Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Năng lực truyền thông của giới trẻ Việt Nam trong dịch Covid-19

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng năng lực truyền thông của giới trẻ Việt Nam, biểu hiện ở việc tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin về dịch Covid-19. Trả lời câu hỏi: Giới trẻ chủ yếu tiếp cận thông tin về dịch Covid-19 từ nguồn nào? Giới trẻ có năng lực ở mức độ nào trong việc tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin về dịch Covid-19? Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về nguồn tin và năng lực truyền thông của giới trẻ ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Giới trẻ Việt Nam

Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Hàng chục quốc gia bị nhấn chìm trong các làn sóng lây nhiễm, gây xáo trộn đời sống của hàng tỷ người. So với thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc năm 2020, hiểu biết khoa học về căn bệnh viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra ngày càng đầy đủ hơn, góp phần định hướng công tác phòng chống dịch và truyền thông về dịch bệnh.

Trong báo cáo Thông tin khoa học trong khủng hoảng - Thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (2018) cho rằng, trong bối cảnh các quốc gia phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng ngày càng phức tạp và chưa từng có tiền lệ do những thay đổi về xã hội và môi trường, cần “sử dụng những minh chứng khoa học để định hướng quá trình quản lý thảm họa”(1) . Càng thiếu những thông tin khoa học chính xác, các quốc gia càng dễ bị tổn thương hơn trước các khủng hoảng, nhất là khủng hoảng y tế.

Tại Việt Nam, chiến lược truyền thông của Chính phủ về dịch Covid-19 góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường sự ủng hộ của người dân với các giải pháp của Chính phủ. Việt Nam chủ trương “công khai, không có gì giấu giếm nhân dân, giấu giếm thế giới” về dịch Covid-19.(2)

Là bộ phận chiếm tỷ lệ lớn trong nền dân số, giới trẻ vừa là đối tượng chịu tác động vừa là lực lượng quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Khả năng tiếp cận, hiểu và đánh giá thông tin về dịch bệnh giúp giới trẻ nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Nghiên cứu năng lực truyền thông của giới trẻ trong dịch Covid-19

Khung lý thuyết của nghiên cứu

Năng lực truyền thông của giới trẻ trong dịch Covid-19 là chủ đề nghiên cứu rất đáng quan tâm. Tại Việt Nam, năng lực truyền thông của công chúng là khái niệm mới mẻ. Trong khi đó, năng lực truyền thông của công chúng đã được nghiên cứu trên thế giới từ lâu với nghiên cứu đầu tiên của giáo sư Dieter Baacke.

Trong cuốn Truyền thông và năng lực, Baacke (1973) cho rằng, năng lực truyền thông là khả năng tương tác của công chúng với truyền thông giống như phản ứng của tế bào phôi với các tác nhân kích thích(3) . Quan niệm của Baacke về năng lực truyền thông không ngừng được hoàn thiện trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Theo UNESCO (2011), năng lực truyền thông bao gồm hiểu biết về vai trò, chức năng của truyền thông trong xã hội, bối cảnh của hoạt động truyền thông; kỹ năng đánh giá, phản biện nội dung truyền thông và kỹ năng sử dụng truyền thông để bày tỏ quan điểm và tham gia xã hội(4) . Kiến thức, hiểu biết về truyền thông đóng vai trò nền tảng để nâng cao các kỹ năng truyền thông của công chúng.

UNESCO nhấn mạnh, công chúng cần sử dụng các phương tiện truyền thông không chỉ để đạt được mục đích của bản thân mà còn không được gây tổn hại đến người khác và cộng đồng. Livingstone (2014) định nghĩa năng lực truyền thông của công chúng là “khả năng tiếp cận, phân tích, đánh giá và sáng tạo nội dung truyền thông”.(5)

Livingstone nhấn mạnh, các thành tố này không tách rời mà có mối liên hệ mật thiết với nhau. Năng lực tiếp cận là nền tảng để thực hiện năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo thông tin trong khi các năng lực ở mức cao hơn giúp cho năng lực tiếp cận trở nên hoàn thiện. Quan niệm của Livingstone về năng lực truyền thông mang tính chất thao tác, rất có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực truyền thông của công chúng.

Phát triển quan điểm của các học giả nước ngoài, Vũ Thanh Vân (2018) cho rằng, năng lực truyền thông của công chúng gồm 4 thành tố trên 3 cấp độ.(6)

Thứ nhất, công chúng biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hợp lý nhằm đạt được mục đích của bản thân. Thứ hai, công chúng sử dụng các phương tiện truyền thông một cách có trách nhiệm với xã hội. Thứ ba, công chúng sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Hình 1. Mô hình lý thuyết về năng lực truyền thông của công chúng

Trong nghiên cứu này, năng lực truyền thông được hiểu là khả năng của giới trẻ trong việc tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin về dịch Covid-19. Việc nghiên cứu năng lực truyền thông của giới trẻ giúp mô tả thực trạng đồng thời gợi mở những suy nghĩ nhằm tăng cường truyền thông về dịch Covid-19. Tiếp cận như vậy, nghiên cứu này hướng tới trả lời câu hỏi: Giới trẻ chủ yếu tiếp cận thông tin về dịch Covid-19 từ nguồn nào? Giới trẻ có năng lực ở mức độ nào trong việc tiếp cận, hiểu và đánh giá thông tin về dịch Covid-19?.

Phương pháp nghiên cứu

Để trả lời các câu hỏi trên, tác giả sử dụng phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi trực tuyến trên nền tảng Survey Monkey nhằm tiếp cận được mẫu nghiên cứu trên phạm vi cả nước. Khảo sát được thực hiện từ 27/3 đến 25/6/2021. Dung lượng mẫu là 1.382, trong đó nam chiếm 26.92% và nữ chiếm 73.08%. Dữ liệu được xử lý và phân tích trên nền tảng Survey Monkey.

Đối tượng tham gia khảo sát là sinh viên và học viên sau đại học của các trường đại học ở miền Bắc (Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội…), miền Trung (Đại học Huế, Đại học Đông Á, Cao đẳng Quảng Ngãi…) và miền Nam (Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh…)

Bảng 1. Số lượng sinh viên tham gia khảo sát theo vùng miền

Kết quả nghiên cứu

Nguồn tin về dịch Covid-19 của giới trẻ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mạng xã hội là nguồn tin hàng đầu của giới trẻ về dịch Covid-19 với 85.17% số người tham gia khảo sát sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin về dịch bệnh. Truyền hình, cổng thông tin của Chính phủ, Bộ Y tế và tin nhắn điện thoại là ba nguồn thông tin chủ yếu tiếp theo. Phát thanh, thông tin truyền miệng và thông tin từ những người có ảnh hưởng trong xã hội ít được sử dụng. Báo in là phương tiện truyền thông ít được sử dụng nhất để tiếp cận thông tin về dịch Covid-19. Ngoài ra, 7 trong số 1.382 người tham gia khảo sát sử dụng ứng dụng Bluezone để cập nhật thông tin về tình hình dịch.

Bảng 2. Các nguồn tin chủ yếu của giới trẻ về dịch Covid-19

Truyền hình, cổng thông tin của Chính phủ và Bộ Y tế là hai nguồn tin chính thống, chuyên cung cấp dữ kiện chính thức về dịch Covid-19. Các nguồn tin này có độ tin cậy cao, cung cấp thông tin chính xác về dịch Covid-19. Trong khi đó, mặc dù không phải là nguồn tin chính thống nhưng mạng xã hội có khả năng lan tỏa thông tin nhanh chóng và có số người sử dụng đông đảo. Tuy nhiên, việc kiểm chứng độ tin cậy của thông tin trên mạng xã hội là rất khó khăn.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nguồn tin chủ yếu của giới trẻ về dịch Covid-19 có sự khác biệt theo vùng miền nhưng không có sự khác biệt theo giới tính. Trong tương quan giữa vùng miền và phương tiện, người tham gia khảo sát ở miền Bắc sử dụng mạng xã hội nhiều nhất; người tham gia khảo sát ở miền Trung sử dụng tin nhắn điện thoại nhiều nhất còn người tham gia khảo sát ở miền Nam sử dụng báo in nhiều nhất so với hai vùng còn lại.

Hình 2. So sánh tỷ lệ nguồn tin chủ yếu của giới trẻ theo vùng miền

Năng lực truyền thông của giới trẻ

Năng lực truyền thông của giới trẻ thể hiện ở bốn cấp độ: tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin về dịch Covid-19. Những người tham gia khảo sát được yêu cầu đánh giá năng lực thực hiện các hoạt động khác nhau theo thang điểm từ 1 đến 5 với 1 là “rất dễ dàng” và 5 là “rất khó khăn”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người tham gia khảo sát có năng lực nhất trong việc “hiểu được các khuyến cáo về phòng chống dịch của Chính phủ” với 39.44% cho là “rất dễ dàng” và 44.72% cho là “dễ dàng”. Trong khi đó, họ cảm thấy khó khăn nhất khi “đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội” với 4.56% cho hoạt động này là “khó khăn” và 0.94% cho là “rất khó khăn”.

Trong mức năng lực thứ nhất, việc tiếp cận thông tin về dịch Covid-19 và các giải pháp ứng phó của Chính phủ được đánh giá là dễ dàng.

Trong mức năng lực thứ hai, việc hiểu các khuyến cáo về phòng chống dịch của Chính phủ được cho là dễ dàng hơn việc hiểu các thông tin khoa học về bản chất của dịch Covid-19.

Trong mức năng lực thứ ba, việc đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông chính thống được cho là dễ dàng hơn hẳn việc đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội.

Trong mức năng lực thứ tư, việc cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền về dịch Covid-19 được đa số người khảo sát cho là dễ dàng.

Giới trẻ Việt Nam ngày nay sử dụng công nghệ rất nhanh

Đại đa số người tham gia khảo sát cho rằng, đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội khó khăn hơn so với việc đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông chính thống. Chỉ có 18.81% và 29.38% số người tham gia khảo sát lần lượt cho rằng, việc đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội là “rất dễ dàng” và “dễ dàng”, đạt tỷ lệ thấp nhất trong 7 hoạt động khác nhau trên cùng thang đo.

Trong khi đó, 40.45% số người tham gia khảo sát cho rằng, đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông chính thống là “rất dễ dàng”, cao gấp 2,2 lần so với đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội.

Tương quan năng lực truyền thông theo vùng miền

Kết quả khảo sát cho thấy, miền Bắc có tỷ lệ người tham gia khảo sát cảm thấy “rất dễ dàng” và “dễ dàng” trong việc tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin cao hơn miền Trung và miền Nam. So với người tham gia khảo sát ở hai miền còn lại, người tham gia khảo sát ở miền Bắc chỉ cảm thấy khó khăn hơn trong việc đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông xã hội.

Điều này cho thấy, đa số người tham gia khảo sát ở miền Bắc có năng lực truyền thông tốt. Mặc dù có những khác biệt về mức độ năng lực truyền thông của những người tham gia khảo sát ở ba miền nhưng những khác biệt này là không đáng kể.

Kết luận

Mạng xã hội, truyền hình và cổng thông tin của Chính phủ và Bộ Y tế là ba nguồn tin chủ yếu của giới trẻ về dịch Covid-19. Mạng xã hội là nguồn tin hàng đầu của giới trẻ về dịch Covid-19 nhưng rất khó kiểm chứng mức độ đáng tin cậy.

Năng lực truyền thông của giới trẻ được thể hiện qua việc tiếp cận, hiểu, đánh giá và cung cấp thông tin về dịch Covid-19. Ba năng lực vượt trội của giới trẻ bao gồm hiểu được các khuyến cáo về phòng chống dịch của Chính phủ; tiếp cận thông tin về tình hình dịch Covid-19 và đánh giá mức độ đáng tin cậy của thông tin từ truyền thông chính thống.

Những kết quả nghiên cứu này đáng được tìm hiểu sâu hơn bằng nghiên cứu định tính./.

TS. Vũ Thanh Vân

--
1. OECD (2018), Thông tin khoa học trong khủng hoảng: Thúc đẩy hợp tác và chia sẻ thông tin quốc tế, Nxb OECD, Paris
2. http://baochinhphu.vn/Chong-dich-nhu-chong-giac/Thu-tuongXu-ly-nghiem-ke-ca-xu-ly-hinh-su-nguoi-phao-tin-don-nham/389922. vgp. Truy cập 26-6-2021
3. Dieter Baacke (1973), Truyền thông và năng lực, Munich
4. Carolyn Wilson et al. (2011) Giáo trình truyền thông và năng lực thông tin cho giáo viên, UNESCO
5. Sonia Livingstone et al. (2014) Định vị năng lực truyền thông trong bối cảnh truyền thông thay đổi
6. Vũ Thanh Vân (2018) Nâng cao năng lực truyền thông của công chúng để tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách, Nxb Chính trị quốc gia .

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.