Người lính phía sau máy quay

20:58 23/06/2016 - Văn hóa xã hội
Những phóng viên chiến trường thường được coi là những người lính phía sau máy quay, khi họ bất chấp hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của chiến trường để lưu lại những hình ảnh quý giá, góp phần đẩy lùi và chấm dứt những cuộc chiến. Nhà quay phim tài liệu kỳ cựu Ma Cường (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) là một trong những người lính như thế.

Nhà quay phim Ma Cường và cố đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh ở chiến trường Vĩnh Linh.

Nhà quay phim, đạo diễn phim tài liệu Ma Cường là một trong những người mà Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Phạm Thị Tuyết nói là “mở đường cho các thế hệ sau ở hãng phim”. Ông từng có mặt tại nhiều chiến trường bỏng lửa, như Vĩnh Linh (Quảng Trị), Khâm Thiên, Đông Anh (Hà Nội), Đồng Lộc (Hà Tĩnh)… Những thước phim được quay bằng mồ hôi, nước mắt và máu của ông và các đồng nghiệp đã trở thành những di sản quý báu không gì thay thế được trong nền điện ảnh tài liệu nước nhà.

Nhà quay phim, đạo diễn Ma Cường tuy chia tay với nghề đã lâu, nhưng khi có điều kiện ngồi trò chuyện về những ngày vác máy quay giữa bom rơi đạn nổ, ngọn lửa say nghề trong ông như bùng cháy một lần nữa, và những câu chuyện cứ thế tuôn ra không dứt.

Nhà quay phim lão thành kể lại, năm 1968, ông cùng đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh và đoàn làm phim đi vào Vĩnh Linh để quay bộ phim “Lũy thép Vĩnh Linh”. Ông kể lại: “Chúng tôi mang máy quay vào vùng chiến trường, cũng giống như phóng viên. Hồi đó sống trong dân, dựa vào dân nên biết được nhiều kinh nghiệm lắm, chẳng hạn như nghe tiếng là đoán được loại máy bay nào đang đến, đi cả tốp đông hay bay một mình thăm dò cho máy bay tốp sau ném bom”.

Ông cho biết, hồi đó trong điều kiện cả nước đang chiến tranh, cơ quan còn thiếu thốn trăm bề, nên trang bị của những người làm phim ở chiến trường gần như không có gì cả, chỉ một cái xe đạp, một cái đài bán dẫn Orionton của Tiệp cũ, một máy quay phim Convat của Liên Xô cũ. Hằng ngày mỗi người đi thường trú thường có một mình, kèm theo những đồ vật như vậy, cùng với phụ tùng máy quay gồm có phim nhựa, ắc quy, quần áo, đi khắp nơi cũng với ngần ấy thứ. Mang xách lúc nào trên vai cũng phải 20kg, máy quay 7kg, ắc quy 7kg, ngoài ra là phim, quần áo, cứ thế mà đi.

Nhà quay phim kể lại: “Thời gian đó, chúng tôi làm phim thời sự nhiều, 44 cuốn phim thời sự, mỗi tháng phải đóng góp vài đề tài về nhà. Mỗi tháng địa bàn Vĩnh Linh, Quảng Trị cung cấp về nhà khoảng 3-4 đề tài (tin) để đưa ngay hoặc xây dựng thành phim chuyên đề”.

Ông Ma Cường cùng Tổng giám đốc Hãng phim TLKHTW Phạm Thị Tuyết trong một buổi chiếu của

LH phim tài liệu quốc tế.

Mỗi một vùng chiến sự lại thấm đẫm những kỷ niệm khác nhau của đời người lính “phía sau máy quay”. Nhà quay phim lão thành từng có mặt ở Hà Nội năm 1972, vào thời điểm Hà Nội bị máy bay mang bom B52 bắn phá ác liệt nhất. Những địa danh như Đông Anh, Khâm Thiên, Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà đều in dấu chân ông. Những hình ảnh thời đạn lửa vẫn chưa hề nhạt nhòa trong trí nhớ của nhà quay phim đã ngoài 80 tuổi này: “Sau này khi ra ngoài bắc, tôi lại được giao cho bộ phim “Đế quốc Mỹ càng leo thang càng bị đòn đau”, được cử thường trực quay cảnh Mỹ ném bom ở miền bắc. Lúc bấy giờ tôi là tổ trưởng phụ trách chín đội quay thường trực khi máy bay vào HN là tung quân đi các nơi ghi hình Năm 1972, chúng tôi đã ghi lại được những thước phim quý giá và sống động tại Khâm Thiên, Đông Anh…, những nơi bị phá hủy nặng nề nhất. Chúng tôi cũng ghi được những hình ảnh máy bay bị quân và dân ta bắn cháy, trong đó có cả máy bay B52 và máy bay F111 bị bắn và rơi ở hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà), thậm chí cả cảnh máy bay cháy đùng đùng ngay trên đường Hoàng Hoa Thám…”

Đồng Lộc cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm với nhà quay phim Ma Cường. Ông kể: “Tôi từng hút chết ở Đồng Lộc. Chúng tôi được giao nhiệm vụ ghi lại cảnh máy bay bắn phá ở Đồng Lộc. Đó là một quãng đường rất dài, lại là đường độc đạo, một bên là đồi cao, một bên là ruộng, lại bị thả bom suốt. Đủ các loại máy bay, đủ các loại pháo, bắn trên, dưới đủ hết.Khi đó chúng tôi trực ở trên cầu để ghi hình thì bất ngờ bị bắn phá”.

Nhiều đồng đội của ông đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ông đã nhắc đến những đồng nghiệp như Đinh Văn Nhạ, Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi… Có người hỏi Ma Cường rằng, khi dấn thân vào những vùng bom đan, ghi lại những hình ảnh đồng đội hy sinh như vậy, ông có sợ không. Câu trả lời của ông là: “Với tôi, những hình ảnh đó giúp cho thế hệ tương lai nhìn lại được và hiểu sự khủng khiếp của chiến tranh”. Tinh thần của một người lính đã giúp ông không chỉ hoàn thành nhiệm vụ phía sau máy quay, mà còn để lại nhiều tác phẩm lưu danh hậu thế, như “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Tội ác tột cùng, trừng phạt đích đáng”…

                                                                                                                  Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top