Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Cần trẻ hoá “cây” viết bình luận

16:39 01/03/2022 - Bình luận
Hầu như tờ báo in nào cũng có chuyên mục bình luận, với nhiều tên khác nhau: Thời sự & suy nghĩ, sự kiện & bình luận, thời cuộc – suy ngẫm, thời luận, cùng bàn luận... Bình luận là thể loại báo chí khó “chơi”, lực lượng viết cũng đang già hoá - đội ngũ trẻ chưa dám xung trận nhiều. Dẫn đến nhiều tờ báo chỉ có một vài người viết thường xuyên, đề tài cũng cạn dần, thiếu bài phải “ăn đong”.

Đội ngũ nhà báo trẻ rất cần được khuyến khích từ ban biên tập các cơ quan báo chí tham gia viết bình luận (ảnh: nhiều nhà báo tác nghiệp tại Hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN, họp ở Nha Trang, năm 2020)_Ảnh: Hải Luận

Tìm “ngòi nổ” của chủ đề

Mục bình luận được các báo đặt vị trí trang trọng ở trang nhất, đóng khung, in chữ đậm. Mỗi bài có dung lượng khoảng 600 – 1.000 từ, có thông tin dẫn chuyện, thông tin lý lẽ, được viết rất cô đọng, mang tính luận bàn, phân tích, lý giải sâu sắc, có tính định hướng dư luận cao.

Nhiều nhà báo suốt cả cuộc đời ngang dọc lấy thông tin, cũng chưa viết nổi bài bình luận. Phần do kiến thức nền của nhiều nhà báo chưa đạt đến “độ chín” để viết bình luận, cũng có phần do chính nhà báo còn tự ti chưa dám thử sức vào “vùng trời” bình luận. Phần do một số Tổng Biên tập chưa “kích hoạt” sự say mê và thử sức viết bình luận của đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ của toà soạn mình, họ quá quen sử dụng bài của “cây đa cây đề”.

Số lượng các ấn phẩm xuất bản nhiều, đề tài của “cây đa cây đề” bị cạn, dẫn đến kiểu viết rập khuôn, giọng văn khô cứng, đôi khi mang tính “dạy đời”, khiến chất lượng của thể loại bình luận có phần bị “đuối sức” trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của đất nước và thế giới.

Phải khẳng định rằng, bình luận rất khó viết. Bởi vì, luận điểm của bài với câu chữ ngắn gọn, cô đọng, lý luận chặt chẽ, kết tinh tư tưởng của người viết bằng cảm xúc dạt dào. Tác giả chọn sử dụng những chi tiết, ý sâu nhất của chủ đề bài viết, có giá trị tổng kết, triết lý mang tính thời sự nóng hổi của vấn đề nào đó đang diễn ra cuồn cuộn trong cuộc sống.

Nhiều người “sợ” không tìm ra chủ đề để viết, thực ra những bài bình luận chỉ “ngắt khúc” một sự việc nhỏ đang xảy ra ở một địa phương, đơn vị cụ thể được công chúng quan tâm, chứ không thể “ôm” hết mọi thứ vào trong bài bình luận. Làm bằng cách nào để nhà báo phát hiện được “còi nổ” (đề tài) tạo thành tứ viết mạnh lạc, đầy cảm xúc nhất? Điều đầu tiên, nhà báo phải muốn viết bình luận, từ đó họ mới thường hay chú ý, quan sát, lắng nghe... thu thập nhiều chi tiết, câu chuyện “lạ” hoặc hình ảnh ấn tượng mạnh có thể “bật” ra được chủ đề viết bình luận.

Năm 2008, tôi ngồi uống cà phê đọc báo buổi sáng, thấy Tổ chức Minh bạch thế giới trao giải thưởng Liêm chính cho bà Lê Hiền Đức, 77 tuổi, TP. Hà Nội. Quá cảm xúc chuyện một tổ chức nằm tận bên Tây trao giải thưởng cho người nông dân Việt Nam. Chỉ cần chi tiết này đã ra bài bình luận “Giải thưởng cho danh dự” khoảng 700 từ, đăng báo Pháp luật Việt Nam. Trong bài viết, tôi mở rộng vấn đề bàn luận về công cuộc phòng, chống tham nhũng và những giá trị danh dự của chính phủ, người dân nước ta với cộng đồng quốc tế.

Trường hợp khác, đọc báo thấy HĐND TP. Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại giữa các đại biểu với trẻ em. Ngay lập tức tôi viết bài bình luận “Đừng băng qua cuộc sống quá nhanh” (lấy câu nói của một trẻ em đặt tít bài), bàn về trách nhiệm của các gia đình, cơ quan, tổ chức, trường học... có trách nhiệm chăm sóc trẻ em như thế nào.

Qua hai dẫn chứng ở trên để thấy “thông tin chứng cứ” và “thông tin ngòi nổ” được phơi bày hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, nhìn thấy tại thực địa... nhà báo nắm lấy, tha hồ viết bình luận. Điểm mấu chốt, từ những sự kiện, tư liệu, bằng chứng, chi tiết,... có được “chuyển hoá” thành bài bình luận hay không? Đây mới là điều quan trọng nhất của mỗi nhà báo, hơn nhau ở chỗ này.

Bình luận - Sức nặng của báo chí

Chi tiết và câu chuyện đắt giá

Mở đầu bài bình luận, tác giả thường hay sử dụng thông tin dẫn chuyện, bằng sự kiện, hình ảnh, chi tiết, câu chuyện rất cụ thể. Từ đây, người viết đưa thêm số liệu, lập luận, bình luận bằng những lý lẽ chắc chắn. Hạn chế tối đa đưa vào bài quá nhiều số liệu báo cáo hoặc trích dẫn rối rắm, kí hiệu của nhiều loại văn bản. Dễ làm cho người đọc bị “chán”.

Bài bình luận “Đạo đức cán bộ cần “đặt” đúng chỗ” đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 15/1/2008, tôi dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó để làm bằng chứng và thông tin dẫn chuyện: “Tư cách đạo đức của một cán bộ cần “đặt” đúng chỗ. Vụ Đề án 112, đúng là có sơ hở trong giao quyền, nhưng còn cái tâm của cán bộ, đảng viên nữa chứ. In tài liệu 9 tỉ đồng mà lấy 3 tỉ đồng. Mua phần mềm 9 tỉ đồng cũng lấy 3 tỉ đồng”.

Trong bài tôi “cài” vào quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, để tăng thêm tính lập luận. Khi mà Đảng ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dùng lời dạy của Bác để bình luận về trách nhiệm của chính phủ, chính quyền địa phương trong quản lý cán bộ và thực thi công vụ.

Ngày nay, nhiều tờ báo có xu hướng viết bình luận ít sử dụng câu chữ mang tính “đao to búa lớn” và “dạy đời”. Tác giả tập trung “khoét sâu” vào những chi tiết, câu chuyện đắt giá, dễ lay động lòng người. Bài bình luận “Nước mắt người “liều mình”” đăng báo Tuổi Trẻ, ngày 3/10/2021, viết:“Chị Trần Thị Ngoan (31 tuổi, quê Cà Mau), công nhân ở một công ty tại Đức Hòa, tự nhận mình "liều mình" về quê. Chị cầm micro nói chuyện trực tiếp với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thế này: "Không phải tụi con không hiểu các chú. Tụi con cũng biết các chú lãnh đạo mệt lắm. Tụi con cũng biết "liều mình" ra đường như vầy là làm khó cho các chú và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng tụi con hết cách rồi mới phải làm vậy. Nhà con 4 người ở trọ, chồng con mới cách ly trở về. Con của con còn nhỏ lắm, mà con phải ẵm nó ra giữa đường. Nó lạnh lắm...".

Là người làm cha, làm mẹ, khi đọc đoạn trên rất thương cảm người công nhân kia, đang đại diện cho hàng nghìn lao động bị kiệt quệ tinh thần lẫn vật chất, phải sống lay lắt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Họ phải “liều mình” đi qua giữa đại dịch để về quê tìm cái ăn, bị mắc kẹt tại chốt kiểm dịch.

Viết bình luận khó, nhưng không phải “bó tay” với nhiều nhà báo trẻ. Bạn hãy thử sức mình, nhảy vào viết bình luận ngay đi, viết với tinh thần nhiệt huyết giống như thời điểm mới tập viết báo, đầy xông pha, không biết sợ. Viết nhiều sẽ quen và sẽ hay./.

Hải Luận

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top