Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Netflix - “Đế chế” mới trong làng giải trí truyền hình

Netflix là dịch vụ xem phim online phổ biến và nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Từ năm 2015, Netflix đã chính thức đặt chân vào Việt Nam. Chỉ cần bỏ ra 180 ngàn đến 260 ngàn đồng mỗi tháng, khách hàng trong nước hiện nay có thể xem phim với độ phân giải cao trên nhiều thiết bị có kết nối Internet.

"Đế chế”  mới trong làng giải trí truyền hình? Ảnh: Internet

Đối thủ đáng gờm

Ra đời vào năm 2007 và sau một thời gian chỉ hoạt động ở những thị trường lớn, hiện nay, Netflix đã có mặt ở 130 quốc gia. Doanh thu của Netflix hằng năm liên tục tăng, có năm tăng gấp 6 lần (từ 1,2 tỷ USD tăng lên 6,8 tỷ USD). Hiện nhà cung cấp dịch vụ này đã có trên 81 triệu thuê bao trả tiền, bình quân mỗi thuê bao từ 8 đến 12 USD/tháng. Trong vòng 5 năm qua, truyền hình cáp trên thế giới đã mất 6,7 triệu thuê bao vì “ông trùm” Netflix.

Năm ngoái, giá cổ phiếu của Netflix đã tăng 134%. Năm nay, Netflix chi 5 tỷ USD, gấp gần 3 lần số tiền kênh truyền hình HBO chi ra, cho sản xuất và mua bản quyền nội dung phim truyện và các chương trình giải trí.

Giờ đây, nhiều đài truyền hình lớn trên thế giới xem Netflix là một “đế chế” mới, đáng sợ. Netflix phát hành phim online do chính họ tự sản xuất hoặc phân phối, theo cách chẳng giống ai, đó là thay vì phát tuần tự từng tập, hãng đóng gói và tung toàn bộ series (có phim đến cả trăm tập) và cho khán giả tự lựa chọn tập bất kỳ để xem, mà toàn những phim mới, hay, thậm chí chưa từng phát sóng. Hãng cũng đi đầu cung cấp các chương trình truyền hình giải trí tương tác với rất nhiều hình thức mới mẻ.

Trên Netflix, có phim lẻ, phim bộ, show truyền hình, phim tài liệu, phim khoa học... Đa phần là phim sản xuất từ Mỹ. Hiện chưa thấy Netflix phát hành các phim khu vực châu Á như phim Hồng Kông, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan...

Chỉ cần có thẻ tín dụng hoặc thẻ visa debit, người Việt Nam có thể đăng ký thuê bao Netflix với 3 gói cước. Mỗi thuê bao có thể sử dụng tài khoản trên nhiều thiết bị khác nhau (laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV, Android TV Box, console...) với chất lượng HD.

Có Netflix - Việc xem phim trở nên tiện ích hơn rất nhiều. Ảnh: Internet

Nước đến chân...

Không có phụ đề tiếng Việt nên thị trường này mới thu hút một lượng thuê bao trẻ năng động biết tiếng Anh ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự lớn mạnh khá nhanh của “gã khổng lồ” này, hạn chế ấy chắc không bao lâu nữa sẽ được khắc phục.

Một vấn đề khác, do “đặc thù” Việt Nam hiện vẫn tồn tại khá nhiều trang web xem phim online hoặc tải phim trái phép. Nhiều bộ phim mới ra đời trên thế giới vẫn được “phát hành” lậu trên các website tiếng Việt với giá cực thấp. Và những trang web xem phim lậu này lại có số lượng phim khá nhiều. Đây cũng là yếu tố làm cho dịch vụ Netflix chưa đủ mạnh ở thị trường Việt. Nhưng cũng theo một vài dự báo, tình trạng vi phạm bản quyền như thế sẽ bị xử lý trong thời gian tới khi chúng ta hội nhập sâu với thế giới.

Mặt khác, chất lượng hạ tầng viễn thông Việt Nam hiện chưa cải thiện. Băng thông 3G hay wifi chưa đủ dung lượng phù hợp, tốc độ chậm nên việc tải và xem các phim có định dạng full HD hoặc định dạng 4K của Netflix còn khó khăn. Bên cạnh đó, chuyện phát hành phim online trong nước cũng phải tuân thủ một số quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông. Câu chuyện kiểm duyệt nội dung phim phát hành cũng còn là bài toán khó cho Netfilx trong thời gian tới.

Và đây có vẻ như là lý do làm cho các nhà kinh doanh dịch vụ online, các đài truyền hình trong nước còn chưa thấy lo trước gã khổng lồ này.

Những người có trách nhiệm với đời sống truyền hình trong nước đang thực sự lo lắng. Thói quen xem truyền hình đã thay đổi trong vài năm trở lại đây, những khán giả trung thành của truyền hình một thời hiện cũng đang thay đổi thói quen hưởng thụ các chương trình giải trí. Doanh thu quảng cáo của chương trình phim truyện trên truyền hình cũng ngày càng giảm. Thời “hoàng kim” của truyền hình truyền thống sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa? Đó là câu hỏi đặt ra quá trễ vào thời điểm này.

Việc một doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung giải trí qua các bộ phim, chương trình truyền hình qua Internet và có thu phí ở Việt Nam phải tuân thủ nhiều quy định của Bộ Thông tin & Truyền thông như đăng ký hoạt động, hoặc liên doanh, liên kết với các đơn vị trong nước. Bộ Thông tin & Truyền thông cũng có những quy định liên quan đến việc biên tập, biên dịch cũng như kiểm duyệt nội dung các chương trình truyền hình, kiểm duyệt nội dung các bộ phim nước ngoài được phát sóng, trình chiếu tại thị trường Việt Nam.

Các hoạt động của Netflix trong đời sống truyền thông trực tuyến ở Việt Nam thời gian qua nếu chưa được cấp phép của Bộ Thông tin & Truyền thông là vi phạm pháp luật Việt Nam và đang tác động bất lợi cho thị trường truyền hình truyền thống cũng như thị trường điện ảnh.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các nhà sản xuất nội dung trong nước, các đài truyền hình có thể ngồi yên. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ giải trí trong nước nên cùng ngồi lại để nghĩ ra phương án “sống chung với Net” trong cuộc chơi truyền thông hôm nay. Câu chuyện Netflix sắp tới rồi cũng sẽ giống như câu chuyện của Uber với taxi truyền thống ở Việt Nam thời gian qua!

“Đế chế” Netflix với năng lực tài chính và bản quyền chắc chắn sẽ khiến thị trường phim online trong nước cũng như các chương trình giải trí trên đài truyền hình bị tác động mạnh trong thời gian tới.

Phan Văn Tú

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top