Giáo sư Mindy McAdams: Mạng xã hội không phải là báo chí

17:33 30/06/2016 - Bình luận
Đó là khẳng định của Giáo sư Mindy McAdams – giảng viên Khoa Báo chí – Đại học Florida (Mỹ) trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề khóa học “kỹ năng cho báo mạng điện tử” tại TP.HCM do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức từ ngày 22 đến 26-7-2013. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn này.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về sự chuyển đổi toàn cầu từ truyền thông in ấn sang truyền thông trực tuyến?

GS. Mindy McAdams: Sự chuyển đổi từ báo in sang báo chí trực tuyến đã tạo ra một số tác động mang tính toàn cầu. Thứ nhất, công chúng hiện nay có khả năng lấy thông tin từ bất cứ quốc gia nào hay bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Thứ hai, tác động đến lĩnh vực kinh tế. Công chúng không lấy thông tin từ một tờ báo họ đặt mua, mà có thể lấy tin từ rất nhiều trang tin khác nhau. Doanh nghiệp hiện nay mua quảng cáo trên những website có lượng người truy cập lớn, hoặc những trang web dành cho  nhóm người sử dụng đặc biệt, ví dụ trang web chỉ dành cho giới trẻ từ 18-25 tuổi. Điều này khiến quảng cáo trên báo in sụt giảm, sự chuyển đổi này là tất yếu.

PV: Trong môi trường hội tụ truyền thông hiện nay, làm thế nào để xây dựng được một tờ báo mạng điện tử hiệu quả?

GS. Mindy McAdams: Tôi nghĩ rằng, ý tưởng về “một tờ báo” sẽ làm tổn thương nhà báo. Vì hiện nay không còn có báo chí nữa mà chỉ còn truyền thông. Không còn một ấn phẩm với rất nhiều bài báo và các nội dung khác trên đó. Công chúng bấm chuột vào các đường liên kết để đọc một bài báo. Họ chủ động tìm kiếm các chủ đề và chọn đọc đường liên kết, hay chia sẻ với bạn bè. Vì vậy, nếu chỉ nghĩ đến việc làm báo, sẽ không thành công. Theo tôi, nên chuyển hướng sang tư duy về một sản phẩm tin tức dạng báo chí và thông tin, hoặc các trang web được lập ra theo nhu cầu của một nhóm nhỏ công chúng. Nhóm này được hợp thành từ những người có chung nhu cầu hay sở thích. Những người muốn xem kết quả thể thao cập nhật nhất hay những người muốn giết thời gian bằng cách đọc những thông tin nhẹ nhàng, hài hước. Công chúng có thể phân nhóm theo sở thích, ví dụ nấu ăn, đọc sách hay du lịch. Khi công chúng có thể vào xem cả trăm nghìn trang web, rất khó kêu gọi họ vào xem một trang có nhiều chủ để rộng dành cho đại chúng. Vì vậy, một giải pháp là các cơ quan báo chí phải tổ chức lại thông tin sao cho dễ tìm kiếm với chủ đề hẹp, và thường xuyên cập nhật nội dung mới có liên quan đến chủ đề đó.

PV: Hiện nay, hầu hết các toàn soạn báo đều là tòa soạn đa phương tiện, quan điểm của giáo sư về việc đăng tin trên báo mạng trước báo in?

GS. Mindy McAdams: “Đăng trên web trước” hay “đăng trên các phương tiện kỹ thuật số trước” là một cách làm mới của nhiều tòa soạn trên thế giới. Trước đây, nhiều biên tập viên cho rằng, nên đăng báo in trước, sau đó mới đăng trên báo mạng điện tử. Dần dần, các biên tập viên xuất bản đồng thời trên báo in và báo mạng. Nhưng, hiện nay những tin mới nhất lại được đăng trên báo mạng trước càng sớm càng tốt, thậm chí cả vài giờ trước khi viết tin đó cho báo giấy. Trang báo điện tử được cập nhật nhiều lần trong ngày từ sáng sớm tới đêm khuya. “Đăng trên web trước” cũng cần được hiểu là phải viết thật ngắn gọn, để truyền tin qua điện thoại di động và đăng lên trang web, sau đó bản tin dài hơn với nhiều chi tiết hơn sẽ được xuất bản trên báo giấy. Lý do của cách làm này là vì công chúng sử dụng điện thoại di động để đọc tin mới nhất, nếu điện thoại của họ có thể truy cập Internet. Họ không muốn đọc bài báo đã được viết từ hôm qua.

 

PV: Mạng Internet và thiết bị di động là nơi độc giả nhắm tới để lấy tin tức và thông tin, giáo sư có thể phân tích kỹ hơn mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông xã hội và thông tin quan trọng?

GS. Mindy McAdams: Nhà báo luôn nghĩ rằng, thông tin họ xuất bản ra sẽ trở nên “quan trọng”. Nhưng sự thật là nhiều thông tin rất quan trọng không xuất hiện trên các tờ báo. Những thông tin quan trọng ví dụ những kết quả nghiên cứu khoa học, y học, không được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong suốt thời gian dài. Những thông tin nhạy cảm liên quan đến cơ quan công quyền cũng vậy, rất quan trọng nhưng ít khi được công bố cho người dân biết. Vì vậy, phần trùng nhau giữa thông tin quan trọng và thông tin được đăng báo là rất nhỏ. Ngược lại, nhiều thông tin đăng trên báo không hề quan trọng, ví dụ tin về giới giải trí, thể thao v.v… Sau khi hiểu rõ phần giao nhau giữa hai hình tròn “báo chí” và “thông tin quan trọng”, chúng ta sẽ dễ hiểu hơn về phần giao nhau với hình tròn “mạng xã hội”. Hầu hết thông tin trên mạng xã hội không quan trọng, vì chỉ là tiếng nói của từng cá nhân. Mạng xã hội không phải là báo chí, nhưng vẫn có phần giao nhau giữa mạng xã hội và báo chí. Đôi khi công chúng thông báo những tin đặc biệt quan trọng trên mạng xã hội, thậm chí những tin này không phải là “tin thực sự”. Đây là phần giao nhau giữa ba đường tròn. Vì vậy, hầu hết thông tin trên đó là rác, nhưng vẫn có nhiều tin vô cùng quan trọng, mà nhà báo cần phải quan tâm.

PV: Hình ảnh hóa dữ liệu là cách kể chuyện tuyệt vời nhất đối với báo mạng điện tử hiện nay, giáo sư phân tích rõ hơn sự khác biệt giữa báo chí dữ liệu và đồ họa dữ liệu?

GS. Mindy McAdams: Có ba thuật ngữ thường bị nhầm lẫn với nhau: đó là báo chí dữ liệu (data journalism), trực quan hóa dữ liệu (data visualizations) và đồ họa thông tin (infographics). Báo chí dữ liệu là sử dụng dữ liệu để phát hiện ra những thông tin quan trọng để viết báo, ví dụ từ cơ sở dữ liệu nhà báo phát hiện ra tỷ lệ tăng học phí của các trường đại học Mỹ lớn hơn tỷ lệ tăng giá nhiên liệu, bất động sản và hàng tiêu dùng. Nhà báo chỉ có thể tìm ra sự thật này sau khi thu thập được bộ cơ sở dữ liệu qua nhiều năm liên tục. Nhà báo có thể lấy nguồn dữ liệu này từ các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế, ví dụ từ Ngân hàng Thế giới. Nhà báo ở nhiều nước phát triển đang học cách sử dụng các phần mềm thống kê để phân tích cơ sở dữ liệu và viết báo. Đôi khi nhà báo thực hiện thao tác trực quan hóa số liệu để phát hiện những xu hướng hoặc những điểm còn nghi vấn trong bộ cơ sở dữ liệu. Đôi lúc nhà báo hiện thực hóa số liệu bằng cách thêm vào những chức năng tương tác để có thể đưa lên mạng, người xem có thể tự khám phá hình minh họa số liệu khi họ tương tác. Đôi khi nhà báo chỉ trực quan hóa một phần số liệu trong quá trình phân tích, và có thể không xuất bản phần hình ảnh trực quan đó vì nó quá khó hiểu đối với bạn đọc nói chung. Đồ họa thông tin cũng là một từ dùng để mô tả các hình ảnh trực quan của số liệu, nhưng có ý nghĩa rộng hơn. Mọi hình đồ họa tuy đơn giản vẫn được gọi là đồ họa thông tin, nó có ít dung lượng thông tin và dữ liệu hơn “báo chí dữ liệu” và “trực quan hóa dữ liệu”. Một hình họa về chuyến đi của một con tàu hoặc máy bay được coi là đồ họa thông tin nhưng lại không phải là “trực quan hóa dữ liệu”.

PV: Theo Giáo sư, để phát triển các kỹ năng cho báo mạng điện tử, nhà báo cần phải trang bị những kiến thức gì để đáp ứng với môi trường truyền thông hiện nay?

GS. Mindy McAdams: Có 7 nhóm kỹ năng đặc trưng mà người làm báo mạng điện tử cần phải có là: Thu hút sự hợp tác và tham gia của công chúng; Tổng hợp và chắt lọc; Phân tích và trình bày dữ liệu; Sử dụng ảnh và video; Sử dụng mạng xã hội; Biết cách tạo ra các ứng dụng (apps) và các sản phẩm kỹ thuật số khác; Nghiên cứu công chúng. Trong đó, nhà báo phải biết sử dụng các nguồn thông tin có sẵn trên Internet để giúp bạn đọc hiểu vấn đề, xu hướng và thay đổi nội dung các bài báo theo hướng làm cho nội dung phong phú hơn. Ngoài ra, việc nghiên cứu công chúng của báo mạng điện tử không chỉ là lượng người truy cập, mà còn phải tìm hiểu xem mỗi lần độc giả dừng lại trang đó trong thời gian bao nhiêu lâu? Họ mở xem bao nhiêu trang? Bao lâu họ lại vào trang báo một lần? Họ đọc vào ngày nào trong tuần? Giờ nào trong ngày? Họ vào trang web này thông qua trang mạng gì? Tất cả những thông tin đó có thể tìm thấy trong phần lưu trữ của máy chủ đặt trang web. Những thông tin này cần phải được thường xuyên phân tích để nâng cấp cải tiến trang báo mạng điện tử được tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

TS. Thành Lợi và ThS. Lê Thu (Thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top