Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Truyền thông là “chìa khóa” để phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN

Đây là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh tại Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 ngày 19/4.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trung ương.

Tham dự Hội nghị, về phía cơ quan BHXH có: đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân, BHXH các tỉnh, thành phố và các huyện cùng đội ngũ công chức, viên chức (CCVC) và người lao động (NLĐ) thực hiện công tác thông tin, truyền thông trong toàn Ngành.

Về phía báo cáo viên, Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, lĩnh vực xây dựng, thiết kế chính sách BHXH, BHYT, như: PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; Giảng viên Vũ Hoài Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các báo cáo viên là lãnh đạo một số ban nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện, thực hiện linh hoạt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh truyền thông BHXH, BHYT trong cả nước.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Song với tinh thần chủ động, nỗ lực, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao). BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân với tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng Ngành đã hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao). Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia: BHXH là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có: trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,28 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt tăng 1,78% và 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); BHTN trên 13,4 triệu người, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ 2021.

“Để đạt được kết quả trên, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực của công tác truyền thông vào kết quả hoạt động của Ngành, nhất là trong bối cảnh dịch Coivid-19. Thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ngành; cùng sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo của BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc cũng như vai trò tham mưu của Trung tâm Truyền thông, công tác truyền thông của Ngành đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó đã tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong triển khai chính sách BHXH, BHYT ở các cấp, các ngành. Đồng thời, nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao, niềm tin vào chính sách tiếp tục được củng cố.

Kết quả, năm 2021, toàn quốc đã có hơn 31.000 tin, bài, phóng sự,… truyền thông về chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng (trung bình mỗi ngày có khoảng 86 tin, bài, phóng sự,...được đăng tải/phát sóng). Tổ chức trên 72.000 hội nghị truyền thông, khách hàng, tư vấn, đối thoại, truyền thông nhóm nhỏ...với khoảng 1.281.900 lượt người tham gia; trên 730.000 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; khoảng 429.000 sản phẩm truyền thông được truyền thông trên mạng xã hội…

PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi – TBT Tạp chí Người làm báo truyền đạt chuyên đề tại Hội nghị. Trân trọng

Năm 2022, công tác truyền thông tiếp tục được toàn Ngành triển khai một cách chủ động, tích cực, mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm, trên nguyên tắc truyền thông phải đảm bảo đúng và trúng nhóm người tiềm năng. Theo đó, tính đến hết quý I/2022, đã có khoảng 14.870 hội nghị truyền thông (trực tiếp, trực tuyến), truyền thông nhóm nhỏ (gấp 3,7 lần so với quý I//2021), với trên 188.400 lượt người được truyền thông; trên 6.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục,..được đăng tải, phát sóng trên các các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; gần 900 tin, bài, văn bản được đăng tải trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam; trên 206.600 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; trên 100 cuộc ra quân truyền thông, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình quy mô cấp tỉnh, cấp huyện; trên 160.100 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự,...) được đăng tải, chia sẻ trên trang fanpage, zalo, youtube của BHXH các tỉnh và CCVC, NLĐ.

Nhằm trang bị, củng cố kiến thức để xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách BHXH, BHYT chuyên nghiệp, thạo việc, tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được các chuyên gia cung cấp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các chuyên đề về các nội dung: Kỹ năng tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; Kỹ năng truyền thông trên môi trường internet, mạng xã hội; Một số nội dung trọng tâm trong truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình năm 2022… Đây là những chuyên đề có nội dung rất thiết thực, giúp cán bộ làm công tác truyền thông có thêm thông tin chính thống, cụ thể từ đó tổ chức, thực hiện công tác truyền thông ngày càng tốt hơn.

Hội nghị tại điểm cầu các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, NLĐ, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông ngày càng tốt hơn để tiếp tục đưa chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.

Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, sau Hội nghị, đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được phổ biến, tập huấn vào việc triển khai các hoạt động truyền thông tại đơn vị, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần cùng toàn Ngành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 và các năm tiếp theo./.

Nam Nguyễn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top