Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam

Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là sản phẩm giúp người nông dân chủ động ứng phó với những rủi ro rất dễ xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã và đang gặp nhiều khó khăn, trong đó việc người nông dân chưa có nhận thức đúng, đủ về bảo hiểm là một trong những nguyên nhân lớn.

Nông dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của BHNN

Nhận thức của nông dân về Bảo hiểm nông nghiệp

Nông nghiệp mặc dù là ngành có GDP không cao trong tổng GDP Việt Nam (chỉ 14% tổng GDP năm 2021) nhưng lại là ngành sản xuất quan trọng ở Việt Nam. Tỉ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm hơn 30% lực lượng lao động theo thống kê năm 2021.

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta lại thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Bình quân mỗi năm ở nước ta, thiên tai cướp đi mạng sống của gần 500 người, thiệt hại trên 1,5 tỷ USD. Báo cáo nhanh ngày 25/7/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Tuyên Quang, mưa lũ từ ngày 22 - 24/7 gây thiệt hại 12,56 ha lúa bị vùi lấp, 185 con gia cầm bị cuốn trôi; tại An Giang, ngày 23/7, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 1.190 ha lúa màu và một số cây ăn quả bị đổ ngã.

Dịch tả lợn Châu Phi trong 8 tháng đầu năm 2019 diễn ra ở 62 tỉnh, thành phố làm chết hơn 3,5 triệu con lợn (bằng 13% tổng đàn lợn cả nước), thiệt hại ước tính trên 6.000 tỷ đồng; dịch lở mồm long móng đầu năm 2019 tại 19 tỉnh, thành phố làm chết hàng chục nghìn con trâu, bò, lợn.

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua chưa đạt kết quả như mong muốn, nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sức cạnh tranh yếu, sản xuất không gắn với thị trường, sản xuất không theo yêu cầu của thị trường, sản xuất không theo đúng quy hoạch ngành hàng, sản phẩm... dẫn đến hiện tượng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.

Tham gia BHNN là giải pháp chủ động ứng phó, đối mặt với những thiệt hại do rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua việc triển khai BHNN cho nông dân là việc làm cần thiết, cấp bách.

Thực tế triển khai BHNN ở nước ta, được Công ty Bảo Việt bắt đầu triển khai từ năm 1982 tại hai huyện Nam Ninh và Vụ Bản (Nam Định). Đến năm 1998, đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000 ha lúa. Đến năm 1999, Bảo Việt phải bỏ cuộc (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14,4 tỷ đồng).

Nhận thấy tầm quan trọng của BHNN đối với ngành sản xuất nông nghiệp nói riêng, đối với nền kinh tế nói chung, tháng 03/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sau khi triển khai Quyết định 315/QĐ-TTg, BHNN đã được tiến hành thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố với 135.916 hộ dân đã tham gia ký kết hợp đồng, trong đó 85% là số hộ nghèo; tổng giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản là trên 2005 tỷ đồng; phí bảo hiểm gần 127 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường trên 35 tỷ đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm BHNN là Bảo Việt và Bảo Minh.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2014 đến 2018, việc triển khai BHNN đã không có kết quả gì khả quan.

Trước thực trạng trên, xác định được vai trò quan trọng của BHNN, Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp. Ngày 28/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 22 -QĐ/TTg về triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh tế. 

Kết quả có 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm trên đã thực hiện cấp đơn bảo hiểm tại Nghệ An, Thái Bình (đối với cây lúa); Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi), nhưng với số lượng rất hạn chế.

Diễn đàn Bảo hiểm nông nghiệp do VCCI tổ chức năm 2017

Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP chưa nhiều; chính sách hỗ trợ BHNN diễn ra trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát; các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người nông dân do phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

BHNN là nghiệp vụ phức tạp, rủi ro cao, xuất phát từ thực tế biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh; việc triển khai đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải có năng lực tài chính lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và mạng lưới phân phối sản phẩm đủ rộng đảm bảo khả năng tiếp cận đến cơ sở (cấp thôn, xóm, hợp tác xã), có sự tham gia bảo vệ của nhà tái bảo hiểm quốc tế và với sự hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền tại cơ sở. Do đó, trên thực tế hiện nay, không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

BHNN về cơ bản vẫn là sản phẩm mới, phức tạp không chỉ đối với bản thân người nông dân mà còn đối với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở; việc tổ chức thực hiện tại một số địa phương, cơ sở vẫn còn lúng túng. Việc triển khai BHNN khó khăn do các nguyên nhân về chính sách, sản phẩm và đặc biệt là nhận thức của người nông dân về BHNN còn yếu kém.

Nâng cao nhận thức của nông dân về BHNN

Một số giải pháp truyền thông

Trong khảo sát do tác giả thực hiện năm 2022 cho 735 nông dân thuộc 4 tỉnh triển khai tốt nhất BHNN hiện nay: Hà Bội, Thái Bình, Nghệ An, Hà Giang, có 69,9% nông dân chưa từng nghe đến BHNN 20,6% đã nghe nhưng chưa tham gia, chỉ có 9,5% đang tham gia BHNN. Trong nhóm 514 người chưa từng biết đến BHNN có 90% đều thấy nghi ngờ về độ tin cậy của bảo hiểm.

Nội dung khảo sát về các kênh tiếp cận thông tin trong nhóm 221 người gồm những người đang sử dụng BHNN và đã biết đến BHNN, trong đó 9,9% số người tiếp cận thông qua báo, đài (báo chí chính thống), 1,8% thông qua mạng xã hội, 12,6% truyền tai nhau và 75,5% thông qua các cuộc hội thảo, trao đổi về BHNN được tổ chức bởi các công ty bảo hiểm, hội Nông dân Việt Nam, các cuộc họp ở địa phương. Như vậy, có thể thấy nhận thức của người nông dân về BHNN còn nhiều yếu kém. Hình thức tiếp cận chủ yếu thông qua kênh offline trực tiếp.

Do đó, trong thời gian tới để nâng cao nhận thức của người nông dân về BHNN dẫn đến tham gia BHNN cần phải tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động:

Một là, xác định đối tượng tuyên truyền là hội viên hội nông dân. Trước mắt cần tập trung cho cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp vụ và cán bộ tham mưu chuyên môn, nghiệp vụ; cán bộ Hội Nông dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở; hội viên nông dân, đặc biệt là những hội viên nông dân đang sản xuất tập trung, có quy mô, sản lượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản ở quy mô vừa và lớn.

Hai là, xác định đúng nội dung tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền trước hết là tính ưu việ, đặc điểm của bảo hiểm nói chung và BHNN nói riêng. Sau đó, tuyên truyền về chủ trương và chính sách của nhà nước về BHNN cho nông dân; kinh nghiệm về sự thành công của nông dân ở các nước phát triển khi được BHNN hỗ trợ khi phải đối mặt với rủi ro trong sản xuất; giới thiệu các nghiệp vụ, sản phẩm BHNN cụ thể phù hợp với nông dân. Và cuối cùng, vận động nông dân tham gia BHNN theo hướng dẫn của cán bộ Hội, của ngành nông nghiệp và cán bộ các doanh nghiệp bảo hiểm được nhà nước cấp phép.

Ba là, xác định hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua hội thảo. Các hội nghị tập huấn, từ tập huấn giảng viên nguồn (TOT) đến giảng viên cơ sở; các hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn; các hội thi, hội diễn, sân khấu hóa được lồng ghép giới thiệu nội dung về BHNN; tuyên truyền thông qua các tài liệu, bản tin, chuyên đề của các cấp Hội, báo chí của Trung ương Hội và các chương trình tuyên truyền của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trên báo, đài địa phương.

Bốn là, tăng cường nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền thông qua nhiều nguồn; kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho triển khai công tác Hội và phong trào nông dân (xác định BHNN là một nhiệm vụ của các cấp Hội); kinh phí từ các chương trình, dự án chuyên đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn (trong đó đề cập tới BHNN cho nông dân); từ Hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm khi triển khai các chương trình phối hợp; nguồn lực từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho lĩnh vực BHNN hoặc các lĩnh vực khác có liên quan đến BHNN.

Ths. Phan Thị Thanh Huệ

Giảng viên trường Đại học Đại Nam

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top