Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Truyền thông và câu chuyện bình dị của Tổng thống Mỹ

17:04 31/10/2016 - Văn hóa xã hội
Đúng 5 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam, câu chuyện thú vị về người đứng đầu nước Mỹ tới thưởng thức món bún chả tại một quán ăn bình dân ở Hà Nội được tiết lộ trong chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown trên kênh truyền hình CNN.

Tổng thống Mỹ B. Obama dùng món bún chả cùng với đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain_Ảnh: TL

Chương trình còn cho thấy tình yêu của chuyên gia ẩm thực Mỹ dành cho Việt Nam, cũng như tính chuyên nghiệp, hiệu quả của ê - kíp sản xuất show truyền hình thực tế ăn khách đã bước sang mùa thứ 8.

Lựa chọn tự nhiên

Theo Anthony Bourdain, vị đầu bếp và người dẫn chương trình nổi tiếng về ẩm thực và du lịch, ý tưởng của CNN sản xuất một chương trình về Tổng thống Mỹ đã được bàn thảo từ một năm trước khi ông Obama tới Hà Nội. Khi đó, các nhân viên Nhà Trắng gợi ý, Bourdain có thể cùng Tổng thống thưởng thức một bữa ăn bình dị.

Tuy nhiên, nội dung các cuộc bàn thảo được giữ bí mật tới tận phút chót. Các nhà sản xuất, thậm chí cả người quay phim, cũng chỉ được biết thông tin Bourdain và Tổng thống sẽ cùng xuất hiện trong một chương trình, trước khi ghi hình một ngày. Không chỉ dẫn, hay yêu cầu đặc biệt nào liên quan nội dung cuộc trò chuyện giữa đầu bếp trứ danh với nhà ngoại giao xuất chúng được đưa ra, kể cả từ phía Nhà Trắng. Nghĩa là, Bourdain được “quyền tự quyết”.

Bourdain cũng muốn nhắc Tổng thống về ký ức ẩm thực đường phố khi còn niên thiếu.

Nhiều tên quốc gia xuất hiện trong đầu Bourdain, nhưng khi Việt Nam được nhắc tới, Bourdain lập tức biết rõ mình muốn đến nơi nào. Bourdain nói: “Tôi yêu Việt Nam. Tôi có kinh nghiệm làm việc ở đó, có bạn bè, có các mối quan hệ, có món ăn yêu thích, nhà hàng ưa thích. Đó là một quốc gia tuyệt vời”. Và Bourdain biết mình có thể làm tốt nhất công việc được giao ở Việt Nam.

Bourdain nghĩ, Tổng thống Obama dành nhiều thời gian trong các phòng dạ tiệc lớn ở những khách sạn sang trọng, dự nhiều quốc yến kéo dài với thực đơn gồm các món ăn “quốc hồn quốc túy”. Thật vô vị nếu tới tận nơi tuyệt vời như Hà Nội, mà Tổng thống lại phải dành thời gian trong nhà hàng mát lạnh, kiểu phương Tây và thưởng thức các món ăn dành cho thượng khách nước ngoài.

Là một chuyên gia ẩm thực, từng thăm thú nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn địa phương độc đáo, Bourdain biết rõ, bún chả không thường được lựa chọn trong các “menu quốc tiệc”, nhưng là món ăn đặc sản của Hà Nội. Sẽ càng thú vị nếu thưởng thức nó trong một không gian nhỏ hẹp của một quán ăn bình dị ở phố cổ Hà Nội, không phải nơi Tổng thống thường được dẫn tới. Quán bún chả Hương Liên trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội, đã được lựa chọn như thế.

Theo Bourdain, ban đầu các nhân viên mật vụ Mỹ không hài lòng với lựa chọn của ông, bởi các điều kiện không đáp ứng yêu cầu tối ưu của họ. Họ đưa lý do quán ăn nhỏ hẹp, tọa lạc trên khu phố chật chội, điều kiện vệ sinh không tốt lắm..., nhưng cuối cùng họ cũng phải chấp thuận. Bourdain nói: Dù sao, tôi cũng muốn cám ơn các nhân viên mật vụ, họ đã dành thời gian kiên nhẫn đứng dưới mưa chờ đợi”.

Khi đã yêu, sẽ yêu mãi mãi

Tới nửa sau của chương trình, Tổng thống Obama mới xuất hiện. Đó là một ngày mưa ở Hà Nội. Bourdain gọi đó là “ngày bình thường ở thiên đường”. Quán ăn nằm trong một khu vực bình dị, gần trung tâm thành phố. Mật vụ Mỹ kiểm tra kỹ lưỡng, kể cả Bourdain, trước khi đoàn xe chở Tổng thống tới. Bước ra từ chiếc xe The Beast, Tổng thống Obama vẫy tay chào đám đông, rồi bước vào quán.

Đúng dự định, Bourdain không phỏng vấn Tổng thống dù rất ngưỡng mộ, đặc biệt là không bàn luận về một chương trình nghị sự, hay quan điểm đối ngoại nào. Bourdain cho biết, ông không biết diễn tả thế nào về chuyện ngồi đối diện Tổng thống và cùng uống chung một chai bia với nhà lãnh đạo.

Chỉ biết là Tổng thống Obama đã tỏ ra rất thoải mái, dù chỉ vài ngày trước đó ông vừa nghe tường trình về chuyện thủ lĩnh cấp cao Taliban bị tiêu diệt ở Pakistan. Vị Tổng thống Mỹ còn tỏ vẻ thích thú khi ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp bằng nhựa, loay hoay dùng đũa gắp những sợi bún trắng muốt thả vào bát bún chả nâu vàng ngâm trong nước mắm chua ngọt thơm phức...

Bourdain kể, ông nói chuyện với Tổng thống không phải như một chuyên gia ẩm thực, mà là một người yêu xứ sở này; Tổng thống Obama vui vẻ đáp lại bằng những hồi ức về các món ăn của Hawaii và Indonesia trên hè phố ở Hawaii và Indonesia.

Bourdain còn nói rằng, ông rất hợp với Ted Nugent, người từng nhiều lần chỉ trích và thù ghét Tổng thống. Ông Obama đáp lại rằng, đó là những người chúng ta nên quan tâm, những người không đồng ý kiến với chúng ta. Tổng thống có thể bỏ qua cho kẻ thù một cách đáng ngạc nhiên - Bourdain nhận xét.

Theo Bourdain, Tổng thống Obama nói chuyện không chút tính toán, dè dặt, khác hẳn phong cách của một nguyên thủ quốc gia, thậm chí còn hài hước, luôn tươi cười. Trả lời câu hỏi của Bourdain rằng có nuối tiếc quãng thời gian có thể đến bar, một mình uống bia lạnh và nghe nhạc hay không, nhà lãnh đạo nước Mỹ cười và đáp “Chỉ hơn sáu tháng nữa thôi”.

Họ cũng chia sẻ nhiều về các món ăn ở Đông Nam Á, về cách thức ăn uống, về cả Donald Trump (tất nhiên là không nhắc đích danh) khi nói về viễn cảnh nước Mỹ xây tường cao ngăn cách với Mexico, về cả ý tưởng Mỹ sẵn sàng “làm hòa” với những nước như Cuba hay Iran...

Tổng thống Obama còn chia sẻ, khi thấy những người như Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry hay Thượng nghị sĩ John McCain trở lại Việt Nam để gác lại quá khứ, ông càng thêm hy vọng về tương lai hòa bình của thế giới.

Bourdain đáp: Đó là món ăn của họ. Món đặc sản địa phương khiến họ tự hào. Trên chiếc ghế nhựa. Ở nơi họ vẫn thường ăn. Bourdain mượn lời nhà văn Graham Greene, tác giả cuốn “The Quiet American” (Người Mỹ trầm lặng) để nói về tình cảm với Việt Nam: “Người ta nói rằng dù bạn đang tìm kiếm thứ gì, bạn sẽ tìm thấy ở đây: Mùi hương, đó là thứ đầu tiên chạm vào bạn, hứa hẹn mọi thứ để đổi lấy linh hồn bạn”. Mùi hương đó là sự kết hợp của khói thoát ra từ ống xả xe máy và thịt nước. Một khi đã yêu, bạn sẽ yêu mãi mãi - Anthony Bourdain nói như vậy về Việt Nam.

Chu Hồng Thắng

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top