Quyết tâm “thanh lọc” môi trường truyền thông

17:09 12/12/2016 - Pháp luật
Việc một số tờ báo liên tiếp bị xử phạt, đình bản và thậm chí tước giấy phép, nhiều nhà báo bị phê bình, kỷ luật trong thời gian gần đây cho thấy sự kiên quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông

Báo chí phải dựa trên nền tảng của sự trung thực, tôn trọng sự thật. Ảnh minh họa

Sự kiên quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong việc lập lại trật tự, siết chặt kỉ cương trong lĩnh vực báo chí, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ những người làm báo để bảo vệ sự trong sáng và niềm tự hào của đội ngũ những người làm báo chân chính. Việc làm trên cũng cho thấy một thực tế đáng báo động là nhiều phóng viên đã bỏ quên tính nhân văn, lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp, làm suy giảm niềm tin của bạn đọc dành cho báo chí...

Nhiều quyết định xử phạt mạnh tay

Nhìn lại quá trình phát triển, có thể khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của bạn đọc, đấu tranh loại bỏ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến những giá trị cao đẹp. Nhân dân luôn ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của người làm báo dũng cảm, dấn thân, chân chính.

Song bên cạnh những đóng góp to lớn ấy, những năm gần đây đã và đang xuất hiện cách làm báo rất đáng lo ngại. Không ít người thường vin vào lý do phục vụ nhu cầu bạn đọc, áp lực về kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh thông tin mạnh mẽ để chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn - “thiên chức” cao cả của báo chí.

Chưa khi nào báo chí mất uy tín và người dân hoài nghi “chất lượng tin tức” từ báo chí như hiện nay. Làng báo xuất hiện ngày càng nhiều phóng viên chuyên đi dọa dẫm các doanh nghiệp; khi nắm được “thông tin có vấn đề” của các cơ quan, doanh nghiệp thay vì phanh phui, lên án... lại quay ra sách nhiễu hoặc tống tiền trục lợi cá nhân. Rồi, các nhà báo đi đêm “bắt tay” với doanh nghiệp xấu để thực hiện “chiêu trò”, cũng dần thành thường tình.

Tiêu biểu là vụ việc Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt 50 cơ quan báo chí liên quan đến vụ việc “nước mắm nhiễm asen” cho thấy nhiều khoảng tối đang diễn ra trong một số cơ quan báo chí ở nước ta giai đoạn hiện nay. Sự việc nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trong cuộc trả lời báo chí ngày 21/10/2016 đã gọi việc công bố và đăng tải các nội dung mập mờ về hàm lượng asen trong nước mắm truyền thống là “những dấu hiệu bất lương” về sự câu kết giữa doanh nghiệp và báo chí.

Còn nhớ tại hội thảo “Đạo đức nghề báo trong khai thác và xử lý nguồn tin” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 11/10/2012, cố nhà báo lão thành Hữu Thọ trong tham luận “Thật và Nhanh” đã nhấn mạnh, khuyết điểm phổ biến dẫn đến thông tin sai sự thật là do phong cách làm báo không cẩn trọng, thiếu trách nhiệm...

Theo nhà báo Hữu Thọ, những người làm báo nổi tiếng thường rất thận trọng khi thu thập thông tin và càng nổi tiếng càng thận trọng bởi “nếu phải chọn giữa nhanh và đúng, thì những nhà báo nổi tiếng trên thế giới đều không ngần ngại lựa chọn đầu tiên việc thông tin đúng”. Trăn trở của một nhà báo lão thành, cả đời gắn bó với nghề báo đáng để các thế hệ kế cận phải suy nghĩ.

Lỗi không tránh khỏi của truyền thông hiện đại?

Trong khi việc xử phạt nhận được sự hoan nghênh, đồng tình của đông đảo bạn đọc, thì có người bao biện rằng, các sai phạm kể trên là loại lỗi mà báo chí truyền thông hiện đại không thể tránh khỏi, cần được thông cảm. Vậy sự thật có đúng như vậy?

Trên thực tế, hoạt động báo chí tại bất kỳ quốc gia trên thế giới, dù tiến bộ, dân chủ đến mức nào cũng phải dựa trên nền tảng của sự trung thực, tôn trọng sự thật. Tiếp cận từ bất cứ góc độ nào thì truyền thông hiện đại cũng không đồng nghĩa với việc nhà báo dẫn nguồn tin thiếu chính xác, bịa đặt ra câu chuyện hay xào xáo, sao chép thông tin của các tờ báo khác.

Cho nên, thật ngạc nhiên khi bị xử phạt có người chống chế cho hành động xuyên tạc, bịa đặt, dựng chuyện là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay chưa thể kiểm chứng thông tin. Không ít tờ báo moi móc đời tư, tung tin giật gân, ảnh nóng làm “miếng mồi câu độc giả” dù thu được bộn tiền nhưng cũng phải trả những bài học đắt giá. Nhiều người nổi tiếng bị xâm phạm đời tư đã đâm đơn kiện, khiến nhiều tờ báo phải xin lỗi, bồi thường, thậm chí tờ báo bị đóng cửa.

Báo chí phát triển trên nền tảng xã hội, trách nhiệm xã hội của nhà báo cũng là bộ phận của nền tảng đó. Thiết nghĩ, việc tiếp cận sự kiện khách quan luôn là ước mơ, cũng là bổn phận của người cầm bút. Song việc tiếp cận như thế nào và khai thác thông tin như thế nào lại phụ thuộc vào năng lực mà trước hết là lương tâm, trách nhiệm của mỗi nhà báo.

Việc xử phạt nghiêm, trả lại bầu không khí lành mạnh trong thông tin báo chí, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước là cần thiết. Bởi chừng mươi năm về trước, việc một tờ báo bị phạt lập tức trở thành sự kiện chấn động còn hiện nay, việc báo đài thi nhau nộp phạt cho thấy mức độ vi phạm có vẻ chưa dừng lại khi những “món hời” của những “thông tin giả”, “siêu nhảm” vẫn luôn là sức hút khó cưỡng và gánh nặng áo cơm đang đè nặng lên vai những người làm báo nghiêm túc, áp lực cạnh tranh đang là chuyện sống còn của nhiều tờ báo.

Nếu không muốn để “con sâu làm rầu nồi canh”, nhất thiết công tác thanh lọc, giám sát và xử lý vi phạm báo chí phải được làm triệt để. Những sản phẩm “truyền thông bất lương” làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của nền báo chí nước nhà, tới uy tín của những nhà báo chân chính cần phải được loại bỏ

Ông Trần Cao Tánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Tỉnh Quảng Ngãi:
Luôn coi trọng việc nhắc nhở, chấn chỉnh để tránh sai phạm

Tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 12 cơ quan đại diện thường trú tại địa bàn. Về phẩm chất đạo đức của đội ngũ phóng viên thường trú tại địa bàn và ở tỉnh Quảng Ngãi, cơ bản là có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề. Trong thời gian qua chưa có các vụ việc phóng viên, các cơ quan báo chí có sai phạm nghiêm trọng. Nhìn chung, số vụ việc vi phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không nhiều, điều đó xuất phát từ quan điểm “ngăn ngừa, nhắc nhở, đánh động”. Khi nhận được thông tin phản ánh về việc có biểu hiện không tốt của phóng viên trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi lập tức nhắc nhở ngay. Với những thông tin này thì chúng tôi thường phối hợp và được Phòng PA 83 Công an tỉnh Quảng Ngãi cung cấp. Trong thời gian tới, chúng tôi đã đề nghị Tỉnh ủy tiếp tục bố trí cho anh em phóng viên báo chí được đi học lớp cao cấp chính trị. Qua đó, giúp cho đội ngũ phóng viên báo chí có trình độ lý luận chính trị cao, nhìn nhận rõ về bản chất của những sự việc xảy ra hằng ngày. Yếu tố chính trị chính là cán cân trong ý thức nghề nghiệp của phóng viên. Khi tiếp cận sự việc anh em biết cân nhắc có nên đưa tin hay không? Vì đưa có lợi hay có hại. Đưa tin thì liều lượng ra sao? Đưa tin theo hướng nào?

Nhà báo Đặng Vỹ, Báo Kinh tế và Đô thị:
Làm báo kiểu “bầy đàn”, đã nhìn thấy tai họa

Hiện nay, các báo điện tử ra đời sau để kiệm đầu tư đã xem thông tin trên báo khác là “nguồn tin”, tự do sử dụng công sức của người khác. Khi dẫn không cân nhắc nội dung đúng sai, vì đây là nguồn từ... báo, đã có “báo gốc” kiểm chứng nên yên tâm, và giả sử có bề gì thì tờ báo “gốc”... chịu! Chính kiểu làm báo bầy đàn, sử dụng công sức người khác, không tư duy phản biện, không chịu làm thông tin độc lập, chạy đua giành giật bạn đọc trước sự kiện nóng,... đã đưa đến hậu quả hàng loạt. Điều nguy hiểm là, chỉ cần bản tin gốc có lỗi, thì cái sai đó được truyền đi trong xã hội theo cấp số nhân. Sự kiện “nước mắm nhiễm asen” vừa qua là bài học rất tốt, rất đáng giá cho cách làm báo cẩu thả và vô trách nhiệm trong làng báo hiện nay. Việc Bộ TT&TT ra quyết định xử phạt cả những trang báo “ăn theo, nói leo” là một sự chấn chỉnh rất đúng đắn, kịp thời và cần thiết.

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Báo Sài Gòn Giải Phóng:
Đã đến lúc cần tinh lọc lại lực lượng báo chí

Sự quyết liệt của Bộ TT&TT gần đây, tôi cho là, rất nghiêm túc và kịp thời. Đã đến lúc cần tinh lọc lại lực lượng báo chí để báo chí thật sự là cơ quan tuyên truyền, định hướng xã hội, được người dân tin tưởng. Sự tinh lọc không chỉ ở việc xử phạt bằng tiền, thu hồi thẻ nhà báo của những nhà báo sai phạm, mà cần xử lý ở tầm vĩ mô, đó là rà soát lại các cơ quan báo chí. Tờ báo, trang mạng nào không thực hiện đúng mục đích tôn chỉ, không bảo đảm tài chính để nhà báo hoạt động độc lập, khách quan thì nên đóng cửa. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng nên tham mưu Chính phủ sửa lại Quy chế phát ngôn cho rõ ràng hơn. Do vậy, bên cạnh việc xử lý nghiêm sai phạm, tinh lọc lại ngành báo chí thì Bộ TT&TT cũng cần phải xây dựng quy chế rõ ràng, minh bạch cho hoạt động tác nghiệp báo chí

Kim Loan, Hoàng Tuấn, Lê Chương (thực hiện)

Hoàng Lâm

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top