Đến Trường Sa thêm yêu Tổ quốc 

04:31 05/05/2023 - Danh mục
Câu nói đó của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng trong một cuộc trò chuyện với các tướng lĩnh, sỹ quan mới đây không chỉ đúng mà còn chạm đến hàng triệu triệu trái tim của mỗi người con nước Việt. Đó không chỉ là mong mỏi được đặt chân lên những tấc đất chủ quyền thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc, được hít hà bầu không khí giữa điệp trùng sóng vỗ mà còn là sự mong mỏi mang theo những tình cảm nồng đượm, thân gần và cả sự ngưỡng mộ đến với những người con đang bền gan vững chí canh giữ biển trời để Tổ quốc không bị động, bất ngờ từ phía biển.

Trường Sa thắm đượm một tình yêu 

Trường Sa – hai tiếng gọi thân thương ấy mà thiêng liêng vô cùng! Mỗi khi nhắc nhớ đến lòng lại thêm xao động, thêm nhớ nhung thật nhiều. Với tôi, dù không phải lần đầu; song trong lòng vẫn trào dâng lên sự háo hức xen lẫn hồi hộp khi nhận được thông báo có tên trong Đoàn công tác số 6 ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 trong những ngày tháng 4 lịch sử. Chuyến đi càng trở nên đặc biệt hơn khi hải trình trùng với khoảng thời gian có nhiều dấu mốc vô cùng đáng nhớ, kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 48 năm Ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa. Sẽ lại là một hải trình đầy ý nghĩa nữa! Tôi tự nhủ và bắt tay ngay vào thu xếp các phần việc đang đảm nhận, báo cáo lãnh đạo, chuẩn bị các vận dụng cần thiết cho chuyến đi. 

Hơn 200 Đại biểu của Đoàn công tác số 6 lưu lại phút giây đáng nhớ bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Đúng ngày giờ, tôi có mặt tại Khách sạn Trường Sa – nơi hội quân của cả đoàn trước giờ khởi hành. Nắng tháng tư trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ càng thêm gay gắt cũng không ngăn nổi sự háo hức cùng những sự chuẩn bị cuối cùng của các thành viên trong đoàn. Cả một không gian rộng lớn tại tầng 1 của khách sạn Trường Sa chật kín các hàng quà bao gồm: Máy lọc nước, quạt tích điện, tủ cấp đông, máy bơm nước, máy vi tính, máy in, ti vi… cùng nhiều đặc sản như bánh chưng, giò chả, cốm, chè sen, kẹo lạc, ô mai và các loại hạt giống, thuốc chưa bệnh, rau củ, quả, hoa trái đến từ nhiều vùng miền của đất nước đang được bọc gói lại cẩn thận trước khi chuyển xuống tàu mang ra đảo. Ai ai cũng muốn mang được nhiều nhất có thể những sản vật của quê hương mình ra với nơi đầu sóng.

Giây phút tiễn đoàn đầy xúc động tại cảng biển quốc tế Cam Ranh.

Sau những chuẩn bị, giờ khởi hành cũng đến, đó là một thời khắc thật đặc biệt nhất là khi ba hồi còi cất lên báo hiệu giây phút  tàu rời cảng đến với Trường Sa luôn mang lại rất nhiều cảm xúc đối với những ai đã từng chứng kiến. Sau ba hồi còi chào cảng của tàu đi làm nhiệm vụ, cả quân cảng sẽ hòa cùng những thanh âm như thế, bởi các tàu neo đậu gần đó cũng cất lên ba hồi còi đáp từ như gửi những lời chúc cho hải trình thượng lộ bình an; còn dưới cầu cảng là các cán bộ, chiến sỹ trong sắc xanh trắng hải quân đứng nghiêm trang, nhất loại đưa tay chào Đoàn công tác, hẹn ngày gặp lại sau chuyến hải trình.

Tàu rời cảng, nhằm hướng hải trình đã định mà rẽ sóng vươn xa. Cả tàu như bừng sáng thêm bởi sự hân hoan xen lẫn niềm hạnh phúc, tuy giản dị thế nhưng cũng rất đỗi tự hào. Cả đoàn hơn 200 con người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, vậy mà chỉ trong chốc lát đã trở thành anh em một nhà. Gần gũi, ân cần, tất cả cùng nhau hòa ca tiếng hát về biển đảo quê hương về đất nước… như muốn hải trình đến với điểm đảo đầu tiên thêm gần lại.

Từ trên boong tàu, tôi ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay dưới nền trời xanh thẳm lại thấy thêm yêu Tổ quốc mình, khẽ đặt tay lên ngực trái để cảm nhận về sự kỳ vĩ của Tổ quốc, về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước ta hôm nay, bất giác lại thấy những thanh âm cùng hình ảnh trong bài thơ “Vui thế hôm nay” của nhà thơ Tố Hữu ùa về bay trên tiếng sóng dạt dào, vang vọng giữa biển trời bao la: “Tổ quốc tôi, chưa đẹp thế bao giờ!/Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/Xanh trời, xanh của những giấc mơ”… Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa”.

Mang ra tình cảm, mang về niềm tin

Vượt gần 1.000 hải lý, Đoàn công tác số 6 gồm các địa phương, cơ quan, đơn vị: Thành phố Hà Nội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ủy ban Dân tộc; Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam; Quỹ học bổng Vừ A Dính; Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương; Tổng cục Kỹ thuật; Quân chủng Phòng không - Không quân cùng văn nghệ sĩ, phóng viên các báo, đài... do Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn ra thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. 

Tham dự lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo Trường Sa.

Trong suốt hải trình, đoàn đã đến thăm, động viên và tặng nhiều phần quà thiết thực tới quân dân trên các Đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn Đông, Đá Đông B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Tại đây, Đoàn công tác đã có nhiều hoạt động giàu ý nghĩa như tham gia chào cờ, duyệt đội ngũ cùng quân dân đảo Trường Sa; tổ chức trồng cây tại đảo Song Tử Tây; khởi công xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đảo Đá Đông B; tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; dâng hương tại Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và chùa trên các đảo. 

Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo; phát động cuộc thi "Tự hào biển đảo Việt Nam" và sáng tác nghệ thuật, phóng sự về Trường Sa năm 2023 với chủ đề "Trường Sa trong tôi"; đặc biệt là Giải chạy "Vì Trường Sa thân yêu"; vận động gây quỹ khuyến học... 

Mang lời ca tiếng hát đến với những người lính trẻ. 

Dù khoảng thời gian lưu lại tại các đảo và điểm đảo không nhiều, song những cuộc gặp gỡ, những tình cảm nồng ấm trao nhau đã để lại bao lưu luyến cho các thành viên trong đoàn. Những giây phút mừng vui chào đón chưa được bao lâu thì những hình ảnh bịn rịn chia tay trong niềm tiếc nuối của cả người ở lẫn người về giữa muôn trùng sóng nước khiến ai ai cũng bồi hồi xúc động… Song, tất cả đều được nén giữ lại vì nhiệm vụ chung.

Là một thành viên trong Đoàn công tác, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức (TP.Hà Nội) Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, cá nhân tôi rất vinh dự khi được thay mặt cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Mỹ Đức trực tiếp đến thăm, động viên quân và dân Đảo Trường Sa; được tận mắt chứng kiến những gian nan, thử thách nơi đầu sóng, ngọn gió của những người lính nơi biển khơi, chúng tôi càng thêm tự hào và tin tưởng về lực lượng hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; Và càng thấy trân quý sự hy sinh thầm lặng để mang lại những giá trị to lớn, những giây phút bình yên, cuộc sống hạnh phúc cho người dân trên đất liền; từ đó, càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. 

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức (TP.Hà Nội) Nguyễn Anh Dũng gặp gỡ và tặng quà cho những người con quê hương Mỹ Đức đang công tác trên các đảo ở Trường Sa.

Người đứng đầu Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, tham gia cùng Đoàn công tác lần này, bên cạnh những quà tặng thiết thực, ý nghĩa và để lại ấn tượng sâu sắc đối với quân và dân Trường Sa của TP. Hà Nội thì cán bộ đảng viên, LLVT và nhân dân huyện Mỹ Đức cũng co chút quà nhỏ mang tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa một số sản phẩm của quê hương như: Khăn mặt từ làng nghề Phùng Xá; mắm tép An Tiến... ngoài ra, thay mặt cho lãnh đạo địa phương chúng tôi đã đến thăm gặp gỡ và tặng quà 6 người con quê hương Mỹ Đức đang công tác trên các đảo ở Trường Sa.

Trong sự xúc động đặc biệt, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức bày tỏ: Ở mỗi điểm đảo chúng tôi đã được tận mắt thấy cuộc sống cùng những thử thách, khó khăn và cả sự hy sinh thầm lặng của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng hải quân. Sau chuyến công tác này, chúng tôi sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ huyện Mỹ Đức nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, ý nghĩa của việc giữ gìn chủ quyền biển đảo; chia sẻ, trân trọng sự cống hiến, hy sinh của những người đang ngày đêm canh giữ biển đảo, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc để giữ vững hoà bình, ổn định; mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Với những tình cảm đặc biệt ấy, nếu có dịp trở lại Trường Sa, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo hơn, mang tới những tình cảm, ý nghĩa, sâu sắc hơn gửi đến cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam và những người con quê hương Mỹ Đức đang công tác trên đảo. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ những khó khăn nơi đầu sóng, ngọn gió; mong muốn người chiến sĩ nơi đảo xa cảm nhận được tình cảm của cán bộ, nhân dân huyện Mỹ Đức luôn đồng hành, sát cánh cùng quân và dân đảo Trường Sa giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chị Nguyễn Thị Phương Duyên xúc động trong lúc chia tay những người con của biển.

Trong giây phút bịn rịn chia tay các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Đông B, khóe mắt còn đỏ hoe, chị Nguyễn Thị Phương Duyên, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Giảng viên Trường ĐH Thành Đông – người có nhiều hoạt động cùng những việc làm thiết thực hướng về biển đảo trong thời gian qua cho biết: Tôi có cơ duyên được đến với Trường Sa vài lần nhưng mỗi lần đi là một cảm xúc khác nhau bởi những khó khăn vất vả, sự gian nguy cùng những hi sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và cả dân tộc trao gửi niềm tin cho các anh không dễ gì đo đếm được. Bằng một tình yêu lớn với biển đảo, tôi mong tất cả những ai đã được đến Trường Sa rồi sẽ nhân lên thêm trách nhiệm của mỗi cá nhân mình khi về; để góp phần lan toả sâu rộng hơn nữa tình yêu biển đảo, cùng nhau xây dựng biển đảo quê hương ngày càng phát triển và vững mạnh. Qua đây bản thân tôi xin nguyện với các anh, những người lính Hải quân rằng sẽ chuyển những lời nói thành hành động thông qua các việc làm thường ngày để làm tốt hơn nữa trên cương vị công tác của mình cũng như đẩy mạnh hơn nữa chương trình "Trường Sa xanh" hay "Xanh mãi Trường Sa" trong thời gian tới.

Anh Lê Văn Hồng bên người đồng chí, đồng nghiệp, người em Nguyễn Duy Đông đang công tác trên đảo Song Tử Tây (người đã nén nỗi đau mất mẹ khi kỳ công tác trên đảo chỉ còn tính bằng ít ngày nữa)

Là người đã từng sống và làm nhiệm vụ trên đảo Song Tử Tây, anh Lê Văn Hồng – Điều dưỡng trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương trong lần trở lại Trường Sa trong Đoàn công tác số 6 đã không giấu nổi sự xúc động chia sẻ: Sau 14 năm tôi lại có dịp quay trở lại nơi đây. Trong tôi dồn nén nhiều cảm xúc khó tả, phần vì được trở lại thăm chính nơi mình đã từng công tác (điều mà không phải ai cũng may mắn có được) rồi bao kỷ niệm cũ lại ùa về vẹn nguyên như mới hôm qua vậy. Khi bước chân lên đảo, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên, mặc dù đã được nghe nhiều về sự phát triển của đảo, song có ra tận nơi, được tận mắt chứng kiến mới thấy sự phát triển đó lớn đến nhường nào. Giờ đảo đã có nhiều nhà kiên cố hơn, cây xanh nhiều và đa dạng hơn, ngày trước chỉ có ít cây Phong ba, cây Bàng vuông, cây Nhàu, cây tra và một số ít cây khác, ngày nay không chỉ nhiều cây xanh hơn còn có cả những loài hoa như hoa giấy và có cả những loài cây khó trồng và chăm sóc như hoa Lan… Lần trở lại này, tôi cũng như biết bao trái tim hướng về đảo xa trong đó có Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương đều mong muốn mang những tình cảm từ đất liền ở khắp mọi miền đất nước gửi gắm, nhằm động viên quân, dân trên đảo yên tâm bám biển, vững tay súng canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Vâng, thật không dễ gì để diển tả hết được những cảm xúc, những tình cảm của các đại biểu đã yêu và đã giành cho Trường Sa…chỉ biết những tình cảm ấy, những yêu thương, dồn nén ấy và cả sự quan tâm, sẻ chia với những mong tiếp thêm động lực cùng sức mạnh tinh thần cho các anh để các anh thêm vững tin, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bao yêu thương, tiếc nuối đong đầy dồn cả vào lời ca tiếng hát vang vọng biển trời với những mong động viên các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1/8 Quế Đường.

Và sẽ là thật trọn vẹn cho hải trình lần này của Đoàn công tác số 6 nếu như sóng gió biển Đông không vô tình ngăn trở chúng tôi đến với các anh - những cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên Nhà giàn DK1/8 Quế Đường (điểm cuối của hải trình). Tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt chất chứa bao nỗi niềm của vị tướng, Trưởng đoàn công tác số 6, Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà nhìn chăm chăm về phía Nhà giàn hồi lâu trước khi ông phải đưa ra một quyết định vốn không dễ dàng gì vào thời điểm đó. Song trước thiên nhiên khắc nghiệt, sự khó lường của biển cả, bằng kinh nghiệm dạn dày và cao hơn cả là trách nhiệm, sự thấu đáo của một vị tướng giàu bản lĩnh, ông đã đành chọn lấy phần thiệt thòi hơn cho những người lính của mình nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn và các đại biểu. Trước đó, vị tướng này đã thân chinh xuống xuồng ra tận chân sóng để khảo sát rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. 

Giữa trùng khơi, mấy trăm ánh mắt cùng hướng về phía Nhà giàn DK1/8, yêu thương, tiếc nuối đong đầy dồn cả vào lời ca tiếng hát vang vọng biển trời với những mong các anh vui... Một niềm tin mãnh liệt lan tỏa, cương vực Tổ quốc mãi vững bền.

Kết thúc một hải trình để bắt đầu những yêu thương, hi vọng lớn lao hơn. Niềm tự hào biển đảo đất nước sẽ cùng song hành cùng trách nhiệm thiêng liêng để  những hải trình đến với Trường Sa cứ dài thêm mãi và lời ước nguyện Tổ quốc đẹp vô ngần! 

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top