Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Tiếng quê hương với người xa xứ trên sóng VOV

Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã ở vào tuổi 35.

Ảnh minh họa

Song hành với chương trình, chuyên mục “Tiếng quê hương với người xa xứ” được thính giả yêu quý bởi những câu tục ngữ, ca dao, dân ca nói lên sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ trong rừng ngôn ngữ nhân loại đã truyền dạy ngôn ngữ cho thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba, thứ tư xa Tổ quốc.

Cái hay, nét đẹp của tiếng Việt đến với kiều bào

Việt kiều thuộc nhiều thành phần xã hội, nhưng đều là trụ cột gia đình, trụ cột trong cả việc giữ gìn bản sắc Việt cho con cháu, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Với “nhánh thính giả” này, tiếng Việt cụ thể là truyện Kiều, thơ tiền chiến, ca dao dân ca, tục ngữ, ngạn ngữ... gần gũi với họ như “cơm ăn nước uống”, như một mảnh tình quê, như “mảnh hồn làng”.

Trong suốt mấy thập niên, Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc dần dần hình thành những chuyên mục phù hợp với yêu cầu của người nghe. Không biết bao nhiêu câu Kiều, bao nhiêu câu thơ dân gian, bao nhiêu câu tục ngữ đã được giới thiệu trong chuyên mục “Tiếng quê hương với người xa xứ” trên sóng phát thanh.

Biên tập viên đặc biệt lưu tâm đến những biến thái phong phú của tiếng Việt và không ngần ngại đưa ra những giả thuyết về nét đặc sắc của phương ngôn, của cách nói ở nhiều vùng miền. Vừa là kiến thức, vừa là tình dân tộc trong từng con chữ, câu chữ.

Với thế hệ sinh sau đẻ muộn ở xứ người, biên tập viên ý thức cần giới thiệu những phát triển của ngôn ngữ trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa hai chiều của tiếng Việt. Hàng loạt những từ mới trên cơ sở tiếp thu và sử dụng linh hoạt từ Hán Việt, Pháp ngữ, Anh ngữ... để tiếng Việt có đầy đủ khả năng biểu đạt và hội nhập với đà phát triển của khoa học xã hội, của công nghệ thời hiện đại.

Tiếng Việt phong phú, đa dạng không chỉ nhờ vốn từ cổ tinh tế, giàu tính tượng hình, tượng thanh đặc trưng lối tư duy biểu cảm của dân tộc, mà còn được bồi đắp trong quá trình giao lưu văn hóa với các nước, đặc biệt với những ngôn ngữ do quan hệ lịch sử riêng có mối tương giao lâu đời như chữ Hán, chữ Pháp. Việc diễn giải ngôn ngữ thơ của những tác giả tiêu biểu như Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lê Đạt, Trần Dần... trong các chuyên mục bình thơ hay tiếng quê hương là theo chiều hướng đó.

Giữ tiếng nói và chữ viết quê hương

Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà sư phạm, các bậc phụ huynh thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra ở nước ngoài là giữ gìn bản sắc Việt cho con cháu ngay trong đời sống gia đình, đời sống xã hội, đời sống học đường trong vòng vây áp lực của ngôn ngữ nước sở tại.

Không ít gia đình đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt, ví như ngoài xã hội nói tiếng nước sở tại nhưng trong gia đình bắt buộc phải nói tiếng mẹ đẻ. Nhu cầu học tiếng Việt như một sinh ngữ là nhu cầu tự thân, bức thiết của cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên thế giới.

Về phương diện học tiếng Việt, trẻ em gốc Việt tại hải ngoại khi sinh ra, phần lớn các em được bố mẹ, ông bà dạy tiếng Việt. Tuy nhiên, các em cũng được tiếp nhận ngôn ngữ bản địa qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc ở nhà trường. Như vậy, với các em, tiếng Việt không còn là ngôn ngữ thứ nhất, duy nhất như trẻ em ở Việt Nam, cũng không phải là... ngoại ngữ như người Anh, người Pháp học tiếng Việt, người Việt trong nước học tiếng Nga, tiếng Anh...

Đặc điểm đó quy định việc truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ người Việt hậu sinh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng đòi hỏi các bậc phụ huynh các nhà giáo dục đi theo một lộ trình truyền giảng có phần khác biệt.

Hiện nay, ở nhiều nước có đông người Việt như Mỹ, Australia, tiếng Việt được chính thức công nhận là một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh như mọi ngôn ngữ khác trong hệ thống giáo dục các cấp. Từ tiểu học và trung học đến đại học, học sinh và sinh viên đều có thể học tiếng Việt và giá trị của môn tiếng Việt được xem tương đương với mọi ngôn ngữ hay một môn học khác.

Đương nhiên chưa phải ở quốc gia nào, tiếng Việt cũng được trọng thị như ở Australia, song người ta có quyền hy vọng với vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, với tài năng học vấn của thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt, văn hóa Việt Nam trong đó có ngôn ngữ Việt cũng sẽ dần dần được trọng thị tương xứng với người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Kỳ vọng đó cũng khích lệ rất nhiều cho những người giới thiệu “tiếng quê hương” cho đồng bào mình “theo cánh sóng phát thanh” ra bốn bể năm châu.

Gắn bó với “Tiếng quê hương” trên sóng phát thanh trong nhiều năm, biên tập viên quan niệm muốn hiểu được tiếng Việt, tiến tới truyền đạt vẻ trong sáng của tiếng Việt, thì trước hết phải có kiến thức phong phú về ngôn ngữ mẹ đẻ đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ văn chương đúc kết từ góc nhìn riêng, kiến giải riêng của họ. Và trên hết là tình yêu với tiếng quê hương như trong lời thơ của Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt ngàn đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn”.

Xuân Tân, Lan Phương

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.