Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Mục tiêu kép đầy tham vọng

14:53 03/08/2016 - Bình luận
Áp-ga-ni-xtan đã trở thành thành viên đầy đủ thứ 164 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 29/7 vừa qua sau khi hoàn tất các thủ tục đàm phán gia nhập kéo dài gần 12 năm.

Afghanistan chính thức gia nhập WTO sau 12 năm đàm phán. Nguồn: sputniknews

Chính quyền Ca-bun kỳ vọng, sự kiện có ý nghĩa lịch sử này sẽ góp phần ổn định kinh tế và đem lại hòa bình cho đất nước - hai mục tiêu chiến lược Áp-ga-ni-xtan đang cố gắng giành giật nhưng chưa thấy tương lai.

Giới chức Áp-ga-ni-xtan nhận định, sự kiện chính thức trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức thương mại đa phương lớn nhất thế giới giúp Áp-ga-ni-xtan thoát khỏi tình trạng nền kinh tế suy sụp do chiến tranh tàn phá, mở ra triển vọng tươi sáng cho đất nước này. Theo đó, việc trở thành thành viên đầy đủ của WTO sẽ tạo cơ hội đem lại nhiều dự án phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm, nhất là cho phụ nữ. Qua đó, giúp giảm nghèo và gia tăng sự thịnh vượng cho Áp-ga-ni-xtan, mang lại ổn định cho đất nước.

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Áp-ga-ni-xtan X.Pa-xa-li nói rằng, WTO đem lại nhiều cơ hội giúp Áp-ga-ni-xtan tiến hành cải cách trong lĩnh vực thương mại; có nhiều ý nghĩa đối với lĩnh vực kinh doanh và vận tải; tăng cường pháp luật, minh bạch và tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, gia nhập sân chơi thương mại toàn cầu còn giúp tăng cường vị thế quốc tế của Áp-ga-ni-xtan; giúp giải quyết bình đẳng các vấn đề liên quan tranh chấp thương mại với các nước cùng trong khuôn khổ WTO.

Năm 2004, Áp-ga-ni-xtan nộp đơn gia nhập WTO và quá trình đàm phán gia nhập tổ chức này đã kết thúc vào tháng 11-2015. Tại Hội nghị Bộ trưởng WTO diễn ra ở Nai-rô-bi (Kê-ni-a) tháng 12-2015, các Bộ trưởng WTO đã thông qua việc kết nạp Áp-ga-ni-xtan, kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế và việc làm ở đất nước thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới. Tham gia WTO, Áp-ga-ni-xtan được tiếp cận các thị trường mới, rộng lớn hơn và chuỗi cung ứng toàn cầu; thuế xuất, nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa sẽ giảm, đồng thời thị trường dịch vụ được mở cửa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lĩnh vực xuất khẩu với các sản phẩm nông nghiệp làm chủ đạo và ngành dệt may, thảm của Áp-ga-ni-xtan sẽ được hưởng lợi khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong hệ thống WTO được dỡ bỏ. Bên cạnh việc hỗ trợ bình ổn và phát triển kinh tế, thì ảnh hưởng lớn nhất của WTO là thúc đẩy cải cách cơ cấu và chống tham nhũng như Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã cam kết.

Hiện, rất khó nhận biết chính xác Áp-ga-ni-xtan sẽ được hưởng lợi ở mức độ nào khi tham gia đầy đủ sân chơi thương mại toàn cầu. Chuyên gia về Nam Á của Trung tâm Út-râu Uyn-xơn có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) M.Ku-gen-men chỉ rõ, yếu tố an ninh hết sức quan trọng và đây là nhân tố hàng đầu ngăn cản các nhà đầu tư đến Áp-ga-ni-xtan. Chắc chắn, giới đầu tư nước ngoài sẽ dè dặt và thận trọng khi bỏ tiền đầu tư ở một quốc gia đang đối mặt tình trạng chia rẽ về chính trị, bất ổn về an ninh và suy thoái về kinh tế, trong đó đáng báo động nhất là tình trạng bất ổn an ninh.

Liên Hợp Quốc cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay tại Áp-ga-ni-xtan đã có 1.601 dân thường chết và 3.565 người bị thương vì bạo lực, gấp bốn lần so cùng kỳ năm 2015 và là con số cao nhất kể từ năm 2009. Hiện, phiến quân Ta-li-ban tăng cường các cuộc tiến công trên cả nước, còn tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở miền đông nước này. Chiến tranh và bạo lực cũng phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng, đẩy nền kinh tế vốn yếu kém của Áp-ga-ni-xtan thêm bi đát, buộc hàng triệu người phải rời đất nước tha hương, tị nạn.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tăng trưởng kinh tế của Áp-ga-ni-xtan trong năm 2014 chỉ đạt 1,3%, thấp hơn nhiều so kết quả tăng trưởng GDP của nhiều năm trước đó và là con số quá thấp để cung ứng việc làm cho một nước có dân số tăng trưởng liên tục. Nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài của Áp-ga-ni-xtan suy giảm chủ yếu do nguồn viện trợ nước ngoài hao hụt, trong khi khả năng quản lý kinh tế của chính phủ còn nhiều yếu kém và bất cập. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng. Ước tính khoảng chín triệu người Áp-ga-ni-xtan sống dưới mức chuẩn nghèo, với thu nhập một USD/ngày; gần hai phần ba số người lớn bị mù chữ. Chưa hết, diện tích trồng cây thuốc phiện tại Áp-ga-ni-xtan trong năm 2014 tăng cao kỷ lục, làm gia tăng tình trạng tham nhũng và tội phạm.

Quan chức cấp cao của WTO nêu rõ, việc chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại có quy mô toàn cầu sẽ buộc Áp-ga-ni-xtan đóng góp tích cực vào quá trình bình ổn, cải cách kinh tế và phát triển bền vững mà Chính quyền Ca-bun đã cam kết. Tư cách thành viên WTO sẽ đóng góp tích cực vào quá trình loại trừ chủ nghĩa cực đoan, đem lại an ninh và hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan. Thực tế, những thách thức “khó nhằn” về an ninh và kinh tế là những rào cản lớn ngăn các nỗ lực tiến tới mục tiêu chiến lược về ổn định kinh tế và hòa bình đầy tham vọng của quốc gia Nam Á hơn 33,5 triệu dân này./.

Nguồn: NDĐT

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top