Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện tại Báo Quân đội nhân dân

Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đang xây dựng, phát triển theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện (TTĐPT). Tiến trình xây dựng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có việc tổ chức sản xuất sản phẩm Báo QĐND cho phù hợp với yêu cầu mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng Ban Biên tập Báo QĐND. Ảnh: TL

Những bước đi ban đầu

Ngày 19/10/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đến thăm và chúc mừng Báo QĐND nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Báo ra số đầu tiên. Tổng Bí thư đề nghị phải sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng xây dựng Báo QĐND trở thành cơ quan TTĐPT.

Căn cứ vào chỉ đạo mang tính định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ủy Báo QĐND trong nhiều cuộc họp đã tổ chức quán triệt, tạo nhận thức chung trong toàn tòa soạn. Trên cơ sở đó trao đổi, thảo luận, từng bước thống nhất phương cách triển khai việc nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển Báo QĐND theo mô hình cơ quan TTĐPT.

Vào thời điểm đó, các cơ quan báo chí lớn đều có xu hướng tích hợp nhiều loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử), trở thành các cơ quan TTĐPT với mô hình tòa soạn hội tụ. Tuy nhiên, về mô hình tổ chức cũng như cách vận hành của Báo QĐND vẫn còn ảnh hưởng nhiều từ cách làm báo in truyền thống. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và cơ sở vật chất, kỹ thuật còn chưa tương xứng với yêu cầu của cơ quan TTĐPT. Do đó, việc chủ động, sáng tạo, từ lãnh đạo đến nhân viên tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, từng bước triển khai thử nghiệm trên thực tế phương thức tổ chức cũng như phương cách làm báo đa phương tiện tạo bước đột phá để Báo QĐND phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.

Trang đa phương tiện của Báo QĐND điện tử. Ảnh: TL

Chuyển đổi theo quy luật

Ngày 19/5/2019, tại Hà Nội, Báo QĐND tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về triển khai Đề án Phát triển Báo QĐND theo mô hình cơ quan TTĐPT. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới có tính toàn diện của Báo QĐND, mở ra cơ hội lớn cho những người làm báo quân đội. Năm 2020, Báo QĐND đã tăng tốc hiện đại hóa, đổi mới phương thức làm báo, bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực.

Bên cạnh thương hiệu tờ báo in hằng ngày, Báo QĐND Cuối tuần lại đậm chất văn hóa, văn nghệ và thông tin hấp dẫn, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng chuyên sâu về lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống; Báo QĐND Điện tử với những thông tin nóng, hình ảnh, âm thanh sống động bởi các tác phẩm đa phương tiện, được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Trung, Lào và tiếng Khmer. Tòa soạn điện tử được tích hợp, bổ sung nhiều tiện ích mới tiến dần đến tòa soạn đa phương tiện.

Sự kiện tuyên truyền về Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 là hoạt động do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga sáng lập và tổ chức thường niên, năm nay với sự tham gia của hơn 40 quốc gia trên thế giới. Báo cử 10 phóng viên tác nghiệp tại Nga, Trung Quốc trong điều kiện dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, Báo đã có hơn 500 tin, bài về Army Games; tổ chức truyền hình trực tuyến trên giao diện báo điện tử và Facebook, YouTube thu hút lượng độc giả quan tâm, theo dõi cao kỷ lục; Fanpage có hơn 5 triệu lượt người tiếp cận; hàng vạn bình luận, chia sẻ; hàng trăm báo điện tử trong nước trích nguồn, đăng tải các nội dung thi đấu… Qua đó, hình ảnh QĐND Việt Nam cũng như tinh thần Việt Nam tại Army Games được quảng bá rộng khắp. Cuối tháng 8/2021, Báo QĐND Điện tử chính thức ra mắt nền tảng tác phẩm báo chí Podcast, hình thức “nghe báo” này đang là xu hướng phát triển ở các báo điện tử.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thăm Báo QĐND. Ảnh: TL

Những khó khăn đặt ra

Khảo sát tại Báo QĐND cho thấy, vấn đề chuyển đổi từ tổ chức sản xuất sản phẩm báo in truyền thống sang tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình, đa phương tiện dù đã đạt được những kết quả ban đầu, tuy nhiên thực tế vẫn còn những khó khăn cần phải khắc phục, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về mô hình tổ chức sản xuất. Với đặc thù vừa là một đơn vị quân đội, vừa là một cơ quan báo chí, hiện vẫn giữ nguyên mô hình làm báo in truyền thống, gồm: Bộ phận lãnh đạo quản lý; bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ; bộ phận hỗ trợ, phục vụ. Mô hình này trước đây tuy có nhiều lợi thế, nhưng ở thời điểm này ít còn phù hợp, bộ máy nhân sự cồng kềnh, hiệu quả lao động không cao. Trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, cần có sự thay thế bằng mô hình mới, hiện đại hơn.

Báo tuy đã được quy hoạch, kiện toàn bộ máy quản lý từ khâu thực hiện nội dung đến xuất bản sản phẩm, nhưng lại chưa chú trọng đến công tác quản lý, giám sát trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh các nguồn lực, tiết kiệm chi phí, hướng đến mục tiêu gia tăng nguồn thu, phát triển kinh tế cho báo.

Những phiên bản báo in của Báo QĐND. Ảnh: TL

Thứ hai, về quy trình tổ chức sản xuất. Bộ máy quản lý chủ yếu phục vụ công tác làm nội dung. Hiện nay, tòa soạn tổ chức sản xuất theo mô hình “tòa soạn mẹ-tòa soạn con”, có bao nhiêu sản phẩm thì có bấy nhiêu tòa soạn thu nhỏ, phóng viên hoạt động tương đối độc lập.

Về báo in, Báo QĐND hằng ngày có các phòng sản xuất nội dung về chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh, kinh tế-đời sống, văn hóa-giáo dục-thể thao, quốc tế; Báo QĐND cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng tổ chức sản xuất nội dung theo kế hoạch. Các tác phẩm báo chí của 3 ấn phẩm sẽ chuyển đến Thư ký tòa soạn, Thủ trưởng trực xuất bản, Tổng Biên tập để duyệt, biên tập, thiết kế trình bày, đưa đi in.

Báo QĐND điện tử đang thực hiện nhiệm vụ vừa là một tờ báo độc lập, đa phương tiện, vừa trở thành phương tiện phổ biến các ấn phẩm in (đọc báo in trên báo điện tử dạng PDF), tuy nhiên phóng viên của báo điện tử chỉ chú tâm viết cho báo điện tử, rất hiếm khi thấy có bài đăng trên báo in.

Các phóng viên của phòng chuyên môn báo in chú tâm hơn viết cho báo in, hiện chưa thực hiện được vai trò phóng viên 3:1 khi nhận nhiệm vụ tác nghiệp hằng ngày. Trong một sự kiện chồng chéo phóng viên của các phòng báo in và phòng báo điện tử cùng tham gia, vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh của tòa soạn. Ban Video-Audio bị quá tải vì phải sản xuất nội dung video cho cả các sự kiện tuyên truyền mà đúng ra các phòng chuyên môn báo in phải thực hiện…

Phóng viên Báo QĐND tác nghiệp trong đại dịch Covid-19. Ảnh: TL

Thứ ba, về nguồn lực tổ chức sản xuất. Hiện Báo QĐND có hơn 200 người, bao gồm cả lao động biên chế và lao động hợp đồng, làm việc tại trụ sở của báo và các văn phòng thường trú. Đa số lao động làm việc tại Báo QĐND đều là sĩ quan, được đào tạo trong các nhà trường, học viện của quân đội, các trường đào tạo về báo chí, kinh tế…; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nên nhận thức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tương đối toàn diện.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình, trong điều kiện chuyển đổi từ mô hình cơ quan báo chí truyền thống sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, không cho phép phình to tổ chức bộ máy cũng như nhân lực lao động báo chí, Báo QĐND đang thiếu những phóng viên có trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng tổng hợp, xử lý thông tin theo kịp trình độ làm báo hiện đại. Chưa có nhiều “nhà báo đa năng” sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện. Trong khi báo điện tử ngày càng chiếm ưu thế, lực lượng tinh nhuệ lại tập trung ở các phòng làm báo in.

Phòng Biên tập Báo điện tử vừa thực hiện chức năng thư ký tòa soạn, vừa tổ chức một phần tin, bài nhưng còn thiếu lực lượng có khả năng chuyên sâu, trình độ chuyên môn tốt. Sự phối hợp giữa các phòng, ban, cơ quan đại diện với Phòng Biên tập Báo điện tử trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu, chưa tạo ra cơ chế phối hợp hiệu quả và thiết chế bắt buộc để cả tòa soạn tham gia làm báo điện tử.

Mô hình hóa tổ chức tòa soạn đa phương tiện Báo QĐND

Trước đây, vốn gốc của tòa soạn là tổ chức theo mô hình cơ quan báo chí truyền thống sản xuất một loại hình, sản phẩm báo chí. Việc sáng tạo tác phẩm và tổ chức sản xuất chủ yếu mang tính thủ công, trên nền tảng kỹ thuật đơn giản nên công sở cũng chia thành những phòng riêng biệt. Hiện nay, trước nhiệm vụ mới hạ tầng đã không còn đáp ứng được yêu cầu.

Chất lượng giao diện, phần mềm còn hạn chế. Trường quay, phòng thu đã sang giai đoạn khấu hao, cần đầu tư mới. Còn thiếu nhiều thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm báo chí đa phương tiện như: Hệ thống lưu trữ, bảo mật, hệ thống tương tác trực tuyến với bạn đọc, kho dữ liệu… Kết cấu tổ chức trường quay, hiện trường chưa đáp ứng được với các cuộc giao lưu trực tuyến, tường thuật trực tiếp có nhiều khách mời tham gia. Tổ chức lực lượng, kỹ thuật để vận hành xử lý các sự cố còn bất cập. Tốc độ trường quay còn chậm, gây khó khăn cho bạn đọc tiếp cận tin, bài và phóng viên thực hiện nhiệm vụ…

Báo QĐND ở các quân khu. Ảnh: TL

Một số khuyến nghị, giải pháp

Một là, về cơ cấu tổ chức. Để có cơ sở thực tiễn trong đổi mới về tổ chức sản xuất sản phẩm Báo QĐND theo mô hình cơ quan TTĐPT chủ lực, hiện đại, Đảng ủy Báo QĐND cần sớm xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, cần thành lập bộ phận chuyên sâu đảm nhiệm công việc đổi mới mô hình tổ chức tòa soạn. Bộ phận này do Ban biên tập mà trực tiếp là Tổng Biên tập phụ trách, thành viên là các cán bộ chủ chốt các phòng, ban, thường trực là Văn phòng Báo QĐND.

Khẩn trương hoàn thiện mô hình tòa soạn đa phương tiện, tiến tới thành lập Trung tâm tổ chức sản xuất sản phẩm Báo QĐND trên cơ sở hợp nhất Phòng TKTS và Ban Tiếng Việt của Phòng Biên tập báo Điện tử QĐND. Tách Ban Video-Audio của Phòng Biên tập Báo điện tử QĐND nâng cấp thành một phòng độc lập, với tên gọi Phòng Phát thanh-Truyền hình. Sáp nhập các ban tiếng nước ngoài vào Phòng Biên tập Thời sự quốc tế với nhiệm vụ tuyên truyền thông tin đối ngoại, cập nhật tình hình thời sự quốc tế. Khẩn trương xây dựng đề án thành lập Ban Tiếng Nga và Ban Tiếng Pháp…

Báo QĐND có sự thay đổi, sắp xếp và tối ưu hóa các khâu và quy trình làm báo để có thể huy động tất cả phòng, ban chuyên môn tham gia thực hiện các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Tiếp tục đổi mới quy trình tổ chức sản xuất báo in và báo điện tử, tiến tới tích hợp hai quy trình này. Chú ý đến sự liên kết giữa hai loại hình báo chí (quảng bá cho nhau) và tạo điều kiện thuận lợi để công chúng dễ dàng tiếp nhận thông tin.

Thường xuyên tiếp cận các xu hướng, hình thức làm báo hiện đại; phát huy thế mạnh của khoa học công nghệ trong làm báo gắn với phát huy nhân tố con người. Rà soát, đánh giá để đổi mới giao diện trên Báo QĐND điện tử theo hướng bỏ những chuyên trang, chuyên mục không phù hợp, sắp xếp mở các mục mới trên các trang điện tử tiếng Việt, video-audio và tiếng nước ngoài sát yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền.

Chương trình thiện nguyện của Báo QĐND. Ảnh: TL

Hai là, xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu đội ngũ người làm báo của Báo QĐND với phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; đào tạo các cây bút, xây dựng các chuyên mục có sự ảnh hưởng ngày càng cao với xã hội. Từng bước sắp xếp lại cán bộ, phóng viên, biên tập viên theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, làm báo đa phương tiện. Kiên quyết điều chuyển, thay thế, chấm dứt hợp đồng với phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Trước mắt có giải pháp điều động đủ các vị trí quay phim, kỹ thuật, đồ họa, họa sĩ cho Phòng Biên tập báo điện tử. Tích cực phát hiện và đề nghị điều động, bổ nhiệm cho Báo QĐND những cán bộ, phóng viên, biên tập viên có năng lực chuyên môn giỏi, có khả năng tác nghiệp với nhiều loại hình báo chí. Đồng thời, kết hợp tốt giữa đào tạo tại chỗ và gửi đi đào tạo về làm báo đa phương tiện.

Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Báo QĐND. Ảnh: TL

Ba là, tiếp tục hiện đại hóa mọi mặt. Đảng ủy, Ban Biên tập báo cần có kế hoạch thực hiện hiệu quả lộ trình hiện đại hóa cả về trang bị, phương tiện và tổ chức, con người. Trong quá trình thực hiện, Báo QĐND luôn giữ vững định hướng chính trị, coi chính trị là sinh mệnh, linh hồn của tờ báo. Tính chính trị phải được thể hiện ở bản lĩnh, trí tuệ, trình độ nghiệp vụ của người làm báo, luôn giữ vững lập trường, quan điểm vững vàng, kiến thức sâu rộng, có khả năng phân tích, định hướng tư tưởng cho toàn xã hội trước những bước ngoặt, sự kiện lớn trong nước và quốc tế theo quan điểm, đường lối của Đảng.

Khi xây dựng tờ báo hiện đại không chỉ là chuyện đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ khoa học, công nghệ cho đội ngũ nhà báo mà quan trọng hơn là đào tạo, bồi dưỡng những nhà báo luôn có nhận thức đúng đắn về tình hình, yên tâm, tin tưởng vào Đảng, vào mục tiêu tốt đẹp, từ đó xác định rõ động cơ tác nghiệp, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền dù ở trong bất kỳ yêu cầu, hoàn cảnh, thử thách, khó khăn nào. Tăng cường quan hệ, hợp tác truyền thông, thu hút nguồn lực xã hội của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để đầu tư hiện đại hóa Báo QĐND./.

TRẦN THỊ NGUYỆT MINH

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Báo Quân đội nhân dân (1950-2020)

2. Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2016 của Đảng ủy Báo QĐND

3. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Báo QĐND nhiệm kỳ 2020-2025

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top