Sống mãi trong trang sử của thời đại
20:48 27/07/2023
- Vấn đề sự kiện
Báo chí phát hiện và tìm tòi những câu chuyện mới, vì sự phát triển của hiện tại; hăng hái cùng các sáng tạo hay, vìsự thịnh vượng của tương lai. Nhưng đối với quá khứ, những trang sử về một thế hệ vẫn luôn được kính cẩn chắp bút nối dài dòng ghi chép. Bởi câu chuyện về những người đã ngã xuống nơi đất mẹ hay xứ người, vì hòa bình của ngày hôm nay vẫn chưa bao giờ dừng lại; và cũng biết bao chiến sĩ còn lại với hôm nay mang trên mình “dấu hằn” của chiến tranh... Thế hệ ấy sẽ sống mãi trên trang viết của nền báo chí cách mạng Việt Nam, để nhắc nhở dân tộc về một cuộc sống hòa bình được trả bằng máu xương và cần được gìn giữ bởi tôn nghiêm.
76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Hành trình kiến quốc và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng khi các thế lực xâm lăng liên tiếp tràn vào nước ta với các mục đích và thủ đoạn đê hèn. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa bao lâu, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của cuộc cách mạng, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh trên các chiến trường. Máu của nhân dân đã thấm đỏ đất mẹ, để lần tìm tiếng gọi hòa bình cho dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại biểu đoàn công tác Chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân” năm2023, trao bảng tượng trưng gói hỗ trợ các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình_Ảnh: PV
Trước những hy sinh, mất mát ấy, ghi nhận và thấu hiểu sâu sắc cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, cùng đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta khi ấy đã dành tất cả tình yêu thương cho các chiến sĩ. Tình cảm ấy đã tiếp tục kết nối khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm chăm lo cho những thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng thời tiếp tục chiến đấu. Bắt đầu từ đầu năm 1946, nhiều hội giúp binh sĩ bị nạn (Hội giúp binh sĩ bị thương) ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), Hà Nội rồi một số địa phương khác. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động hội đã phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sĩ. Ngày 17/11/1946, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Nhiều chiếc áo len đã đến với các chiến sĩ, sưởi ấm mùa đông nơi chiến trường, trong đó có cả chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mang trên người gửi tặng.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”, là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đến tháng 6 cùng năm, nhiều cơ quan đã họp bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày thương binh liệt sĩ và ngày 27/7 ra đời với tên gọi là “ngày Thương binh toàn quốc” (sau này là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”).
Từ đó đến nay, tháng bảy luôn là thời điểm những nén hương được thắp trên mọi miền Tổ quốc, trước cả những ngôi mộ liệt sĩ không tên để ghi nhớ những người chiến sĩ đã ngã xuống. Dù không nhớ mặt đặt tên, nhưng dáng hình xuân xanh của thế hệ trước đã tô điểm cho dáng hình Tổ quốc đỏ thắm hôm nay. Và cả những đồng cảm, sẻ chia mà Đảng, Chính phủ và nhân dân dành cho gia đình những thương binh, liệt sĩ đã khiến tháng 7 trở nên ấm áp, chan chứa nghĩa tình.
Trang sử viết mãi
Đồng hành cùng công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, cũng như tỏ lòng biết ơn, nhớ mãi công ơn của thế hệ đi trước, báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay luôn kính cẩn dành những dòng viết về thương binh, liệt sĩ cũng như những người mẹ Việt Nam anh hùng. Sự kính trọng và tri ân được đặt trong tim mỗi nhà báo, phóng viên và chắp bút nên dòng văn đầy sự tôn kính. Đặc biệt, trong những ngày tháng 7, những câu chuyện xúc động được nhắc đến nhiều hơn. Mỗi năm lại có những câu chuyện mới, những mảnh đời khác biệt, nhưng họ đều có chung một nỗi niềm là tìm kiếm người thân của mình đang nằm ở đâu đó dưới một bia mộ vô danh... Những câu chuyện ấy để nhắc nhở thế hệ của hiện tại rằng, chiến tranh đã đi qua nhưng vết thương của nó vẫn còn day dứt và âm ỉ mãi trong biết bao gia đình.
Bao câu chuyện như vậy mỗi năm lại được điểm đếm, bổ sung thêm, được đăng tải trên các trang báo... mang đến nhiều xúc động và kéo dài như đủ để viết nên một cuốn tiểu thuyết bi tráng, khiến đồng bào cả nước và ở nước ngoài luôn canh cánh một nỗi niềm đồng cảm trào dâng.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đơn vị quân đội quan tâm thực hiện với quyết tâm chính trị, trách nhiệm cao nhất. Hoạt động được triển khai ở cả trong nước cũng như các nơi từng là chiến trường ở trên đất nước bạn Lào, Campuchia. Báo chí đã lần theo dấu chân của các đội quy tập, cùng kiểm đếm và nhắc nhở mỗi một con số kết quả với người ở lại thời bình. Công tác tìm kiếm, quy tập được ghi chép lại, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý và tình nghĩa của dân tộc ta, cũng được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong đó, báo chí và những người làm báo mang trọng trách thảo lại hành trình thiêng liêng ấy.
Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng dành tình cảm chân thành và sự quan tâm sâu sắc đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh vì những cống hiến và hy sinh lớn lao không thể đong đếm được cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu chuyện về một thế hệ đi trước đã xây đắp nên hòa bình hôm nay sẽ luôn được báo chí ghi chép, tôn vinh và kính cẩn dành những tình cảm đẹp nhất để chắp bút. Khi đó, trang sử của thời đương đại về một thế hệ vẫn được viết mãi, lấp lánh biết ơn.
Lê Hoa
Bình luận: 0