Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Gìn giữ nét văn hóa "Là vải bằng đá" của người Mông bản Sin Suối Hồ

22:13 13/12/2021 - Văn hóa xã hội
Từ xa xưa, đá đã trở thành công cụ sản xuất, gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân, nhất là người dân miền núi đã sử dụng đá để đánh đuổi thú dữ, làm nhà, hàng rào... Đặc biệt, người Mông ở bản Sin Suối Hồ đã sử dụng những tảng đá to, nặng khoảng 10 - 40 kg để là vải lanh may những bộ trang phục truyền thống dân tộc. Đây là một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người Mông bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cần được gìn giữ.

Phụ nữ bản Sin Suối Hồ là vải bằng đá

Vải lanh là loại vải được người phụ nữ dân tộc Mông tự tay làm bằng phương pháp thủ công từ việc trồng cây lanh, se sợi và dệt thành những tấm vải để may các loại trang phục như áo, váy, túi xách…Tuy nhiên, vải lanh là loại vải rất dày, khả năng co giãn, đàn hồi ít, thô ráp, do đó để có được tấm vải mềm, mịn thì người dân đã phải dùng đá để là. Bởi chỉ có là bằng đá, tấm vải lanh mới thẳng, mịn bóng, trơn nhẵn. Khi vải đã được là thì các chi tiết, biểu tượng hoa lá, con vật bằng sáp ong mới nổi bật, rõ nét hơn trên nền vải. 

Để là được vải lanh thì cần một thân gỗ tròn, nhẵn và 1 tảng đá chắc, nguyên khối. Một tảng đá tốt sau khi vận chuyển từ suối về, người dân phải bào lại bằng giấy giáp hoặc dùng loại đá khác mài bề mặt cho nhẵn, bóng mới đưa vào sử dụng. Nếu không khi là sẽ giắt, rách vải. Tùy theo mỗi cách là, nếu như là bằng chân người dân chỉ cần tảng đá nặng khoảng 10 kg, thì là bằng tay cần tảng đá nặng khoảng 20 - 40 kg. Vì nếu chọn tảng đá nặng quá khó vận chuyển, khi là không có sức đẩy, còn tảng đá nhỏ thì không đủ tiêu chuẩn là vải. Là vải là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện một tấm vải trước khi bước vào thêu hoa văn, do đó ở Sin Suối Hồ, gia đình nào có đá sẵn thì làm, nếu không mấy gia đình cùng dùng chung một tảng đá. Đây cũng là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà người dân Sin Suối Hồ duy trì qua bao thế hệ, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng của bản làng vùng biên. Một tảng đá là vải có thể dùng từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí có tảng đá đã được giữ gìn đến nay đã sang đời thứ 3, 4. Trung bình một bộ trang phục truyền thống nơi đây có giá từ 2 - 3 triệu. Giá trị của mỗi tấm vải lanh thường dựa vào việc đã trải qua những công đoạn nào như vải trắng, nhuộm tràm hay vải đã được là...

Người Mông bản Sin Suối Hồ thường mặc trang phục truyền thống do chính bàn tay khéo léo của mình làm ra

Là vải bằng đá là việc làm tốn nhiều công sức, cầu kì, đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại, do đó trong quá trình lao động, người phụ nữ có thể dùng đôi tay hoặc đôi bàn chân điều khiển tảng đá lăn dọc theo từng tấm vải. Tuy nhiên để có thể điều khiển được tảng đá nặng hàng chục kg bằng đôi chân theo ý muốn không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy bí quyết, kinh nghiệm khi là vải phải đặt cả 2 chân lên tảng đá sao cho thật thăng bằng. Sau đó từ từ di chuyển chân trái, chân phải sang 2 đầu tảng đá cho cân và giữ thăng bằng rồi cứ thế dùng chân lăn qua lăn lại. Khi cảm nhận mặt vải bóng lên, họ tiếp tục xê dịch cuộn vải và làm việc cho đến khi hoàn tất. Những người phụ nữ bản Sin Suối Hồ đã quen với việc trồng lanh, dệt vải, nhuộm tràm từ nhỏ nên việc là vải bằng đá đối với họ cũng không quá khó khăn. Chị Chang Thị Pàng tâm sự: Từ nhỏ tôi đã được mẹ chỉ dạy cho cách se lanh, dệt vải, là vải bằng đá. Thời gian rảnh rỗi trong 2 tiếng đồng hồ tôi có thể là xong được tấm vải lanh dài 3, 4 sải tay. Công việc này phụ nữ trong bản ai cũng thuần thục...

Theo anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ thì sự thay đổi nhịp điệu, trọng lượng ở mỗi người phụ nữ khi là vải sẽ ảnh hưởng lớn đến độ bền, đẹp, nhẵn, bóng, thẳng của tấm vải. Do đó mỗi tấm vải lanh thường chỉ một người phụ nữ làm. Khi là vải không ai đổi công cho nhau, ai đã đảm nhiệm công việc này rồi thì làm đến khi nào xong mới thôi. 

Là vải bằng đá trở thành nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông bản Sin Suối Hồ, đến với bản làng nơi đây, du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian văn hoá của đồng bào mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật là vải bằng đá, tự tay lựa chọn mua những bộ trang phục váy, áo, đồ lưu niệm do chính người dân làm ra để làm quà cho người thân. 

Lê Hà - Phạm Hoài

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top