Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm

21:01 16/10/2023 - Pháp luật
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ thống nhất với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm.

Chính phủ thống nhất với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm.

Theo đó, Chính phủ đã hoàn thiện tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Theo tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ đề xuất sửa đổi số năm tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hằng tháng.

Cụ thể, Điều 64 của dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Theo Chính phủ, quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì họ phải nhận BHXH một lần.

Thực tế 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, hơn 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm tham gia BHXH bắt buộc.

Trong số này, có trên 20.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian tham gia phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương. Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu.

Theo cơ quan soạn thảo, với đề xuất nêu trên, mức lương hưu của những người này có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhận BHXH một lần, nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn, nhưng họ có mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH đóng BHYT. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ, quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu theo Điều 64 mà không áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu quy định tại Điều 65 (trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định).

Đối với các trường hợp nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Như vậy, nếu áp dụng quy định trên với các trường hợp nghỉ hưu sớm sẽ dẫn đến tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu quá thấp. Bởi thời gian đóng ngắn, bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi, người dân hưởng mức lương hưu quá thấp sẽ không có nhiều ý nghĩa.

Cụ thể, lao động nam có 15 năm đóng BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%, nếu nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi mà bị trừ 10% thì tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.

Gia Linh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top