Sức hấp dẫn từ một chương trình truyền hình đặc biệt
23:13 19/10/2016
- Thế giới

Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên John F. Kennedy và Richard Nixon 1960
(Ảnh tư liệu của CNN)
Cuộc tranh luận ấy kéo dài 60 phút tại phòng thu của đài truyền hình CBS ở Chicago, thu hút 66 triệu người xem, khi đó nước Mỹ có 179 triệu dân.
Vượt ra khỏi biên giới quốc gia
Từ đó đến nay, hình thức sinh hoạt chính trị vào giai đoạn cuối của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trở thành một chương trình truyền hình định kỳ “đến hẹn lại lên” có sức thu hút cao hơn rất nhiều chương trình giải trí hoặc các cuộc thi đấu thể thao lớn, vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Đêm 26/9 (sáng ngày 27/9 giờ Việt Nam), cuộc tranh luận lần nhất giữa bà Hillary Clinton, ứng cử viên Đảng Dân chủ, và ông Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, diễn ra tại Đại học Hofstra, bang New York .Đây cũng là nơi tổ chức tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống vào năm 2012 và 2008. Các thống kê cho thấy, có khoảng 100 triệu người Mỹ theo dõi cuộc tranh luận này qua 13 kênh truyền hình của Mỹ, đồng thời, còn có hàng trăm triệu người khác trên khắp thế giới tham gia bình luận trên các mạng xã hội, diễn đàn... Nhà cung cấp dữ liệu Nielsen cũng cho biết: nhiều khán giả không chuyển kênh trong suốt 98 phút tranh luận.
Ngày nay, xem lại những bức ảnh tư liệu của cuộc tranh luận đầu tiên vào năm 1960 và so sánh với những đoạn video clip cuộc tranh luận vừa qua, dễ thấy nhận thấy quy mô sản xuất chương trình truyền hình, đặc biệt là công nghệ ghi hình và hiệu quả truyền thông của sự kiện chính trị này có một khoảng cách rất xa.
Ở góc độ truyền hình, định dạng (format) của chương trình tranh luận này liên tục thay đổi từ năm 1988 đến nay nhằm tăng tính tương tác với công chúng, hạn chế sự can thiệp chủ quan của (những) người dẫn chương trình (hosts), tạo sự công bằng cho các ứng cử viên và phải có nhiều bất ngờ.
Phương thức truyền hình thực tế (reality television) được tận dụng tối đa trong xử lý nội dung các chương trình tranh luận trên truyền hình. Mục đích lớn nhất của các thủ pháp truyền hình thực tế trong ghi hình sự kiện này là bảo đảm tính tự nhiên trong cuộc tranh luận. Ở đó, ống kính, đèn sân khấu và cả khán giả có mặt không chi phối, ảnh hưởng tới 2 nhân vật chính. Họ phải sống thật, bộc lộ hết con người thật không chỉ qua lời nói mà qua ngôn ngữ hình thể. Các ứng cử viên có thể biết trước chủ đề, nội dung tranh luận, nhưng không vì thế mà phần đối thoại giống như “trả bài” do họ học thuộc lòng trước các “đáp án”. Để làm được điều đó, vai trò người dẫn chương trình (thường là các nhà báo truyền hình nổi tiếng) hết sức quan trọng, nhất là trong việc phân bổ thời gian, điều phối câu hỏi và bình luận...
Thế mạnh của ngôn ngữ hình ảnh
Sức hấp dẫn chủ yếu của chương trình truyền hình trực tiếp tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống xuất phát từ thế mạnh của ngôn ngữ hình ảnh. Tất nhiên, bản chất của chương trình này là talkshow, lượng thông tin chính nằm ở lời nói của các nhân vật tham gia (kể cả người dẫn chương trình với vai trò bình luận, dẫn dắt, phân tích trong cuộc tranh luận). Tuy nhiên, một ánh mắt, một cái nắm tay, một chút ngập ngừng... hay nói đúng hơn, toàn bộ hành vi của hai nhân vật chính đều không qua mắt hàng trăm triệu người xem và nó mang một lượng thông tin lớn, nó có thể làm thay đổi nhận thức của khán giả về một ứng cứ viên và từ đó, thay đổi kết quả bầu cử. Những cuộc thăm dò dư luận cử tri ngay sau các màn tranh luận trực tiếp lâu nay cho thấy điều đó.
Tranh luận trực tiếp thường ở chặng cuối của cuộc đua tới vị trí tổng thống. Nội dung các màn tranh luận nhắm vào lượng cử tri còn đang do dự chọn lựa. Chỉ cần một lỗi nhỏ thôi, một ứng cử viên đang có lợi thế trước đó vẫn có thể mất phiếu. Lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ chứng minh điều đó rất rõ. Khi hai người lần đầu tiên lên sân khấu ở cùng một nơi, không có tác động của truyền thông, không có phân tích từ ngữ, bình luận, họ sẽ bộc lộ các điểm yếu, điểm mạnh qua cách phát ngôn, ngữ điệu, thái độ, hành vi chứ không chỉ nội dung phát ngôn. Ống kính truyền hình có thể nhấn nhá rõ nét điều này. Ví dụ, trong cuộc tranh luận trực tiếp năm 1992 giữa ông George Bush và ông Bill Clinton (sau đó thắng cử), ông Bush thỉnh thoảng lại liếc đồng hồ đeo tay, cử chỉ này sau đó được bình luận theo hướng bất lợi cho chính ông Bush.
Khán giả truyền hình Mỹ theo dõi các cuộc tranh luận luôn luôn chú ý tới những “điểm đặc biệt” mà các ứng cử viên thể hiện, để quyết định chọn ai là người lãnh đạo quốc gia. Những điểm này có thể là chính sách đối nội hoặc đối ngoại nhưng cũng có thể là quan điểm cá nhân ứng cử viên thông qua một thái độ, một cử chỉ.
Trước cuộc tranh luận thứ nhất giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, trong chương trình “Vấn đề hôm nay” trên kênh VTV1 tối 26/9, GS. Mitchell McKinney - chuyên gia truyền thông chính trị của đại học Missouri (Mỹ) đã nhấn mạnh: “Về bản chất, cuộc tranh luận đó là một chương trình truyền hình, cử tri bật tivi để xem hình ảnh và tính cách của ứng cử viên. Rõ ràng, yếu tố kiến thức rất quan trọng để ứng cử viên thể hiện mình là một người sáng giá cho vị trí tổng thống nhưng cuộc tranh luận trên truyền hình không hoàn toàn là để xem ai thông minh hơn hay ai có kinh nghiệm hơn, ranh giới ở đây thường rất mong manh”.
Phong thái, tính khí, hành vi của từng ứng cử viên, thậm chí sức khỏe, thể chất và khả năng tư duy của từng ứng viên sẽ được ống kính truyền hình khắc họa rõ nét. Nếu trong thế kỷ trước, các cuộc tranh luận tổng thống vẫn còn dừng lại ở một talkshow có tính chất chính luận, thì ngày nay, công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông trực tuyến đã can thiệp khá sâu vào hiệu quả của tranh luận.
Facebook, YouTube, Twitter và hàng loạt mạng xã hội lớn cũng tham gia bình luận, bình chọn, đặt câu hỏi, tăng cường sự minh bạch và cũng khai thác tối đa trong các chiến lược truyền thông của mỗi bên.
Nghiên cứu các cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ ở góc độ truyền hình nói riêng, góc độ truyền thông nói chung cũng là một hướng tiếp cận để rút ra nhiều bài học nghiệp vụ thú vị trong làm báo ở Việt Nam.
Phú Trang
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Cách các tờ báo Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) (03:54 10/05/2023)
- Nhà báo Việt Văn được vinh danh tại cuộc thi ảnh quốc tế (10:40 24/03/2023)
- Cựu Thư ký Báo chí của ông Biden dấn thân vào lĩnh vực mới (05:37 27/02/2023)
- Đưa tin về xả súng, phóng viên Mỹ bị bắn chết tại hiện trường (09:48 23/02/2023)
- Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực triển khai gìn giữ hòa bình (03:14 23/02/2023)