Những đồng 10 USD làm nên sức mạnh tranh cử Donald Trump

Bị các nhà tài trợ lớn xa lánh nhưng ứng viên Tổng thống Donald Trump vẫn có nguồn tài chính dồi dào để duy trì chiến dịch tranh cử nhờ các khoản đóng góp nhỏ tăng mạnh.

Những người ủng hộ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử của ông ở Ashburn, bang Virginia, ngày 2/8. Ảnh: New York Times

Chỉ trong khoảng hai tháng, ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã gần như xóa bỏ bất lợi về khoảng cách gây quỹ tranh cử so với đối thủ, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, theo số liệu do ban vận động tranh cử của nhà tài phiệt New York công bố hôm 3/8.

Theo New York Times, ông Trump đã thành công trong việc chuyển hóa tình cảm cuồng nhiệt của những người ủng hộ thành một làn sóng đóng góp nhỏ với quy mô hiếm thấy trong nền chính trị Mỹ.

Đến tháng 7/2016, Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) đã huy động được 64 triệu USD thông qua nỗ lực kêu gọi đóng góp bằng thư từ trực tiếp hoặc qua mạng. Phần lớn số tiền này đều đến từ những khoản đóng góp nhỏ. Tính tổng cộng các kênh, Trump và đảng Cộng hòa thu về 82 triệu USD cho quỹ vận động tranh cử vào tháng trước, chỉ thấp hơn một chút so với con số 90 triệu USD trong quỹ tranh cử của bà Clinton. Sau khi trừ các chi phí, ông vẫn còn 74 triệu USD tiền mặt để vận động tranh cử cho giai đoạn nước rút sắp tới.

"Bà Clinton đã làm việc này suốt 20 năm còn chúng tôi chỉ mới vận động quyên góp trong hai tháng", Steven Mnuchin, giám đốc phụ trách tài chính của Trump, bình luận. Ông Mnuchin tiết lộ 2/3 trong 64 triệu USD kể trên được huy động thông qua mạng Internet.

Những khoản đóng góp 10 USD

Các con số mới về vận động tài chính cho thấy bước chuyển biến lớn trong cuộc vận động tranh cử của Trump mà mãi cho đến những tháng gần đây vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh thu bán mũ và áo thun cũng như tiền túi của ông.

Trump có khả năng sẽ trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đầu tiên thu về tiền ủng hộ chủ yếu từ những cử tri bình dân. Mỗi khoản đóng góp dao động từ 10 - 25 USD/người.

Số liệu mà ban vận động tranh cử của ông Trump công bố ngày 3/8 chỉ mới dựa trên tính toán sơ bộ. Con số chính thức sẽ được hé lộ khi ông Trump và bà Clinton nộp báo cáo cho Ủy ban Bầu cử Liên bang trong tháng này.

Theo giới chuyên gia, việc số tiền vận động của Trump tăng vọt vào giai đoạn cuối của cuộc chạy đua có ý nghĩa lớn khi mà chi phí quảng bá tranh cử không ngừng tăng cao.

Chiến dịch quyên góp của bà Clinton cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Người phát ngôn cho cựu ngoại trưởng Mỹ hôm 3/8 thông báo trên Twitter rằng ban vận động tranh cử và chiến dịch quyên góp tiền chung với Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đang nắm trong tay 102 triệu USD, chưa kể tiền mặt mà đảng Dân chủ hiện trực tiếp nắm giữ.

Song, thông tin mà ban vận động tranh cử của Trump truyền đi lại mang một ý nghĩa khác. Nó thể hiện rằng sau nhiều tháng khởi động ì ạch, ông đã bắt đầu nắm lấy cơ hội, tận dụng được tình cảm mà các cử tri bình dân dành cho mình để làm đầy thêm quỹ tranh cử nhờ những khoản đóng góp nhỏ có chọn lọc, đặc biệt là thông qua mạng Internet.

Trang web vận động của ông Trump hiện có các nút mời gọi đóng góp ở mức 50 USD, 25 USD, thậm chí 10 USD.

Mời gọi qua email

Giới quan sát nhận định Donald Trump có thể đẩy nhanh tốc độ thu hút tiền quyên góp một phần còn nhờ vào hệ thống mời đóng góp kỹ thuật số mà RNC thiết lập ngay từ lúc cuộc vận động tranh cử bắt đầu. Thậm chí trước khi ông Trump trở thành ứng viên đại diện đảng Cộng hòa, đảng này đã chuẩn bị xong danh sách thư điện tử để mời gọi ủng hộ cũng như thử nghiệm các phương thức quyên góp khác nhau nhắm đến những nhà tài trợ nhỏ.

Với một hệ thống như vậy, các quan chức đảng Cộng hòa đã khai thác được mong muốn đóng góp dồn nén lâu ngày của những cử tri bình dân dành cho một ứng viên bị các nhà vận động hành lang cũng như nhà tài trợ lớn công kích không thương tiếc.

Ban vận động tranh cử cho tỷ phú Trump cũng gây quỹ bằng cách cam kết góp tiền túi của ông cho quỹ tranh cử, tương ứng với số tiền huy động từ các khoản đóng góp nhỏ. Đây là một chiến thuật chỉ thích hợp với những ứng viên giàu có.

"Tôi chưa thấy ứng viên tổng thống nào gây quỹ theo kiểu độc nhất vô nhị như Trump", Patrick Ruffini, chiến lược gia đảng Cộng hòa từng điều hành gây quỹ bằng công cụ kỹ thuật số dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trump cũng làm lộ rõ tâm lý hoang mang trong nội bộ phe Cộng hòa khi đề cử ông vào vị trí ứng viên tổng thống. Trump phụ thuộc quá nhiều vào những nhà tài trợ nhỏ một phần vì ông đang đối mặt với sự phản đối từ các nhà bảo trợ lớn của đảng. Ví dụ Meg Whitman, giám đốc điều hành tập đoàn Hewlett Packard ở California, hôm 1/8 tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho Clinton vì bà quá ghê sợ Trump.

Để củng cố tài chính cho chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump và ban vận động cũng đang nghiên cứu tìm cách thu hút thêm các nhà tài trợ giàu có. Những tuần gần đây, Trump đã thôi chỉ trích những nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và dự định tổ chức một loạt sự kiện gây quỹ chính thức ở những trung tâm tài chính như Florida hay New York./.

Nguồn: VNE

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top