Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

"Y Sơn thắng tích" nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cách mạng

18:13 03/04/2022 - Văn hóa xã hội
Từ trung tâm huyện lỵ Hiệp Hòa (Bắc Giang) nhìn về hướng Tây Bắc chúng ta sẽ thấy một ngọn núi xanh mướt bóng thông, đó chính là núi Y Sơn đột khởi tựa viên ngọc châu soi mình xuống dòng sông Cầu thơ mộng. Bốn bề là ruộng lúa, nương dâu, bãi màu xanh ngắt, cùng những xóm làng tọa lạc quanh sườn núi, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, hấp dẫn đến nao lòng lữ khách hành hương.

"Vui nhất là hội chùa Thày

Vui thì vui vậy chẳng tày hội IA"

Hòa Sơn là một vùng đất cổ nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hiệp Hòa. Nơi đây giáp ranh tỉnh Thái Nguyên, cảnh quan có sự khác biệt hẳn với các xã trong huyện. Trong địa phận xã có ngọn núi Y Sơn và núi Cung cao trên 100m (so với mực nước biển) đứng liền nhau tạo thế tay ngai, hướng về phương Nam với thế voi chầu hổ phục. 

Là một trong 26 xã, thị trấn của huyện Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn với 15 thôn làng quần tụ đông vui thực sự là một miền quê có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hiến, vốn được tạo lập nên từ rất xa xưa. Đó là những xóm làng nằm trọn trong miền Y Sơn, từ thời Hậu Lê đã nổi tiếng là "danh lam thắng địa", lung linh huyền thoại và đầy chất thi ca. Đây cũng chính là "hành cung nhà Lê" như sử cổ biên đã chép.

Qua quá trình lịch sử lập làng, giữ nước, người dân Hòa Sơn đã đoàn kết chặt chẽ để tạo nên đời sống vật chất và văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng với lời ngợi ca đã được khắc ghi trong bảng vàng, bia đá "Mỹ tục khả phong" (tục đẹp đáng khen).  Truyền thống và chứng tích đó luôn được nuôi dưỡng, duy trì và bảo lưu trong quần thể đền-chùa Y Sơn-nơi được mệnh danh là một vùng danh lam cổ tích.

Từ rất xa xưa, nhân dân Hòa Sơn đã tôn thờ, ngưỡng vọng Đức Thánh Hùng Linh-người có công giúp Hùng Vương dẹp giặc Ân ở thế kỷ thứ VI, giữ cho đất nước bình yên, nay lại ra tay diệt loài hổ báo trên núi Y Sơn, giúp cho muôn dân được yên ổn đời sống, khi thác đi đã được hiển Thánh về trời. Việc tôn thờ được Ngài được biểu hiện ở việc dựng đền, chùa để thờ phụng và tổ chức tế, lễ, hội hè vào các dịp "xuân thu nhị kỳ". Hệ thống thờ tự Đức Thánh Hùng Linh ở vùng Hòa Sơn khá đặc sắc, phong phú và rất trang trọng, tôn nghiêm.

Toàn cảnh chùa Y Sơn

Đền Y Sơn là tên thường gọi của đền IA nằm ở phía Đông của dãy núi Y Sơn, nên còn có tên chữ là Y Sơn Đông từ, nơi đây thờ Đức Thánh Hùng Linh-người có công giúp vua Hùng dẹp giặc Ân, mang lại bình yên cho đất nước.

Đền nằm trong quần thể Di tích lịch sử Văn hóa Y Sơn bao gồm đền Hạ, đền Thượng, giếng Tiên và chùa. Cả 3 nơi này đều gắn liền với sự tích đức thánh Hùng Linh Công – Người có công dẹp loạn Lang Thú hổ báo và đánh giặc Ân cùng với Đức Thánh Gióng vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6. Đền được nhà nước cấp Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1994.

Lối vào khu thắng tích đền-chùa Y Sơn

Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đức vua giao cho Hùng Linh Công ba vạn quân và phong chức Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân cầm quân dẹp giặc cùng Đức Thánh Gióng. Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước thanh bình, Hùng Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày mùng 8 tháng 8 Âm lịch.

Hôm ấy đang trời quang mây tạnh, bỗng mây đen kéo đến, mưa gió, sấm chớp nổi lên và có 3 tiếng sét trên đỉnh núi, dân chúng thấy một người mình mặc giáp trụ, tay cầm thanh kim đao cưỡi con hổ đen bay lên trời. Sau đó, Hùng Linh Công biến mất. Tạnh mưa, dân làng lên đỉnh núi thấy cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi héo khô, dân làng thấy làm điềm lạ đã mang cây tạc tượng Hùng Linh Công, lập đền phụng thờ để bày tỏ lòng thành kính nhớ ơn.

Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh Công từ trần, Đức vua cảm kích trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người đối với dân, với nước nên đã cho dân làng thời hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.

Đây vốn là một công trình kiến trúc cổ với bình đồ kiến trúc kiểu nội công (工) ngoại quốc (囯)khá hoành tráng gồm cổng, tòa phương đền chồng diêm 2 tầng 8 mái 12 đao cong vút ngạo nghễ, đi qua hai dãy hành lang là đến tòa Tiền tế 5 gian, tại đây đặt đôi voi đá, ngựa đá và nhiều đồ thờ khác, đồng thời cũng là nơi hành lễ. Tiếp đến tòa Trung đường 5 gian đặt đồ tế khí nối thông với Hậu cung 3 gian bởi một dải ống muống 2 gian. Đây là nơi ngự tọa của Đức Y Sơn với long ngai, bài vị, tượng thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Voi đá tại đền Y sơn

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử dân tộc, di tích đền Y Sơn hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật thần khí, tế khí quý hiếm được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau: Đá, đồng, gỗ, vải, giấy… vô cùng quý giá và tinh xảo như: Quạt lớn bằng ngà voi, voi đá, ngựa đá, lư hương đồng đúc vào thời "Đại Minh Tuyên Đức" thế kỷ thứ XV, đai vàng nạm ngọc khảm đồi mồi, hoành phi, câu đối cổ cùng 21 đạo sắc phong của các triều đại từ triều Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn.Trên đỉnh núi Ia - nơi Hùng Linh Công hóa thánh, dân làng xây dựng đền Thượng để phụng thờ tưởng nhớ. Trước cửa đền Thượng có giếng Tiên. Tương truyền những đêm sáng trăng đẹp trời, các nàng tiên thường xuống đây múa hát, đánh cờ, chải tóc, soi gương bên giếng nước.

Để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Hùng Linh Công và song thân của Người, hàng năm vào rằm tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội, gọi là Tích hội thánh mẫu phu nhân, còn cứ ba năm một lần, hội lại được tổ chức với quy mô lớn, diễn ra từ ngày 15-17 tháng Giêng (âm lịch).

Trải qua sự thăng trầm của thời gian, đền Y Sơn đã được tu sửa nhiều lần tạo cho công trình ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng vẫn mang đậm nét tôn nghiêm, xưa cũ. Đến thăm di tích lịch sử - văn hóa đền Y Sơn, chúng ta được thấy lại quá khứ, tưởng niệm và bày tỏ lòng biết ơn Người anh hùng dân tộc có công với dân với nước. Được chiêm ngưỡng những hiện vật, đồ thờ quý hiếm, thưởng thức phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, tận hưởng hương đồng gió nội, leo núi, đi dưới tán những cánh rừng thông bạt ngàn, xanh rờn, mát rượi, để chúng ta càng thêm yêu hơn quê hương, đất nước, và con người nơi đây.

Ngựa đá tại đền Y sơn

Chùa Y Sơn xưa thuộc vùng đất Thù Sơn, Thù Cốc của tổng Quế Trạo, nay thuộc thôn An Khánh, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ngôi chùa cổ này gắn liền với thời kỳ du nhập đạo Phật vào vùng đất Bắc Giang nên mang huyền thoại hấp dẫn, trong đó truyền tích về đức Thánh Hùng Linh Công và Thánh Phụ, Thánh Mẫu vừa mang sắc thái tín ngưỡng dân gian vừa nhuốm màu Phật pháp Đại Việt.

Theo các nguồn tư liệu còn lưu lại ở chùa cho biết: chùa Y Sơn được khởi dựng vào thời Lê Trung hưng với hạng mục ban đầu chỉ có tòa Tam bảo, tọa lạc bên sườn đông núi Y Sơn. Đến thời Nguyễn niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917), nhân dân địa phương di chuyển ngôi chùa sang sườn Tây núi Y Sơn để hợp với cảnh quan và địa thế nên chùa còn có tên chữ là Y Sơn Tây tự. Núi Y Sơn dân gian còn gọi núi IA hay núi Cả, đột khởi giữa vùng đồi gò và ruộng vườn rộng phẳng, với độ cao 103 m so mặt nước biển. Lúc đó nhân dân trong làng xây dựng thêm 5 gian Tiền đường tạo cho ngôi chùa có bố cục hình chữ Đinh (J), ngoảnh nhìn về hướng Tây Bắc. Năm 1954, dân làng lại cùng nhau góp công, góp của xây dựng thêm tòa Hậu điện gồm 3 gian 2 dĩ làm nơi thờ Thánh Phụ, Thánh Mẫu đã sinh ra Đức Thánh Hùng Linh Công.

Như vậy, ngoài là nơi thờ Phật, chùa Y Sơn còn là nơi tôn thờ, tưởng nhớ công ơn cha mẹ của Đức Thánh Hùng Linh Công-là người có công lao to lớn với dân, với nước trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

Sách Đại Nam nhất thống chí và Bắc Ninh tỉnh chí thời Nguyễn có ghi về núi Y Sơn như sau: “lên đỉnh núi Ia có thể nhìn xa xung quanh, đời Lê từng dựng hành cung ở đây, trên núi có Miếu Sơn thần. Cảnh sắc nơi đây nhuốm màu huyền thoại, có núi cao, sông dài (sông Cầu) nên hội tụ đủ linh khí, thế núi voi phục, hổ chầu tạo nên quần thể di tích danh thắng nổi tiếng xứ Kinh Bắc". Sự tích về Đức Thánh Hùng Linh Công được hoài thai từ ngôi chùa cổ trên núi Y Sơn lại mang màu sắc huyền diệu Phật Pháp càng tăng sự hấp dẫn cho khu di tích danh thắng này.

Ngày nay, chùa Y Sơn tọa lạc trên một khu đất rộng đẹp ở ngay dưới chân núi Y Sơn-vốn đã nổi tiếng từ xa xưa là nơi "Danh lam-thắng địa". Xung quanh chùa có nhiều cây cổ thụ và một rừng thông xanh ngát quanh năm tỏa bóng mát tạo cho cảnh chùa thêm phần u tịch, thâm nghiêm.

Chùa Y Sơn hiện nay có tổng diện tích: 15.457,5m2bao gồm các hạng mục công trình: Tam quan, nhà Phật đình hương hội, toà Tam bảo và Hậu điện. Tam quan chùa mới được dựng năm 2016 theo kiến trúc cổ truyền tam quan gác chuông với hai tầng, ba vòm cửa cuốn vòm.

Nhà Phật đình hương hội được tu sửa lại năm 2006 ở vị trí cũ phía trước toà Tam bảo. Kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất gồm ba gian, 2 chái với 4 mái đao cong, để thông thoáng, không xây tường bao và lắp cửa. Kết cấu khung liên kết vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột được gắn kết bởi hệ thống hoành xà tạo vì mái. Phần liên kết các vì mái theo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc đơn giản.

Tòa Phật đình hương hội chùa Y Sơn 

Tam quan chùa Y Sơn mới được tôn tạo lại, kiến trúc kiểu gác chuông hai tầng mái. Nhà Phật đình hương hội phía trước toà Tam bảo đã bị hư hỏng trong những năm kháng chiến chống Pháp nay được phục dựng lại theo lối kiến trúc xưa gồm ba gian, hai chái, 4 mái đao cong. Kết cấu khung liên kết vì mái kiểu chồng rường giá chiêng, chạm khắc đơn giản. 

Toà tam bảo còn bảo lưu nhiều nét kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm toà Tiền đường 5 gian nối toà Thượng điện 3 gian. Toà Tiền đường xây bít đốc theo kiểu tam sơn nối cột đồng trụ,có mái lợp ngói mũi, chính giữa bờ nóc đắp biển đề chữ Hán: “Y Sơn Tây tự” có nghĩa là chùa Y Sơn- ngôi chùa ở phía Tây núi Y Sơn. Cửa gỗ bức bàn chạy suốt ba gian. Phần khung liên kết vì mái gồm 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột được gắn kết với nhau bởi hệ thống hoành, xà tạo vì mái. Liên kết ở hệ thống các vì nóc giống nhau kiểu kẻ truyền, chồng rường giá chiêng. Hệ thống vì nách liên kết theo kiểu cốn mê và kẻ ngồi, không chạm khắc hoa văn cầu kỳ. Riêng hệ thống các đầu kẻ mái hiên có chạm khắc nổi hoa văn hình hoa lá, đao mác, vân mây mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Toà Thượng điện có 3 gian xây bít đốc. Liên kết khung vì mái gồm hai hàng chân cột gỗ, mỗi hàng 4 cột được gắn kết bởi hệ thống hoành xà, tạo vì mái. Liên kết ở các vì nóc khác nhau, vì đầu và vì gian giữa liên kết kiểu chồng rường giá chiêng, vì thứ 3 liên kết kiểu cốn mê và vì cuối liên kết kiểu chồng rường, kẻ chuyền. Chạm khắc nổi hình hoa lá trên các cốn mê. Hệ thống vì nách được gắn kết theo kiểu con chồng, hai vì nách gian đầu liên kết theo kiểu cốn mê có chạm khắc hình rồng và hoa văn kỷ hà có giá trị nghệ thuật cao. Thượng lương toà Thượng điện còn dòng chữ Hán ghi vào niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) tu sửa tôn tạo. Thượng điện bài trí đủ hệ thống tượng Phật uy nghi.

Toà Hậu điện (đền Thánh Mẫu) cũng đã được tu sửa lại ở phía sau toà Tam bảo có 3 gian xây bình đầu bít đốc, lợp ngói, bổ hai cột đồng trụ phía trước, ba gian lắp cửa gỗ kiểu bức bàn. Phần liên kết khung vì mái đơn giản kiểu vì giá chiêng ở hai vì gian giữa và liên kết kiểu vì kèo trốn trụ ở hai gian bên. Các cấu kiện không chạm khắc hoa văn. Trong Hậu điện gian giữa bài trí tượng Thánh Phụ, gian bên đặt tượng Sư Tổ và tượng Thánh Mẫu.

Hiện nay, trong chùa còn bảo lưu được khá nhiều hiện vật, tài liệu như: Hệ thống tượng Phật tạo tác bằng chất liệu gỗ có niên đại từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII),bốn bài vị đá thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII) ghi tên những người đã về Tây phương công đức lớn cho việc xây dựng tu sửa chùa Y Sơn, một bia đá “Hậu Phật bi ký” dựng năm 1864, đôi nghê gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX)..., hệ thống hoành phi và đôi câu đối cổ của cụ Nghè Sổ Đình Nguyên Nguyễn Đình Tuân-ông là vị tiến sĩ cuối cùng của khoa thi thời phong kiến của nước ta…

Phiến Thạch linh tại đền Y Sơn

Ngôi chùa còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, là một trong những điểm di tích thuộc hệ thống An toàn khu II ở Hiệp Hòa:

Ngày 16 tháng 2 năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản ở Hoàng Vân được thành lập do đồng chí Lê Hoàng-Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ làm Bí thư. Chi bộ Hoàng Vân có trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn huyện Hiệp Hoà, phía Nam huyện Phú Bình và huyện Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện này là một mốc son trên chặng đường đi lên của phong trào cách mạng ở huyện Hiệp Hoà. Vừa mới ra đời, chi bộ Đảng Hoàng Vân đã có những hoạt động gây tiếng vang và niềm tin trong nhân dân. Điển hình là cuộc diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng tại chùa Y Sơn (thuộc xã Thù Sơn, tổng Quế Trạo, nay thuộc xã Hoà Sơn huyện Hiệp Hoà) vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), ngày hội lệ thường niên ở chùa.

Đồng chí Lê Hoàng đã phân tích tình hình thế giới, trong nước, chỉ rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng thời kỳ này là đấu tranh giành độc lập cho đất nước, chỉ rõ những yếu tố tạo thời cơ cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi.

Đồng chí đã kêu gọi toàn thể nhân dân đi theo Đảng, tham gia các tổ chức phản đế, đoàn kết chuẩn bị lực lượng để tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Sự kiện lịch sử này được nhà văn Dương Quang Luân dẫn trong tập truyện tư liệu “Làng đỏ”, NXB Hội Nhà văn trang 41 như sau: “Sáng hôm ấy chọn thời điểm thuận lợi nhất, khách thập phương về trẩy hội đông nhất, sau khi bố trí lực lượng bảo vệ, đồng chí Lê Hoàng đứng trên bậc tam cấp nói chuyện với đồng bào, phân tích tình hình trong nước và thế giới đương có lợi cho cách mạng Việt Nam và nêu lên những nhiệm vụ của nhân dân ta phải chuẩn bị để tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến.

Đồng chí Lê Hoàng kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế: Đoàn thanh niên phản đế, Hội phụ nữ phản đế, Hội nông dân phản đế... Tiếp đến đồng chí Nguyễn Văn Cường giao lá cờ đỏ búa liềm. Đồng chí Ngô Văn Thạnh, Ngô Văn Triệu nhanh tay đi rải truyền đơn...”.

Cũng tại chùa Y Sơn, ngày 5 tháng 3 năm 1940 diễn ra cuộc diễn thuyết do bà Hà Thị Quế lãnh đạo. Sách ”Những sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Bắc”, tập I- xuất bản năm1981, ghi về sự kiện lịch sử này như sau: “Nhằm tuyên truyền tinh thần Nghị quyết Hội nghị tháng 11 năm 1939 của Trung ương Đảng tại chùa IA (chùa Y Sơn) huyện Hiệp Hòa ngày 5 tháng 3 năm 1940, ta đã tổ chức diễn thuyết trước hàng nghìn người dự hội.

Đứng trên bậc thềm tam cấp của ngôi chùa cổ, đồng chí phụ trách tỉnh phân tích tình hình thế giới, trong nước, vạch rõ chiến tranh đế quốc sẽ tạo ra thời cơ cho cuộc cách mạng ở Đông Dương bùng nổ và nhiệm vụ của nhân dân ta là phải chuẩn bị tiến lên giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng chí kêu gọi mọi người gia nhập các tổ chức phản đế, tích cực đấu tranh chống bọn thống trị Pháp và bè lũ tay sai của chúng. Cuộc diễn thuyết đã thành công tốt đẹp. Những người dự hội chùa hôm đó bàn tán nhiều về việc đánh Pháp, giành độc lập, tự do cho đất nước”.

Như vậy, chùa Y Sơn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những cuộc mít tinh, diễn thuyết năm 1940 diễn ra tại chùa Y Sơn góp phần thúc đẩy phong trào chống Pháp mạnh mẽ trong quần chúng nhân để tiến tới giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Năm 1966, dân quân xã Hòa Sơn trực chiến trên đỉnh núi Ia, dùng súng bộ binh bắn rơi 01 máy bay phản lực Mỹ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba.

Hiện tại, quần thể cụm di tích đền-chùa Y Sơn núi IA đã và đang được các cấp, các ngành cùng Đảng, chính quyền và các thế hệ nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, tu bổ và nhân dân xã Hòa Sơn luôn có tinh thần bảo vệ, trông coi nhằm gìn giữ dài lâu một khu di tích và danh lam thắng tích cổ, một trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng giáp ranh 3 tỉnh này. Có thể thấy, quần thể di tích đền-chùa Y Sơn đang được khai thác, phát huy khá hiệu quả trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Hòa Sơn nói riêng, nhân dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nói chung.

Với những giá trị to lớn về kiến trúc, lịch sử, văn hóa truyền thống, đền Y Sơn được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật (Quyết định số 372/QĐ-BT ngày 10-3-1994); Đến ngày 20-6-2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2327 cấp Bằng công nhận xếp hạng cấp Quốc gia cho di tích chùa Y Sơn là Di tích Lịch sử-Văn hóa.

Âu Văn Tuấn (TH)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.