...”. Câu chuyện với lãnh đạo báo kết thúc nhanh chóng, tôi rời phòng Phó Tổng Biên tập phụ trách mà lòng nặng trĩu.

Một tuần sau đó, mẹ tôi từ Lai Châu xuống Hà Nội dự hội thảo đã về nói với tôi: “Giang à, hôm nay mẹ gặp Đại tá Hồ Quang Lợi, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, nghe bác ấy nói Báo Quân đội nhân dân đang có đợt thi tuyển phóng viên từ bên ngoài dân sự vào đấy. Con tìm hiểu nộp hồ sơ thi đi”. Tôi nghe mẹ nói thì cũng vâng vâng dạ dạ, nhưng thú thật lúc đó tôi chưa có hình dung về Báo Quân đội nhân dân thế nào cả. Câu chuyện bẵng đi gần một tháng sau, mẹ tôi lại về Hà Nội công tác rồi gọi điện cho tôi nói: “Giang à, con tìm hiểu thi về Báo Quân đội nhân dân luôn đi nhé, hôm nay mẹ gặp chú Đỗ Phú Thọ, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội và Nội chính của Báo (sau này là Đại tá, Phó Tổng Biên tập), mẹ nghe chú nói và nghĩ đấy là môi trường vô cùng tốt con ạ”. Tôi đã quyết định tìm hiểu về Báo Quân đội nhân dân và kỳ thi tuyển sắp tới. Để thêm động lực, tôi rủ cậu bạn đại học (đang là phóng viên Báo Lao động) cùng nộp hồ sơ dự thi (cậu ấy giờ cũng đã là Thiếu tá, một phóng viên cứng của Báo).

Tháng 9/2007, tôi hào hứng chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ nộp dự thi tuyển vào Báo Quân đội nhân dân. Nhưng tôi nhận “gáo nước lạnh” đầu tiên khi đồng chí Chủ nhiệm Chính trị của Báo lúc ấy là chú Lê Quý Hoàng thông báo, đơn vị chỉ nhận hồ sơ những người có bằng tốt nghiệp đại học trình độ khá trở lên. Mà tôi thì bằng chỉ đạt trung bình khá. Vậy là “loại từ vòng gửi xe” thật sao? Tôi mạnh dạn đến Báo, trình bày với các lãnh đạo rằng, thôi cháu đã nộp hồ sơ rồi xin cứ cho cháu thi, cho cháu một cơ hội được thử thách bản thân mình. Tôi được chấp nhận dự thi. Và có lẽ hẳn là “nghề chọn người” hay một cơ duyên nào đó, tôi và cậu bạn cùng đủ điểm đỗ trong kỳ thi tuyển dụng phóng viên năm ấy. Sau hơn 3 tháng thử việc, tháng 4/2008 chúng tôi được gọi nhập ngũ vào đợt đào tạo sĩ quan dự bị nguồn sau đại học tại Trường Quân sự Quân khu Thủ đô ở Sơn Tây. Những năm tháng đội mũ, đeo sao bắt đầu.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong chuyến đi tác nghiệp vùng lũ tại Bát Xát,  Lào Cai_Ảnh: NVCC.

Học làm báo chỉ là một nửa

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in buổi đầu tiên khi chúng tôi biết kết quả thi vào Báo, Ban Biên tập gặp mặt sáu phóng viên được tuyển dụng. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân lúc đó bắt tay tôi và nói: “Chúc mừng cháu, nhưng về Báo rồi cháu phải nhớ. Học làm báo chí là một nửa, nửa còn lại cháu phải học cách làm một người lính”. Và những bài học đầu tiên của chúng tôi chính là ở Phòng truyền thống của Báo Quân đội nhân dân - một căn phòng đầy ắp lịch sử, hy sinh và niềm tự hào.

Tại đây chúng tôi được biết tờ báo ra đời ngày 20/10/1950 tại Khau Diều, Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên và được chính Bác Hồ đặt tên. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị những người làm Báo Quân đội nhân dân khi đó rằng: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Hay như câu đúc kết của “Người Anh Cả” Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng trên tường: “Làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng”.

Chúng tôi được biết những câu chuyện trong trang sử hào hùng xúc động của Báo Quân đội nhân dân như kỳ tích có một không hai khi Báo tổ chức tòa soạn tiền phương với năm đồng chí, trực tiếp xuất bản 33 số báo tại mặt trận Điện Biên Phủ; hay câu nói quả cảm của liệt sĩ, nhà báo, anh hùng LLVTND Lê Đình Dư trước khi hy sinh ở mặt trận Cửa Việt: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù”... Từ đây chúng tôi biết mình đã tự hào ra sao khi được sống, làm việc, chiến đấu ở một tờ báo hai lần Anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Anh hùng Lao động), mang trên mình bộ quân phục màu xanh và trách nhiệm hai lần chiến sĩ.

Những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của tôi thật sự vinh dự khi được trở thành một người lính cầm bút đứng trong hàng ngũ Báo Quân đội nhân dân. Tôi đã được đi đến mọi miền Tổ quốc, tới các quân, binh chủng, có mặt nơi biên giới, hải đảo tiền tiêu, chứng kiến đồng đội ở đơn vị rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó tôi đã hiểu thêm về những đánh đổi, hy sinh của người lính khi họ đã chọn nghề “lao động toàn thờigian”, “lao động xương máu”, nghề “bảo vệ Tổ quốc” đầy vinh quang ấy.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự coi mình là “một người lính trẻ” đang tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong quân ngũ. Tôi luôn trân trọng Báo Quân đội nhân dân cùng nhiều thế hệ thủ trưởng, chỉ huy, đồng chí, đồng nghiệp đã cho tôi cơ hội được sống, làm việc và “sẵn sàng chiến đấu” trong một đơn vị Anh hùng. Tôi biết ơn quân đội đã rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, hy sinh cho một người lính cầm bút như chúng tôi. Đó là một may mắn lớn trongđời.

Hoàng Trường Giang

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top